Thất Lão Kiếm

34: Khách Râu Xồm


trước sau

Điểm Thương sơn tung hoành trong phạm vi mấy trăm dặm diện tích, trong vùng rộng lớn gồm đồi núi, thung lũng, hang động điệp điệp trùng trùng, tìm một ni am, tưởng không phải là việc dễ làm.
Nhuế Vĩ và Lâm Quỳnh Cúc tìm quanh quẩn suốt mấy giờ, vẫn không gặp một chứng tích gia cư, một bóng dáng thế nhân.
Nhuế Vĩ sợ Lâm Quỳnh Cúc mệt mỏi, định dừng chân nghỉ, bỗng nàng gọi :
- Đại ca xem kìa! Chừng như có nhà của ai vậy!
Quả thật có ngôi kiến trúc, song vì tuyết phủ kín, trong nhất thời, mắt người không phát hiện được.
Cả hai cùng lướt tới đó.
Một ngôi chùa, tường xám, nóc xám, có dáng vẻ một ni am.
Nhuế Vĩ nghi hoặc thốt :
- Không lý Nhất Đăng thần ni cư trú nơi đây! Tuy nhiên, chúng ta cứ hỏi thử!
Đến trước cửa, chàng cất cao giọng xưng tôn :
- Tại hạ là Nhuế Vĩ, xin được bái kiến Thần ni!
Một nữ nhân, dáng thấp, tuổi nhỏ, vận y phục ni cô, mở cửa bước ra cười thốt :
- A! Nhuế công tử! Hằng lâu từng ngưỡng mộ đại danh của công tử, không tưởng hôm nay lại được hân hạnh nghinh tiếp!
Nhuế Vĩ cau mày. Nếu là ni cô, sao không gọi khách bằng thí chủ, mà gọi là công tử!
Nhưng, ăn vận thế kia, không là ni cô thì là gì?
- Công tử có dung mạo thanh tú quá chừng! Có thể vào trong, uống với bọn này một chén trà chăng?
Lâm Quỳnh Cúc thấy hai nàng cứ đong đưa ánh mắt với Nhuế Vĩ, đâm cáu lên, đáp cộc lốc :
- Ai muốn uống trà của các vị? Bọn tôi đến đây, là để tìm Thần ni, chứ không phải để tìm trà mà uống đâu nhé!
Ni cô thấp cười, thốt :
- Ý a! Hung tợn quá! Cô nương này là chi của Nhuế công tử hả?
Nhuế Vĩ lại cau mày, lộ vẻ không vui, thốt :
- Nhờ các vị thông báo với lịnh sư, có Nhuế Vĩ đến cầu kiến.
Ni cô cao hơn cười, đáp :
- Công tử muốn gặp sư phụ chúng tôi! Được lắm! Tốt lắm! Lão nhân gia cũng muốn gặp công tử đó!
Nhuế Vĩ buông gọn :
- Vậy thì xin thông báo gấp!
Ni cô thấp tiếp :
- Tuy nhiên, tôi xin nói trước, sư phụ tôi không phải ni cô, ni lão gì đâu nhé?
Nhuế Vĩ thấy họ dẳng dai, sanh bực, hỏi :
- Thế các vị không là ni cô à?
Hai ni cô đồng thời đáp :
- Vốn là vậy đó! Thực ra bọn này đâu phải là ni cô!
Lâm Quỳnh Cúc mỉa :
- Không là ni cô, thì là thiên kim tiểu thơ đại môn hộ à?
Ni cô thốt :
- Nói là đại họ danh môn, thì quá đáng! Gia phụ chỉ là một viên tri phủ thôi!
Lâm Quỳnh Cúc không chịu nổi thái độ khinh khỉnh đó, bĩu môi quay sang ni cô thấp hỏi :
- Còn ni cô?
Ni cô thấp nhìn qua Nhuế Vĩ.
- Công tử đoán thử xem?
Nhuế Vĩ không thích cái lối màu mè đó, quay đầu nơi khác, không đáp.
Lâm Quỳnh Cúc hừ một tiếng :
- Không ai dư công đoán những chuyện nhảm nhí! Các vị hãy đưa chúng tôi vào bái kiến Thần ni đi!
Ni cô thấp thốt :
- Vội gì chứ! Chúng ta cứ nói chuyện phiếm một lúc, nếu để công tử gặp sư phụ xong là các người đi ngay còn thời giờ đâu mà bàn chuyện vu vơ!
Nàng làm như ở tại Điểm Thương sơn rất lâu, bao năm nay chưa gặp khách bây giờ có dịp tiếp xúc với người đời, thành ra rất thiết tha với bất cứ ai đến đây.
Mường tượng là thế!
Lâm Quỳnh Cúc thấy vậy thì ghét quá, càng phút càng cáu, định mắng một vài câu.
Bỗng một thinh âm sang sảng vang lên :
- Từ Phụng! Ngọc Phụng! Các ngươi xem ai gọi cửa sao các ngươi dần đà mãi đến bây giờ?
Rồi một đại hán bước vào. Đại hán vận áo xám mặt đầy ria xám, vóc cao, thân tráng, oai phong lẫm liệt. Phảng phất một vị đại tướng quân thời cổ.
Hai vị ni lùi lại một bên, nhỏ giọng thốt :
- Sư phụ của bọn tôi đó, bái kiến đi!
Sư phụ của hai nàng quả thật không phải là người xuất gia tu đạo. Bằng vào thái độ của hai nàng, chàng đoán con người này không thể thuộc hạng tốt.
Chàng đâm ra lười đàm thoại với hạng người như thế. Chàng lại nắm tay Lâm Quỳnh Cúc, lôi nàng đi.
Đại hán áo xám quát :
- Hay cho tiểu tử! Dám vô lễ với ta à? Đứng lại đó!
Nhuế Vĩ phẫn nộ, quay mình lại, sừng sộ :
- Vô lễ rồi sao?
Đại hán giật mình, không tưởng là Nhuế Vĩ quật cường như vậy. Y quên đáp luôn.
Nhuế Vĩ cười lạnh tiếp :

- Trong thiên hạ sao lại có sư phụ ni cô là nam nhân? Ta xem các ngươi không phải là bọn tốt!
Đại hán bật cười ha hả, không nói gì, vung tay đánh liền.
Ngón quyền đó, từ ngang ngực đánh ra, rất bình thường. Nhưng Nhuế Vĩ biết, sau ngón quyền đó, còn có cái gì khác lạ. Cho nên chàng không dám khinh thường, dùng ngay đôi chưởng phong trụ gấp.
Đại hán vung quyền đánh bạt chưởng của chàng, rồi lắc đầu, bảo :
- Không được! Không được! Hãy thi triển "Hải Uyên kiếm pháp" đi!
Nhuế Vĩ cho rằng cả sư lẫn bọn này đều được Nhất Đăng thần ni cho biết sự tình của chàng như thế, đại hán phải là chỗ thâm giao của Thần ni. Thảo nào chưởng pháp của đại hán chẳng lợi hại. Xem ra, võ công của đại hán phải cao, không dưới bậc người áo đỏ chút nào! Chàng buông gọn :
- Được lắm!
Chàng giở ngay "Hải Uyên kiếm pháp". Gặp cường địch, Nhuế Vĩ xuất chiêu không nương tình, định bụng cho đối phương nếm chút tư vị của kiếm pháp lợi hại. Chiêu thứ nhất là "Vô Địch Kiếm" của Du Bách Long.
Đại hán bây giờ không dám khinh thường nữa, lập tức, y mang chưởng pháp đắc ý nhất ra đối phó. Chưởng pháp này do y sáng chế qua hai mươi năm nghiên cứu kĩ.
Nhuế Vĩ đinh ninh đại hán phải rối loạn trước chiêu kiếm tuyệt diệu này, mà chàng đã luyện thuần phục, không kém sư phụ. Hơn nữa chàng lại rút kinh nghiệm qua nhiều lần giao đấu, hiện tại thì thế công của chàng vững hơn núi.
Đại hán đánh tay hữu ra, độ nửa đà, bất thình lình dừng tay rồi vươn tay tả ra, hai tay chụp lại, kêu một tiếng bốp, hai tay lại dang ra. Liền theo đó, chưởng ảnh hiện liên điệp điệp trùng trùng.
Nhuế Vĩ chỉ đánh chưởng ảnh, không thấy chưởng ảnh không thấy người thành ra "Vô Địch Kiếm" chỉ đánh vào khoảng không. Chàng không khỏi kinh hãi, cấp tốc phát xuất chiêu "Đại Ngu Kiếm".
Đại hán lại đập tay tả vào tay hữu như cũ, chưởng ảnh hiện ra thành ngàn, thành vạn.
"Đại Ngu Kiếm" lại đánh vào khoảng không. Nhuế Vĩ bắt đầu hoang mang thấy rõ, chàng cho ra luôn một lượt ba chiêu Hồng Thủy, Đại Long, Thương Tâm.
Lần này, đại hán không lấy tay đập tay, mà lại lấy tay đập cánh tay. Hoặc giả, tay đập cánh chỏ. Cứ mỗi lần đập như vậy, là chưởng ảnh hiện ra, cực kỳ tinh diệu.
Ba chiêu kiếm cuối, cũng đánh vào khoảng không luôn, như hai chiêu đầu.
Đại hán râu xám không hề tổn thương.
Nhuế Vĩ thu kiếm về, không đánh nữa. Rồi chàng thở dài, thầm nghĩ "Hải Uyên kiếm pháp" được đời cho là đệ nhất kiếm pháp song tay chàng thi triển thì lại hóa ra vô dụng. Chàng chán nản hết sức.
Hai tát tay đó, thôi thì đành xem như thiên cổ hận!
Đại hán thấy chàng dừng tay, cười hỏi :
- Sao không đánh nữa! Hay là đã tự biết mình không thủ thắng nổi?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Chưởng pháp của các hạ tinh diệu quá, tại hạ chưa phải là đối thủ của các hạ. Tại hạ thất lễ tùy các hạ xử trí!
Đại hán khoát tay :
- Ngươi đi đi! Ngươi đã nhận bại rồi, ta còn xử trí cái gì nữa?
Nhuế Vĩ vòng tay, tỏ ý cảm tạ, rồi cầm tay Lâm Quỳnh Cúc.
Lâm Quỳnh Cúc nhìn chàng thấp giọng gọi :
- Đại ca!
Tiếng gọi ẩn chứa một niềm thương cảm vô biên. Nàng chia sớt sự đau buồn của Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ bảo :
- Mình đi thôi!
Chàng quay mình bước đi được vài bước, chợt nghe đại hán râu xám thốt :
- Tiểu đầu đó nói "Hải Uyên kiếm pháp" là vô địch! Đúng là câu gạt người!
Rõ ràng là khinh thường kiếm pháp Hải Uyên.
Nhuế Vĩ không phục, quay mình lại, thốt :
- "Hải Uyên bát kiếm" đúng là vô địch trong thiên hạ.
Đại hán râu xám cười lớn :
- Nếu kiếm pháp đó là vô địch, tại sao ngươi chỉ đánh ra có năm chiêu rồi nhận bại, không đánh tiếp mấy chiêu còn lại?
Nhuế Vĩ đáp :
- Về tấn công tại hạ chỉ biết có năm chiêu. Muốn đánh thêm, cũng không còn chiêu nào nữa mà đánh. Về thủ, tại hạ biết một chiêu. Cộng tất cả là sáu chiêu.
Đại hán râu xám biến sắc :
- Còn hai chiêu nữa?
Nhuế Vĩ thở dài :
- Tại hạ không học được!
Đại hán mơ màng một chút. Trong thâm tâm, y nghĩ :
- "Chỉ với năm chiêu kiếm, ta bị bắt buộc phải thi triển "Hỏa Thần chưởng", mà ta lại chỉ thủ chứ không công nổi! Nếu hắn biết đủ tám chiêu, thì ta phải bại là cái chắc! Trương liễu đầu bảo rằng kiếm pháp đó là vô địch, ta nghĩ không ngoa chút nào!"
Thấy đại hán không nói gì nữa, Nhuế Vĩ toan bước đi.
Đại hán chợt hỏi :
- Ngươi định đi đâu đó?
Nhuế Vĩ đáp :
- Cầu kiến Nhất Đăng thần ni.
Đại hán trố mắt :
- Học chưa đủ tám chiêu, ngươi gặp mụ ấy làm gì?
Nhuế Vĩ trầm giọng :
- Biết là khó, song cái thế tất phải gặp bà ấy!
Đại hán râu xám lắc đầu :
- Trương liễu đầu và ngươi có liên hệ gì với nhau?
Dĩ nhiên Nhuế Vĩ biết y đề cập đến Trương Ngọc Trâm, là Nhất Đăng thần ni. Chàng đáp :
- Cũng có chút liên hệ, bất quá bà ta là người trung gian vậy thôi. Bà ta nói, nếu không học đủ tám chiêu kiếm Hải Uyên mà lò dò đến tận Điểm Thương sơn, thì bà sẽ gây bất lợi cho tại hạ!
Đại hán lắc đầu :

- Nếu là bất lợi suông, thì còn nói làm chi. Ta khuyên ngươi đừng đi là tốt hơn!
Nhuế Vĩ hiểu, y nói thế với hảo ý. Cho nên chàng đáp :
- Đa tạ lời khuyên hữu ích. Song tại hạ nghĩ, chẳng lẽ Nhất Đăng thần ni lại muốn hạ sát tại hạ?
Thốt xong chàng ngang nhiên bước đi.
Lâm Quỳnh Cúc bước theo, chẳng tỏ vẻ sợ hãi chút nào.
Đại hán râu xám bỗng gọi :
- Khoan đi!
Nhuế Vĩ dừng chân. Chợt nàng cảm thấy tê cánh tay, bàn tay nắm Lâm Quỳnh Cúc lỏng ngón. Chàng quay mình lại.
Lâm Quỳnh Cúc đã sa vào tay đại hán.
Nhuế Vĩ nổi giận hỏi :
- Các hạ có ý tứ gì?
Lâm Quỳnh Cúc kêu lên :
- Buông tôi ra! Buông tôi ra!
Nàng không cử động được. Như thế là nàng bị đại hán điểm huyệt!
Đại hán cười thốt :
- Ngươi đi vào chỗ chết, còn mang nàng theo để chết chung với ngươi à?
Lâm Quỳnh Cúc vẫn gào lên oang oang :
- Ai mượn ông lo lắng? Ông buông tôi ra! Đại ca ơi! Đại ca. Cứu tôi với!
Nhuế Vĩ thấy nàng bị đại hán kẹp nơi hông, chẳng rõ thực hư, đại hán có ý tứ gì, nên không dám tháo thứ bước tới can thiệp, sợ nổi cáu gây thương tổn cho nàng. Chàng hỏi :
- Các hạ muốn gì?
Đại hán hỏi lại :
- Ta muốn cứu nàng, ngươi không bằng lòng phải không?
Nhuế Vĩ tiếp :
- Tại hạ mang nàng đi, là tự nhiên phải có phương pháp bảo vệ nàng. Xin các hạ buông nàng ra.
Đại hán lắc đầu :
- Đánh với ta, mà ngươi còn bại, thì mong gì thắng nổi Trương liễu đầu? Tự mình không bảo vệ nổi lấy mình, còn bảo vệ được ai? Ngươi phải biết, Trương liễu đầu là tay hiếu sát đó!
Lâm Quỳnh Cúc vừa khóc vừa gào :
- Cứu tôi! Đại ca! Đánh chết ông ta đi, đại ca!
Nhuế Vĩ quắc mắt :
- Các hạ buông tha nàng ra hay không?
Đại hán râu xám cười thốt :
- Không buông! Không! Tiểu liễu đầu làm gì khóc thét như vậy, hả? Chịu làm đệ tử ta không nào?
Lâm Quỳnh Cúc thét lớn :
- Ai thèm làm đệ tử của ông! Nếu ông không buông, tôi cắn ông cho mà xem!
Đại hán tiếp :
- Kẻ khác chỉ mong được làm đệ tử ta, ta không nhận, ta chọn ngươi, là phúc đức cho ngươi đấy!
Bỗng, Lâm Quỳnh Cúc há miệng cắn vào tay của đại hán.
Đại hán cứ để yên cho nàng cắn.
Lâm Quỳnh Cúc có cảm tưởng mình cắn vào lớp da trâu khô.
Đại hán cười ròn :
- Cắn đi! Cắn đi! Cố gắng cắn thật mạnh đi. Ta có tánh rất lạ, ngươi càng từ khước làm đệ tử ta, ta càng muốn cho ngươi làm. Ta nhất định thu ngươi làm đồ đệ hôm nay!
Nhuế Vĩ đã nhẫn nhịn cực độ rồi, không còn nhẫn nhịn hơn được nữa.
Chàng tiến lên, vung tay hữu đánh sang đại hán, còn tay tả thì chụp Lâm Quỳnh Cúc.
Đại hán khẽ lách mình, tránh qua một bên, hai tay của Nhuế Vĩ chới với trong khoảng không.
Chàng toan xuất chiêu đánh tiếp, đại hán đặt nhanh tay lên Thiên Linh của Lâm Quỳnh Cúc, gắt :
- Ngươi dám đánh nữa chăng?
Nhuế Vĩ sững sờ, đứng bất động.
Đại hán râu xám cười, tiếp :
- Ngươi định giật nàng lại trong tay ta, là ngươi nuôi mộng đấy! Khó hơn lên trời, cho ngươi biết!
Nhuế Vĩ trầm giọng :
- Trong thiên hạ đâu có chuyện lạ lùng như thế? Người ta không thích làm đồ đệ, sao lại uy hiếp cưỡng bách người ta?
Đại hán quát :
- Nói bậy! Nói bậy!
Nhuế Vĩ tiếp luôn :
- Theo tại hạ nhận thấy, thì đệ tử của các hạ toàn là những người bị cưỡng bách, bị cướp mang về đây!
Đại hán gọi ầm lên :

- Từ Phụng! Ngọc Phụng! Các ngươi đâu? Ra đây!
Hai ni cô chạy ra.
Đại hán hỏi :
- Các ngươi thấy có cho tiểu tử biết, có phải là ta cưỡng bách các ngươi làm đệ tử của ta hay không?
Ni cô cao tên là Tử Phụng lắc đầu đáp :
- Đâu có việc đó! Không ai cưỡng bách tôi được cả! Nếu tôi không muốn, dù ai giết chết, tôi cũng không làm!
Ni cô kia, đương nhiên là Ngọc Phụng, tiếp nối :
- Cô nương ơi! Bằng lòng làm đệ tử của sư phụ tôi đi! Sư phụ tôi tài lắm!
Cô nương muốn học cái gì, ngươi cũng dạy được hết!
Lâm Quỳnh Cúc xí một tiếng, mắng :
- Ai mà mặt dạn mày dày giống các ngươi? Đã xuất gia rồi mà còn lao chao, không giữ thanh tịnh chút nào.
Tử Phụng gắt :
- Ngươi nói ai mặt dạn mày dày?
Lâm Quỳnh Cúc hét :
- Ta nói các ngươi đấy! Tại sao trong am ni cô lại có nam nhân?
Đại hán cười nhẹ :
- Liễu đầu đứng nhầm lẫn! Nơi đây chẳng phải là am tự chi cả!
Lâm Quỳnh Cúc bĩu môi :
- Không phải ni am, sau có ni cô?
Ngọc Phụng chen vào :
- Ta đã nói với ngươi, ta không là ni cô mà? Sao ngươi nói nhảm nhí thế?
Đại hán râu xám tiếp nối :
- Phàm là đệ tử của ta, là phải ăn vận theo ni cô. Tiểu liễu đầu trở thành đệ tử của ta rồi, cũng phải mặc y phục ni cô như bọn nó!
Lâm Quỳnh Cúc cãi :
- Ai muốn làm đệ tử của ông? Ông buông tôi ra! Buông ngay!
Nhuế Vĩ khuyên dứt :
- Cúc muội đừng nóng nảy! Vị tiền bối này cũng chịu hiểu lý lắm đó, những người làm đệ tử của tiền bối đều cam tâm tình nguyện cả, nếu Cúc muội không muốn, thì người đâu có ép buộc Cúc muội mà phải cáu kỉnh?
Dùng cương không thắng, chàng dùng nhu, cố khích đại hán.
Nhưng, đại hán cười vang, thốt :
- Nói gì thì nói, hôm nay liễu đầu phải là đệ tử của ta mới được!
Y buông Lâm Quỳnh Cúc xuống, rồi tay tả nắm tóc nàng, tay hữu cầm đao, chặt tóc nàng. Mớ tóc đen mượt của Lâm Quỳnh Cúc rơi xuống, từng lọn, từng lọn, gió quét qua hất tung bay lả tả trên mặt nền. Tóc của nàng vốn dài, không mấy phút chỉ còn lún phún độ mấy tấc. Lâm Quỳnh Cúc chết sững, không còn kêu la gì được nữa.
Nhuế Vĩ toan can thiệp, song làm gì chàng hành động kịp thời?
Qua giây phút sửng sốt, nhận thấy mình nam chẳng nam, nữ chẳng nữ. Lâm Quỳnh Cúc khóc rống lên.
Đại hán chưa thôi, lấy trong mình ra một con dao, cạo luôn mớ tóc còn lại.
Nhuế Vĩ giận đến tím mặt, lập tức giậm chân xuống nền. Chàng thi triển "Phi Long bộ pháp". Chân vừa dậm đất, thân hình tung bổng lên, Nhuế Vĩ xẹt tới đại hán.
Đại hán hoa mắt lên, cánh tay lỏng lẻo.
Nhuế Vĩ đã giật Lâm Quỳnh Cúc về tay chàng.
Không chậm trễ, đại hán lao nhanh chủy thủ lên không, Nhuế Vĩ uốn mình, tung chân, đá bay chủy thủ.
Ứng biến nhanh, thân pháp nhanh, Nhuế Vĩ áp dụng "Phi Long bộ" rất linh diệu.
Đại hán buộc miệng tán :
- Hay! Hay quá!
Nhuế Vĩ đáp xuống.
Đại hán vung chưởng đánh tới, chưởng ảnh lợp trời, bao bọc quanh Nhuế Vĩ.
Lập tức, Nhuế Vĩ giậm chân, tung mình, tránh khỏi chưởng kình của đại nhân. Đồng thời gian, chàng lướt qua đầu đại hán, đạp mạnh chân xuống.
Thân pháp của đại hán cũng cực nhanh, hụp đầu, lạng mình, tránh kịp cái đạp đó, nếu không y dám bị vỡ đầu mà chết lắm.
Nhuế Vĩ đáp xuống ngoài mười trượng xa, chàng không tưởng là "Phi Long bộ" có công hiệu đến mức độ đó!
Đại hán kêu lên :
- Bộ pháp linh diệu quá! Ngươi học được tuyệt kỹ đó, thì có lo gì không bảo vệ nổi liễu đầu! Thật ta khéo lo xa cho các ngươi!
Nhuế Vĩ giải huyệt cho Lâm Quỳnh Cúc xong đoạn nắm tay nàng, cùng bước đi từ từ.
Đại hán vụt nhớ đến một việc, vội hỏi với theo :
- Nhuế tiểu tử! Ngươi học bộ pháp đó với ai thế?
Lâm Quỳnh Cúc vội thốt :
- Đừng màng đến y, đại ca! Y là con người bại hoại nhất trần đời! Tôi oán hận y không tưởng nổi!
Nàng vẫn muốn Nhuế Vĩ trở lại, quật chết đại hán, song đại hán có võ công rất cao, Nhuế Vĩ không thể thắng, nên nàng đành lờ đi.
Cả hai cứ bước đều, từ từ đi xa dần.
Đại hán lại cao giọng gọi :
- Nhuế tiểu tử! Có phải là Hồng Bào Nhân Nhậm Hữu Khánh dạy cho ngươi bộ pháp đó chăng?
Nhuế Vĩ quay đầu lại. Chàng muốn hỏi lai lịch của người áo đỏ.
Nhưng, Lâm Quỳnh Cúc đề tỉnh chàng :
- Không nên hỏi gì hết, đại ca! Đừng quên lời Hồng bá bá đã dặn.
Nhuế Vĩ gật đầu, rồi đáp lời đại hán :
- Hồng Bào Nhân là ai, tại hạ đâu có biết? Bộ pháp đó là tuyệt học gia truyền của tại hạ, chẳng phải ai dạy cả!
Đại hán có thính giác rất nhạy, mường tượng là một tay Thuận Phong Nhỉ, tuy khoảng cách giữa nhau khá xa. Lâm Quỳnh Cúc nói gì y cũng nghe lọt. Y bật cười ha hả, tiếp :
- Thôi đi tiểu quỷ ơi! Đừng mong lừa ta! Nếu Hồng Bào Nhân truyền được cho ngươi một bộ pháp, thì ta cũng truyền được cho ngươi một môn công vậy chứ!
Ngươi chịu học không?
Nhuế Vĩ cao giọng đáp :
- Tại hạ không học đâu! Đa tạ tiền bối!
Đại hán tiếp :
- Ta sẽ truyền "Hóa Thần chưởng pháp" cho ngươi!
Nhuế Vĩ hơi xiêu lòng, bởi chưởng pháp đó rất cao siêu, đối phó được với "Hải Uyên kiếm pháp". Có thể nhờ chưởng pháp đó, chàng làm khó dễ cho Nhất Đăng thần ni phần nào.

Lâm Quỳnh Cúc lại cản :
- Chưởng pháp của y tuyệt diệu thật, song phẩm cách xấu lắm, đại ca đừng học.
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Phải! Học làm gì!
Chàng lôi Lâm Quỳnh Cúc đi luôn.
Đại hán cũng nghe rõ cả hai nói gì với nhau. Y giận quá dở thuật khinh công, phóng mình đuổi theo. Khi Nhuế Vĩ nghe tiếng gió thì ý đã đến bên cạnh Lâm Quỳnh Cúc rồi. Nhanh như chớp, y chụp Lâm Quỳnh Cúc. Nhuế Vĩ chưa kịp phản ứng, nàng đã sa vào tay đại hán rồi.
Đại hán cười ha hả :
- Học hay không học, nói cho ta biết!
Lâm Quỳnh Cúc hét lên :
- Đừng học, đại ca! Đừng thèm học!
Đại hán nổi giận, quát :
- Xú liễu đầu có câm miệng lại hay không thì bảo?
Y quăng ngược nàng về phía hậu, đoạn gọi :
- Tử Phụng! Đón bắt nàng!
Tử Phụng ở phía sau, cách xa xa, vươn tay đón bắt liền.
Trong trường hợp đó, Nhuế Vĩ muốn cứu nàng, tất phải vượt qua ngang đại hán.
Đại hán chận trước :
- Lần này, ngươi đừng hòng đoạt nàng lại.
Y lại gọi :
- Tử Phụng, nhốt liễu đầu, bỏ đói mấy ngày mấy đêm xem nàng có còn tinh thần chống đối nữa chăng!
Tử Phụng vâng lệnh, mang Lâm Quỳnh Cúc vào nhà.
Nhuế Vĩ lại thốt :
- Hãy khoan! Các cô nương không nhốt nàng được đâu!
Đại hán cười hắc hắc :
- Không nhốt cũng chẳng sao, miễn là ngươi chịu học "Hỏa Thần chưởng"!
Nhuế Vĩ cau mày :
- Trong thiên hạ, đâu có chuyện lạ lùng cưỡng bức người học nghệ như vậy?
Đại hán đáp :
- Tánh của ta lạ lắm, ai không muốn học, ta cố ép học cho được!
Y lại gọi :
- Tử Phụng nghe đây! Ngày nào Nhuế tiểu tử chưa chịu học, ngày đó còn bỏ đói liễu đầu nhé.
Từ trong nhà, Tử Phụng đáp vọng ra :
- Vâng lệnh sư phụ!
Nhuế Vĩ nghĩ Lâm Quỳnh Cúc còn yếu đuối quá, nếu nhịn đói nhịn khát thì nguy hiểm tánh mạng. Chàng lớn tiếng đáp ứng :
- Đừng nhốt nàng! Tại hạ chịu học!
Đại hán cười hì hì :
- Vậy chúng ta bắt đầu ngay bây giờ!
Nhuế Vĩ thầm nghĩ, thời gian học "Hóa Thần chưởng" không rõ lâu hay mau hơn lúc học "Phi Long bộ pháp". Nếu lâu, thì chàng lại chậm gặp Nhất Đăng thần ni, mà chàng thì nôn nóng muốn có cuộc hội diện đó gấp! Dù lâu, dù mau, nếu học thì phải học cho xong, rồi mới đi được. Bởi, khi nào đại hán râu xám để cho chàng bỏ dở công phu?
Để trấn an Lâm Quỳnh Cúc, chàng thốt :
- Cúc muội thản nhiên đi, đừng lo ngại gì cả. Ngu huynh cố gắng học cho mau thành thuộc, rồi chúng ta sẽ đi! Chắc không lâu đâu!
Tử Phụng cười lớn :
- Nhuế công tử đừng lo, ở đây có chị có em đông, không ai bỏ nàng cô quạnh đâu mà sợ!
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đã bảy ngày qua rồi. Trong bảy hôm cả đại hán lẫn Nhuế Vĩ không ai bước vào nhà một phút. Cơm, nước đã có Ngọc Phụng lo liệu, mang đến tận chỗ cho cả hai. Một dạy, một học, mệt thì họ nghỉ, khỏe thì họ tiếp tục luyện tập.
Thoạt đầu, Nhuế Vĩ miễn cưỡng học, dần dần chàng lãnh hội được chỗ ảo diệu của chưởng pháp, cho rằng khó có môn công nào sánh bằng. Chàng bị chưởng pháp hấp dẫn đến độ say mê tập luyện. Chàng lại bội phục đại hán râu xám, công nhận y là tay võ dũng siêu phàm.
Đại hán dạy chàng, không hề giấu diếm một chi tiết nào, chàng thường tự hỏi, tại sao y nhất định truyền thọ cho chàng một môn công cao diệu như vậy.
Đến ngày thứ mười tám, thì Nhuế Vĩ học thành thục hoàn toàn.
Thời gian học tập "Hóa Thần chưởng" ngang với thời gian học tập "Phi Long bộ".
Trong vòng nửa tháng, chàng học được hai huyền công vô thượng kể ra hạnh ngộ của con nhà võ được như chàng là trên chỗ tưởng!
Đại hán thốt :
- Được rồi! Hôm nay ngươi có thể đi tìm Trương liễu đầu rồi đó!
Nhuế Vĩ cung kính cảm tạ.
Đại hán lắc đầu :
- Đừng cảm tạ ta! Ta dạy ngươi môn công đó, là có dụng ý. Ta hơn gì ngươi, thì ngươi cảm tạ làm gì?
Nhuế Vĩ lắc đầu.
- Vô luận thế nào, ta cũng phải cưỡng bách, chứ người có muốn học đâu!
Nhớ lại sự việc tám ngày trước. Nhuế Vĩ thẹn hết sức.
Đại hán tiếp :
- Ngươi phải nhớ điều này, là không được tiết lộ sự truyền thọ chưởng pháp, cũng như đừng bao giờ nói với bất kỳ ai là có gặp ta!
Nhuế Vĩ giật mình. Tại sao đại hán cũng căn dặn chàng y như Hồng Bào Nhân đã căn dặn?
Chàng muốn hỏi tánh danh y, song không dám mở miệng, sợ y phát cáu.
Nhưng y tự động cho chàng biết, y họ Lộ, tên Đình Hoa giang hồ quen gọi là Lam Nhiêm Khách.
Bỗng đại hán râu xám cao giọng nói :
- Đưa Lâm cô nương ra đây!
Không lâu lắm, Tử Phụng và Ngọc Phụng kèm hai bên Lâm Quỳnh Cúc bước ra. Theo sau, còn có bảy tám ni cô nữa!
Song phương tỏ lời tạm biệt, ai ai cũng lưu luyến, bùi ngùi.
Lâm Quỳnh Cúc xúc động nhiều, mắt rướm lệ.
Đại hán cười lớn bảo :
- Đi đi! Bịn rịn mà làm gì!




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây