Tố Hoa Ánh Nguyệt

5: Hôm nay tận hứng người ơi


trước sau

* Nhân vật trong bài thơ được bằng hữu nhiệt tình khoản đãi. Chủ nhân khuyến cáo: hôm nay gặp mặt phải tận tình vui vẻ bởi chẳng bao lâu chúng ta sẽ già đi, nói không chừng ngày nào đó sẽ chết. Tuy tư tưởng có chút tiêu cực nhưng trong trường hợp đối đãi với bằng hữu, trên tiệc rượu mà sầu não nhân sinh ngắn ngủi cũng là có thể hiểu được.

——

Trình Bạch quyết tâm đã định, nụ cười càng thêm dịu dàng đáng yêu. Chẳng qua là một thứ tử nhà Thủ bị, một nam nhân tầm thường muốn cưới thê tử có nhiều của hồi môn, một kẻ quần là áo lượt khoe khoang khoác lác, nói không giữ lời, không đáng để mình nuối tiếc. Loại nam nhân này vốn không phải người có thể phó thác chung thân.

Dáng vẻ yểu điệu của Trình Bạch chiếu lên mặt hồ thướt tha lung linh. Trình Bạch dịu dàng nhìn mặt nước, dung mạo nghiêng nước nghiêng thành như vậy, cần gì phải sầu não? Triều đình tuy phân biệt đích thứ nhưng thứ nữ gả vào công phủ, hầu phủ làm đích thê cũng không phải chưa từng có. Bình Bắc hầu phu nhân cũng xuất thân thứ nữ đấy, không phải sao.

Bình Bắc hầu phu nhân vốn là thứ nữ Mạnh gia, thân phận rất tầm thường. Dung nhan bà vô cùng mỹ lệ, may mắn trở thành đích thê chính thất của Bình Bắc hầu - Hầu phu nhân cao quý. Phu quân của bà là Chinh Lỗ Đại nguyên soái vang danh thiên hạ, Trung quân đô đốc phủ Tả đô đốc Trương Tịnh, trưởng tử Trương Kình là Bình Bắc hầu thế tử, thứ tử Trương Mại là Ngụy quốc công. Phu quân và nhi tử đều có tiền đồ sáng lạn, vị thứ nữ Mạnh gia Bình Bắc hầu phu nhân này có thể nói là người xuất sắc, nổi bật trong các thứ nữ.

Trình Bạch xót xa cho chính mình, luận về xinh đẹp, mình chẳng lẽ thua kém Bình Bắc hầu phu nhân? Chuyện Bình Bắc hầu phu nhân có thể làm được thì mình cũng có thể làm được. Hiện tại không phải có một cơ hội tuyệt vời trước mắt hay sao? Trương Mại đến nhậm chức ở Nam Kinh Trung quân đô đốc phủ, hai nhà Trương, Trình là quan hệ thân gia, sau này chắc chắn sẽ thường xuyên qua lại.

Thứ nữ Mạnh gia có thể nở mày nở mặt gả vào Bình Bắc hầu phủ làm đích thê chính thất thì tại sao thứ nữ Trình gia lại không thể? Trình Bạch ngồi xổm xuống, nhặt một viên đá nhỏ, mỉm cười ném vào trong hồ. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn, trong lòng Trình Bạch cũng trở nên sảng khoái.

- ……Nhà ta cùng với Ngụy quốc công phủ, Bình Bắc hầu phủ xem như là thân thích xa. Ngoại tổ phụ của Bình Bắc hầu là Trình Công, tên húy Phổ Sinh, vốn là Vệ Quốc công. Tằng tổ phụ nhà ta khi đó làm quan ở kinh thành đã cùng Vệ quốc công phủ liên tông*

* liên tông: thời phong kiến, những người cùng họ nhưng không cùng tông tộc nhận làm họ hàng, gộp chung thành một tộc

Trong đình, Trình Hi gương mặt đoan trang xinh đẹp mang theo chút ửng đỏ, kiên trì nói. Nhà của Trình Hi vốn không phải danh môn vọng tộc gì, chỉ là có mấy trăm mẫu đất ở nông thôn mà thôi. Về sau, tằng tổ phụ của Trình Hi đậu Tiến sĩ, làm quan ở kinh thành, Trình gia mới từ từ phát đạt. Hiện nay Trình gia cũng xem như là danh gia nhưng năm sáu chục năm trước thì không phải nên mới vội vàng liên tông cùng Vệ quốc công phủ vô cùng hiển hách, oai phong lẫm liệt khi ấy. Cùng chung một họ lại liên tông với nhau thì trên quan trường cũng có người chiếu cố.

- Sau đó Vệ quốc công phủ bị đoạt tước xét nhà, toàn bộ nam đinh trưởng thành đều bị đày đến Túc Lư châu nơi biên cương lạnh giá. Tằng tổ phụ nhà ta tuy không giúp được gì nhưng cũng âm thầm tặng không ít ngân lượng, thức ăn và y phục, lại nhờ vả quan địa phương Túc Lư châu chiếu cố nhiều hơn. Sau đó nữa Bình Bắc hầu đánh đuổi giặc Thát Đát ra khỏi Kỳ Liên sơn, Tiên đế đặc biệt hạ chỉ triệu hồi gia đình Trình Công trở về, phong làm Bình Thuận bá. Bình Thuận bá dẫn theo con cháu về ở tại quê nhà Quảng Ninh, sống rất khép kín, ít lui tới với người ngoài nhưng thường hay thư từ qua lại với nhà ta, vô cùng thân thiết.

Trình Hi giảng giải đến đây, Phùng Thù và A Trì mới sáng tỏ, hóa ra Trình gia và Trương gia là thân thích như vậy, hèn gì lại hiểu biết tường tận về Ngụy quốc công Trương Mại.

Chuyện kế tiếp, không cần Trình Hi nói, Phùng Thù và A Trì cũng đoán được: Trương Mại đến Nam Kinh nhậm chức, nhất định sẽ đến Trình phủ bái phỏng. Như vậy một thiên chi kiêu tử* chưa đính hôn ở ngay trước mắt, mà người đó tìm đối tượng thành thân lại không phân đích thứ…….Phùng Thù và A Trì nhìn nhau, trong lòng lo lắng, Trình gia sau này e là sẽ rất náo nhiệt.

* Thiên chi kiêu tử: con cưng của trời, thành ngữ này thường dùng để nói về những người có tài, hoặc hot boy nổi tiếng

Trình Hi mỉm cười có chút châm chọc:

- Gia phụ gần đây rất bận rộn. Người chưa bao giờ để ý chuyện nhà mà mấy ngày liên tiếp lại liên tục hỏi thăm việc đưa tặng trái cây, rau ngâm các loại đến Trương phủ. Gia phụ đối đãi với vị biểu chất Ngụy quốc công này vô cùng chu đáo.

Không cần hỏi, nhất định là Thu di nương thổi gió bên gối. Thu di nương từ khi nghe được bốn chữ “không phân đích thứ” thì đại khái đã lên kế hoạch để câu được con rể vàng, đương nhiên sẽ xúi giục phụ thân lấy lòng Ngụy quốc công rồi.

Phùng Thù cười nói:

- Hai nhà thân thiết thì hẳn nên như vậy.

Phụ mẫu huynh trưởng của Ngụy quốc công đều ở kinh thành xa xôi, hắn một thân một mình sống ở Nam Kinh, lại không có gia quyến, Trình ngự sử là biểu bá phụ quan tâm chiếu cố nhiều hơn cũng hợp tình hợp lý.

A Trì cười hì hì ngắt lời:

- Trình tỷ tỷ, rau ngâm nào vậy? Có phải mùi vị ngon hơn của người khác làm không, cũng cho muội xin vài hũ. Trình tỷ tỷ, muội nói với tỷ rồi, ăn uống là chuyện quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất của đời người.

Biểu ca, thứ muội gì gì đó đều không quan trọng bằng ăn uống.

Ba người đang nói chuyện, Phùng Uyển thả câu bên bờ hồ bỗng reo lên:

- Câu được rồi! Câu được rồi!

Không bao lâu, Phùng Uyển nhẹ nhàng đi tới, gương mặt hưng phấn:

- Muội câu được một con cá to đủ cho bốn người chúng ta ăn nè!

Trình Hi và Phùng Thù đều cười:

- Lại thêm một đứa nữa, A Trì coi như có bạn.

Uyển nhi và A Trì đều nhỏ tuổi không biết tư vị ưu sầu, cả ngày chỉ nghĩ đến việc ăn chơi, không có tâm sự gì.

Tụ họp đã nửa ngày, vào khoảng giờ Thân, các khách nhân rối rít cáo từ. A Trì nhà gần nên sau khi mọi người giải tán, nàng lại cùng Trình Hi ngồi tán gẫu. Giọng nói của A Trì trong trẻo êm tai như tiếng nước suối chảy róc rách trong núi, Trình Hi lắng nghe, trong mắt cũng dần có ý cười.

A Trì sau khi trở về Từ phủ, rất nghiêm túc nêu ra cảm nghĩ của mình với Lục Vân:

- Làm nữ nhân thật sự không dễ dàng. Mẹ thấy đó, làm đích nữ không dễ mà làm thứ nữ cũng không dễ, đều có cái khổ riêng.

Lục Vân vừa gặp các quản sự, bà tử để xử lý chuyện nhà, hiện đang rảnh rỗi ngồi uống trà. Thấy nữ nhi bảo bối như vậy, Lục Vân sao lại không rõ nàng đang nghĩ gì:

- A Trì, cuộc sống là mình trải qua, chính mình muốn sống và có thể sống như thế nào, nhất định phải nghĩ cho rõ ràng trước.

Lục Vân mỉm cười nhìn ái nữ:

- Nam tử có thể nạp thiếp chứ không phải nam tử nhất định nạp thiếp. A Trì, không nhất thiết ai cũng phải đối mặt với việc đích thứ tranh đấu.

Con bé hẳn là thấy sự đời cay nghiệt nên chán nản. Điều này không tốt, nó đang ở tuổi xuân thì nên có cuộc sống thật vui vẻ mới phải.

A Trì kéo ghế dựa mân côi xinh xắn ngồi cạnh Lục Vân, mắt to nhấp nháy chờ nghe Lục Vân nêu ý kiến. Thấy nữ nhi khiêm tốn thỉnh giáo như vậy, Lục Vân hiển nhiên dốc túi truyền thụ:

- A Trì, năm thứ hai mẹ và cha con thành thân, cha con thi đỗ nhị giáp tiến sĩ. Lúc đó tổ phụ con nhậm chức Thiếu bộc tự khanh, là quan tam phẩm. Phụ thân của kế phu nhân - Ân lão đại là Lại bộ thượng thư, chưởng quản cả Văn tuyển ti và Khảo công ti. Mẹ liền bàn bạc với cha con, xin đến Nam Kinh làm một chức quan nhàn tản.

A Trì ra vẻ thông minh gật đầu:

- Quan viên ở Nam Kinh không thuộc quyền quản lí của Bắc Kinh Lại bộ.

Quan viên ở Nam Kinh do Nam Kinh Lại bộ sát hạch, Bắc Kinh Lại bộ không thể can thiệp. Phụ thân tới Nam Kinh thì Ân lão có lợi hại hơn nữa cũng không làm gì được.

Lục Vân cười cười:

- Nữ nhi ngoan, phụ thân con tính tình đạm bạc, không tham danh lợi, nhậm chức ở Nam Kinh đối với ông ấy cực kỳ thích hợp, đây là thứ nhất. Mẹ có thể tránh xa mẹ chồng cùng hai em dâu, ở Phượng Hoàng Đài Từ phủ cùng phụ thân con thanh tịnh sống qua ngày, đây là thứ hai.

A Trì cười hì hì, hay nha hay nha, đây là đôi bên cùng có lợi. Phụ thân rời khỏi kinh thành chính là thoát khỏi phạm vi thế lực của kế phu nhân, mấy năm gần đây từng bước từng bước thăng làm quan tam phẩm. Mẫu thân được lợi lớn nhất, không cần hầu hạ mẹ chồng, không cần chu toàn với các em dâu, ở Nam Kinh Từ phủ một mình một cõi, an nhàn tự tại.

Dĩ nhiên, chuyện gì có cái lợi luôn có cái hại. Đến Nam Kinh có rất nhiều chỗ tốt, nhưng chỗ xấu cũng rành rành ra đấy: phẩm cấp của Từ Sâm tuy thăng lên nhưng vẫn không có bao nhiêu thực quyền. Nếu tình hình như thế kéo dài, đại khái là đợi đến sau khi lão thượng thư của Lễ bộ trí sĩ (trí sĩ: quan lại về hưu), Từ Sâm có thể thăng lên một cấp, làm “thượng thư nuôi chim”. Đường làm quan như vậy dù sao cũng không lý tưởng.

A Trì chợt nhớ đến tin tức hôm nay nghe được, không khỏi hâm mộ nhắc tới:

- Mẹ, biểu ca của Trình tỷ tỷ mới hai mươi tuổi đã là võ quan nhị phẩm rồi, thật hiếm thấy. Không phải chức suông mà là Đô đốc thiêm sự, quản lý việc luyện binh và đồn điền.

Thật đúng như câu “Một người có thể đạt đến độ cao nào trong đời, lúc hai mươi tuổi đã quyết định rồi!”

Lục Vân cười nói:

- Là ngụy quốc công Trương Mại sao? Cậu ta mười ba tuổi đã theo phụ thân và huynh trưởng lên chiến trường, đánh đuổi quân Mông Cổ xâm lược, càn quét giặc Oa ở Đông Nam, giết địch vô số. A Trì, cậu ta tuổi tác tuy không lớn nhưng chiến công lập được không ít đâu.

Có ai vô duyên vô cớ ngồi lên được địa vị cao? Chuyện gì cũng có nguyên do cả.

Hóa ra là quân nhân anh dũng chiến đấu để bảo vệ quốc gia, thất kính thất kính! A Trì hơi xấu hổ, cứ nghĩ rằng Trương Mại là con cháu gia đình công huân, dựa vào công trạng tổ tiên mà có địa vị cao. Không ngờ sự thật lại khác một trời một vực so với suy nghĩ của nàng.

A Trì đưa ngón tay cái về phía Lục Vân:

- Mẹ quá uyên bác, cái gì cũng biết!

Lục Vân cười khẽ, trong nhà có nữ nhi bảo bối sắp cập kê, người làm mẫu thân để ý một chút đến những thanh niên nam tử chưa lập gia đình đâu có gì là lạ. Đáng tiếc, Trương Mại tuổi tác hơi lớn, không tương xứng với A Trì.

Mẫu tử hai người mải mê nói chuyện, thoắt cái sắc trời đã tối, đầu tiên là hai nhóc Từ Thuật, Từ Dật đi học về, kế đó phụ tử Từ Sâm, Từ Tốn cũng lần lượt về nhà. Người một nhà sau khi ăn tối thì đến Vọng Nguyệt đình trong vườn, ăn trái cây hoặc nhàn rỗi uống trà, cùng nhau thưởng thức ánh trăng thu.

Một vầng trăng thu treo trên bầu trời, thanh lệ xinh đẹp. Ánh trăng sáng tỏ, Từ Tốn cao hứng thổi sáo, tiếng sáo du dương êm ái, khiến người ta chìm vào suy nghĩ miên man. A Trì vẫy nhẹ, gọi thị nữ ôm cổ cầm đến, tiện tay gảy một khúc. Khi hết khúc, Từ Sâm và Lục Vân gõ nhịp khen ngợi:

- Khúc này chỉ có ở trên trời, nhân gian hiếm lắm mới nghe được!

Ba huynh đệ Từ Tốn, Từ Thuật, Từ Dật cũng vỗ tay khích lệ, A Trì khẽ nhếch chân mày, biểu diễn mà có khán giả chân thành cổ vũ, thật có cảm giác thành tựu.

Hai nhóc Từ Thuật, Từ Dật không chịu thua kém, rất phong độ chắp tay sau lưng, ngẩng đầu nhìn trăng ngâm thơ:

“Người nay đâu thấy vầng trăng cũ,

Trăng vẫn từng soi bóng cố nhân.”

* Hai câu thơ trong bài “Bả tửu vấn nguyệt” (Nâng chén hỏi trăng) của Lý Bạch. Bản dịch thơ của Nguyễn Phước Hậu

“Xuân đi thu đến chẳng chờ

Bóng trăng dưới nước nhởn nhơ muôn đời.”

* Hai câu thơ trong bài “Phu thủy ca, tống Đậu Tiệm nhập kinh” của Sầm Tham, nói về tấm lòng thủy chung, trước sau như một, không bao giờ thay đổi.

Hai nhóc ngâm thơ xong cũng được mọi người khen ngợi.

Từ Dật chạy đến bên cạnh Từ Sâm:

- Phụ thân thì sao?

Ca ca thổi sáo, tỷ tỷ đánh đàn, bọn con ngâm thơ, vậy phụ thân làm gì? Từ Sâm cười thoải mái, sai người chuẩn bị giấy bút:

- A Dật, phụ thân vẽ con, có được không?

Từ Dật vỗ tay cười:

- Dạ được dạ được.

Cái đầu nhỏ lắc lư ngoe nguẩy theo tờ giấy trắng, gây rối loạn thêm không ít. Từ Sâm một tay khẽ vuốt đầu ấu tử, tay kia nhấc bút vẽ tranh, Từ Dật ở một bên tập trung tinh thần nhìn, mừng rỡ:

- Con kìa con kìa, cha vẽ con nè. Có mẹ, có tỷ tỷ, có ca ca nữa, cả nhà chúng ta đều có!

Từ Sâm vẽ tranh xong, các con đều xúm lại nịnh nọt:

- Giống y như thật!

- Trông thật sinh động!

Lục Vân chầm chậm đi tới, đưa mắt nhìn hồi lâu, rồi nâng bút viết vào khoảng trống bên trái bức tranh tám chữ to “Kim giả bất lạc, thệ giả kì chất” (Hôm nay tận hứng người ơi, Thời gian thấm thoắt sương phơi mái đầu). Nét bút của Lục Vân thong dong mà phóng khoáng, bút lực phân tán, khiến bức tranh càng thêm hài hòa

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây