Đạo thánh chỉ bản án Hoà Khôn vừa hạ xuống thì Lưu tướng quốc, tới ngay nha môn bộ Hình và cho lôi Khôn từ lao ra, kiểm nghiệm lại xem có phải đích thân y không rồi mới tuyên đọc thánh chỉ. Hoà Khôn ngước mặt lên phía trên, lạy tạ thánh ân, bỗng đôi mắt nhỏ lệ như mưa.
Bọn nha dịch kéo Khôn sang một cái phòng bên cạnh, trên xà nhà có cột một tấm vải trắng.
Khôn tự thắt tấm vải vào cổ mình rồi treo lên mà chết. Sau khi Khôn chết rồi, liên tiếp mấy phong mật sớ dâng lên cáo Phúc thượng thư có tâm giúp kẻ ác.
Thế là Phúc thượng thư cũng bị tống vào lao.
Lại có kẻ tâu Đại học sĩ Tô Lăng A cố tình xui gia với Khôn, Gia Khánh đế cũng cho A về vườn luôn.
Lại có người tâu thị lang Ngô Tỉnh Lan, Lý Hoàng, thái bộc khanh Lý Quang Vân đều là người được Hoà Khôn đưa vào làm quan, Gia Khánh đế cũng đồng loạt giáng chức và điều đi nơi khác.
Bản án Hoà Khôn quả là một vụ động trời, ai nghe cũng phải hoảng hồn bạt via. Lúc này, giáo đồ Bạch Liên Giáo đã lần lượt bị tảo thanh cả, tháng hai năm thứ tư niên hiệu Gia Khánh, đầu đảng là Vương Đình Chiếu bị tướng Minh Lượng bắt được, còn Từ Thiền Đức nhảy xuống biển chết chìm.
Kinh lược đại thần cùng với bọn tổng đốc ba tỉnh đều tâu về triều đã thu hoạch đại công cáo thành, bình định xong loạn đảng. Nhân Tông hoàng đế (tức là Gia Khánh đế) bèn tế cáo lăng miếu ngay tại kinh sư, phong thưởng công thần.
Quốc gia xem như đã thái binh. Hoàng đế cử hành điển lễ đi tuần thú lên Ngũ Đài sơn, Không ngờ, hoàng hậu Hỉ Tháp Lạp nhuốm bệnh mất.
Gia Khánh đế hết sức thương cảm.
Bà phi, Nữu Cô Lộc vốn người hiền đức, được ngài hết sức sủng ái, được sắc phong làm hoàng hậu và theo lệ, thân phụ của bà là Cung A Lạp cũng được tấn phong làm Thừa Ân công.
Hoàng hậu từ tạ đôi ba lần. Khắp triều văn võ, bá quan đều dâng sớ khen bà là hiền đức.
Mãi đến khi quan tài của bà Hỉ Tháp Lạp chôn cất xong rồi, hoàng đế mới bớt mối thương cảm. Ngài ở trong cung rảnh rang chẳng có việc gì, lại tính cách xuất hành Ngũ Đài sơn.
Bỗng ở góc trời tây bắc xuất hiện một ngôi sao chổi rất lớn.
Khâm thiên giám khuyên ngài không nên đi vì sao chổi xuất hiện là chỉ việc binh đao và đổi tháng tám nhuận năm đó ra tháng hai năm sau. Trẻ con trong thành đều hát bài đồng dao: "Hai tám trung thư (nhị bát trung thu) Hoa vàng rớt đất" (Hoàng hoa lạc địa) Ngoài ra còn truyền thuyết tai nạn binh đao sẽ xảy ra vào giờ ngọ ngày rằm tháng chín năm Gia Khánh thứ mười tám. Đến đúng ngày giờ nói trên, tuần phủ Hà Nam Cao Di quả nhiên nhận được mật bẩm của viên tri huyện Hoả thuyên tên là Cường Khắc Tiệp nói ở Khiết huyện hiện có giáo đồ Bạch Liên Giáo Lý Văn Thành thiết lập tà giáo, đổi tên là Thiên Lý Giáo, còn có tên là Bát Quái Giáo, chiêu binh mãi mã.
Tiệp cũng mật cáo cả tri phủ Vệ Huy biết nữa.
Không ngờ cả hai thượng ty này đều chẳng thèm để ý tới lời y.
Tiệp bèn dùng kế lừa cho Lý Văn Thành vào nha môn rồi bắt trói, chặt đứt lìa tay Thành. Lúc đó đồng đảng của Thành có tới mấy vạn.
Họ liên kết với bọn Lâm Thanh ở huyện Đại Hưng.
Thanh vốn là một tay đầu mục có tên tuổi trong Bát Quái Giáo.
Thanh thấy Lý Văn Thành bị một vố cay, nhịn không nổi nữa, bèn ngầm ước dấy binh vào ngày trung thu tháng tám nhuận. Lâm Thanh quen biết nhiều thái giám trong nội cung, bèn đem vàng bạc mua chuộc bọn này, chờ dịp Gia Khánh đế xuất hành núi Ngũ Đài sơn là khởi sự ngay tại trong cung.
Thanh lại ước định với Lý Văn Thành ở bên ngoài tiếp ứng. Không ngờ Gia Khánh đế nghe lời bọn Khâm thiên giám, bèn ngừng việc tuần phủ.
Thanh xem chừng cơ mưu không thành lại tìm một kế sách khác.
Thanh bỏ ra sáu vạn lạng mướn một tên thích khách đi hành thích Gia Khánh đế.
Tên thích khách này là Thành Đắc, vốn là một tên nhà bếp trong nội vụ phủ.
Trong hoàng cung.
Đắc có thể kể được là tay mạnh tợn nhất. Hồi đó có một tên thị vệ gọi Quan Bát phò mã, sức khỏe rất ghê.
Những lúc rỗi rảnh, Quan Bát phò mã thường bốc cặp sư tử đá ngoài cửa cung điện để giải trí.
Cặp sư tử này nặng ít ra cũng năm, bảy trăm cân.
Quan Bát phò mã thường bốc lên, đi một vòng quanh sân rồi lại từ từ để xuống nguyên chỗ cũ.
Bọn thái giám đứng hai bên xem đều vỗ tay khen thần lực Trong bọn có một tên thái giám lên tiếng: - Thành Đắc đã gọi là khỏe, nhưng làm sao mà địch được Quan Bát phò mã nhỉ? Bát phò mã nghe nói tới Thành Đắc vội hỏi: - Thành Đắc là đứa nào? Tên thái giám lên tiếng: - Hắn là một tên nhà bếp trong nội vụ phủ. Bát phò mã vốn khoái những kẻ có sức khỏe, nghe nói vậy liền bức tên thái giám đi gọi cho kỳ được Thành Đắc tới. Thành Đắc vừa trông thấy phò mã, hoảng hồn bạt vía, vội bò sát đất, chẳng dám cất đầu lên ngó nữa.
Bát phò mã lấy lời ôn tồn an ủi Đắc, lại bảo Đắc có bao nhiêu khí lực cứ mang hết ra, may mà thắng được y thì y sẽ cất nhắc cho. Đắc nghe phò mã nói vậy, mới dám cả gan đứng dậy và không còn sợ sệt như trước.
Bát phò mã bảo Đắc lại bốc cặp sư tử đá.
Đắc tiến lên mấy bước, mỗi tay bốc một con, chạy như bay quanh sân một lượt, rồi hai, rồi ba lượt.
Lúc đó mới đặt cặp sư tử vào chỗ cũ, hơi thở không gấp, mặt không đỏ ửng lên chút nào. Bát phò mã thấy vậy, mừng quá, chạy lại cầm tay Đắc tỏ vẻ ngợi khen, lại bảo Đắc cắm luôn bảy cây côn gỗ thành một hàng trước viện, cứ mỗi cây cắm sâu ít ra là ba thước. Bát phò mã bước tới nhảy tung người lên, đá vụt ngọn cước ra nhanh như chớp vào bảy cây côn, người ta chỉ nghe một loạt tiếng "rắc, rắc, rắc…" tức thì bảy cây côn gãy gập thành đôi, bắn văng ra chung quanh tung toé.
Bọn thái giám đứng hai bên vỗ tay hoan hô rầm trời. Bát phò mã đứng hẳn người lên, bảo bọn thái giám cắm bảy cây côn khác cắm thành một dây như trước rồi bảo Đắc đá xem.
Đắc bước lên vài bước, lấy mắt nhắm một lượt đo dò, rồi bảo cắm thêm cây.
Bọn thái giám cắm thêm một cây. Đắc bảo thêm nữa.
Lại cắm thêm cây nữa.
Đắc lại bảo cắm thêm - thêm một lúc mười hai cây.
Lúc đó Đắc mới gật đầu cho là đủ. Mọi người trố mắt nhìn, Đắc cũng không vội.
Hắn thong thả bước tới, cũng bắt chước Bát phò mả, tung người lên đá vút chân phải ra một cước, tức thì mười hai cây côn gỗ bị tiện làm đôi chẳng khác gì bị đao chặt.
Bát phò mã luôn mồm khen hay khen giỏi.
Từ đó, phò mã giữ Đắc lại trong cung, làm chức quản đội doanh Thần cơ.
Cứ mỗi lần Bát phò mã có phiên trực thì Đắc luôn luôn ở cạnh.
Tiếng đồn Đắc có thần lực mỗi ngày một lớn rộng mãi ra khiến Lâm Thanh cũng phải biết tới. Thế là bọn thái giám đứng làm môi giới cho hai người gặp nhau.
Thanh đưa cho Đắc sáu lạng bạc tại nhà đồng đảng tên gọi Thôi Sĩ Tuấn, còn hứa với Đắc nếu việc thành sẽ phong cho làm Vương gia.
Đắc nhận lời và trở về cung nội. Rồi đến đêm rằm tháng tám trung thu, Gia Khánh đế giá hạnh vườn Viên Minh, mở tiệc thưởng trăng trên đài Hàm Hư lãng giám, có bọn phi tần cung nga ngồi hầu hai bên.
Bát phò mã trực ở bên trên đài, Thành Đắc đứng thị vệ ở phía dưới. Rượu uống đã đến lúc chếnh choáng, Gia Khánh đế đứng dậy tiểu tiện, phía sau có ba bốn tên thái giám theo hầu.
Bỗng Thành Đắc xông lên đài, đi sát theo gót hoàng đế.
Bọn thái giám để ý thấy Đắc có vẻ khả nghi, vội chạy tới cản lại.
Đắc rút trong ông tay áo ra một cây cương đao sáng quắc nhè giữa ngực tên thái giám cho một mũi, tên thái giám ngã quay xuống đất Hoàng đế Gia Khánh thấy nguy, miệng la "Có giặc", chân quýnh lên chạy vòng quanh cây hoa quế lớn để trốn. Bát phò mã đang trên đài nghe tiếng hoàng đế kêu la, vội chạy tới.
Thấy Thành Đắc, tay đương cầm cây cương đao, đuổi theo hoàng đế quanh gốc cây hoa quế.
Bát phò mã gầm lên một tiếng, nhảy tới chộp hai tay Đắc khoá chặt lại.
Bọn ngự lâm quân cũng chạy ồ tới vây chặt lấy hai người. Nói đến sức mạnh thì Đắc hơn Bát phò mã.
Nhưng lúc này Đắc thấy bọn thị vệ quá đông đâm ra luống cuống tay chân đôi mắt chỉ trừng trừng nhìn phò mã, đờ hẳn người ra không dám chống trả. Bọn quân ngự lâm ồ cả tới vây bắt Đắc, tống vào khám lớn của bộ hình.
Đêm đó, lục bộ cửu khánh đều vội tới vườn Viên Minh vấn an.
Gia Khánh đế bảo các vương đại thần cùng với lục bộ cửu khánh hỏi tội thích khách.
Tướng quốc Trương Trai hôm đó làm chánh án thẩm. Trương tướng quốc thẩm vấn hơn chín ngày mà chẳng được một câu khẩu cung nào.
Dùng tới đại hình tra tấn mà Đắc cũng chẳng nói chẳng rằng.
Chịu cực hình đến lúc ghê gớm nhất, Đắc cười nhạt vài tiếng bảo: - Có gì mà phải thẩm vấn.
Việc không thành thì ta mất đầu.
Còn nếu thành thì chỗ các ngươi đang ngồi ấy chính là chỗ của ta. Nói xong, Đắc lại ngậm miệng nín bặt, Trương tướng quốc chẳng còn biết cách nào hơn.
Ngày hôm sau vào chầu, Trương tướng quốc tâu rõ tình hình trên, Gia Khánh đế bảo khỏi phải thẩm vấn, cho đem ra ngoài đập chết, băm vằm Thành Đắc muôn mảnh. Trương tướng quốc vâng thánh chỉ lui về, định tội Đắc lăng trì xử tử.
Ông lại tra xét, biết Đắc có hai đứa con trai, một đứa mười sáu tuổi, một đứa mười bốn, mặt mũi rất khôi ngô, hiện đang đi học.
Trương tướng quốc hạ lệnh bắt cả hai anh em tới để cùng thọ hình với cha. Hôm xử Đắc, một đội binh mã áp giải hung phạm tới Tây Hiệu trương, trói Đắc vào cây cột sắt, cột hai đứa con ở phía trước.
Hai đứa con oà lên khóc, miệng gọi "Cha, cha".
Nhưng Thành Đắc nhắm nghiền mắt, chẳng thèm để ý. Đến lúc hành hình, bọn đao phủ giết hai đứa con, rồi mới tùng xẻo Đắc.
Chúng lột hết quần áo Đắc trần như nhộng rồi mới cầm dao nhọn, trước hết cắt tai, cắt mũi, cắt hai đầu vú, sau đó cắt hai cánh tay, rồi cứ thế xẻo từng miếng thịt trên người Đắc, từ vai qua lưng rồi lại từ lưng qua ngực.
Lúc đầu máu trong người Đắc chảy ra như suối nhưng khi kiệt sức rồi, chỉ còn có nước vàng rỉ xuống thánh thót.
Tất cả phần trên người đều bị xẻo hết, chỉ còn trơ bộ xương.
Thành Đắc bỗng mở choàng đôi mắt quát lớn: - Xẻo mau đi chứ! Bọn đao phủ trả lời Đắc: - Hoàng thượng có ý chỉ bảo bọn ta xẻo từ từ để cho mi chết một cách đau đớn khổ sở. Thành Đắc nhắm mắt lại không thèm nói thêm.
Bọn đao phủ xẻo cắt xong toàn thân Đắc, lúc đó mới bồi một đao vào cổ kết quả tính mạng luôn. Không ngờ Thành Đắc mất mạng trong cung thì bên ngoài, Bát Quái Giáo nổi dậy hung dữ sôi động lạ thường.
Giáo đồ tại huyện Hoạt khởi nghĩa ngày mùng 7 tháng chín, tập hợp đông tới ba ngàn, xông vào giết bọn nha lại, phá tan nhà lao, cướp Lý Văn Thành đi mất, chém chết Cường Khắc Tiệp và toàn gia quyến.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, có các huyện Tràng Viên, Đông Minh tinh Trực Lệ, toà huyện Định Đào Kim Lương tỉnh Sơn Đông.
Lâm Thanh mang theo hai trăm cảm tử quân mai phục trong kinh thành, một mặt nghe ngóng tình hình bên ngoài, một mặt bắt mối với bọn thái giám trong cung cấm, ước đính nửa đêm ngày rằm tháng chín hội đủ tại cổng chợ, rồi xông qua cửa Tuyên Võ mà vào cung..