Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

53: Chương 52


trước sau

Nguyên Tứ Nhàn sáp ghế con lại gần, ra hiệu muội ấy mau nói.

Lục Sương Dư xác nhận với nàng:

– Đã hứa là ba rổ, không thể thiếu rổ nào đấy.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu:

– Chỉ cần muội kể tốt, kể hay, sáng mai tỷ còn có thể truyền thụ tay nghề cắt đậu hũ cho muội nữa.

Cái này là nàng nghiên cứu luyện tập ra được hồi ở Thư Châu đấy.

Lục Sương Dư an tâm, từ từ kể:

– A huynh sợ chó là do một tai nạn năm 15 tuổi. Bảy năm trước, a huynh đề tên bảng vàng, đậu thám hoa, được cưỡi ngựa dạo phố theo quy định. Muội nghe nói từ Lạc Dương đến Trường An, mọi người vì muốn nhìn a huynh mà xôn xao hết cả. Có câu “gió xuân thả sức cho phi ngựa, ngày trọn Trường An xem hết hoa” (1), lần dạo phố đó đúng là thanh thế to lớn, nói là vạn người đổ xô ra đường cũng không quá đáng.

(1) Trích “Đăng khoa hậu” của Mạnh Giao, câu thơ dịch của Khương Hữu Dụng, nói về niềm vui tột bậc của sĩ tử khi thi đậu, được đề tên bảng vàng, được tham gia nghi thức cưỡi ngựa dạo phố để chúc mừng.

– Hôm đó trạng nguyên và bảng nhãn cưỡi ngựa trước a huynh đều là người đã có tuổi, các tiểu nương tử thành Trường An chỉ nhìn a huynh trẻ tuổi, đi dọc theo đường lớn Chu Tước, dọc đường ném cành hoa và khăn lụa để bày tỏ tâm ý.

Nguyên Tứ Nhàn yên lặng nghe, không hiểu sao chợt cảm thấy câu chuyện này quen quen nhưng nhất thời không nhớ được, nàng hỏi:

– A huynh muội nhận hết à?

Muội ấy khoát tay:

– A huynh bị ném đầy đầu đầy mặt, đâu có nhận chứ, nhiều lắm lắm luôn á!

– Vậy tai nạn mà muội nói do đâu mà có?

Nói tới đây, Lục Sương Dư nghiến răng oán hận:

– Chính vào lúc nở mày nở mặt đó, không biết tiểu nương tử nhà ai nghịch ngợm, lấy ná bắn vào ngựa a huynh! Con ngựa bị giật mình phi nước đại, a huynh năm đó còn nhỏ, kỹ thuật cưỡi ngựa chưa giỏi, làm thế nào cũng không ghìm nó được.

Nguyên Tứ Nhàn lặng lẽ cắn môi. Câu chuyện này thực quá quen tai, cứ như chính nàng trải qua vậy.

Nàng nghĩ ngợi rồi do dự hỏi:

– A huynh muội… sau đó có phải ngã ngựa không?

– Đúng!

Lục Sương Dư tức giận:

– A huynh bị ngã, đúng lúc chó nhà ai đó không bị buộc chặt, huynh ấy chưa kịp ngồi dậy thì nó lại gần ngửi ngửi rồi thè lưỡi ra liếm miệng huynh ấy!

Lục Sương Dư ấm ức thay huynh trưởng:

– Cảnh mất mặt như vậy, từ nhỏ a huynh đã thích sạch sẽ, về liền ói hết mật xanh mật vàng, từ đó bị bóng ma tâm lý, thấy chó lại gần là toàn thân khó chịu.

Mặt Nguyên Tứ Nhàn xanh như tàu lá, hỏi:

– Trạng nguyên năm đó có phải là một ông lão khoảng 50 tuổi, tóc hoa râm, sắp cưỡi ngựa không nổi không?

Lục Sương Dư gật đầu:

– Người đó chính là Trương bộc xạ thuộc hàng ngũ tể tướng hiện nay, vẫn luôn bất hòa với a huynh.

Đáp xong, muội ấy khó hiểu hỏi:

– Sao tỷ biết chuyện này?

Sao nàng biết chuyện này á? Vì nàng chính là tiểu nương tử nghịch ngợm, lấy ná bắn ngựa Lục Thời Khanh cưỡi năm đó đây nè!

Năm đó nàng vừa 9 tuổi, đang chuẩn bị theo cha mẹ chuyển tới Diêu Châu, trước khi đi nghe nói có sự kiện trọng đại là trạng nguyên dạo phố, nàng nghĩ sau này sẽ không được thấy nữa nên chạy đi tham gia náo nhiệt. Hồi nhỏ nàng thực sự rất nghịch ngợm, trong ấn tượng của nàng, thám hoa lang năm đó trông vô cùng chảnh chọe, nàng muốn trêu y nên lấy ná ra bắn.

Nhưng chuyện này nàng có thể nói sao? Không, không thể, Lục Thời Khanh mà biết sẽ bóp chết nàng.

– Tỷ thuận miệng đoán thôi.

Nàng căm phẫn đứng dậy:

– Tiểu nương tử ác độc đó thật khiến người ta giận sôi! A huynh muội có nhìn rõ tướng tá nàng ta không, tỷ muốn đi đòi công đạo cho chàng!

Lục Sương Dư thấy nàng phản ứng dữ dội như vậy thì ngơ ngác chớp chớp mắt, sau đó nói:

– Lúc đó quá đông người, a huynh nói không nhìn rõ, chỉ biết là một cô bé khoảng tám chín tuổi.

Nguyên Tứ Nhàn thầm vui trong bụng, nhưng ngoài mặt lại cực kỳ tiếc nuối:

– Ôi, đúng là đáng tiếc, đáng tiếc quá.

Qua hai ngày nữa là đến đông chí, có câu “đông chí như Tết” (2), theo truyền thống Đại Chu, hôm đó sẽ tiến hành lễ tế trời trước cầu Kim Thủy ở Đại Minh cung, thánh nhân đích thân chủ trì, bá quan tụ tập, cầu sang năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Sau đó, quan viên văn võ cả triều đồng loạt được nghỉ bảy ngày.

(2) Vào thời Ân Chu, người ta lấy ngày trước đông chí làm ngày cuối năm, lấy ngày đông chí mở đầu cho 24 tiết khí, bởi vậy mới có câu “đông chí như Tết”, là một ngày lễ lớn.

Trời vừa sáng, Lục Thời Khanh đã đi Đại Minh cung, bận rộn cả ngày mới về, bữa tối được ăn canh do Nguyên Tứ Nhàn tự tay nấu, và ăn hoành thánh do nàng, Tuyên thị và Lục Sương Dư cùng gói.

Canh của Nguyên Tứ Nhàn miễn cưỡng có thể cho vào miệng, nhưng hoành thánh nàng gói thực quá xấu, hơn phân nửa đều méo mó xiêu vẹo, nhiều cái còn bị lòi nhân, thực tệ hơn cả Lục Sương Dư. Lục Thời Khanh vừa nhìn liền biết ngay cái nào của nàng làm, nhưng cố tình vờ như không biết, chờ muội muội tức giận chất vấn tại sao y chỉ ăn hoành thánh do Nguyên Tứ Nhàn làm, y mới khó hiểu nói:

– Huynh tưởng mấy hoành thánh tệ này là do muội gói nên mới chiếu cố mặt mũi muội, hóa ra không phải à?

Lục Sương Dư tức tối ăn hết hoành thánh do mình gói, sau đó chạy đi khóc lóc kể lể với Tuyên thị, nói a huynh có tẩu tẩu quên muội muội.

Có điều Nguyên Tứ Nhàn dẫu sao cũng là khách, vốn không cần động tay làm mấy thứ này, nhưng từ khi biết chuyện bảy năm trước, nàng luôn có tật giật mình, sợ Lục Thời Khanh nhìn mặt nàng nhiều sẽ có ngày nhớ lại chuyện trước kia, cho nên nàng xun xoe lấy lòng đủ kiểu, phòng ngừa trước. Đồng thời lại có thể được Tuyên thị khen một tiếng “hiền thục”, nên nấu bát canh này và làm hoành thánh thực là một vụ mua bán không lỗ.

Nhưng Lục Thời Khanh không khỏi cảm thấy trong này có điều mờ ám. Dù sao Nguyên Tứ Nhàn khi nào thật lòng khi nào giả ý, y gần như vừa nhìn là biết ngay. Bởi vậy, chờ ăn xong bữa tối nịnh nọt kia, y đến từ đường trong phủ, bù đắp lễ cúng tổ tiên mà ban ngày bỏ sót, xong xuôi bắt đầu tính toán xem có phải nàng lại có chuyện muốn nhờ vả y không, thế là y âm thầm đợi nàng ở thư phòng nhưng mãi không thấy nàng đến, nghĩ có lẽ nàng khó mở miệng, y bèn định chủ động đến chỗ nàng.

Lục Thời Khanh tắm rửa sạch sẽ, sải bước ra khỏi phòng, đang định đến Đông Khóa viện chỉ cách một bức tường thì ngẩng đầu thấy một cục đen thui ngồi trên đầu tường. Nguyên Tứ Nhàn mặc áo mùa đông màu trắng, bên ngoài khoác áo khoác màu xanh sẫm của y, đôi chân mang giày hoa sen đong đưa, đang chống tay lên tường nhìn trời, trông rất chán chường, rất muốn leo tường ra ngoài chơi.

Bước chân y dừng lại, cảm thấy thói quen leo tường của nàng rất không tốt. Dù sao từ xưa tới nay, tường là một sự tồn tại rất nguy hiểm, trong thơ có câu “Vườn bưng khó nhốt xuân xinh, Vượt tường hạnh đỏ một cành khoe bông” (3) không phải là không có đạo lý.

(3) Trích “Du viên bất trị” của Diệp Thiệu Ông, câu thơ dịch của Vũ Minh Tân, nguyên văn: “Xuân sắc mãn viên quan bất trú, Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai”.

Y cau mày:

– Cô leo tường mãi làm gì?

Bốn bề vắng vẻ, tuy Lục Thời Khanh cách khá xa nhưng Nguyên Tứ Nhàn vẫn nghe tiếng, nàng nghiêng đầu nhìn thì thấy y đứng dưới bậc thềm trong viện tự khi nào, đang ở xa xa nhìn nàng.

Nàng cẩn thận nhảy từ trên đầu tường xuống, đi về phía y, nói:

– Ta chán quá thôi mà…

Chán sao không tìm y?

Lục Thời Khanh muốn đâm chọt nàng vài câu, nhưng nghe giọng nàng rầu rĩ, không vui vẻ như trên bàn ăn ban nãy, nghĩ cũng biết, vào tết đông chí, nửa đêm khuya khoắt, nàng nhất định là nhớ nhà.

Đông chí năm ngoái, nàng ở Diêu Châu ăn tết cùng cha mẹ, nay có huynh trưởng làm bạn cũng không tính là cô đơn, thế nhưng nàng vì mối phiền phức Khương Bích Nhu mà phải ở nhờ Lục phủ của y.

Nàng suy cho cùng vẫn chưa xem nơi này là nhà. Ban ngày tế tổ ở từ đường, vì thân phận lúng túng, chắc chắn nàng không thể chủ động tham gia. Mẫu thân tuy tốt với nàng nhưng cũng không tiện dẫn nàng đi “gặp tổ tông” khi chưa xuất giá, lúc cử hành nghi thức chắc cũng ngầm chấp nhận để nàng ở Đông Khóa viện.

Những chuyện tủi thân này, dường như nàng chưa bao giờ nói với y, thậm chí lúc ăn tối nàng cũng thể hiện như tâm trạng rất tốt, không hề lộ ra gì cả.

Lục Thời Khanh thầm hối hận mình nhất thời sơ ý, không nghĩ đến cảm xúc của nàng, ngữ khí dịu hơn bình thường, hỏi nàng:

– Chán? Vậy cô muốn làm gì?

Nguyên Tứ Nhàn tưởng y sẽ nói “chán thì đi ngủ đi”, nghe vậy vui vẻ:

– Chàng sẽ làm chung với ta chứ?

Y định gật đầu theo bản năng, nhưng nghĩ lỡ nàng bảo y ôm chó thì sao, bèn chừa chút đường lui:

– Cô cứ nói, ta sẽ cân nhắc.

Nàng vừa nghe có hi vọng liền nói thẳng:

– Ta muốn chơi ngũ mộc.

Lục Thời Khanh nghẹn. Ngũ mộc là một dạng cờ bạc ném thẻ cược tiền phổ biến trong các sòng bạc dân gian. Ý tưởng này đủ phá của mà.

Thấy y nghẹn, Nguyên Tứ Nhàn ấm ức:

– Đông chí mấy năm trước, ta và cha đều chơi ngũ mộc.

Lục Thời Khanh nghe vậy mềm lòng, vừa khéo trước đây Trịnh Trạc cũng thích chơi trò này nên có để lại đây một bộ ngũ mộc, y thở dài xem như đồng ý, sau đó nói:

– Đừng cho mẹ ta biết.

Nàng gật đầu lia lịa:

– Chúng ta đến thư phòng chàng lén chơi.

Hai người lẻn vào thư phòng, lấy dụng cụ gỗ ra. Lục Thời Khanh hỏi nàng:

– Cô có mang tiền đồng không?

Nguyên Tứ Nhàn lắc đầu:

– Không cược tiền, cược tiền chán lắm, trước đây ta và cha toàn cược rượu thôi.

Lục Thời Khanh lại nghẹn. Lúc y làm Từ Thiện đã lĩnh giáo đủ sự lên cơn của nàng khi say rượu, lúc đó vì thân phận bức ép nên y cưỡng chế bản thân bình tĩnh, nếu giờ nàng giở trò cũ, giả say chọc ghẹo y lúc y làm Lục Thời Khanh thì e là y sẽ không chịu nổi.

Y kiếm cớ:

– Cô muốn sáng mai dậy, người đầy mùi rượu, bị mẹ ta biết à?

Ồ, đây là một vấn đề.

Nguyên Tứ Nhàn lắc đầu:

– Vậy lấy trà thay rượu.

Lục Thời Khanh tiếp tục từ chối:

– Ban đêm uống trà dễ mất ngủ.

Nàng chê y phiền, dứt khoát nhường cơ hội định quy tắc cho y:

– Vậy chàng nói xem làm sao.

Trong lòng Lục Thời Khanh đương nhiên có mấy biện pháp “làm sao” lận, nhưng trước mắt đều khó mở miệng, định đợi sau này mở miệng được hẵng nói, bây giờ y nói:

– Người ném được “thái” ghi một vạch, người ném được “quý thái” ghi hai vạch, ai nhiều vạch người đó thắng, tương lai có thể bắt người thua làm một chuyện.

Nguyên Tứ Nhàn rất phóng khoáng, lập tức vỗ bàn:

– Được, cho chàng trước.

“Ngũ mộc” chính là năm cái thẻ gỗ hai mặt có hình dạng như hạnh nhân, một mặt sơn trắng, một mặt sơn đen, trong đó có hai cái vẽ hình, mặt đen vẽ hình nghé, mặt trắng vẽ hình trĩ, ba cái còn lại không vẽ hình, bởi vậy sẽ ném ra bốn kết quả khác nhau là nghé, trĩ, đen, trắng.

“Thái” là tổ hợp khi năm thẻ ném ra cùng một mặt. Tổng cộng có 12 loại tổ hợp có thể gọi là “thái”, trong đó bốn loại khó nhất gọi là “quý thái”, bình thường phải chung gấp đôi tiền.

Lục Thời Khanh ung dung ném ngũ mộc, sau đó tự báo:

– Hai nghé ba đen, toàn đen.

Mắt Nguyên Tứ Nhàn đen lại. Đây là quý thái có thể ném ra với tỷ lệ 1/32.

Nguyên Tứ Nhàn sững sờ nhìn y:

– Chàng chơi ăn gian?

Y nghiêm túc lắc đầu:

– Không có.

Rồi đưa tay ra hiệu:

– Mời.

Nàng bán tín bán nghi ném, một trĩ bốn đen, còn chẳng phải “thái” bình thường.

Lục Thời Khanh nhấc bút ghi:

– Vòng một, ta được hai vạch.

Hai người nương theo ánh nến chơi ném ngũ mộc, Nguyên Tứ Nhàn càng ném càng khó tin, qua một nén nhang, nàng nhìn tờ giấy cạnh tay, thấy Lục Thời Khanh đã được mười một vạch, trong khi nàng chỉ có ba vạch.

Nàng không tin, liều mạng nhìn kỹ tay chân y, ép y ném chậm lại, thậm chí đòi đổi vị trí của hai người, nhưng bất luận nàng nhoi thế nào, kết quả cũng như nhau.

Sau nửa canh giờ, Lục Thời Khanh được 32 vạch, nàng được 10 vạch.

Mặt Nguyên Tứ Nhàn tái mét:

– Lục Thời Khanh, có phải ngày nào chàng cũng chui vô sòng bạc không hả?

Lục Thời Khanh nhàn nhạt uống nước, nhàn nhạt mở miệng:

– Cô thấy ta giống người có thời gian đó sao?

Nàng bị thái độ không mặn không nhạt này của y chọc tức:

– Là ta đề nghị chơi ngũ mộc, chàng không thể nhường ta à?

Y hơi bất lực:

– Loại cờ bạc này ta rất khó thua, nhường cô tốn sức lắm.

– …

Y giỏi như vậy, sao không đi sòng bạc làm giàu đi!

Nguyên Tứ Nhàn cắn răng, không phục:

– Nữa!

– Không còn sớm, đi ngủ thôi.

– Chàng được nghỉ bảy ngày liên tiếp, có thể ngủ muộn mà! Nữa nữa!

Lục Thời Khanh thấy vậy, nghiêm túc giáo huấn nàng:

– Tâm thái cô thế này thực không được, bao nhiêu con bạc giống như cô đều đi mãi trên con đường không lối về, thua sạch gia sản mà vẫn không phục, mượn tiền khắp nơi, cuối cùng nợ nần ngập mặt, bị chủ nợ tìm tới nhà đánh gãy chân, không được chết tử tế.

– …

Y đang ám chỉ sau này nàng cũng sẽ không được chết tử tế sao?

Nguyên Tứ Nhàn nhăn mặt muốn khóc:

– Nếu ta bị chủ nợ đuổi tới nhà, lẽ nào chàng không trả tiền thay ta?

Lục Thời Khanh chỉ lấy con bạc làm ví dụ, mượn kết cục của họ để khuyên Nguyên Tứ Nhàn, khiến nàng sớm thu tay, từ bỏ việc so cao thấp với y, đâu biết ý nghĩ trong đầu nàng nhảy như tuấn mã thế chứ, y lập tức sững sờ, sau đó nghiêm túc nói:

– Bổng lộc của ta không cao, để xem có trả nổi hay không đã.

Nguyên Tứ Nhàn tức giận muốn đánh y.

Lục Thời Khanh nhìn kết quả thua thảm của nàng, nói:

– Được rồi, thắng bại đã phân, cô về ngủ đi, ngày mai còn có chính sự phải làm.

Lần này Nguyên Tứ Nhàn không gây sự nữa, nàng chớp chớp mắt, hình như hiểu ra gì đó, hỏi:

– Chắc không phải là phong thư đó có hiệu quả đấy chứ?

Y gật đầu:

– Ngày mai, thánh nhân có thể sẽ triệu cô vào cung.

Đến nay nàng vẫn không biết Lục Thời Khanh giở trò gì, mấy ngày qua nàng từng hỏi y nhiều lần nhưng y luôn lấp la lấp lửng, bây giờ nàng lại truy hỏi lần nữa:

– Nếu đã như vậy, chàng cho ta biết trong phong thư đó rốt cuộc là gì? Ta biết cũng tiện chuẩn bị tâm lý.

Y lắc đầu:

– Không cần chuẩn bị tâm lý, không chuẩn bị tâm lý chính là sự chuẩn bị tốt nhất, nếu biết ngược lại sẽ lộ sơ hở.

Nguyên Tứ Nhàn bĩu môi:

– Chàng đang nghi ngờ diễn xuất của ta sao?

Lục Thời Khanh đương nhiên nghi ngờ, nhưng thấy nàng không chịu đi ngủ, đành nói lời ngon ngọt:

– Không phải, gần vua như gần cọp, có thể bớt chút nguy hiểm, dù là một chút cũng tốt mà.

Được, câu này xem như xuôi tai. Nguyên Tứ Nhàn thoải mái, nghe lời về phòng, đứng dậy đi được mấy bước lại quay đầu, bĩu môi:

– Bên ngoài tối thế kia, chàng không tiễn ta à?

Tiễn, tiễn chứ, tiểu tổ tông.

Lục Thời Khanh dặn hạ nhân xách một cái đèn lồng tới, đích thân đưa nàng về viện, đợi phòng nàng sáng đèn mới rời đi. Sáng hôm sau, Huy Ninh Đế quả nhiên sai người tới Lục phủ, thông báo gọi Nguyên Tứ Nhàn vào cung.

Đối mặt với thánh nhân xưa nay đa nghi, chuyện có thể không giấu thì tốt nhất đừng giấu, tránh cho khi lão hoàng đế biết, ngược lại lại nghĩ theo hướng xấu, cho nên chuyện Nguyên Tứ Nhàn tạm trú ở Lục phủ, Lục Thời Khanh đã nói với ông từ trước.

Lúc thánh chỉ đến, Nguyên Tứ Nhàn vừa ăn sáng xong, vội vã lên xe ngựa đi Đại Minh cung, Lục Thời Khanh được nghỉ ở nhà tiễn nàng đến cổng phủ, chân vừa bước trở vào liền cảm thấy cảnh này có gì đó sai sai.

Giống như thê tử ở nhà tiễn đưa phu nhân lên triều vậy.

Y cau mày “chậc” một tiếng, vào nhà xem sách tiêu khiển, hưởng thụ kỳ nghỉ đông chí.

Nguyên Tứ Nhàn hơi thấp thỏm đến Tử Thần điện. Huy Ninh Đế vừa gặp nàng liền cười:

– Tứ Nhàn, đông chí nghỉ triều còn gọi con vào cung, con không trách trẫm chứ?

Người nghỉ triều đông chí là Lục Thời Khanh, ý của lão hoàng đế là: ông làm hỏng thời gian nhàn hạ bên nhau của hai người.

Nguyên Tứ Nhàn cười:

– Bệ hạ nói gì vậy chứ, con và Lục thị lang còn tương lai dài, không sao cả! Ngược lại ngài vội tìm con là có chuyện quan trọng ạ?

– Cũng xem như hơi quan trọng.

Ông thở dài:

– Tứ Nhàn à, trẫm đã tìm được hung thủ thật sự ám sát con ở Thương Châu ngày đó rồi. Trước đây là trẫm hiểu lầm Thiều Hòa. Chuyện này kỳ thực do Khương gia làm.

Nguyên Tứ Nhàn thật sự sững sờ. Trước đây khá lâu, khi bàn chuyện với Từ Thiện, nàng đã biết người ám sát nàng là Bình vương và Nam Chiếu, thế nhưng chúng làm quá gọn gàng, dựa vào sức của nàng không thể nào lấy được chứng cứ, bây giờ một phong thư của Lục Thời Khanh như một hòn đá khơi lên ngàn lớp sóng, cuốn cả Khương gia vào?

Cái sững sờ này của nàng chính xác là cái mà Lục Thời Khanh nói “không chuẩn bị tâm lý chính là sự chuẩn bị tốt nhất”. Huy Ninh Đế nhìn thấy, giải thích:

– Tứ Nhàn à, quan hệ giữa con và a tẩu chắc không mấy hòa hợp nhỉ. Sớm biết vậy, năm xưa trẫm nên ngăn mối hôn sự này.

Dứt lời, ông đau lòng thở dài.

Nguyên Tứ Nhàn giả vờ hồ đồ:

– Ý bệ hạ là a tẩu vì oán hận con thời gian dài nên phái người ám sát con? Nhưng tẩu ấy cổng lớn không ra, cổng trong không bước, sao có thể…

Huy Ninh Đế thật sự tưởng nàng đơn thuần, than:

– Dựa vào a tẩu con quả thực không làm được, nhưng Khương gia còn có nhị thúc của a tẩu con…

Nguyên Tứ Nhàn lộ vẻ càng kinh ngạc hơn:

– Bệ hạ, chuyện này quá bất ngờ, con phải sắp xếp lại đã.

Nàng gãi đầu, giả vờ như nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi, hồi lâu mới nói:

– Bệ hạ, ngài không gạt con chứ?

– Trẫm gạt con làm gì.

Huy Ninh Đế đưa chứng cứ cho nàng xem:

– Đây là mật thư mà gián điệp của trẫm chặn được hôm qua.

Nguyên Tứ Nhàn nhận lấy xem. Đây không phải phong thư Lục Thời Khanh giao cho Nguyên Ngọc trước đó, mà xác thực xuất phát từ Khương gia. Thư gửi đến Thương Châu, nội dung là dặn một quan viên bản địa chú ý động tác gần đây của Nguyên gia, ngoài ra còn dạy ông ta một vài cách ứng phó, chuẩn bị trước mọi tình huống.

Nguyên Tứ Nhàn xem xong thư liền hiểu rõ đại khái. Đám sát thủ trước kia sở dĩ có thể thành công bỏ trốn trong tình huống toàn bộ Thương Châu bị phong tỏa, đương nhiên là vì có gian tế ở địa phương, mà vị quan trong thư chắc hẳn là người giúp đỡ chúng.

Xuất phát từ nguyên nhân nào đó, Khương Mân phát hiện vị quan này gần đây có khả năng bại lộ nên mới viết mật thư này cảnh cáo ông ta. Không ngờ nó lại bị Huy Ninh Đế chặn được.

Nguyên Tứ Nhàn uể oải trả thư cho Huy Ninh Đế, thở dài, giả vờ như đang gặp khó khăn.

Huy Ninh Đế thấy nàng không vui, đương nhiên càng giúp nàng, hỏi:

– Tứ Nhàn, con muốn trẫm xử lý chuyện này thế nào?

Nàng suy nghĩ rồi nói:

– Khương tự khanh tuy vì tư oán mà nhắm vào con nhưng ông ấy cũng thực có cống hiến cho bệ hạ, Tứ Nhàn phen này chắc chắn đã khiến bệ hạ khó xử rồi.

Lời này quá hiểu đạo lý, lão hoàng đế vui vẻ nói:

– Làm chủ giúp con là chuyện nên làm, con muốn trẫm làm thế nào, trẫm sẽ làm thế nấy.

Nguyên Tứ Nhàn cười lạnh trong lòng. Huy Ninh Đế e chưa đến mức vì nàng mà xử một vị quan tam phẩm, lời này chỉ là dỗ nàng chơi thôi.

Vào thời khắc quan trọng này, điều nàng nên làm nhất chính là lấy lùi để tiến.

Nàng lắc đầu nói:

– Thưa bệ hạ, việc này suy cho cùng là ân oán giữa con và a tẩu, Khương tự khanh cũng chỉ làm việc giúp người nhà mà thôi. Con không trách Khương tự khanh. Nếu ngài thật muốn làm chủ cho con thì xin hãy xử lý a tẩu con thôi ạ.

Những lời thấu hiểu lòng người này nghe rất êm tai.

Huy Ninh Đế hỏi:

– Con muốn thế nào?

– A tẩu đã đối xử với con như vậy thì Nguyên gia chúng con có nàng ta sẽ không có con, có con sẽ không có nàng ta. A huynh mềm lòng, có lẽ sẽ không xuống tay được. Con hi vọng ngài có thể giúp con đuổi a tẩu ra khỏi nhà. Như thế là con hả giận rồi ạ.

Huy Ninh Đế hình như cảm thấy dáng vẻ tức giận của nàng khá đáng yêu, ông cười vang nói:

– Chuyện này có gì khó? Trẫm hứa với con.

Nguyên Tứ Nhàn tán gẫu với Huy Ninh Đế một lát rồi rời khỏi Đại Minh cung. Chuyện Khương gia vẫn chưa tính là xong, hôm nay nàng trông như độ lượng nhượng bộ, thực ra là để làm nền cho tương lai, đuổi Khương Bích Nhu ra ngoài chỉ là bước thứ nhất mà thôi.

Nàng hài lòng quay về Lục phủ, việc đầu tiên làm là chạy tới viện Lục Thời Khanh tạ ơn.

Lục Thời Khanh hình như cũng sớm đoán được nàng sẽ tới tạ ơn, y tự tay mở cửa thư phòng, chuẩn bị nhận lời khen ngợi của nàng, giả vờ lạnh nhạt:

– Vui vẻ, hài lòng?

Không ngờ lời khen ngợi của Nguyên Tứ Nhàn lại ngoài dự liệu, nàng lao tới ôm cổ y, nói:

– Lục Thời Khanh, chàng thật lợi hại!

Lục Thời Khanh được hưởng nhiều quá hết hồn, bỗng không nói được gì, nghe nàng nhỏ giọng nói bên tai:

– Ta thưởng cho chàng nhé? Nghe nói sở dĩ chàng sợ chó là vì bảy năm trước từng bị chó hôn…

Y còn chưa phản ứng lại, đột nhiên nàng buông cổ y ra, sau đó nhón chân lên, kê miệng vào, lè lưỡi liếm môi y, cười hỏi:

– Có phải như vậy không?

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây