Thích Khách - Thẩm Nhạn

16: Chương 16


trước sau

Thuyền ô bồng rời khu vực ven sông Bành Thành tiến ra bắc, thuyền đi tám ngày đến Túc Châu, đi thêm sáu ngày đến Bạc Châu, lại đi tiếp bảy ngày đến Khai Phong. Ngày tháng lăn vòng vòng như cối xay chuyển động, hai bên bờ hoa nở rồi tàn, cảnh đổi rồi biến. Bên tai, giọng mềm Ngô Nông dần ít đi, người qua lại xổ tiếng quan thoại càng gần Lạc Dương lại càng nhiều, không êm ái thỏ thẻ như tiếng phương Nam mà nghe cứng rắn mạnh bạo.

Vốn không cần trì hoãn lâu như vậy nhưng vì phải cắt đuôi đám người truy sát theo lệnh thái tử nên buộc phải lòng vòng giữa các đường sông, không dưng hoang phí một đống thời gian. May mà không nảy sinh biến cố gì khác, dọc đường có thể coi là yên ổn, không có thích khách đuổi theo.

Tới Khai Phong đã là đầu tháng Sáu, mưa dầm đã ngớt, xuân đi hạ tới.

Khai Phong là một mảnh đất báu, nằm ngay trung tâm vùng trung du Hoàng Hà, lục triều lên xuống thịnh suy đều quy hết về mảnh đất này.

Lúc đi học hồi còn nhỏ, Tiết A Ất nghe phu tử giảng, Trịnh Trang Công thời cổ đặt tên Khải Phong với ý “khải thác phong cương (mở mang biên giới)”, sau tị húy tên vua nên đổi thành Khai Phong. Hoàng quyền mênh mông, hoàng đế hiện thời vượt trên vương công thời cổ, bãi bể nương dâu, mây trắng chó mực, Khai Phong đã sớm không còn là đế đô.

Cát Sinh chống thuyền cập bờ, bến đò cũng nơi đây ngựa xe như nước, nhộn nhịp tấp nập chẳng thua gì Qua Châu.

Phùng Thiếu Mị xách guốc mộc vén mành đi ra, Tiết A Ất đã ở bên ngoài chờ: “Người tiếp ứng của nhà họ Trương ở đâu?”

“Nhà họ Trương kênh kiệu lắm, chúng ta phải đi tìm, vương gia nói với tôi người sống ở nhà thứ ba ngõ Song Long phố Đồng Tước.” Phùng Thiếu Mị khom người đặt guốc mộc lên sàn thuyền, cong chân xỏ vào, “Tôi chưa từng tới Khai Phong, anh có biết đường không?”

Tiết A Ất lắc đầu, trước đây hắn đi tiêu tuy cũng vào nam ra bắc nhưng Khai Phong cách Giang Đô quá xa, chưa từng nhận vụ làm ăn nào chạy tới tận đây.

Không quen đất lạ chẳng khác nào người mù qua sông, chân vấp tay vướng, hai người cùng xuống thuyền đi hỏi thăm nghe ngóng.

Giờ này vừa mới gỡ giới nghiêm, trời tảng sáng, yến tước rời tổ, ngư dân chống thuyền đi xa, người vật trên bờ bận rộn tất bật. Ồn ã càng làm nổi bật sự tĩnh lặng, một người đàn ông râu quai nói mặc áo xanh phanh ngực ngồi trước bờ sông, tay bưng một bát canh cay đen sì, chậm rãi húp miến.

Ttiết A Ất và Phùng Thiếu Mị đưa mắt nhìn nhau, đi tới trước vỗ vỗ cánh tay người đàn ông râu hùm, đợi gã ngẩng lên rồi mỉm cười: “Tiểu đệ dẫn vợ từ phương nam lên đây, sớm đã nghe nói đất Khai Phong trù phú, đến cậy nhờ họ hàng buôn bán nhỏ, hiện giờ lại chẳng biết phải lần mò thế nào, huynh đài có phải ‘thổ địa’ nơi này không?”

“Thổ địa” là cái nghề đi khắp thiên hạ không đâu không có, những tin tức người bản địa quen đến thuộc lòng đối với người mới đến lại là lời vàng tiếng ngọc. Có mua thì có bán, nghề này phát đạt xưa nay, đáng tiếc lúc liền lúc đứt, chỉ làm mỗi nghề này thôi thì chẳng thể nào nuôi nổi gia đình, thế nên làm “thổ địa” đa số đều là hạng người chơi bời lêu lổng, rảnh rỗi thì kiếm vài đồng lẻ.

Gã râu hùm bưng bát canh cay quan sát đôi trai gái từ trên xuống dưới.

Đối diện với ánh mắt suy đoán, Phùng Thiếu Mị cười giả lả: “Đại ca không phải ‘thổ địa’ cũng không sao đâu ạ, coi như kết thêm bạn bè…” Nàng giơ tay chỉ vào một tiệm ăn gần đó, “Ngược xuôi một đường bụng sôi ùng ục, chúng ta vào đó trò chuyện có được không ạ?”

Đàn ông gặp phụ nữ cười dù sao cũng sẽ hòa hoãn hơn mấy phần, gã râu hùm gật đầu: “Đa tạ em gái, vậy thì cung kính không bằng tuân mệnh.”

Ngửa đầu nuốt nốt ngụm canh cuối rồi chùi miệng, gã râu hùm trả lại bát sành cho ông già bán canh cay, chắp hai tay đi theo cặp trai gái đến từ xứ khác. Vào tiệm ăn, gã râu hùm đi đầu gọi hầu bàn, song cũng không làm thịt khách đén mà chỉ gọi một xửng bánh gạo nếp.

Hớp một ngụm trà hầu bàn bưng lên, tốn chút miệng lưỡi là kiếm hời được mấy đồng lót dạ, nụ cười trên mặt gã râu hùm chân thành hơn hẳn: “Hai vị muốn biết cái gì? Tôi đây không dám nhận là thổ địa chân chính nhưng cũng nắm rõ được chín thành chín.”

Tiết A Ất không vội hỏi thăm ngay mà đặt hộp đao xuống bên chân, gọi tiểu nhị: “Vợ tôi thích ăn ngọt, ở đây có món nào ngọt không?”

“Khách quan xem bánh hoa sen ba tiên có được không ạ?” Hầu bàn cười đáp, “Đó là món bánh ngọt đặc sản đất Khai Phong chúng tôi, đảm bảo tôn phu nhân sẽ hài lòng!”

Tiết A Ất gật đầu: “Vậy cho một đĩa.”

Trước khi đi, Giang Đô vương đã phái người đưa đủ lộ phí, một là để mua chuộc lòng người, hai là để an ủi nỗi đau mất cha của anh em họ Tiết. Hiếm khi nào trong tay Tiết A Ất dư dả thế, đủ để chi tiêu trên đường, thậm chí còn có thể làm hai bữa cơm ngon rượu say. Nghèo khổ có cách sống của nghèo khổ, khá giả có cách sống của khá giả, hắn không phải hạng người bủn xỉn sợ bần sợ cùng như thế.

Gã râu hùm trêu ghẹo: “Nhìn không ra đấy, tiểu huynh đệ còn si tình lắm kia.”

Phùng Thiếu Mị cười tít mắt hân hoan: “Đại ca đừng móc mỉa em, còn đùa nữa em đây không chịu nổi đâu.”

Tiết A Ất tiếp lời: “Đi đường xóc nảy, vợ em mệt mỏi quá rồi, tiểu đệ nhìn mà đau lòng thật sự, mong huynh đài chỉ điểm mấy câu, đỡ cho trắc trở thêm nữa.”

Lời nói rất khách sáo, gã râu hùm vỗ ngực nhận lời: “Chỉ cần mở miệng, đảm bảo tiểu huynh đệ sẽ hài lòng.”

Hàn huyên thêm dăm câu nữa, bấy giờ Tiết A Ất mới hỏi: “Nhà họ hàng tiểu đệ sống ở ngõ Song Long phố Đồng Tước, huynh đài có biết đi thế nào không ạ?”

“Cách đây không xa,” Gã râu hùm giơ cánh tay chỉ ra ngoài, “Qua ba con phố về hướng đông, đi thêm hai phố nữa về phía tây thì ra phồ Đồng Tước, phố Đồng Tước hướng theo trục nam bắc, đi về phía bắc không đến mấy bước sẽ thấy có ông lão bán rượu đầu một con ngõ, ngõ đấy chính là ngõ Song Long.”

Trả lời vô cùng tường tận, Tiết A Ất cảm ơn, lại nói: “Có phải bên trái có tiệm thuốc…”

Trước cửa tiệm ăn bỗng vang lên tiếng hô vang dội hùng hậu, bốn gã giang hồ chân quấn xà cạp rảo bước đi tới: “Tiểu nhị, cho bánh bao canh, cá xào đường giấm phủ mì sấy mỗi món bốn phần, thêm nửa gà luộc ống, một cân thiêu đao tử nữa.”

Hầu bàn đón khách vào: “Vâng, mời ngài vào trong!”

Bốn người ngồi vào một góc khác trong tiệm ăn, gã râu hùm nheo mắt quan sát một hồi, chợt vỗ đùi: “Tôi đang thắc mắc sao quen mắt quá chừng, đây không phải chư vị đại hiệp Vô Nhai Tông sao!”

Tiết A Ất làm bộ hờ hững liếc qua hướng đó, thuận miệng tiếp lời: “Môn phái võ lâm nào mới lập ạ? Sao chưa nghe tên bao giờ vậy.”

“Tiểu huynh đệ cũng biết chuyện giang hồ à?” Gặp được người đồng đạo, giọng gã râu hùm càng thêm hồ hởi, “Tiểu huynh đệ đi đường vội vã nên chắc chưa kịp nghe ngóng thế cục võ lâm gần đây, Vô Nhai Tông này nói mới không mới mà nói cũ cũng chẳng cũ – bình mới rượu cũ ấy mà, chính là đám đệ tử của nhà họ Hoài tiếng tăm lẫy lừng.”

Tiết A Ất ra vẻ ngạc nhiên, trao đổi ánh mắt với Phùng Thiếu Mị.

Phùng Thiếu Mị lặng lẽ lắc đầu, nàng cũng không biết sau khi Tô Ngạo dẫn dắt đệ tử nhà họ Hoài nương nhờ Giang Đô vương thì thu xếp như thế nào.

Lúc này, hầu bàn đã dọn thức ăn lên, tay trái bưng bánh gạo nếp cắt thành miếng vuông, bên trong đính năm, sáu quả táo mật to bằng ngón cái, trên mặt rưới dịch mật nấu từ hoa quế và sơn tra, hương thơm ngọt ngào phả vào mặt. Tay phải hầu bàn bưng một bánh hoa sen ba tiên, trong đĩa bày sáu miếng bánh, đan xen so le thành một vòng, nom như nụ sen mới hé.

Gã râu hùm cầm thìa gỗ gạt vụn hoa quế phủ trên bánh gạo nếp xuống, múc một thìa kèm cả mật táo bỏ vào miệng, nhai mấy cái rồi nuốt xuống, nói tiếp chuyện mới nhắc đến: “Trước đây lúc Hoài Vô Nhai còn sống thì không muốn khai tông lập phái, đội danh nhà họ Hoài nhưng hành xử thì theo kiểu tông phái, nhận học trò khắp thiên hạ. Lão ta là thủ lĩnh giang hồ, ngửa tay làm mây úp tay thành mưa, không ai rung chuyển được nên tất nhiên cũng không ai truy cứu.

“Nay người đã mất, dưới gối Hoài lão gia tử chỉ có một đứa con gái mà đã chết yểu từ hai mươi năm trước, nói nghe không phải chứ, nhà họ Hoài đã sớm tuyệt dòng tuyệt dõi rồi. Một đám đệ tử vừa không họ Hoài vừa không phải tôi tớ nhà họ Hoài, bái sư đường hoàng, ai lại chịu đội cái danh “đệ tử nhà họ Hoài” trên đầu chứ. Đại đệ tử Tô Ngạo làm chưởng môn đương nhiên cũng nghĩ đến chuyện thay hình đổi dạng, bằng không đời này dãi nắng dầm mưa, ngoái lại lại thành ra may áo cưới môn hộ người chết, chuyện Hoài lão gia tử năm đó vốn cũng đã chẳng có lí lẽ gì, tiểu huynh đệ nói có phải không?”

Chưa từng bái sư học nghệ nên Tiết A Ất quả thật không biết lề lối trong này, nghe vậy gật đầu: “Phải ạ.”

Phùng Thiếu Mị không xen lời, yên lặng ngồi một bên ăn bánh. Bánh hoa sen ba tiên đưa vào miệng ngập tràn hương thơm, xốp mềm chua ngọt, không hổ là đặc sản Khai Phong, cái duy nhất không trọn vẹn là nhân mứt táo hơi chua quá, ăn hơi ngượng miệng.

Gã râu hùm làm ngụm trà nhuận giọng, nói tiếp: “Tô Ngạo xem như cũng có lương tâm, thay hình đổi dạng mà không quên ân sư thụ nghiệp, hai mươi ngày trước vừa bố cáo võ lâm: Lấy tên ân sư lập tông, Giang Đô Bắc Sơn là nơi chôn cất hài cốt ân sư, không dám lỗ mãng, bèn dời tông phái đến Lộc Sơn ở Nhữ Dương. Mấy ngày nay vừa hay đi ngang qua Khai Phong, Vô Nhai Tông đi lại nhộn nhịp lắm, chung quanh không ai không biết sự kiện mới mẻ này.”

“Lộc Sơn…” Tiết A Ất ngẫm nghĩ, “Đó không phải dưới chân hoàng thành à?”

“Chính thế,” Gã râu hùm nói, “Vô Nhai Tông vừa lập phái, đời trước nhà họ Hoài là tông phái nói một không hai, tuy ngày nay cột trụ đã đổ nhưng dẫu chết cũng vẫn đỡ nổi danh hiệu thủ lĩnh võ lâm. Người đi trà lạnh, tường đổ đám đông đẩy, bao nhiêu người mong đợi Tô Ngạo gặp bất trắc, chỉ nhìn chằm chặp đợi y lỡ bước sa chân, ngã từ mây xuống bùn. Tôi nói chứ, việc gì Tô Ngạo phải vội vàng đi tranh cái danh hiệu ấy chứ, đạp vững đất nền có gì không tốt, nói không chừng một, hai chục năm sau biết đâu Vô Nhai Tông có thể trò giỏi hơn thầy?”

Đương nhiên là không được, nếu Tô Ngạo có thể thông tỏ đạo lí này thì đã chẳng vận hết thủ đoạn toàn thân ra đẩy Vô Nhai Tông về đỉnh giang hồ. Cây sống có vỏ người sống có mặt, chỉ e quay đầu lại mất ráo mặt mũi.

Phùng Thiếu Mị ăn xong một miếng bánh hoa sen, cầm khăn lau ngón tay rồi đẩy đĩa sứ tới trước mặt Tiết A Ất, tỏ ý bảo hắn nếm thử.

Tiết A Ất nhón một miếng bánh ngọt bỏ vào miệng, đợi trong miệng lắng vị rồi lại nói: “Mấy ngày trước tiểu đệ tình cờ gặp Tô Ngạo lệnh đệ tử dưới môn dựng võ đài trên phố, theo lời huynh đài nói về nhà họ Hoài bây giờ…. Xem chừng tình hình Vô Nhai Tông rất nguy ngập, vậy là đệ tử thủ đài đánh thua, không trấn áp được người ngoài ạ?”

“Cái đó thì không, tiểu đệ tử Tạ Thiêm của Tô Ngạo được khen là ‘Giang hồ tân tú’, quả thật thủ vững được võ đài mười ngày, còn nhỏ mà đã đạt được thành tựu nhường này, về sau tất sẽ thành bậc đại quý.” Trong lúc nói chuyện, gã râu hùm đã ăn xong bánh gạo nếp, lau miệng nói, “Nhưng còn chưa đủ, chỉ chuyện này thôi thì không đủ tiền vốn để Vô Nhai Tông trở lại địa vị ban đầu của nhà họ Hoài, khi xưa Hoài Vô Nhai chiếm khư khư vị trí đứng đầu võ lâm đó bao nhiêu lâu thì ngày nay người giang hồ có bấy nhiêu mong muốn đánh đồ tử đồ tôn của lão thành phượng hoàng trụi lông không bằng gà.”

Tiết A Ất ăn một miếng bánh rồi cũng không động vào nữa, cộng thêm hai miếng Phùng Thiếu Mị ăn lúc trước, trong đĩa sứ còn lại ba miếng bánh hoa sẽ. Phùng Thiếu Mị gọi hầu bàn nhờ lấy giấy dầu gói lại, mang về cho Thúy Thúy nếm.

“Tô Ngạo vẫn đang treo thưởng lớn tróc nã nữ thích khách ám sát Hoài lão gia tử ngày ấy kìa, nghe nói con ả đó đánh cắp tuyệt học trọn đời cất trong phòng Hoài lão gia tử.” Động tác Phùng Thiếu Mị khựng lại, nghiêng đầu nhìn gã râu hùm đang nói, chậm rãi cụp mắt, “Bày trận rầm rộ thế này, nếu mà bắt được thì đã sớm bắt rồi, Hoài lão gia tử đã đi bốn tháng rồi, tôi thấy là để treo chắc rồi.”

“Đúng lúc này lại dời tông phái đến ngoại thành Lạc Dương,” Gã râu hùm tỏ vẻ không hiểu, “Chẳng biết là để làm gì.”

Đương nhiên là để giúp Giang Đô vương đoạt đích rồi.

Hầu bàn mang túi giấy dầu đã buộc dây cẩn thận, Phùng Thiếu Mị nhận lấy cầm trong tay, vô thức nắm chặt ngón tay, sợi thừng thô ráp siết vào da phát đau.

Tô Ngạo dốc túi tương trợ như vậy không nằm trong dự liệu của nàng. Chuyện Giang Đô vương lệnh Phùng Thiếu Mị ám sát Hoài Vô Nhai khi trước không hề được giấu đến gió thổi không lọt, mà nay lại thành đồng liêu, chung quy sẽ có một ngày giấy không gói được lửa. Chẳng biết khi biết kẻ sai người sát hại ân sư chính là Giang Đô vương, Tô Ngạo sẽ có phản ứng thế nào.

Nhưng người giang hồ nhúng tay vào tranh đấu của hoàng tử, triều đình đã sớm có phê bình kín đáo, hôm nay hoàng tử có thủ đoạn bao che lớn như vậy cho Vô Nhai Tông cũng chỉ có thái tử và Giang Đô vương. Tô Ngạo đã phản bội thía tử, tuyệt đối sẽ không trở mặt tiếp với Giang Đô vương, đến lúc đó thù giết thầy định để ai tới gánh?

Không thể trả thù người cầm đao, vậy cũng chỉ có thể bẻ gãy thanh đao giết người.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây