Tình Chị Duyên Em

19: Chương 19


trước sau

Chết rồi? Tai tôi như ù đi, lắp bắp hỏi:

– Sao… sao lại như vậy?

– Bà ba bệnh lâu lắm rồi, từ độ trước Tết đã ốm yếu suốt. Thầy lang bảo bà sẩy thai quá nhiều lần, lại còn hít nhiều thứ độc hại vào cơ thể, con thấy bảo ở trong mỹ phẩm bà dùng ngoài trầm hương còn có thuỷ ngân nữa, chất độc ngấm vào cơ thể rất lâu rồi, bà có tâm bệnh trong người nên cơ thể vốn đã yếu ớt nay lại càng suy nhược. Sáng nay lúc cậu mợ vừa đi con đã thấy bà lạnh toát rồi. Giờ mọi người đang thuê người về để tắm rửa khâm liệm cho bà.

Tôi nghe xong, toàn thân cũng lặng đi, đến tận bây giờ tội ác của bà hai vẫn gây ra hậu quả nặng nề như vậy? Thuỷ ngân độc hại đến thế bà cũng có thể cho vào mỹ phẩm của bà ba được. Tôi không nghĩ được gì nữa chạy một mạch vào trong dinh bà ba. Bà nằm trên giường, gương mặt trắng bệch nhợt nhạt, bàn tay buông thõng, đôi mắt nhắm nghiền, tôi cứ ngỡ bình yên đã đến với tất cả mọi người, không ngờ lại xảy ra cơ sự thế này.

Đám tang bà ba được tổ chức rất sơ sài, phần vì ông Lý không muốn làm rùm beng mọi chuyện lên, phần vì bà ba không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích chỉ có một hai người bạn hồi ở đợ cùng nhà bà cả. Ông Lý không khóc, nhưng vẻ mặt đầy rầu rĩ, bà cả thì thẫn thờ suốt những ngày sau đó.

Sau đám tang bà ba ba tháng, cũng là vào độ giữa năm, một buổi chiều cái Hương lên dinh bà cả thưa chuyện với ông Lý.

– Bẩm thầy, chẳng là con thấy cái dinh của bu Bích giờ để trống cũng phí. Thầy xem thế nào một là để con qua đấy ở. Dù sao dinh của bu con giờ cũng có mỗi ba gian, con với cậu Thành chưa chính thức thành thân mà con ở chung với chị Yến thì cũng hơi bất tiện.

Ông Lý nghe xong ngạc nhiên hỏi lại;

– Con không sợ sao? Bu Bích mới mất…

– Bẩm thầy. Ý thầy là sợ ma? Người con mới sợ chứ ma quỷ con sợ gì? Vả lại lúc bu Bích sống con cũng có gây thù chuốc oán gì đâu con sợ.

– Nhưng một mình con ở đó cũng không tiện, thôi để thầy bảo thằng Thành rồi hai đứa chuyển qua đó ở.

Cái Hương hơi tối sầm mặt lại, nhưng rồi cũng miễn cưỡng đáp:

– Dạ vâng. Với lại thầy ơi, năm nay cái Chi nó cũng mười ba tuổi rồi, thầy xem có cái mối nào thì gả nó đi. Gả cái Chi xong thầy cũng cho chị Yến về quê như lời trước kia bu nói hoặc là tìm mối gả chị Yến đi cũng được.

Lời cái Hương vừa thốt ra thì cái Yến đã gắt lên:

– Hương, sao em lại có cái quyền sắp xếp trật tự trong nhà này vậy? Chị sống ở đây quen rồi, chẳng muốn đi đâu cả, cũng không muốn lấy chồng. Ông Lý ơi, nếu không chê ông cho con làm ở đợ cũng được.

Ông Lý nghe xong thở dài đáp:

– Thôi, chuyện đâu còn có đó, dù sao con cũng là con cháu trong nhà sao để làm ở đợ được. Qua năm cho thằng Bảo với cái Dung, thằng Thành với cái Hương thành thân thì cũng gả cái Chi đi luôn. Hôm trước xã trưởng cũng có đánh lời hỏi thăm cái Chi. Xem chừng năm sau phải gả đi thật rồi. Còn cái Yến, con xem con thích ai thì nói với ông, ông sẽ tổ chức đám cưới cho.

Con Chi đứng dựa lưng vào tường hỏi:

– Cậu Huân, có phải cậu Huân người cao cao, to to mà trước đi cùng xã trưởng qua nhà mình chơi cờ với thầy không?

– Ừ đúng rồi, con có thích không?

– Con có ạ. Thầy gả luôn con đi bây giờ cũng được.

Ông Lý nhìn cái Chi bật cười đáp:

– Con gái thầy đã muốn có chồng rồi hả? Để thầy xem cuối năm có ngày nào đẹp thì thầy gả đi trước cũng được. Năm sau mười bốn tuổi sinh cho xã trưởng đứa cháu là đẹp, hạp với tuổi thằng Huân

– Dạ, con đội ơn thầy.

Tôi nhìn con Chi, cũng vui lây, chỉ có điều cái Yến mặt lại rầu rĩ cả đi. Hai đứa sống với nhau từ nhỏ, dù sao giờ Chi mà đi lấy chồng cái Yến cũng cô đơn nên buồn là phải.

Chiều hôm ấy cái Hương với cậu Thành đánh rửa dinh bà ba sau đó dọn dẹp hết đồ sang. Con Chi thấy cái Hương đi thì mừng lắm, hớn hở ra mặt, thế nhưng ngay sáng hôm sau cái Hương đã đứng trước dinh bà hai quát lớn:

– Chi, thầy bảo cuối năm được ngày gả đi thì cũng là sắp lấy chồng. Mà sắp lấy chồng thì đừng có lười thối lười thây như vậy nữa chứ? Dậy mang đồ ra chị Yến dạy học thêu, không thì cũng học nấu nướng đi.

Cái Chi nghe vậy chau mày nhõng nhẽo:

– Anh Thành ơi, chị dâu bắt nạt em.

Cậu Thành đang cầm sách đọc ngoài sân nghe vậy lơ đãng đáp:

– Chị nói không sai đâu. Lớn rồi đừng có để về nhà chồng không biết làm gì người ta lại nói thầy không ra gì.

– Anh!

– Học đi!

Con Chi không còn cách nào khác đành lủi thủi theo cái Yến học thêu. Bà cả thấy vậy cũng giục tôi xuống cùng học, vậy nên mỗi lần mài mực xong cho cậu Bảo tôi lại phải đi xuống dinh bà hai để thêu thùa may vá. Ở dinh bà ba, cậu Thành cũng miệt mài học, cậu Thành chưa thi Hương nên sẽ thi cùng đợt với thằng Tý nhà tôi. Cậu Bảo thì qua cái Tết này sẽ chính thức lên kinh thi Hội, nghe ông Lý nói qua Tết sẽ tổ chức thành thân cho tôi và cậu trước khi cậu thi để được đỗ đạt may mắn. Về đây một thời gian lâu như vậy tôi mới biết hoá ra lý do ông Lý nằng nặc muốn cưới tôi cho cậu Bảo là vì bà bói Vương từng phán rằng ba đứa con nhà ông đồ Đạt đều là những người tài giỏi, nữ thì vượng phu ích tử, nam thì tiền đồ xán lạn. Bà bói Vương còn nói, người đàn ông nào lấy được hai đứa con gái nhà ông đồ Đạt chắc chắn đường công danh sẽ rạng rỡ. Tôi cũng chẳng biết lời bà bói Vương có đúng hay không, chỉ sợ cậu Bảo mà không được như vậy e là ông Lý lại ghét tôi mất.

Thực lòng mà nói, tôi thấy tôi cũng không hẳn là giỏi giang cho lắm. Ví dụ như đây, từ Tết đoan ngọ đến tận sang tháng sáu tôi chẳng thêu nổi một con hạc. Cái Yến tuy rất tận tình, nhưng tôi học kiểu gì mà chẳng vào đầu nổi. Một buổi chiều khi đang mài mực cho cậu Bảo đột nhiên cậu nhìn tôi rồi nói:

– Này! Thêu cho tôi một cái khăn tay đi, chừng nào lên kinh thành thi tôi sẽ mua quà cho. Muốn mua gì tôi cũng mua.

Tôi nghe vậy mắt sáng rực lên, nghe thầy tôi nói trên kinh thành nhiều của ngon vật lạ lắm liền vội vàng hỏi lại;

– Thật… thật không cậu?

– Thật. Tôi có phải trẻ con đâu mà lừa cô.

– Được, vậy tôi sẽ thêu tặng cậu một cái khăn tay, nhưng cậu hứa trên đó có đồ gì ngon phải mua về cho tôi ăn đấy.

Cậu Bảo nghe vậy thở dài đáp:

– Cả ngày chỉ nghĩ đến ăn thôi à? Còn muốn mua gì khác không?

– Không cần, cậu cứ mua cho tôi tất tần tật những thứ ăn ngon mà lạ trên kinh mang về. Đấy là món quà lớn nhất với tôi rồi.

– Ừ được.

Tôi thấy vậy liền hí hửng chạy xuống chỗ cái Yến nhờ nó dạy tôi thêu khăn tay. Nó lấy cho tôi mấy chiếc khăn trơn rồi nói:

– Cô thêu cho cậu Bảo à?

– Ừ.

– Đây, cô thêu đi, nhưng muốn là của mình cô đánh dấu lên chiếc khăn đó. Giả dụ cô tên Dung thì thêu thêm chữ D xuống dưới góc chiếc khăn.

Tôi gật đầu ngồi thêu đến xước cả tay vẫn chưa xong. Dù soa cậu Bảo cũng còn hơn nửa năm nữa mới phải lên kinh tôi cũng chưa vội. Thế nhưng nói thì nói vậy chứ một tuần sau đó tôi mới hoàn thành nổi cái khăn tay con hạc. Vậy mà vừa nhìn thấy cái Yến đã chau mày nói:

– Trời ơi, cô thêu thế này mà định tặng cho cậu Bảo sao? Nhìn con Hạc mà tôi tưởng con quạ luôn.

Tôi nhìn lại cái khăn tay, cũng có xấu lắm đâu nhỉ, nhưng mà thấy cái Yến chê nên cũng không nỡ mang lên tặng lại mất mặt đành vứt đi thêu lại cái khác. Đến cái này tôi toàn tâm toàn lực, đêm còn không ngủ chong đèn để thêu. Lần này cái Yến nhìn chiếc khăn mới gật gù nói:

– Thôi cũng coi như có cố gắng, tạm chấp nhận được.

Thấy cái Yến nói vậy tôi liền chạy lên buồng cậu Bảo xoè chiếc khăn ra rồi nói:

– Tặng cậu này, nhớ mua đồ ăn về cho tôi đấy.

Cậu Bảo đang đọc sách, không thèm ngó lấy chiếc khăn mà đưa tay nhận rồi đút luôn vào túi quần. Trời ơi, cậu còn không nhìn xem nó đẹp hay nó xấu làm tôi chưng hửng ghê gớm. Tôi chẹp miệng nói:

– Cậu không muốn xem nó hình dạng thế nào à?

– Quan trọng gì, miễn là cô thêu là được, cô có thêu vượn thêu khỉ thì cũng vẫn là của cô mà.

Tôi nhìn cậu Bảo, hơi tưng tức, biết thế tôi đưa luôn con quạ ban đầu kia cho xong bày đặt thức đêm thức khuya làm gì giờ thâm hết quầng mắt. Cậu cũng chả để ý tới tôi, giục tôi mài mực cho cậu viết chữ. Tôi cũng không thèm buồn, cứ nghĩ tới những đồ ngon trên kinh thành nước miếng cũng chảy thành dòng.

Thế rồi thời gian cũng cứ thế bình lặng mà trôi đi. Đến tháng mười năm ấy cái Chi được bên nhà xã trưởng mang kiệu hoa tới đón. Vì là lễ thành thân chính thức nên nhà ông Lý vẫn tổ chức một lễ cưới rình rang. Dẫu sao cái Chi cũng là con gái duy nhất của ông Lý, lúc trao của hồi môn tôi mới thấy cơ man nào là vàng bạc trang sức. Bình thường cái Hương chửi mắng cái Chi là vậy nhưng đám cưới lại gần như nó lo liệu cả. Có điều tôi không thấy cái Chi tỏ vẻ biết ơn, chỉ thấy hậm hà hậm hực suốt. Con bé này được nuông chiều thành quen nên lúc nào cũng cho mình là nhất. Khi cái Chi về nhà chồng, tôi với mọi người mới vào trong dọn dẹp. Cái Yến thì khóc suốt, nó ngồi giam mình trong buồng khóc nấc lên ai cũng phải thương cảm. Ông Lý thấy vậy quay sang bà cả nói:

– Thôi thì cái Yến nó sống ở đây từ nhỏ, mình cũng coi như con như cháu giờ cái Chi đi lấy chồng thì cứ để nó sống ở dinh đó. Sau này tôi tìm được mối thì tôi gả nó đi sau bà xem được không?

– Tuỳ ông thôi. Rồi ông xem bàn bạc qua Tết thì cho con Dung với thằng Bảo thành thân luôn, rồi đến cái Hương với thằng Thành. Chúng nó dựng vợ gả chồng sớm mình nhàn đi được một gánh.

Giờ đã là cuối năm, sang năm là cưới rồi sao? Tôi cũng chẳng biết mình vui hay buồn nữa, chỉ thấy hơi trống rỗng một chút. Lúc dọn dẹp xong tôi liền đi ra ao đứng. Mỗi lần buồn tôi thường ra đó nhìn về hướng làng Liễu, cảm giác như được nhìn thấy thầy bu ngay trước mắt.

– Dung.

Tiếng cậu Thành cất lên phía sau khiến tôi giật nảy mình. Tôi nhìn cậu đáp lại:

– Ừ cậu ra đây làm gì vậy?

– À, không có gì.

Nói rồi cậu đứng lặng lẽ ngay bên cạnh tôi, không hiểu sao tự dưng tôi thấy bầu không khí ngượng ngùng nặng nề quá liền lên tiếng bắt chuyện:

– Cậu với Hương ở dưới dinh bà ba chắc có không gian riêng tư hơn nhỉ? Nhưng mà ở dưới đó cậu có mơ mộng gì không? Tôi yếu bóng vía lắm, toàn mơ mộng linh tinh thôi à.

Cậu Thành nghe vậy phì cười đáp lại:

– Không, thấy cô mạnh mẽ tôi tưởng cô cứng bóng vía lắm chứ.

– Cứng gì, yếu xìu thì có, trông tôi thế thôi chứ sợ ma sợ quỷ lắm. Mới nhắc còn rợn hết gai ốc lên đây này.

Vừa nói đến đây người tôi cũng rợn hết gai ốc lên thật.

– Mà này… chiếc khăn… con hạc cô thêu có chữ…

Cậu Thành còn chưa kịp nói hết câu đột nhiên tôi thấy có ai đó chạm khẽ vào người rồi có một tiếng hét lên vang lên tai. Vì đứng ngay trên mép ao nên tôi mất đà ngã uỳnh một phát xuống dưới. Đến khi chìm nghỉm rồi mới nhận ra tiếng cái Yến trên bờ gào lên:

– Dung, trời ơi sao tôi mới hù nhẹ mà cô đã ngã xuống đấy rồi. Thành ơi, em biết bơi nhảy xuống cứu Dung lên đi.

Cái con Yến chết tiệt, tôi đã sợ ma thì chớ, nó hù khiến tôi giật mình ngã xuống đây làm chi. Tôi uống ực mất hớp nước, cố ngoi đầu gào lên:

– Cứu tôi với.

Đột nhiên tôi thấy một tiếng bùm thật mạnh, có ai đó vờn vờn dưới dòng nước rồi nắm chặt tay tôi kéo sát vào người rồi bế thốc tôi lên bờ. Lúc này tôi mới hoàn hồn, mở mắt nhận ra đó là cậu Thành. Cậu ta nhìn tôi hỏi nhỏ:

– Cô có sao không?

Tôi uống cái nước này vào bụng, giờ chỉ thấy tởm lợm trào lên tận họng rồi nôn thốc nôn tháo ra ngoài. Cậu ta thấy vậy ôm tôi chạy một mạch đến gốc đa. Bỗng dưng tôi thấy mặt nóng bừng, ngay cách đó không ra, cậu Bảo đang đứng nhìn về phía tôi. Lúc này tôi mới phát hiện Thành vẫn đang ôm tôi, tay tôi cũng bám chặt lên vai cậu ta. Tôi hơi sợ hãi định nhoài người về phía cậu Bảo thì đã thấy cậu từ từ tiến lại giành lại tôi sau đó bế thốc lên rồi nói:

– Để anh tự mang vợ anh về cũng được, không nhỡ gia nô người ta thấy lại nói ra nói vào không hay. Cảm ơn chú.

Cậu Thành nghe vậy cũng gật đầu cùng cái Yến đi về trước. Lúc này dưới gốc đa chỉ còn tôi và cậu Bảo. Tôi run run giải thích:

– Thực ra… nãy cái Yến nó hù tôi nên tôi ngã xuống ao… mà cái Yến không biết bơi nên cậu Thành…

– Tôi không quan tâm đâu, nên không cần giải thích.

Không quan tâm, ờ thì không quan tâm. Tôi còn ngỡ cậu ta ghen lồng ghen lộn chửi mắng tôi ai dè lại cái thái độ hờ hững như vậy. Tôi định nhảy xuống dưới tự đi về những cậu ta đã ôm chặt không cho tôi cựa. Cậu siết chặt lắm, chặt đến mức người tôi như không thở nổi, gân trên thái dương cũng giật giật liên hồi. Khi về đến nhà tôi vội đi tắm rửa rồi định qua buồng cậu mài mực cho cậu, thế nhưng cậu đã đóng cửa tắt đèn đi ngủ từ bao giờ. Những ngày sau đó, cậu Bảo ít ra ngoài, cũng không cho tôi mài mực nữa mà tự mài, không hiểu sao tôi cứ thấy cậu xa cách vô cùng. Mãi mấy hôm sau cậu mới bình thường lại, rõ ràng thái độ cậu khác nhưng cậu lại nói do cậu ốm nên không muốn gặp bất cứ ai. Ừ thì cậu nói thế nào tôi cũng biết tin thế ấy chứ biết sao bây giờ.

Sau đợt ngã ao tôi cũng hạn chế tiếp xúc với cậu Thành, dù sao tôi cũng là vợ cậu Bảo, suy cho cùng dù không có gì mờ ám vẫn nên tránh xa một chút. Không phải tôi sợ cậu Bảo ghen chỉ là không muốn đám người ở nói ra nói vào lại mang tiếng tôi ra. Hình như nhờ vậy mà tôi thấy cậu Bảo bắt đầu vui vẻ với tôi trở lại. Có khi nào cuối cùng cậu đã bị tôi mê hoặc rồi?

Tết năm đó con Chi đi lấy chồng nên không cùng mọi người đón giao thừa, nhà lúc này chỉ còn ông Lý, bà cả, vợ chồng cái Hương, vợ chồng tôi và cái Yến nên cũng hơi buồn buồn. Ra giêng con Chi mới về chơi, lúc nó sang nhà tôi mới biết nó đã có chửa được hơn hai tháng. Chồng nó lên kinh thành đi buôn với xã trưởng nên chỉ mình nó qua chơi. Từ ngày nó đi lấy chồng xem ra đã trưởng thành hơn đôi chút còn biết giúp ông Lý đấm lưng xoa bóp khiến ông cười suốt cả ngày.

Buổi sáng ngày thứ hai con Chi về đây, từ sáng bà cả với cậu Thành, cậu Bảo đã đi lên huyện. Nghe đâu ba người lên để hỏi thăm giống lúa mới cho vụ mùa rồi mua ít sách về cho hai cậu đọc. Đám gia nô hôm nay cũng ra ruộng cấy mạ hết chỉ còn ông Lý ở nhà tý đi ăn cỗ và mấy đứa con gái bọn tôi. Lúc này vú Bảy cùng cái Mít nấu cơm bên dưới nhà, cái Hương thì mang mấy bộ quần áo của cậu Thành đi giặt, tôi định xuống bếp giúp vú Bảy một tay thì cái Yến đứng dưới dinh bà hai khẽ gọi:

– Dung, lại đây giúp tôi một tay với.

Con Chi nhìn thấy tôi thì hậm hực hẩy hẩy tay cái Yến nói:

– Cần gì chị ta, hai đưa mình làm được mà.

– Dù sao cô ấy cũng không làm gì, giờ giúp một tay có sao đâu.

Tôi nhìn mấy tấm vải được phơi ngay trước hiên, hoá ra cái Yến định may một chiếc áo cho con của con Chi. Cái Yến thấy tôi đứng tần ngần trên đó lại nói:

– Cơm vú Bảy nấu một lát là xong, cô xuống đây đi, giúp tôi xỏ kim luồn chỉ tiện tôi cũng dạy cô thêm ít kỹ thuật thêu vá nữa sau này có con mà may quần may áo cho nó.

Có con? Tự dưng nghe đến đấy tôi cũng hơi thinh thích liền chạy xuống. Con Chi không thèm nhìn tôi, xem chừng vẫn oán hận chuyện cũ lắm nhưng tôi cũng không chấp đi cùng cái Yến vào dinh lấy đồ ra. Cái Yến đặt tấm vải lên xem xét một hồi rồi đề nghị:

– Chỗ hiên này hơi nhỏ, mà sân thì lại nắng, mình mang lên hiên trên dinh bà cả để làm đi, tôi định may ba bốn cái cơ.

Tôi thấy lời nó cũng hợp lý liền gật đầu kéo đồ lên trước, con Chi với cái Yến đi sau. Khi cả ba đang đứng trên hiên xem xét thì cái Hương cũng về. Con Chi thấy vậy chống nạnh nhìn về phía cái Hương rồi nói:

– Này! Chị đi đâu từ sáng giờ sai người nấu cho tôi bát cá chép đi.

– Có tay có chân tự nấu đừng bắt người khác hầu

– Chị!!!

Cái Hương nhìn con Chi không thèm đáp đi thẳng về dinh. Đột nhiên con Chi ngã uỳnh một phát từ trên hiên xuống sân. Tôi từ nãy vẫn đang xỏ kim nên chưa hiểu chuyện gì, đến lúc nhìn xuống đã thấy ở dưới sân, con Chi mặt tái xanh như tàu lá, bấu những ngón tay xuống nền đất vừa khóc vừa gào lên:

– Con tôi… con tôi… người đâu, mau cứu… cứu con…

Tôi há hốc mồm kinh ngạc lắp bắp hỏi lại:

– Chi… em sao thế?

Nó không đáp lời tôi, đưa bàn tay xuống dưới đột nhiên như phát dại gào lớn hơn, một tay ôm bụng một tay quệt nước mắt. Lúc này ông Lý cũng đã ra đến ngoài, con Mít, vú Bảy, cái Hương cùng hai tên gia nô đang gác ngoài cổng cũng chạy vào. Dưới nền sân một dòng máu đỏ chảy ra, cái Yến lao xuống ôm chặt lấy con Chi nước mắt lưng tròng nói:

– Mọi người mau gọi thầy lang đi, nhanh lên. Chi, em bình tĩnh, đừng khóc.

– Chị ơi cứu em, cứu con em em đau bụng quá

– Ừ được rồi

– Em sợ lắm, chị ơi em đau bụng lắm, em đau lắm

– Em đừng khóc nữa, đừng khóc nữa mà

Thế nhưng con Chi vẫn khóc nức nở rồi đột nhiên chỉ thẳng vào mặt tôi rú lên:

– Là chị ta, là chị ta đẩy em. Là chị ta…

Tôi còn chưa kịp đáp lại thì cái Yến đã nói:

– Chi, nghe chị bình tĩnh đã, quan trọng nhất giờ này là xem đứa bé thế nào.

Con Chi gục đầu vào vai cái Yến khóc nức nở, một lúc sau thầy lang đến, vừa nhìn thấy vũng máu trên sân đã lắc đầu. Đến khi ngồi bắt mạch xong thì run rẩy nói:

– Thưa… thưa ông, tiểu thư bị sẩy thai rồi.

– Ông nói dối – con Chi lắc đầu gào lên

– Tiểu thư…

– Con tôi… ông nói dối đúng không? Ông phải cứu nó tôi xin ông, cứu con tôi đi mà

– Xin thứ lỗi cho tôi, thực sự không còn cứu nổi nữa rồi.

Con Chi nhìn thầy lang, đôi mắt bất chợt trở nên trống rỗng vô hồn, nước mắt cũng đã ướt đẫm gương mặt của nó. Tôi nhìn con Chi, đến tận giây phút này vẫn bàng hoàng không tin nổi. Nó đột nhiên đẩy cái Yến ra, nằm vật xuống đất rú mấy hồi sau đó bỗng dưng mặc kệ máu đang chảy lao về phía tôi túm tóc nắm một mảng vừa khóc vừa rít lên:

– Chị là con thú chứ không phải con người, tôi làm gì chị mà chị hại con tôi.

Ông Lý thấy vậy lao vào giữ tay nó rồi nói:

– Chi, con bình tĩnh đi, bay đâu đưa cô Chi về buồng nghỉ ngơi mau lên.

Nó nghe xong liền quỳ sụp xuống khóc tức tưởi van xin:

– Thầy, con của con chết rồi, con sẩy thai rồi đấy. Thầy phải làm chủ cho con, chị ta… chính chị ta đẩy con xuống, chính chị ta… a… a… a

Ông Lý nhìn nó, khẽ thở dài, cúi xuống bế nó thẳng về buồng vừa đi vừa nói “Con về nghỉ ngơi đi đã, thầy sẽ làm chủ cho con, thầy nhất định sẽ không để kẻ đẩy con được yên”. Nói rồi ông Lý liếc tôi sắc như dao lam. Cái Yến cùng thầy lang cũng đi theo, con Chi dường như vẫn chưa bình tĩnh nổi vẫn gào rú liên hồi, chỉ còn tôi đứng như trời trồng trên hiên.

***

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây