Thiên Hạ Truyền Kỳ

28: Tây sơn lạc nguyệt lâm thiên trượng đông hải tinh vân phủng cấm vi


trước sau



“Non tây trăng xẻ cao nghìn trượng



Đông hải mây quang cuốn điện trời.”



Lại nói, Hoạt Tài Thần Gia Cát Ngọc cùng Tứ đại Thị Nữ hộ giá Bạch Thiếu Huy xuôi dòng Trường Giang ra biển. Xung quanh Vạn Tú Lâu Thuyền có tám chiếc đại thuyền vũ trang hạng nặng túc trực tuần tiễu. Vì địa phận Trường Giang thuộc vùng ảnh hưởng của Bài Giáo nên Dương Lâm đã phái thủ hạ đến hộ giá.



Tuấn Nhi cũng theo chàng tuần du. Sau mấy ngày nghỉ lại tại Hy Văn Thư Trang của Gia Cát Tài Thần, các dược liệu cần dùng để chữa trị cho Tuấn Nhi đã được tìm đủ. Do đó không cần phải về cung nữa.



Thuyền lớn vững vàng rẽ sóng lướt nhanh.



Những con sóng luân phiên vỗ vào mạn thuyền bì bõm. Thỉnh thoảng lại có những cơn gió nhẹ thoảng qua làm mặt sông gợn sóng lăn tăn.



Bạch Thiếu Huy cùng Gia Cát Ngọc và bọn Hoa Nhi ngồi trong khoang thuyền uống trà chuyện vãn, ngắm phong cảnh hai bên bờ sông qua cửa sổ khoang thuyền.



Tuấn Nhi ngồi bên cạnh chàng lắng nghe mọi người nói chuyện. Trước mặt đầy kẹo bánh, nhưng cậu bé mải nghe mọi người nói chuyện, cứ cầm mãi trên tay mà không ăn. Chỉ là những câu chuyện đông tây thế sự, nhưng với cậu bé thì rất mới lạ khiến cậu bé nghe rất say mê.



Thấy cậu bé cầm mãi phong bánh trên tay, Bạch Thiếu Huy choàng tay ôm cậu bé vào lòng, cười nói :



- Hài tử ăn bánh đi.



Cậu bé đỏ mặt, đưa phong bánh lên nói :



- Điện hạ ăn với hài nhi nhé.



Bạch Thiếu Huy khẽ cười, cầm lấy phong bánh, bẻ một miếng nhỏ ăn, phần còn lại đút cho cậu bé ăn. Được chàng quan tâm chăm sóc, cậu bé cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng rồi thấy bọn Hoa Nhi nhìn mình cười, cậu bé lại ngượng ngùng, cúi mặt nói :



- Hài nhi lớn rồi. Hài nhi tự ăn được ạ.



Bạch Thiếu Huy mỉm cười, xoa đầu cậu bé nói :



- Hài tử ngoan lắm.



Đoạn chàng trao phong bánh cho cậu bé. Ăn được mấy miếng, cậu bé lại nói :



- Điện hạ, mọi người nói chuyện nữa đi ạ. Hài nhi thích nghe chuyện.



Gia Cát Ngọc cười nói :



- Thiếu quân theo điện hạ học được bao nhiêu thi phú rồi, đọc nghe thử xem. Thiếu quân mà đọc được một bài thơ hay, lão phu sẽ kể cho thiếu quân nghe một chuyện lạ.



Cậu bé ngước mắt nhìn Bạch Thiếu Huy. Chàng mỉm cười nói :



- Hài tử thử ngâm một đoạn cũng được.



Cậu bé khẽ vâng dạ, nghĩ ngợi một lúc rồi ngâm nhỏ :



“Thảo sắc thanh thanh liễu sắc hoàng



Đào hoa lịch loạn lý hoa hương



Đông phong bất vị xuy sầu khứ



Xuân nhật thiên năng sử hận trường.”



Tạm dịch :




Sắc cỏ xanh xanh sắc liễu vàng



Hoa đào nở loạn, hoa lý thơm



Gió đông chẳng thổi sầu bay hết



Xuân tới còn gieo nỗi hận trường.



Giọng ngâm trong trẻo của tuổi ấu thơ nghe thật hay. Nhưng sắc diện cậu bé lại không được vui, thanh âm trầm ấm cũng lẫn chút nét buồn. Bạch Thiếu Huy ôm cậu bé vào lòng, dịu dàng hỏi :



- Hài tử vẫn còn nhớ chuyện ấy ư ?



Cậu bé gục đầu vào người chàng, khẽ nói :



- Điện hạ. Hài nhi … Đến đất Kim Lăng hài nhi lại nhớ đến họ Chu. Hài nhi không thích họ Chu.



Bạch Thiếu Huy nói :



- Người cũng có kẻ này người khác. Hài tử không nên ghét tất cả.



Cậu bé cúi mặt nói :



- Nhưng … Quả thật hài nhi không thích họ Chu tí nào cả. Bọn họ khó ưa quá.



Gia Cát Ngọc đỡ lời :



- Điện hạ. Tìm một người tốt trong họ Chu e rằng còn khó hơn tìm kim đáy nước. Thiếu quân không thích bọn họ cũng không có chi khó hiểu.



Bạch Thiếu Huy nói :



- Xem ra khanh cũng rất bất mãn đối với họ Chu.



Gia Cát Ngọc nói :



- Điện hạ. Họ Chu xem thiên hạ như của riêng. Trên từ Chu đế cho đến đám con cháu của y đều chẳng khác gì nhau, đều đố kỵ người tài, không muốn ai hơn mình. Mà nếu chỉ có thể thôi thì cũng còn đỡ. Kẻ nào cũng ham hưởng thụ, thích vơ vét mới khổ cho dân. Chỉ cần xem bọn Chu Triệu Long, Chu Bội Hữu cũng đủ biết.



Bạch Thiếu Huy gật đầu :



- Bọn chúng quả là những kẻ không ra gì.



Gia Cát Ngọc thở dài :



- Kim Tài Thần so với thần thì may mắn hơn nhiều vì đất Thiểm Tây không có gã họ Chu nào, mà Tổng đốc Thiểm Tây lại là biểu đệ của lão.



Ngừng một lúc, lão lại thở dài, nói thêm :



- Trước đây Thẩm Vạn Tam xây cho triều đình một nửa thành Kim Lăng, tuy cũng có lòng tốt nhưng cũng là khoe của nên đã rước họa vào thân.



Hoa Nhi nói :



- Tiên sinh nói chẳng sai. Chẳng biết gã họ Thẩm đó nghĩ sao nữa. Khoe của với một kẻ hay đố kỵ như Chu Nguyên Chương, mang họa là phải.



Gia Cát Ngọc lại nói :



- Vì vậy mà thần phải luôn thận trọng giao tế, khôn khéo giữ mình mới còn yên ổn cho đến ngày nay. Nhưng cũng chỉ là tạm thời. Tương lai thật không dám nói chắc. Cũng may là thần đã có chuẩn bị, di dời hết tài sản đi nơi khác, ở Kim Lăng chỉ còn Vạn Tú Hoa Viên và Hy Văn Thư Trang. Nếu có sự gì thì cũng không đến nỗi mất hết. Trước giờ thần cũng chưa bao giờ vào thành Kim Lăng.



Bạch Thiếu Huy khẽ thở dài. Tuấn Nhi sợ chàng không vui, cố ý nói sang chuyện khác :



- Gia Cát tiên sinh. Đến phiên tiên sinh kể chuyện rồi đó. Phải là chuyện kỳ lạ nhé.



Gia Cát Ngọc bật cười, nói :



- Được thôi. Tất nhiên phải là chuyện kỳ lạ rồi.



Tuấn Nhi giục :



- Tiên sinh mau kể đi. Kể đi.



Gia Cát Ngọc vuốt râu nghĩ ngợi, như để sắp xếp lại câu chuyện. Sau đó, lão khề khà kể :



- Trong Hy Văn Thư Trang có một hầm rượu lớn để cung cấp cho các tửu lâu ở Vạn Tú Hoa Viên. Ở đấy có hàng trăm loại danh tửu với hơn vạn cân rượu.



Tuấn Nhi nói :



- Hơn vạn cân rượu tuy có nhiều thật, nhưng so với quy mô của Vạn Tú Hoa Viên thì có đáng gì đâu, sợ chẳng đủ dùng trong mấy ngày. Đúng là chuyện lạ thật đấy, nhưng chẳng thú vị chút nào.



Gia Cát Ngọc tủm tỉm cười nói :



- Không phải. Không phải. Trước đây hầm rượu trong trang lớn hơn thế nhiều. Nhưng vì tình hình phức tạp, lão phu đã di dời đi khỏi Kim Lăng, chỉ để lại bấy nhiêu. Khi nào gần hết mới lại vận chuyển đến.



Đoạn lão chợt hỏi :



- Thiếu quân có nhớ lão tửu quỷ Thần Hành Túy Khất hay không ?



Tuấn Nhi gật đầu :



- Nhớ chứ. Nhớ chứ. Lão ta thế nào ?



Gia Cát Ngọc nói :



- Khi lão ta mang thơ đến, lão phu đãi lão như thượng khách. Nghe nói trong trang có một hầm rượu lớn, lão liền chạy ngay đến đó, chiếm luôn hầm rượu, không cho ai vào. Nghĩ đến lời hứa của thiếu quân, lão phu cũng để mặc lão ta. Đúng một tháng sau, lão phu mới xuống hầm rượu gọi lão lên. Thiếu quân có biết không ? Chỉ trong một tháng mà lão ta đã uống sạch cả kho rượu hơn vạn cân. Tính ra mỗi ngày lão uống hết gần bốn trăm cân rượu.



Tuấn Nhi tròn mắt nói :



- Ghê thế à ? Đến bốn trăm cân rượu một ngày, bụng đâu mà chứa cho hết chứ ? Vậy là Tuấn Nhi đã làm cạn kho rượu của tiên sinh rồi.



Hoa Nhi hấp háy mắt cười nói :



- Chuyện thật như thế chứ ? Khó tin quá.



Gia Cát Ngọc cười hì hì :



- Đương nhiên là không thật rồi.



Tuấn Nhi bật cười nói :



- Tiên sinh trêu Tuấn Nhi rồi.



Bạch Thiếu Huy khẽ cười. Chàng đưa mắt nhìn qua cửa sổ khoang thuyền ngắm phong cảnh hai bên bờ. Tuấn Nhi dựa vào người chàng, ăn một chiếc kẹo đặc sản của Giang Nam mà ở phương Bắc không có.




Lúc này đang độ đương xuân, cành non lộc mới, lá xanh mơn mởn, cây cỏ tốt tươi. Cảnh sắc nên thơ tuyệt mỹ có thể khiến tao nhân mặc khách nảy sinh thi hứng.



Nhưng ánh mắt Bạch Thiếu Huy chợt dừng lại ở những mái nhà xiêu vẹo, những túp lều rách nát nằm dọc hai bên bờ sông. Đôi mày chàng hơi khẽ cau lại. Chàng trầm ngâm hồi lâu, rồi bỗng thở dài.



Tuấn Nhi ngạc nhiên, ngồi thẳng lên, hỏi :



- Điện hạ. Sao thế ạ ? Có phải hài nhi đã làm điện hạ phiền lòng ?



Bạch Thiếu Huy ôm cậu bé vào lòng, nói :



- Hài tử ngoan lắm. Không có gì đâu. Quả nhân đang nghĩ về chính sự.



Gia Cát Ngọc hiểu tâm ý của chàng, liền nói :



- Hiện nay Chu đế sống ngày càng xa hoa trụy lạc, chính lệnh hà khắc, tàn hại công khanh. Các đại thần ai có khí tiết thì trả ấn từ quan. Quan lại trong triều đầy rẫy kẻ gian nịnh. Bọn tham quan ô lại các nơi ra sức bòn rút của cải bách tính để cung đốn cho triều đình, khiến bách tính lầm than, lương dân đói khổ. Cũng có không ít lương dân bách tính vì tình cảnh bức bách mà trở thành cường sơn thảo khấu. Nếu cứ tiếp tục thế này, không chừng sẽ sinh biến loạn.



Bạch Thiếu Huy lại cau mày. Những ngón tay trắng muốt khẽ nhịp trên mặt bàn. Tuấn Nhi thấy vậy thì rất ngạc nhiên, ngước nhìn chàng chăm chú.



Gia Cát Ngọc theo phụng sự chàng đã lâu, biết ngay rằng chàng lại sắp có một quyết định trọng đại có quan hệ đến đại cuộc, liền nói thêm :



- Tuy vậy, quan lại địa phương chẳng phải không còn người tốt. Như vùng Giang Lăng, Tín Dương dân chúng tuy còn nghèo khó, nhưng cũng không đến nỗi cơ cực đói khổ như ở nơi đây. Chính lệnh ngày nay quá hà khắc. Sưu thuế cũng cao. Chỉ khi nào chính sự khá hơn thì bách tính mới có thể an cư lạc nghiệp được.



Bạch Thiếu Huy mỉm cười :



- Những quan viên nơi đó chắc là bằng hữu chi giao của khanh.



Gia Cát Ngọc nói :



- Tuân thượng ý của tiên vương, thần rất thận trọng trong giao kết bằng hữu. Bọn họ không phải là bằng hữu chi giao gì của thần, nhưng cũng có ít nhiều quan hệ trong việc kinh doanh. Thời nay, những người nào làm quan mà không đòi hối lộ thì đã có thể xem là phụ mẫu chi dân rồi.



Ngừng lời giây lát, lão khẽ buông một tiếng thở dài, đoạn nói thêm :



- Vùng quanh kinh đô chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều đình nên … bách tính khó tránh khỏi cảnh lầm than. Còn ở các địa phương xa kinh thành, triều đình khó quản lý chặt chẽ. Những quan viên địa phương nếu biết lo cho dân thì bách tính được nhờ, còn nếu là tham quan ô lại thì dân chúng càng thêm đói khổ.



Bạch Thiếu Huy hỏi :



- Tổng đốc Phụng Dương giờ đây thế nào rồi ?



Gia Cát Ngọc nói :



- Y cũng là người khá, hành sự rất đắc lực. Gần đây, y có đến chỗ thần vài lần. Nhưng gã Án Sát Sứ Chu Triệu Long thường ỷ thế dòng dõi hoàng tộc mà bức hiếp dân lành, coi thường quan viên địa phương nên tình hình vẫn chưa cải thiện được mấy.



Bạch Thiếu Huy hỏi :



- Gã ta lộng hành đến thế ư ?



Gia Cát Ngọc nói :



- Đất An Huy cận kề Kim Lăng, gã ta ỷ thế hoàng tộc, còn lộng hành hơn cả gã Chu Bội Hữu ở Sơn Đông nữa. Chính thần cũng còn bực mình, nói chi người khác. Hoàng Thanh Chương rất muốn trừ gã, nhưng chưa có cơ hội.



Bạch Thiếu Huy gật đầu nói :



- Gã ta lộng hành như thế, chắc sẽ có nhiều hành vi sai trái. Chư khanh hãy điều tra những hành vi phạm pháp của hắn rồi công bố rộng rãi cho mọi người biết để tạo dư luận. Sau đó tìm thời cơ mà trừ đi. Nhớ hành động cho thật tinh gọn, tránh làm kinh động đến kinh thành để khỏi sinh chuyện phiền phức. Có thể phối hợp với Bài Giáo và Huyền Đô Quan để giải quyết việc này một cách suôn sẻ.



Gia Cát Ngọc cung kính tuân chỉ. Tuấn Nhi chợt nói :



- Còn gã Chu Đại Hữu ở Sơn Đông nữa ? Có thể trừ gã luôn được không ?



Bạch Thiếu Huy nói :



- Việc ấy hài tử cứ yên tâm. Kim khanh gia đã có sắp xếp. Hiện hắn đang thọ trọng bệnh phải về Kim Lăng cho thái y chữa trị, chẳng còn ở Sơn Đông nữa đâu.



Tuấn Nhi nói :



- Thế thì hay quá. Cho đáng đời gã.



Bạch Thiếu Huy nhìn ra cửa sổ. Trận mưa xuân vẫn còn chưa ngớt hạt. Khắp nơi bao phủ một màu trắng xóa. Dưới làn mưa xuân, cây cối tươi xanh mơn mởn. Chàng khẽ thở dài :



- Một trận mưa rào rửa trôi cát bụi, cành non lộc biếc nhân đó vươn lên, cỏ cây hoa lá đua hương khoe sắc. Có lẽ … phải thế thôi.



Gia Cát Ngọc liền hành đại lễ :



- Điện hạ anh minh thần vũ, uy chấn vạn phương. Thần kính cẩn cung nghinh thánh ý.



Bạch Thiếu Huy nói :



- Khanh hãy bình thân. Chu Nguyên Chương giờ đây phúc phần đã mãn, con cháu vì thế mà chẳng được nhờ. Sau khi y chết, cõi Trung Nguyên sẽ phát sinh biến loạn vì cuộc tranh ngôi. Ngay từ lúc này, các khanh phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự kiện này.



Gia Cát Ngọc cung kính hỏi :



- Chẳng hay điện hạ định giao chính sự cho ai ?



Bạch Thiếu Huy trầm ngâm giây lát, mới nói :



- Trong Chu tộc mà còn có người đủ khả năng đảm đương chính sự, sửa sang triều chính thì tốt hơn hết. Như thế có thể tránh khỏi khiến cho thiên hạ đại loạn. Không thì giao chính sự cho họ khác cũng được. Để đến lúc đó xem tình hình thế nào rồi sẽ liệu sau.



Lúc này, từ bên ngoài có tiếng nói sang sảng vang lên :



- Thần, Bài Giáo tọa hạ, lĩnh Hộ pháp Nhạc Mẫn, xin được triệu kiến.



Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu. Hoa Nhi phụng ý cao giọng truyền :



- Điện hạ ban chỉ tuyên triệu Nhạc Hộ pháp.



Lập tức có một bóng người nhẹ nhàng phi thân lên thuyền rồi nghiêm cẩn bước vào khoang, hành đại lễ :



- Điện hạ anh minh thần vũ, uy chấn vạn phương.



Bạch Thiếu Huy nói :



- Nhạc khanh gia hãy bình thân.



Nhạc Mẫn tạ ân đứng dậy. Bạch Thiếu Huy hỏi :



- Nhạc khanh gia. Có việc chi thế ?



Nhạc Mẫn chắp tay kính cẩn nói :



- Khải tấu điện hạ. Thuyền đã sắp ra đến Đông Hải. Hiện Bang chủ Bạch Giao Bang đang thống lĩnh thủ hạ chờ nghênh giá tại cửa sông cách nơi đây gần mười dặm. Xin điện hạ ban thánh dụ.



Bạch Thiếu Huy gật đầu :




- Khanh hãy cho thuyền đi chậm lại và truyền dụ của quả nhân triệu Lữ khanh gia đến đây.



Nhạc Mẫn phụng chỉ lui ra. Chỉ nửa khắc sau, đã nghe thấy tiếng sóng biển vỗ ì ầm. Một bóng người nhẹ nhàng hạ thân trước mũi thuyền, rồi kính cẩn bước vào khoang, cung kính hành đại lễ :



- Thần, Bang chủ Bạch Giao Bang Lữ Gia, xin tham kiến điện hạ, cầu ngọc thể vạn an.



Bạch Thiếu Huy nói :



- Lữ khanh gia hãy bình thân.



Lữ Gia vâng dạ tạ ân, đứng dậy chắp tay nghiêm cẩn chầu hầu. Bình thường y tính phóng khoáng, không sợ trời, không sợ đất. Nhưng khi đứng trước Bạch Thiếu Huy, y không khỏi có thái độ khép nép sợ sệt. Uy thế của chàng thật lớn.



Nhìn y một lượt, chàng mỉm cười nói :



- Quả nhân cần đi lên phương bắc, khanh hãy lo liệu chuẩn bị mọi sự.



Lữ Gia cung kính nói :



- Khải tấu điện hạ. Thần đã điều động hai mươi hạm đội theo hộ giá. Mọi sự thần đều đã thu xếp ổn thỏa, xin điện hạ cứ an tâm.



Bạch Thiếu Huy mỉm cười nói :



- Đâu cần phải làm rầm rộ như thế.



Gia Cát Ngọc nói :



- Hiện nay tình hình vẫn còn phức tạp, chưa được yên ổn cho lắm. Bọn quan binh thường hay ỷ thế làm càn, cẩn thận như thế mới phải.



Đoạn lão đứng dậy nói :



- Kính mong điện hạ bảo trọng ngọc thể. Thần xin phép được cáo lui.



Bạch Thiếu Huy gật đầu nói :



- Khanh hãy về Kim Lăng lo liệu mọi việc.



Gia Cát Ngọc kính cẩn tuân chỉ, đoạn quay sang Lữ Gia cười bảo :



- Việc hộ giá lão phu xin giao lại cho Lữ bang chủ lo liệu đấy.



Nói rồi lão ra ngoài, xuống thuyền của Bài Giáo, ngược dòng Trường Giang trở lại Kim Lăng. Còn Vạn Tú Lâu Thuyền tiếp tục rẽ sóng ra khơi.



Sau khi đội thuyền của Bài Giáo rút lui, lập tức có hơn trăm chiến thuyền từ bốn phía kéo đến dàn bày xung quanh lâu thuyền hộ giá.



Đoàn thuyền rầm rộ hướng thẳng lên phương bắc.



Sau khi Gia Cát Ngọc đã đi rồi, Bạch Thiếu Huy bảo Lữ Gia ngồi vào chỗ của lão, đoạn hỏi :



- Công việc hiện nay thế nào ?



Lữ Gia cung kính nói :



- Khải tấu điện hạ. Mọi sự đều diễn ra hết sức thuận lợi. Bạch Giao Bang hiện đã kiểm soát toàn vùng Hoàng Hải, Bột Hải. Ba mươi sáu đảo, bảy mươi hai động, cùng mấy chục bang hội giáo phái chuyên hoạt động trên mặt biển cũng đều đã quy thuận dưới cờ. Tổng đàn Bạch Giao Bang hiện đang đóng tại Ngân Ba Đảo.



Ngần ngừ giây lát, y mới rụt rè nói :



- Các huynh đệ muốn xây dựng tại Ngân Ba Đảo một tòa vương cung và tôn thần lên ngôi vương. Không biết thánh ý thế nào ?



Bạch Thiếu Huy khẽ mỉm cười. Lữ Gia hoang mang, cúi đầu nói :



- Thần cũng biết việc xưng vương là có hơi quá đáng. Nhưng … nhưng các huynh đệ đều muốn thế.



Bạch Thiếu Huy cười nói :



- Việc xưng vương nào đã đáng gì. Quả nhân phong cho khanh làm Đông Hải Bá chủ, được dùng cổn miện long bào theo nghi vệ thiên tử. Ngoài ra, khanh có thể xem các đảo phụ thuộc nơi nào có thực lực tương đối, phong vương cho họ để kiến lập đảo quốc mà làm chư hầu.



Không ngờ lại được hơn cả mong đợi, Lữ Gia hớn hở phục lạy tung hô. Bạch Thiếu Huy lại phán :



- Khanh hãy kiến lập cung điện tại Ngân Ba Đảo, dùng làm đại bản doanh cho Đông Hải Bá chủ. Quả nhân ban cho tên là Trường Xuân Cung.



Lữ Gia lại phục lạy tạ ân. Bạch Thiếu Huy truyền bình thân, đoạn hỏi :



- Còn về cơ cấu tổ chức của Bạch Giao Bang hiện nay thế nào ?



Lữ Gia cung kính nói :



- Khải tấu điện hạ. Bang chúng của Bạch Giao Bang được chia thành Ngũ lộ là Hồng lộ, Hoàng lộ, Thanh lộ, Hắc lộ và Bạch lộ. Dưới bang chủ có Tam đại Hộ pháp, Ngũ lộ Hương chủ. Hắc Bạch nhị lộ phụ trách những phần việc trên đất liền, được chia thành các phân đàn, bố trí khắp các thành thị ven biển và dọc hai bên bờ hạ lưu sông Hoài và sông Dương Tử. Hồng lộ, Hoàng lộ và Thanh lộ hoạt động trên biển, được tổ chức thành ba mươi hạm đội. Mỗi hạm đội có bốn chiếc hải thuyền cỡ lớn, mười thuyền nhỏ và một khoái chu tuần thám, do một vị thống lĩnh chỉ huy. Các hạm đội chia nhau khống chế toàn vùng Hoàng Hải và Bột Hải.



Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu, hỏi tiếp :



- Khanh có thu phục những cao thủ độc hành hoạt động trong vùng hay không ?



Lữ Gia tâu :



- Khải tấu điện hạ. Việc ấy thần luôn cho thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra thần còn tích cực thu nạp thêm bang chúng để khuếch trương thế lực. Hiện nhân số Bạch Giao Bang đã tăng thêm gần vạn người.



Bạch Thiếu Huy hài lòng, phán :



- Tốt lắm. Với nhân số đã tăng thêm đó, khanh hãy tổ chức thành ba lộ nữa, tạm gọi là Bắc lộ, Trung lộ và Nam lộ. Địa bàn hoạt động phân lại như sau : Bắc lộ phụ trách vùng Bột Hải, Trung lộ phụ trách vùng Hoàng Hải và Nam lộ phụ trách vùng Nam Hải. Còn Hồng lộ, Hoàng lộ và Thanh lộ sẽ cho ra hoạt động ở những vùng biển xa hơn, như vùng biển phụ cận Cao Ly, Đông Doanh hay vùng Nam Dương chẳng hạn. Việc đóng thêm chiến thuyền cỡ lớn, trang bị vũ khí hạng nặng, Gia Cát khanh gia sẽ giúp cho.



Lữ Gia cung kính vâng dạ, rồi vội đi ngay ra ngoài truyền lệnh. Thánh chỉ đã ban ra thì đương nhiên phải nhanh chóng thi hành.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây