Hai cô cháu nhà Trưng lại đưa nhau tới bờ bể Thập Phân để nghỉ mát. Giữa lúc đang vui vẻ khoan khoái bỗng từ đám đông xông ra một bọn vô lại du ôn, bế xốc lấy hông người thiếu phụ, chạy đi như bay. Người thiếu phụ giả đò kêu la cầu cứu.
Cũng có người động lòng nghĩa hiệp muốn giải cứu, bên cạnh có kẻ biết bọn du đãng nọ chính là những em út của Trưng bối lặc thì vội bảo: - Ấy chớ! Bọn chúng là tay chân của Trưng bối lặc đó? Nhảy vào để chết à? Người nọ nghe nói tới Trưng bối lặc, hoảng hồn bay vía, đứng dẹp qua một bên, không dám nhúc nhích nữa, chỉ còn biết nhìn theo bọn du côn nọ xốc nách người thiếu phụ mỗi lúc một xa dần. Trong kinh thành, thiên hạ đồn rầm lên: Trưng bối lặc bắt cóc đàn bà con gái nhà tử tế.
Nếu ở một chỗ khác thì tin đồn này hẳn có một hậu quả trầm trọng.
Nhưng tại cái bãi bể đầy rẫy trai gái này, thì chẳng ai thấy lạ cả.
Thực ra, chính do hai người đã bày ra trò này để có cớ tình tự với nhau trong căn nhà nọ, chẳng sợ ai dị nghị dòm ngó.
Hoạ chỉ có đức ông chồng của người thiếu phụ đa tình kia là âu sầu mà thôi. Anh chồng nọ sầu khổ quá chẳng thèm làm quan nữa, suốt ngày khóc sướt mướt chạy cùng khắp kinh thành để tìm vợ. Suốt ngày ông bù đầu xoã tóc, xé áo, khóc lóc kêu xin, rồi chạy hết phố này qua đường nọ, gặp ai cũng bảo Trưng bối lặc cướp vợ mình. Chuyện dần dần đến tai Đô lão gia.
Ông sai người đưa Lan thái gia vào y viên chữa trị, một mặt dâng sớ lên đàn hặc Trưng bối lặc. Thân phụ của Trưng bối lặc là Cung Thân vương Dịch Cân lúc này đang ở trong cung giúp Hàm Phong hoàng đế giải quyết mọi việc quốc gia trọng đại.
Khi tờ sớ vào tới cung, hoàng đế đọc thấy, chẳng nói chẳng rằng, chỉ trao lại cho Cung Thân vương. Cung Thân vương xem tờ sớ tố cáo chính con trai mình bắt cóc và gian dâm cô ruột, hoảng hồn, bạt vía, mặt tái xanh vội ném cả thân hình quỳ mọp xuống đất và dập đầu lia lịa. Hàm Phong hoàng đế nói: - Chú nên về nhà xem sự thể ra sao. Cung Thân vương cầm bản tấu chương, vội ra khỏi cung đến thẳng nhà Trưng bối lặc.
Hỏi ra mới hay Trưng bỏ nhà đi chơi đã lâu ngày chưa về, vương biết chuyện này có thật rồi, bèn cho gọi hết bọn tôi tớ trong nhà, căn vặn từng đứa một.
Một vài đứa không chịu nổi hình phạt, đã cung khai ra chuyện Trưng bối lặc mướn phòng chứa gái ở khu phố cửa nam.
Cung thân vương nghe xong, vội về phủ, đem theo bọn gia nhân sai dịch đến đó, đập cửa xông vào.
Quả nhiên tóm cổ được cả chàng và nàng đang du dương trên giường.
Cung Thân vương nhận ra người thiếu phụ nọ đúng thật là con em họ mình, tức đến hộc máu, râu ria dựng ngược lên tua tủa như đinh.
Vương giơ thẳng cánh tát đôm đốp vào mặt ông con mất dạy rồi quát giải về giao cho Tôn nhân phủ.
Xong đâu đấy, vương mới vào cung, trước hết tự nhận tội mình, rồi sau tâu hết mọi việc cưỡng chiếm cô họ của ông con trời đánh! Hàm Phong hoàng đế nghe tâu nối giận liền hạ dụ cách tuột chức tước của Trưng bối lặc, giao cho Tôn nhân phủ tống vào hình lao.
Còn người thiếu phụ nọ, cũng giao cho Tôn nhân phủ đánh ba trăm hèo vào lưng, giam cầm ba năm, tới khi mãn hạn sẽ trao trả cho người chồng quản thúc. Mãi về sau, khi bà phúc tấn, vợ Cung Thân vương mất, Trưng bối lặc nhờ người đến kêu với Hiếu Trinh hoàng hậu tha cho về nhà tống tang ma chay cho mẹ.
Không ngờ sau khi được về nhà, Trưng bối lặc lại còn hoành hành vô pháp hơn xưa.
Trong phủ của Trưng từ con a đầu, đến mụ vú trẻ, tất thảy đều bị Trưng cưỡng hiếp.
Nhưng vì Trưng có tiền nên bọn này không tố cáo kêu ca gì, mà còn có vẻ bằng lòng lắm. Trong phủ có một tên đẩy xe tên gọi Triệu Tam Hỉ.
Hỉ có một con vợ cũng ở ngay trong phủ.
Người trong phủ ai cũng gọi chị ta là Hỉ đại tẩu.
Thị tính lẳng lơ, ai cũng bắt chuyện, gạ gẫm được.
Trong phủ từ người trên kẻ dưới tất cả đều biết qua chị hết.
Trưng bối lặc cũng biết luôn, rồi mắc bệnh. Hết hè sang thu, bệnh của Trưng càng nặng thêm.
Mấy ông lang đều lắc đầu, khoanh tay ngồi nhìn.
Trưng lúc này cũng tự biết mình hỏng rồi, cho người đi mời cha tới để được nhìn một lần chót. Cung Thân vương nghe nói con mình bệnh sắp chết, không buồn chút nào, trái lại rất lấy làm vui vẻ, cầu mong cho Trưng chết lẹ.
Đến khi Trưng cho người mời, vương nhất quyết không tới. Câu chuyện này chẳng hiểu do đâu mà Hiếu Trình hoàng hậu lại biết được.
Bà bảo Cung thân vương nên đến thăm con một lần chót, gọi là thương kẻ tử biệt.
Nể Hiếu Trinh hoàng hậu, vương lúc đó mới đi.
Khi tới nhà, vương thấy Trưng nằm giữa giường như con mèo ốm, chỉ còn thoi thóp thở.
Vương lấy tay bịt mũi bước hẳn vào phòng xem, thấy Trưng mình mặc một cái quần đen dùng chỉ trắng thêu đến hàng trăm con bươm bướm.
Nhìn thấy vậy, vương văng tục ra chửi, rồi nhiếc: "Cho mày chết! Khốn nạn cái thân mày, biết chưa con!" Nhiếc chửi một lúc, vương quay mình bước ra khỏi phòng, về luôn.
Lát sau, Trưng trợn trừng mắt lên, chết tốt.
Ai cũng nói Trưng tự mình tác nghiệt thì chịu lấy.
Có nhân có quả, chẳng ai thương. Trong lúc ở Bắc Kinh xảy ra việc nhố nhăng này thì ở Quảng Đông, liên quân Anh Pháp hên tục gây chuyện rắc rối. Nhân cơ hội này, quân tóc dài Thái Bình Thiên Quốc tiến chiếm Thái Bình.
Vu Hồ, Tri Châu, An Khánh suốt một giải châu quận dọc sông Tràng Giang.
Từ Nam Kinh, Lý Trung vương cũng đem quân đánh thốc tới Hàng Châu. Hàm Phong hoàng đế lúc đầu còn hăng hái lo, giải quyết những việc quân quốc đại sự, nhưng về sau thấy mọi sự càng ngày càng nát, càng hỏng, ngài đâm ra chán nản, chẳng thèm ra chầu nữa.
Ngài vùi đầu trong đống yếm khăn của bọn phi tần cung nữ để giải khuây. Hàm Phong hoàng đế rất thích bọn gái non miền Nam.
Bọn gái Mãn Châu trong cung thô kệch ngài nhìn chúng hằng ngày thấy chán quá, lại bảo nhỏ Thôi tổng quản lẻn ra ngoài lùng gái Giang Nam đem về cho ngài.
Trong vườn Viên Minh, tuy còn có Băng Hoa nhưng chơi lâu ngài đã chán rồi. Chẳng bao lâu Thôi đưa về một lúc đến bốn cô toàn là loại tuyệt sắc miền Giang Nam để ở tại vườn Viên Minh cho ngài hú hí ngày đêm.
Hoàng đế ban cho bốn người đẹp của ngài bốn cái tên hết sức thơ mộng.
Một cô tên Hạnh Hoa Xuân, một cô tên Đà La Xuân, một cô tên Hải Đường Xuân, còn cô thứ tư tên Mẫu Đơn Xuân. Bốn cô Xuân này chia ở bốn nơi trong vườn.
Hạnh Hoa Xuân ở Hạnh Hoa thôn quán, Đà La Xuân ở Võ Lâm xuân sắc, Hải Đường Xuân ở Thiên Nhiên đồ hoạch lâu.
Mẫu Đơn Xuân ở tại ương Kính minh cầm thất.
Những nơi dành cho bốn cô danh hoa khuynh quốc này đều hết sức u nhã thanh tịnh. Từ khi có người đẹp Giang Nam sắc nước hương trời, Hàm Phong hoàng đế quên hết cả giang sơn đất nước, thậm chí quên luôn cả đoàn quân tóc dài đang làm mưa làm gió ở phương nam.
Ngài luân phiên lâm hạnh hết cô này đến cô khác trong số bốn người đẹp, vô cùng khoái lạc. Trong bốn cô thì Mẫu Đơn Xuân có sắc đẹp và tình tứ hơn cả.
Nàng người Tô Châu miền Sơn Đường thương.
Nàng vốn con gái của một gia đình tầm thường, nhà ở ngay trên yếu đạo qua lại Hổ Khẩu.
Bọn phú thương hằng ngày xe ngựa dập dìu qua cửa nhà nàng như nước chảy. Mẫu Đơn Xuân có nhiều thì giờ nhàn rảnh lại thích đứng ngoài cổng chơi.
Hồi đó, có một anh chàng buôn muối người Dương Châu giàu có, theo chân bạn hàng qua Hổ Khẩu, thấy nàng đẹp quá, lập tức tới nhà xin bỏ ra một ngàn quan tiền để mua nàng về làm vợ bé. Người mẹ của Mẫu Đơn Xuân nghe nói tới một số tiền lớn liền bằng lòng ngay, nhưng nàng khăng khăng không chịu. Họ Quách nhờ người đến nói năm lần bảy lượt mới được nàng cho biết, nếu thực tâm yêu nàng thì phải chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tơ hồng lạy trời, tế đất thề nguyền làm vợ chồng nàng mới chịu lấy. Anh chàng họ Quách mê nàng như điếu đổ, không dám trái ý nàng điều gì bèn ưng chịu ngay và chọn đúng ngày mười hai tháng tam là đem người đẹp về nhà. Nào ngờ đầu tháng bảy, quân Thái Bình Thiên quốc của Hồng Tú Toàn tiến đánh thành Dương Châu.
Quách trốn chạy về Tô Châu đem luôn cả hai mẹ con Mẫu Đơn Xuân lên Bắc Kinh.
Dọc đường nàng cố tránh không cho Quách ngủ chung cùng phòng với mình. Khi nàng vừa đặt chân tới Bắc Kinh thì Thôi tổng quản đã bủa cả một cái lưới săn người đẹp từ Dương Châu tới. Thôi được tin nhà họ Quách có gái đẹp, tới ngay điều đình, nguyện đưa sáu ngàn lạng bạc đổi lấy Mẫu Đon Xuân để đem vào cung.
Đồng thời còn cho Quách một chức quan ngũ phẩm trong kinh. Mẫu Đơn Xuân nghe nói chuyện vào cung thì không bằng lòng chút nào.
Nhưng tên Quách nọ tham công danh tiền tài, lừa nàng đưa tắp vào vườn Viên Minh. Mẫu Đơn Xuân ở trong vườn tại riêng một khu có phong cảnh cực kỳ xinh đẹp.
Cây cối xum xuê, nước chảy róc rách nghe như tiếng đờn cầm lơ lửng ngân trong đêm vắng.
Đường đi lối lại quanh co.
Hoa nở tươi như trăm ngàn đôi môi cô thiếu nữ chờ đón buổi xuân sang. Vừa bước chân tới đây, nàng đã thấy có hai người đàn bà mặc Kỳ tràng chạy ra đón và dắt vào một khu nhà rộng lớn.
Trong một căn phòng trang trí vô cùng lịch sự nàng thấy một người đàn ông mặt to tai lớn ngồi trên giường.
Sau lưng người đàn ông này có một số đông đàn bà mặc Kỳ trang đứng hầu.
Người đàn ông bận quần áo vàng.
Nhiều người đàn ông khác mặc áo bào đều gọi người ngồi trên giường là Phật gia. Mẫu Đơn Xuân bước vào nhà thì đã có một mụ vú già tiến đến đưa nàng tới chiếc giường làm lễ yết kiến và bảo cho nàng biết người đàn ông ngồi trên giường chính là đương kim hoàng đế. Mẫu Đơn Xuân đến lúc này chẳng còn biết tính cách nào hơn, đành phải ưng chịu.
Hoàng đế thấy nàng quả là một trang tuyệt sắc giai nhân, ngay từ lúc đầu đã đem lòng sủng ái hơn ai hết. Đồng thời với Mẫu Đơn Xuân, còn có năm, sáu cô gái Hán khác nữa cũng được đưa vào cung.
Trong số này có một người Dương Châu, tuổi vừa mười lăm, và cũng rất đẹp.
Vào cung chưa được mấy ngày, người đẹp Dương Châu cảm thấy buồn chán, kêu la xin cho ra khỏi cung.
Mẫu Đơn Xuân khuyên nàng nên nhẫn nại chờ đợi ít lâu, nhưng nàng không nghe cứ xin xỏ hoài.
Một đêm, giữa lúc canh khuya vắng lặng, nàng trốn ra ngoài vườn, bị bọn thị vệ tuần canh bắt được, lại đưa trở về cung. Hàm Phong hoàng đế biết chuyện, nổi giận lôi đình, lập tức sai mục quản sự kéo nàng ra ngoài, dùng giải lụa trắng thắt cổ chết.
Bọn con gái Giang Nam từ đó sợ quá, không cô nào dám có ý trốn tránh nữa, đành phó thác tấm thân cho định mệnh. Người đẹp thứ nhì, là Hải Đường Xuân.
Nàng vốn là một con hát ở vùng Đại Đồng, tiểu danh là Ngọc Hỷ.
Nàng thường hay tới hát tại các rạp tỉnh Thiên Tân.
Tiếng hát của nàng trong trẻo mê ly, mặt mày nàng lại càng quyến rũ hơn, khiến bất cứ ai mới thấy nàng là đã mê rồi.
Nàng lại còn biết gẩy đờn cầm, thổi sáo.
Bọn vương tôn, công tử nhiều anh mê nàng, bỏ không biết bao nhiêu tiền cho nàng xài, nhưng không anh nào có hân hạnh được nàng để mắt xanh tới. Bên cạnh những quan hệ vương giả ấy, nàng còn có một mối tình nghèo.
Một anh chàng thư sinh nghèo xơ xác tên gọi Kim Chung Thiềm say mê sắc đẹp của Ngọc Hỷ quá, đến nỗi không ngày nào không mò vào rạp hát để ngắm dung nhan, nghe giọng hát của người đẹp.
Mỗi lần đi xem hát là mỗi lần anh ta phải tìm chỗ ngồi ở hàng ghế sát sân khấu.
Ngay cả những ngày mưa gió bão bùng, Thiềm ta cũng cố xem hát cho bằng được, không bỏ vắng một đêm nào.
Chỉ khi gánh hát không trình diễn mới chịu nằm co ở nhà mà rầu rĩ nhớ nhung. Anh chàng Thiềm si tình này cũng khá.
Chàng có cặp mắt đẹp, đôi lông mày thanh, bộ mặt xinh trai, thuộc loại đàn ông có vẻ ngoài hấp dẫn. Đêm đêm, Ngọc Hỷ trình diễn trên sân khấu, thường thấy phía dưới cớ anh chàng si mê mình quá, cũng lấy làm lạ.
Lúc đầu nàng chẳng để ý, nhưng lâu ngày nàng cũng thấy lòng mình vương vấn. Mùa hè sang thời tiết oi bức.
Bọn vương tôn công tử sợ nóng, không tới xem.
Nhiều ghế khán giả bỏ trống ở phía trước. Nhưng anh chàng Thiềm si tình nọ vẫn trung thành tuyệt đối với gánh hát.
Mở màn ra trình diễn, Ngọc Hỷ lại đã thấy Thiềm ngồi đó nhìn mình không chớp mắt rồi. Anh chàng Thiềm mồ hôi trán chảy ra như tưới, mà vẫn ngồi, cung kính lịch sự nghe hát.
Chàng sợ người đẹp chê mình là thiếu nhã nhặn, đến nỗi ngay cái quạt cũng không dám đem theo để phe phẩy cho đỡ nóng. Ngọc Hỷ biết thế, bất giác cảm động.
Nàng hát trên sân khấu cũng có phần hào hứng hơn nhiều, làm Thiêm càng thấy mê ly quyến rũ hơn. Ngọc Hỷ trình diễn xong vai mình, cởi bỏ hết áo tuồng, lẻn ra trước sân khấu, ngồi cạnh anh chàng Thiềm nọ. Kim Cung Thiềm không ngờ mấy năm nay cái lòng yêu chân thành của mình lại được người đẹp hiểu cho và đáp ứng lại chàng sung sướng ngoài sức tưởng tượng.
Nhưng Thiềm vốn là một anh chàng học trò thuộc loại mọt sách, hết sức ngốc nghếch về đường tình ái.
Vừa thấy người đẹp tới cạnh mình, đã xấu hổ mặt đỏ tía tai, không biết ăn nói thế nào với người đẹp.
Cuối cùng lại cũng phải Ngọc Hỷ gợi chuyện trước rồi Thiềm ấp úng một lúc lâu mới trả lời nổi. Ngọc Hỷ hỏi Thiềm tên họ, hết chuyện này sang chuyện kia, đến cả cảm nghĩ của khán giả đối với diễn viên như nàng trong gánh hát.
Câu chuyện về sau đã thấy hào hứng.
Thiềm mất hẳn được cái nhút nhát e lệ lúc ban đầu. Khán giả trong rạp thấy thế, không xem hát nữa mà hầu hết đổ dồn mắt vào cặp nhân tình đang trò chuyện thân mật trước sân khấu.
Họ tấm tắc khen ngợi Thiềm, cho Thiềm là người được diễm phúc hiếm có ở đời. Kim Cung Thiềm thấy người ta đổ dồn mắt về mình càng mắc cỡ, miệng ấp úng nói không ra lời.
Mặt chàng càng đỏ tía, tai chàng càng tía.
Chàng là một tay văn chương, nhưng đứng trước người đẹp, chàng thấy chữ nghĩa bay biến đằng nào hết.
Lúc này chàng mới biết cái sức mạnh khủng kiếp của đàn bà, của môi son má phấn! Ngược lại, Ngọc Hỷ thấy chàng càng ấp úng, càng mắc cỡ, càng đỏ mặt tía tai, lại càng yêu chàng, yêu với cả tấm lòng chân thực của mình.
Nàng thì thầm bên tai chàng cho biết nhà nàng ở đường nào, rồi nhoẻn miệng cười vô cùng tình tứ và nhẹ bước quay đi. Kim Cung Thiềm phải đợi một lúc lâu sau khi Ngọc Hỷ đi rồi, mới gọi được hồn, thu được phách trở về.
Nhớ lại lời nàng thì thầm, chàng muốn đi ngay tới địa chỉ của nàng, nhưng chàng sực nhớ đến cái túi tiền. Vốn là một anh học trò kiết xác, nhân dịp vào kinh đi thi, chàng góp nhặt mãi mới được chút ít, không có nhiều để ăn xài như đám công tử vương tôn.
Thấy người đẹp, chàng mê, chàng bỏ tiền ra mua vé xem hát.
Mua quá nhiều, tiền đã cạn sạch.
Người đẹp hẹn chàng, nhưng biết lấy gì để đưa đón người đẹp buổi sơ giao? Lúc này chàng không còn gì nữa, chỉ còn một tấm lòng yêu chân thành mà thôi. Anh nhìn tới cái hầu bao mà lòng như dao cắt, trí như muốn cuồng, con tim đánh lên những hồi trống trận khủng khiếp trong lồng ngực, chỉ muốn phá tung cái chỗ nằm chật hẹp đó mà ra..