Ở là tuổi dậy thì, tình trai gái chính lúc này phát triển mạnh nhất.
Suốt ngày thái tử nô đùa cười cợt với bọn cung nữ phi tần, chẳng kiêng cữ điều gì.
Bọn chúng lại biết thái tử là con cưng của hoàng hậu thì đố kẻ nào dám không ưng thuận.
Hơn nữa thái tử lại đẹp trai, cho nên cô nào cô ấy đều thích được cùng chàng đùa giỡn.
Trong bọn, đặc biệt có nàng phi Mã Giai cậy mình xinh đẹp, tính tình đâm lạnh nhạt, kiêu kỳ, nhất định không thèm chơi đùa với thái tử. Song oái oăm là thái tử lại thích nàng nhất.
Thừa lúc nàng không đề phòng chàng thường ôm bừa lấy, nào hôn hít, nào vuốt ve khiến nàng bực mình lắm lắm.
Trò chơi điên rồ này đã diễn đi diễn lại chẳng biết bao lần.
Một hôm Mã Giai rảnh việc ngồi buồn ở cung, thấy mái tóc mây của mình không được óng chuốt, bèn gọi bọn cung nữ giúp nàng xổ ra để búi lại.
Giữa lúc đang chải tóc thì Bảo Thân vương lẻn vào.
Bọn cung nữ chợt thấy định hô to lên nhưng chàng đã đứng ngay sau lưng Mã Giai và ra hiệu bảo bọn cung nữ không được lên tiếng.
Vương rón rén bước gần lại thêm nữa, rồi giơ hai bàn tay bịt lấy đôi mắt nàng.
Mã Giai chẳng ngờ có người bịt mắt mình, vội lên tiếng hỏi ai.
Vương nhịn không được, phá lên cười sằng sặc.
Bọn cung nữ cũng cười ầm lên.
Mã Giai cho rằng có đứa nghịch đùa nàng, nên sẵn cái lược ngà trong tay, ngoắc ra sau đánh mạnh.
Cả bọn chỉ nghe tiếng kêu "ôi chao," một tiếng.
Thì ra cái lược ngà nọ đã đánh trúng giữa đôi chân mày thái tử, máu chảy ra có dòng.
Bảo Thân vương đau quá vội buông tay ra, quay mình chạy khỏi cung. Mã Giai biết mình đánh lầm phải thái tử, trong lòng vừa sợ hãi vừa mắc cỡ, bỗng oà lên khóc một hồi.
Bà không ngờ rằng mai chính là ngày đại hoạ tới với bà. Thật không may cho Mã Giai, ngày hôm sau là ngày mồng một đầu tháng.
Theo qui củ trong cung thì cứ ngày mồng một là các hoàng tử, công chúa đều phải vào cung để triều bái hoàng phụ, mẫu hậu.
Bảo Thân vương bị Hoàng hậu Nữu Cô Lộc trông thấy vết thương trên mặt.
Bà thương con, trong lòng rất lấy làm đau xót, liền kéo lại gần xem xét, mới biết bị người đập phải.
Bà lấy làm lạ, bèn cật vật vấn xem đánh nhau với ai mà bị thương.
Vương thấy bà hỏi dồn vừa hoảng sợ, vừa xấu hổ, khiến cái lưỡi cứ líu lại, ấp úng mới chẳng nói ra lời.
Bà Nữu Cô Lộc thấy vậy càng nghi thêm bèn quát hỏi. Vương bị mẹ hỏi gấp, nhất thời không có cách gì thoái thác bèn khai rõ với mẹ là đùa nghịch với phi Mã Giai chẳng may bị bà ta lỡ tay đánh phải.
Bà Nữu Cô Lộc vốn ghét Mã Giai, vì tính tình lạnh nhạt, kiêu kỳ, lại được hoàng đế sủng ái nay vớ được cơ hội tốt, bèn bắt tội Mã Giai quấy phá thái tử, liền cho đòi tới, rồi cho bọn thái giám dùng gậy đánh cho một trận, xong đưa ra cửa Nguyệt Môn dùng dây thắt cổ chết. Bảo Thân vương thấy mẹ nổi giận đùng đùng, chẳng dám khuyên mà cũng chẳng dám chạy đi đâu, đành cứ đứng chết trân tại chỗ, mắt nhìn thái giám vật ngửa nàng ra rồi khiêng đi như khiêng heo khỏi cửa cung.
Lòng Vương lúc đó chẳng khác gì mười tám cây đao sắc đâm vào đau đớn không để đâu cho xiết. Vương chờ cho mẹ nguôi giận trở về cung rồi, lúc đó mới ba chân bốn cẳng chạy tới cửa Nguyệt Hoa môn.
Vương vừa chạy tới thì chiếc dây cũng vừa thắt cứng lấy cổ nàng Mã Giai, naàg chỉ còn thoi thóp thở.
Vương khóc nói: - Ta hại nàng mất rồi! Vương nói xong, bèn cắn vỡ đầu ngón tay cho máu nhỏ giọt vào cổ nàng, nói: - Kiếp này ta không cách gì cứu được nàng thì xin duyên nối kiếp sau.
Nếu thấy ai có nốt ruồi ở cổ thì ta nguyện đem tính mạng mà báo đáp cho người ấy. Câu nói vừa dứt, nàng bỗng ứa hai giọt lệ xuống má rồi chết.
Bảo Thân vương bỏ ra một ngàn quan tiền, ngầm thuê bọn cung nữ lấy cho bộ quần áo nàng thường mặc đem về treo luôn luôn bên cạnh giường ngủ của mình.
Câu chuyện này chỉ được quên dần sau khi vương lên ngôi hoàng đế ít lâu. Một hôm Càn Long hoàng đế đi hành hương ở Đại Miêu trở về cung, bọn ngự tiền thị vệ và nhân viên Loan nghi vệ đều đã giải tán đi hết rồi, bỗng người ta thấy một tên thái giám trong cung Nội loan truyền ra rằng hoàng đế lại muốn xuất cung để đi thăm Hiệp biện đại học sĩ là Trần Đại Thị hiện bị bệnh.
Lời truyền này khiến bọn nhân viên Loan thị vệ cuống quýt, ba chân bốn cẳng hè nhau vác nghi trượng ngự dụng ra để chờ sẵn, nhưng có điều là không biết bỏ cái tán vàng nơi đâu, kiếm mãi mà không thấy.
Từ bên trong hoàng thượng đã bước ra khỏi cung, trèo lên kiệu rồi. Bọn nhân viên nghi trượng càng hoảng sợ, chạy ngược chạy xuôi tìm tán vàng nhưng vẫn không thấy.
Càn Long hoàng đế ngồi trên kiệu bực mình lắm, dậm chân nói: - Đứa nào gây ra chuyện này? Thực là cẩu thả, bậy bạ hết sức! Lúc đó, có một viên quan học sinh khiêng kiệu nghe tiếng vội quỳ xuống tâu rằng: - Tâu thánh thượng! Việc này điển thủ không thể tránh được trách nhiệm! Càn Long hoàng đế thấy hắn tuổi còn rất nhỏ, bèn lệnh cho ngẩng đầu lên.
Nhưng thoạt nhìn vào mặt hắn, ngài bỗng "ủa" lên một tiếng lớn, rồi cứ ngây người ra mãi.