Trâm 2: Kẻ Yểu Mệnh

28: Hoàng hôn Đại Đường (HẾT)


trước sau

Cổng Chu Tước, thành Trường An.

Dòng người nườm nượp nối nhau ra vào cổng thành. Già trẻ trai gái, sĩ nông công thương qua lại như thoi đưa.

Tích Thúy hòa vào dòng người, cúi đầu ủ rũ ra khỏi thành.

Đúng lúc nàng bước qua cổng thành, phía sau chợt có người thúc ngựa chạy đến la lớn: “Vệ binh canh cổng Chu Tước chú ý! Hoàng thượng có chỉ, lập tức truy lùng một cô gái trẻ tên Tích Thúy, cao năm thước hai tấc, mặc váy lụa xanh nhạt, nếu phát hiện đưa ngay về Đại Lý Tự!

Đám vệ binh nhất nhất vâng dạ, có người hỏi lại: “Cô ta phạm tội gì mà phải giao cho Đại Lý Tự vậy?”

Tích Thúy xách gấu váy lên, cắm cúi đi thẳng, những mong mình lẫn vào đám đông, không bị phát hiện ra.

Viên quan thông báo liền đáp: “Đại Lý Tự cái gì? Là khẩu dụ của thánh thượng đấy! Nghe nói cha ả liên quan tới cái chết của Đồng Xương công chúa nên thánh thượng muốn xử trảm cả nhà!”

Có kẻ ngông nghênh hỏi vặn: “Thánh thượng mất con gái nên không cho con gái hung thủ sống chứ gì?”

“Lời này mà cũng dám nói ra? Ngươi không cần mạng nữa à?” Bên cạnh có người quát khẽ.

Kẻ kia tức thì rụt cổ lại, không dám nói nữa.

Tích Thúy đứng giữa đám đông, nghe những lời xì xào bình luận xung quanh, lại ngỡ ngàng nhớ đến cha mình.

Người cha luôn hắt hủi vì nàng là phận gái, từng nói lúc nàng còn nhỏ xíu, con bé này thì được tích sự gì, lớn lên lại cuốn gói theo trai, để cha mày lủi thủi một mình thôi.

Khi nàng bị bọn trẻ khác bắt nạt, khóc lóc chạy về, cha lúc nào cũng hậm hực mắng: “Con gái con đứa chẳng được tích sự gì, chúng đánh cho cũng không dám đánh trả.” Nhưng mấy hôm sau gặp lại, đám trẻ đó không dám bắt nạt nàng nữa, đến tận bây giờ nàng vẫn không hiểu vì sao.

Nàng mồ côi mẹ, từ nhỏ đã bắc ghế đứng lên nấu cơm cho cha. Cha ăn nhưng chẳng bao giờ khen nửa câu. Một hôm nàng theo mấy cô bạn gái đi dâng hương, lúc về phát hiện mấy chiếc bánh thím Ngô hàng xóm đưa sang cha chẳng buồn động đến. Cha bảo nuốt không trôi.

Cha luôn muốn có con trai, coi nàng như tội nợ. Nhưng bấy nhiêu năm nay, đồ ăn thức mặc của nàng chẳng thua bè bạn nửa phân. Cha luôn nói con gái phải ăn mặc cho tươm tất, lúc gả đi mới đòi được thêm ít tiền sính lễ, xong có lúc nàng nghĩ, những đắng cay cơ cực cha chịu đựng mười mấy năm nay, có bao nhiêu sính lễ cũng chẳng bù lại được.

Cha nàng tính tình cộc cằn cố chấp, cả đời không nói được câu nào mềm mỏng, làm được việc gì nhẹ nhàng, càng không biết phải xây đắp một gia đình đầm ấm thế nào.

Nàng cứ thế lớn lên, có lúc cũng tủi thân vì mồ côi mẹ, có lúc cũng ao ước được như con nhà khác có cha chiều chuộng nâng niu, còn nàng, trừ cá tính quật cường cố chấp di truyền nguyên vẹn từ cha thì chẳng có gì.

Sau khi gặp chuyện, cha lúc nào cũng nghĩ cách đuổi nàng đi, bất kể nàng vật nài năn nỉ ra sao. Cuối cùng nàng bị cha tống ra cửa.

Nhưng khi Dương Sùng Cổ ghé tai nàng thốt ra chữ “đi” ấy, tựa như ảo giác, nàng chợt nghe thấy tiếng “cút” của cha khi ném cho nàng sợi dây thừng.

Lúc ấy nàng đau đớn đến không thiết sống, chỉ hận không thể chết ngay trước mặt cha, vậy mà giờ nhớ lại, nước mắt lại cứ thế trào ra, không thể ghìm giữ.

Tích Thúy chợt nghĩ, có lẽ từ lúc ấy, cha đã quyết thả nàng cao chạy xa bay, còn cha phải thay nàng rửa sạch tất cả thù hận, chính tay giết chết những kẻ làm hại nàng.

Dưới ánh nắng gắt, Tích Thúy vừa khóc vừa ngơ ngác bước đi.

Chẳng biết tương lai sẽ về đâu, cũng không rõ có thể đoàn tụ cùng người trong mộng nữa hay không, càng không biết cha mình rồi sẽ ra sao.

Phía sau chợt nhốn nháo, rồi một toán lính thủ thành chạy về phía nàng. Kẻ cầm đầu gọi to: “Này cô kia, cô mặc váy xanh đó, đứng lại!”

Tích Thúy biết mình đã bị phát hiện, trước mặt là đồng không mông quạnh, sau lưng là binh lính đuổi theo. Nàng có một thân một mình, còn có thể đi được đến đâu chứ?

Trời đất mênh mông, lòng đà nguội ngắt.

Tích Thúy dừng bước, chậm rãi quay đầu.

“Tên gì?” Toán lính quát hỏi.

Tích Thúy nhạt nhòa nước mắt, kinh hoàng nhìn họ, không dám lên tiếng.

“Mặc kệ tên với họ, cô ta mặc váy xanh, tuổi chừng mười bảy mười tám, lại đi một mình, cứ bắt về rồi tính!”

Toán lính xông đến toan bắt lấy nàng.

Tích Thúy nhắm nghiền mắt, chỉ thấy nỗi thê lương và bi ai vô hạn trào dâng, trước mặt tối sầm lại.

Đúng lúc toán lính tóm được cánh tay nàng thì một giọng nói ôn hòa mà trong trẻo vang lên: “Các vị bắt lầm người rồi.”

Mọi người đổ dồn mắt về phía tiếng nói kia, chỉ thấy một thiếu niên thanh cao tuấn tú như trúc như lan, cưỡi trên con ngựa nâu vàng. Hắn vận áo tay hẹp màu thiên thanh, y phục rất đỗi bình thường, thớt ngựa cũng rất đỗi bình thường, nhưng vừa trông thấy gã, ai nấy đều thấy cả thế gian sáng bừng lên, như vầng dương ló rạng.

Tích Thúy bất giác giật mình.

Là hắn…

Tuy mới gặp mặt một lần, nhưng ai mà quên được một kẻ xuất chúng nhường ấy? Huống hồ, hắn còn là ân nhân của nhà họ Trương. Chính là người tốt bụng đã ẵm A Bảo đi khắp các phường trong kinh tìm suốt hai ngày, cuối cùng mới đưa được nó về nhà.

Người lính dẫn đầu cũng nhận ra hắn, vội chắp tay chào hỏi: “Chẳng phải Vũ học chính đấy ư? Học chính biết cô ta à?”

Một tên lính bên cạnh hỏi nhỏ: “Vũ học chính này là ai thế?”

“Lần trước ngươi không ở đó à? Chính là Vũ Tuyên Vũ học chính ở Quốc Tử Giám từng theo Quách thục phi và Đồng Xương công chúa ra ngoài đạp thanh* ấy! Lúc chúng ta ngăn xa giá lại kiểm tra, nếu không nhờ Vũ học chính nói đỡ thì thục phi nương nương và công chúa điện hạ đã nổi trận lôi đình, trừng trị cả đội lính canh rồi!”

* Vào ngày tết Thanh minh tháng Ba, mọi người thường kéo nhau ra ngoài vừa là tảo mộ vừa là du xuân, gọi là hội Đạp thanh. Đạp thanh nghĩa là giẫm lên cỏ xanh.

“À à! Vũ Tuyên thì ta từng nghe nói…”

Chỉ huy lườm y, chặn đứng nửa câu sau rồi thản nhiên chắp tay hành lễ với Vũ Tuyên.

Vũ Tuyên cũng xuống ngựa đáp lễ, đoạn giải thích: “Cô gái này tôi biết, là thị nữ trong phủ công chúa. Giờ công chúa đã qua đời, cô ta bị đưa ra ngoài.”

Nói rồi hắn quay sang hỏi Tích Thúy: “Tuy nhà cô ở ngay ngoại ô, nhưng vẫn phải đi một quãng, sao chẳng thấy ai đưa?”

Nhìn vào đôi mắt trong trẻo của hắn, Tích Thúy sực hiểu ra, hắn đang cứu mình.

Chẳng biết nàng lấy đâu ra can đảm, ấp úng đáp: “Thì… thì đúng thế, hiện giờ công chúa… đã qua đời, trong phủ loạn cả lên, lấy đâu người đi đưa tôi nữa?”

“Tôi cũng tiện đường, để tôi đưa cô một đoạn.” Hắn chắp tay từ biệt toán lính rồi ra hiệu cho cô lên ngựa.

Viên thủ lĩnh vẫn ngập ngừng: “Vũ học chính, chuyện này…”

“Sao vậy, đội trưởng Tra lo ngựa không chở nổi hai người, định cho tôi mượn ngựa hay sao?” Vũ Tuyên cười nói, “Có điều lần này tôi về Thành Đô, mượn ngựa thì không trả lại được đâu.”

Nụ cười của y rạng rỡ như vầng dương, thanh khiết đến nỗi khiến người ta tự thẹn mình dơ bẩn. Viên chỉ huy bất giác nghi ngờ bản thân, vội cười khà đáp: “Vũ học chính qua lại… ừm… thân thiết với phủ công chúa, học chính đã nói đương nhiên là không sao rồi. Có điều mượn ngựa thì không được, ngựa của chúng tôi đều có dấu sắt nung của ty Quân mã, dù tôi dám cho mượn, Vũ học chính cũng chẳng dám cưỡi đâu, ha ha!”

Vũ Tuyên mỉm cười vỗ nhẹ lên cổ ngựa: “Đã vậy thì tôi xin cáo từ.”

Tích Thúy ngẩn ngơ lên ngựa, đi được chừng một dặm, không thấy bóng toán lính kia nữa, nàng mới phát hiện khắp người mình đầm đìa mồ hôi lạnh, lưng áo ướt sũng tự khi nào.

Đi đến một bến sông, thấy mấy người đang vác hàng hóa lên thuyền, Vũ Tuyên ghìm cương ngựa hỏi: “Sau này cô định thế nào?”

Tích Thúy sững sờ, rồi lặng lẽ lắc đầu.

Hắn liền ra hiệu cho nàng xuống ngựa, rồi lấy trong tay nải hai quan tiền và một bộ quần áo, dặn dò: “Cô khoác lên đi đã, dù sao cũng đừng mặc bộ váy xanh này nữa. Tôi không đem theo nhiều tiền, chia đôi cho cô một nửa đấy. Nếu đi cùng tôi, cô rất dễ bị quan phủ lần ra, chi bằng lên thuyền này, đi được đến đâu thì đi đi.”

Tích Thúy do dự, xong thấy hắn cứ chìa bộ đồ cùng xâu tiền trước mặt, nàng đành ngại ngùng nhận lấy, khẽ nói: “Đa tạ… ân nhân.”

Vũ Tuyên chẳng nói thêm mà quay sang sắp lại tay nải rồi tung mình nhảy lên ngựa, “Đi đường cẩn thận, tôi xin từ biệt.”

Tích Thúy ôm bọc áo đứng trước bến sông, nhìn theo bóng hắn đi xa dần, không nhịn được hỏi với theo: “Ân nhân, xin hỏi… vì sao lại cứu tôi?”

Vũ Tuyên ghìm ngựa, ngoái lại nhìn nàng. Đôi mắt sáng trong thoáng vẻ ưu tư và thẫn thờ.

Cuối cùng, hắn nén tất cả tâm tư lại, mỉm cười đáp: “Ở Đại Lý Tự, tôi từng thấy cô ẵm A Bảo, rất dịu dàng, cũng rất cẩn thận. Tôi nghĩ người thế này nhất định không phải kẻ xấu. Hy vọng về sau cô cũng có thể ẵm con mình như thế, sống một cuộc đời hạnh phúc.”

Tích Thúy ngẩn ngơ ngẩng đầu nhìn hắn, nghẹn ngào lắp bắp: “Tôi, tôi chẳng biết liệu mình có ngày ấy hay không…”

“Có chứ, trời cao không phụ người tốt đâu.”

Nói đoạn hắn gật đầu với nàng rồi quay đầu ngựa đi thẳng.

Tích Thúy nhìn theo bóng hắn, gắng kìm nước mắt. Nàng lẻn vào rừng trúc thay đồ rồi lên thuyền.

Ông lái đang giục khách. Khách thương ai ôm hàng người nấy, ngồi ngổn ngang trên sàn, một bà lão vẻ mặt hiền từ vồn vã gọi nàng lại ngồi cạnh.

Con thuyền đầy ắp rẽ sóng đi vào vùng nước sâu, lắc lư theo những nhành lau phơ phất mà tiến lên.

Bộ đồ của Vũ Tuyên rất rộng, Tích Thúy phải xắn hết tay và vạt áo lên. Nàng ngồi trong khoang thuyền, tựa đầu vào khung cửa nan.

Con thuyền lướt trên mặt nước lấp lánh như tơ lụa. Tích Thúy thẫn thờ nhìn ra mặt sông, từ từ hồi tưởng lại những người những việc quan trọng trong đời.

Bất luận ra sao, những kẻ làm hại nàng đều đã bị trừng phạt, bóng tối bao phủ quanh nàng cũng dần dần tan đi. Nàng thầm nghĩ, nhất định phải sống, phải sống cho thật tốt.

Vì Trương nhị ca, vì cả cha nàng.

Giống như bao cô gái bình thường khác, rồi sẽ có một ngày nàng gặp lại người thương, bế đứa con của mình và người ấy, sống bình thản ung dung dưới ánh mặt trời, lãng quên hết thảy đớn đau.

Phủ Quỳ vương, đài Chẩm Lưu.

Cảnh Dục trở về bẩm báo: “Thưa gia, Lữ Tích Thúy kia… chẳng biết đi đâu mất rồi.”

Lý Thư Bạch nhíu mày, đặt bút xuống hỏi: “Chẳng phải các người đã đi theo cô ta từ Đại Lý Tự hay sao?”

“Vâng, nhưng ra đến ngoài thành, cô ấy lại bị chú ý. Nô tài đang nghĩ cách bảo vệ thì một người qua đường đã cứu cô ấy đi rồi.” Cảnh Dục phân trần, “Nô tài nhớ lời gia dặn phải hộ tống cô ấy rời khỏi kinh thành, nên khi thấy cô ấy lên thuyền, nô tài không đi theo nữa.”

“Ừm, phủ Quỳ giúp được một lần nhưng chẳng thể lo cho suốt đời, để cô ta đi đi.” Nghe kể Tích Thúy đã thoát hiểm, Lý Thư Bạch liền nói.

Cảnh Dục vâng dạ, nhưng vẫn chần chừ chưa lui ra. Lý Thư Bạch biết y vẫn còn lời muốn thưa, bèn lặng yên để y nói nốt.

“Kẻ cứu Lữ Tích Thúy chính là Vũ Tuyên, học chính Quốc Tử Giám vừa từ chức.”

Lý Thư Bạch trầm ngâm ừm một tiếng, chẳng phản ứng gì thêm.

Cảnh Dục thông minh, lập tức hành lễ: “Nô tài cáo lui.”

Lý Thư Bạch phẩy tay, cho Cảnh Dục lui ra, một mình ngồi ở đó. Dù bốn bề gió lộng, y vẫn thấy nóng hầm hập.

Bất giác y đứng dậy, men theo chiếc cầu quanh co băng qua mặt hồ đầy sen nở, đi đến đại sảnh.

Cảnh Thư trực nhật hôm nay đang ngồi trong sảnh bên, vừa hớn hở nói chuyện với Hoàng Tử Hà, vừa cùng cô bóc gương sen ăn.

“Ái chà, Sùng Cổ này, nghe nói cậu sắp theo gia đến Thục hả? Đất Thục hay lắm, được xưng tụng là xứ sở thiên đàng đấy, nghe nói phong cảnh rất đẹp!”

“Vâng, chắc không bao lâu nữa sẽ lên đường.” Cô chống cằm nhìn ra mặt hồ bên ngoài, đáp khẽ. Ánh mắt cô nhìn dán vào hư không, như đang ngắm kẻ xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt kia.

Lý Thư Bạch đứng ngoài cửa nhìn cô, lại nhớ Vũ Tuyên từng nói sẽ đợi cô ở Thành Đô.

Vũ Tuyên.

Người này hết sức phức tạp, chẳng biết phải hình dung thế nào nữa.

Hắn bị tình nghi giết người, có lẽ cũng có liên quan tới cái chết của cha mẹ cô, xong tâm địa lại rất thiện lương, thường vô tư giúp đỡ những người hoạn nạn, chẳng cần báo đáp; hắn là trẻ mồ côi, luôn cố gắng vươn lên, nhưng đồng thời lại tự mình sa đọa, còn dây dưa với hạng người như Quách thục phi. Nếu nói hắn yêu Hoàng Tử Hà thì tại sao lại đem thư tình làm bằng chứng tố cáo cô, còn khăng khăng cho rằng cô là hung thủ; nếu bảo hắn hận cô, thì tại sao lại vứt bỏ tiền đồ bản thân, quay về Thành Đô đợi cô về rửa oan?

Hai người trong phòng trông thấy y, vội đứng dậy bước ra đợi lệnh.

Y bèn ra hiệu cho cô tháp tùng, men theo bóng liễu bên hồ mà đi.

Gió sen lồng lộng thổi tung vạt áo hai người, tình cờ cuốn cả đôi vạt áo vào nhau, rồi lại thình lình tách ra.

Lý Thư Bạch dừng chân dưới bóng liễu, ngắm nhìn một đóa sen nở rộ ngay gần đó, cuối cùng cũng gạt phăng ý nghĩ trong đầu đi, không nhắc tới chuyện Vũ Tuyên nữa.

“Có vật này muốn cho ngươi xem.” Nói rồi, y dẫn cô đi về phía gác Ngữ Băng.

Gác Ngữ Băng là phòng ấm, hiện giờ tiết trời nóng bức nên y không ở đó nữa. Vừa bước vào, không khí nóng bức bên trong đã khiến cho cả hai nhớ ngay đến nhà kho trong phủ công chúa.

Lý Thư Bạch lấy từ ngăn kéo ra chiếc hộp có khóa cửu cung, mở ra rồi lại mở nốt chiếc hộp như đóa sen gỗ bên trong, lấy lá bùa đặt trước mặt cô.

Hoàng Tử Hà chìa cả hai tay cầm lấy, không khỏi tròn mắt ngạc nhiên.

Trên mảnh giấy dày dặn đã ố vàng, giữa những hoa văn quỷ dị làm nền, các chữ “côi góa tàn” vẫn tươi rói như mới. Xong trừ chữ “côi” được khoanh ngay từ đầu, quanh chữ “tàn” cũng đã lờ mờ một vòng đỏ.

Suy yếu lụi tàn, gọi là tàn.

Vòng tròn ấy vẫn nhạt màu, tựa hồ vừa nổi lên không lâu. Nhưng vệt đỏ khoanh lấy số mệnh ấy như hẵng còn ươn ướt, thoang thoảng mùi máu tanh, khiến người nhìn không rét mà run.

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên ngước nhìn y, giọng bất giác cũng run lên: “Vương gia… Cái này xuất hiện từ lúc nào?”

“Không biết. Sau chuyện lập phi, khuyên đỏ quanh chữ ‘góa’ cũng mờ đi, ta lại bận bịu, chẳng còn tâm trí nghĩ đến nữa. Mấy hôm trước thấy bồn chồn không yên, sực nhớ tới nó, bèn lôi ra xem.” Y đặt tay lên lá bùa, vẻ kinh ngạc xong không hề sợ hãi, “Xem ra lại sắp có một trận phong ba khó tránh rồi.”

“Gần đây có những ai ra vào gác Ngữ Băng?”

“Nhiều đấy, từ Cảnh Dục, Cảnh Hữu đến đám người làm vườn, chạy vặt, huống hồ những ngày ta không ở đây, nếu có người đợi thị vệ tuần tra đi khỏi rồi lẻn vào, thì càng không kiểm soát nổi.” Lý Thư Bạch nhíu mày, “Phạm vi tình nghi rộng quá, không tra xét từng người được đâu.”

“Thưa vâng, tốt nhất là tìm được một điểm đột phá khác.” Hoàng Tử Hà gật đầu.

“Đợi đi Thành Đô về rồi tính.” Đoạn y đặt lại lá bùa vào hộp. Dù sao cũng chẳng đề phòng nổi, đành gạt sang một bên thôi.

Hoàng Tử Hà nhíu mày nhìn chiếc hộp: “Thực ra ban đầu tôi còn tưởng thủ pháp đánh cắp cây trâm Cửu loan của hung thủ giống cách những khuyên tròn xuất hiện rồi biến mất trên lá bùa này cơ.”

“Xưa nay ta luôn đích thân lấy và cất nó đi, chưa từng giao cho ai cả.”

Hoàng Tử Hà gật đầu: “Vâng, nên đến giờ… tôi vẫn chưa biết là kẻ nào gây ra và hắn làm thế nào.”

“Hắn đã cảnh báo ta, thì ta cũng sẵn sàng đối mặt thôi.” Vẻ mặt Lý Thư Bạch đanh lại lạnh băng, vô cùng bình tĩnh, “Ta cũng muốn xem, rốt cuộc số mệnh là do tờ giấy này viết ra, hay do ta nắm giữ.”

Hoàng Tử Hà nhìn y đầy kính phục. Lý Thư Bạch quay lưng về phía mặt trời, trước mặt là lá bùa khoanh chết số mệnh, xong y vẫn hiên ngang đứng thẳng, như một ngọn núi ngọc sừng sững ngàn năm, lấp lánh hào quang, không thể nhìn gần, cũng không bao giờ chao đảo.

Sau cùng, cô nói khẽ: “Gia vẫn nên cẩn thận là hơn.”

Y gật đầu, cất chiếc hộp vào tủ rồi tiện tay rút bức tranh của nhà họ Trương ra xem: “Còn nữa, ta nghĩ ý nghĩa thực sự của bức họa này không phải là hình vẽ ba cách chết đâu.”

“Đúng thế, chẳng qua là chúng tôi gán ghép vào nói bừa đấy thôi.” Hoàng Tử Hà thở dài, “Nào ngờ lão Lữ lại nảy ra ý tưởng giết người từ đó, chằng vụ án này với bức di bút của tiên hoàng, hòng tung hỏa mù đánh lừa dư luận.”

“Về mặt nào đó, lão ta cũng thực khiến người ta bội phục.” Lý Thư Bạch dẫn cô ra ngoài, rồi sực nhớ ra một chuyện, vội nói ngay: “Còn một kẻ nữa cũng rất đáng phục. Vương hoàng hậu về cung rồi.”

Hoàng Tử Hà kinh ngạc ồ lên: “Hoàng hậu ra tay nhanh quá.”

“Trong triều ngoài nội đều bất mãn với Quách thục phi, huống hồ giờ chỗ dựa duy nhất của thục phi là Đồng Xương công chúa đã mất, lấy gì mà ngăn bước hoàng hậu? Hơn nữa…”

Y ngoái lại nhìn cô đầy ẩn ý: “Lần này là Quách thục phi xin với hoàng thượng, để hoàng hậu về cung.”

Nguyên nhân đương nhiên là hoàng hậu uy hiếp thục phi.

Người bên ngoài đồn rằng, Quách thục phi thường xuyên ra vào phủ công chúa, tư thông với phò mã Vi Bảo Hoành, xong phi chẳng để tâm.

Một người phụ nữ đem lòng yêu một thiếu niên chỉ xấp xỉ tuổi con mình, chẳng khác nào lửa bén đồng hoang, cuồn cuộn rực trời, không gì ngăn nổi. Dù bức thư tình phi mạo hiểm viết ra bị đối phương thản nhiên đốt bỏ, phi vẫn mù quáng si mê.

Xong giờ đây Đồng Xương công chúa vẫn bao che cho phi đã qua đời, cơ hội để gặp mặt Vũ Tuyên cũng trở nên hiếm hoi. Mối tình chưa kịp vỡ lở đã gấp rút hạ màn, từ đây sẽ được chôn sâu trong tâm khảm hai người, chỉ còn một câu thơ cuối cùng, trở thành chiếc thòng lọng tròng vào cổ phi, bất cứ lúc nào cũng có thể kéo phi xuống vực sâu muôn trượng.

Phi vĩnh viễn không phải đối thủ của Vương hoàng hậu, về mọi mặt.

“Hoàng hậu hồi cung cũng hay. Lăng mộ của Đồng Xương vượt quá quy củ khiến trong triều nhốn nháo mấy ngày nay, ta không rảnh mà hỏi đến, nhưng chẳng biết hoàng hậu vừa về cung liệu có át nổi chuyện này đi không?”

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên hỏi lại: “Gia không rảnh ư?”

Trong ấn tượng của cô, y vốn có thuật phân thân, sao lại không có thời gian xử lý chuyện này?

Lý Thư Bạch quay lại nhìn cô, ánh mắt sâu thăm thẳm: “Đương nhiên, ta cũng không muốn hỏi. Đôi lúc ta nghĩ, khi người mình trân quý nhất xảy ra chuyện thì bất kể hạng vô danh tiểu tốt hay là bậc khanh tướng đế vương đều không kiềm chế nổi, làm ra những chuyện không thể ngăn cản.”

Thế nên, hoàng đế mới bất chấp lời can gián của triều thần, khăng khăng xây lăng mộ con gái hoành tráng nguy nga, tổ chức đại tang thật to để thể hiện lòng thương tiếc.

Thế nên, kẻ cố chấp như Lữ Chí Nguyên mới vắt kiệt tâm sức nghĩ kế trừng phạt tất cả những người làm hại con gái mình, dẫu phải đối diện với hình phạt lăng trì tùng xẻo, cũng không hề do dự.

Có điều, một nàng công chúa được nâng niu như châu báu, xong không thể có được thứ mình khao khát, và một cô gái thường dân không may gặp nạn, nhưng lại có người sẵn sàng đánh cược tất cả để bảo vệ, rốt cuộc ai hạnh phúc hơn ai?

“Chẳng biết sau này ta có con gái hay không, nếu có thì nó sẽ thế nào.” Lý Thư Bạch nhìn những đóa sen dập dềnh trong gió, chợt nói bâng quơ.

Hoàng Tử Hà đáp khẽ: “Thế gian rất nhiều người yêu thương con gái, nhất định thánh thượng cũng nghĩ, nếu đem tất cả những thứ tốt đẹp nhất bày ra trước mặt con gái, thì Đồng Xương công chúa sẽ có cuộc sống hạnh phúc nhất, đầy đủ nhất trên đời… tiếc rằng thánh thượng sai rồi.”

Lý Thư Bạch gật đầu, vẻ trầm ngâm: “Ai cũng nói hoàng thượng nâng niu Đồng Xương công chúa như châu báu, cuộc đời công chúa chẳng thiếu thốn thứ gì, nhưng có kẻ nào nhìn thấu những khoảng trống hoác trong đời công chúa đâu?”

Cha nàng hết mực cưng chiều, nhưng chẳng hề biết nàng muốn gì. Thuở nhỏ, nàng từng bị mảnh sứ vỡ cứa đứt tay, từ ấy vĩnh viễn không còn đồ chơi nữa. Cha ban cho nàng vô vàn châu báu, xong lại tước đi niềm vui thơ trẻ của nàng.

Mẹ nàng lấy nàng ra làm quân cờ để tiến thân, thậm chí còn gây ra những chuyện hoang đường rồi dùng nàng làm bia đỡ đạn, che giấu bí mật động trời giữa mình và Vũ Tuyên. Nhưng sau khi nàng qua đời, mối quan tâm trước nhất của mẹ nàng lại là giết sạch những kẻ quanh nàng hòng bảo vệ bí mật.

Chỉ vì nụ cười của gã nam tử hăng say trên sân cầu, nàng liền chọn hắn làm chồng, nào ngờ hắn vừa tham quyền vị nàng đem lại, vừa si mê một kẻ kém nàng về mọi mặt.

“Công chúa hẹn gặp Tiền Quan Sách hết lần này qua lần khác là vì chưa bao giờ được nếm trải cuộc sống bình thường. Có lẽ chỉ từ ông ta, công chúa mới tìm thấy hạnh phúc giản đơn mà mình mãi mãi không bao giờ có được.”

Con chó sứ đã bị người khác quên khuất từ lâu, cuộc sống mà nàng chưa từng nếm trải cùng tình cảm cha con bình dị chưa bao giờ được hưởng, khiến công chúa lưu luyến không sao dứt nổi, hết lần này sang lần khác lén hẹn gặp Tiền Quan Sách. Bởi cả cuộc đời, nàng chưa bao giờ có được những thứ đó.

Chẳng ai nhìn thấy cõi lòng hoang vu của một nàng công chúa bị vây hãm giữa cung vàng điện ngọc. Thấy nàng không vui, cha lại ban thêm vô vàn châu báu, mà nào có hay, nàng chỉ khao khát một con chó sứ bán ngoài đường.

Lý Thư Bạch lặng thinh hồi lâu, chợt thở dài lẩm bẩm: “Chẳng biết, về sau ta sẽ là một người cha thế nào.”

“Tốt nhất là… đừng giống như hoàng thượng, yêu thương con gái hết mực, nhưng lại chẳng biết nó thực sự muốn gì.

“Cũng đừng cố chấp như Lữ Chí Nguyên, chẳng biết cách thể hiện tình cảm, cứ nghĩ đàn ông mà dịu dàng thì mất mặt nên lúc nào cũng tỏ ra cộc cằn thô bạo, làm tổn thương con gái.

“Đừng giống như Tiền Quan Sách, lúc khó khăn nhất thì vứt bỏ con gái, đến khi khấm khá lên mới tìm về, ngỡ rằng vẫn còn có thể nối lại tình cảm như xưa, lại chẳng thấy giữa đôi bên đã rạn nứt đến mức khó bề hàn gắn.”

Lý Thư Bạch quay sang hỏi: “Vậy ngươi thấy thế nào mới là một người cha tốt?”

Hoàng Tử Hà im lặng, lại nhớ đến người lẳng lặng đứng dưới gốc cây nhìn mình thuở bé. Trước mặt cô, người ấy rất hay vô tình kể chuyện con gái nhà người ta biết khâu giày cho cha, nhưng sau lưng cô lại hãnh diện khoe, con gái nhà tôi còn hơn mười con trai nhà khác.

Lúc nhỏ, cô từng nghĩ cha mình cũng bình thường thôi, chẳng khác cha nhà người ta.

Vậy mà giờ đây, cô lại thấy khóe mắt ươn ướt: “Người cha tốt nhất trên đời mà tôi biết, chính là cha tôi.”

Lý Thư Bạch cúi đầu nhìn cô, nín lặng.

Trong lòng y cũng đang nhớ đến người đã ra đi mãi mãi năm y mười ba tuổi. Đó từng là ngọn núi sừng sững mà thuở nhỏ y cứ nghĩ có thể nép dưới sải cánh mênh mông, để được chở che mưa gió.

Tiếc rằng giờ đây, cả hai người họ đều thành kẻ mồ côi.

Trên thế giới này, họ chẳng còn ai để nương tựa nữa, bất luận phía trước là gió mưa hay nắng gắt, đều phải tự mình dấn bước mà đi.

Một ngày trước khi họ khởi hành là tiệc đốt đuôi của cha Chu Tử Tần. Tay nghề đầu bếp nhà họ Chu rất khá, khách khứa đều hài lòng.

Ăn uống xong xuôi thì trời đã ngả chiều, lúc tiễn khách ra cửa, Chu Tử Tần vẫn còn tiếc nuối: “Chỉ tiếc còn thiếu món bánh cổ lâu hoàn hảo.”

Chiêu vương cũng gật đầu: “Đúng thế, e rằng về sau khó mà được ăn miếng bánh cổ lâu ngon như thế nữa.”

Ngạc vương Lý Nhuận theo họ xuống thềm, tới trước xe ngựa lại sực nhớ ra chuyện gì đó, vội quay đầu đi đến bên cạnh Lý Thư Bạch: “Tứ ca.”

Lý Thư Bạch ngoái lại.

Y ngập ngừng giây lát, mới nói khẽ: “Bản án tuy đã khép lại, nhưng không biết… Tứ ca và Dương công công có rút ra kết luận gì từ bức hình mẫu phi đệ vẽ không?”

“Bức hình ấy tuy có liên quan tới vụ án, nhưng chẳng qua hung thủ chỉ dùng nó để đánh lạc hướng, khiến mọi người tin vào chuyện trời phạt mà thôi.” Lý Thư Bạch trầm ngâm, “Gần đây ta cũng trăn trở suy tư rất nhiều. Ta nghĩ sau khi tiên hoàng qua đời, thái phi trong một lúc tỉnh táo hiếm hoi mới len lén vẽ ra bức hình ấy, dựa theo những gì nhớ được về bức thủ bút của tiên hoàng.”

Hoàng Tử Hà tiếp lời: “Nhưng hiện giờ chúng tôi vẫn chưa hiểu được năm xưa vì sao tiên hoàng lại vẽ ra bức tranh đó? Bức tranh đó có ý nghĩa gì.”

Lý Nhuận lộ vẻ bi ai. Y theo Phật nhiều năm nay, nét mặt vốn thanh thuần, ánh mắt xa xăm, lúc này, đôi mắt ấy trông càng mơ màng ngơ ngẩn, chẳng biết tâm trí đã trôi đi tận phương nào. Thật lâu, y mới nói khẽ: “Lúc tiên hoàng lâm chung, tuy thỉnh thoảng có tỉnh lại, nhưng không hề dặn dò việc triều chính đại sự, lại đi vẽ bức hình như vậy, chẳng lạ lắm ư? Sau khi tiên hoàng băng hà, mẫu phi vì đau xót quá độ mà thành ra lú lẫn, lần duy nhất tỉnh táo trở lại, bà đã vẽ phỏng theo di bút tiên hoàng giao cho đệ… Đệ nghĩ hẳn bức hình đó rất quan trọng, có lẽ bên trong ẩn chứa… bí mật quyết định tương lai của cả Đại Đường và hoàng tộc họ Lý.”

Bởi khi giao phó bức hình này, mẫu phi từng nói, thiên hạ Đại Đường sắp mất! Giang sơn đổi chủ rồi!

Bấy giờ, mẫu phi còn dặn y, Nhuận nhi phải nhớ kỹ, không được thân thiết với Quỳ vương…

Lý Nhuận lại nhìn Quỳ vương Lý Thư Bạch trước mặt. Giờ đây, Lý Thư Bạch đã thành nhân vật xuất sắc nhất trong hoàng thất Đại Đường, là trụ cột triều đình, là kẻ duy nhất gánh vác cơ nghiệp nhà họ Lý. Tại sao mẹ ruột y lại ngăn y tiếp xúc nhiều với Quỳ vương.

Là mẫu phi lú lẫn lẩn thẩn, hay vì bà biết được sự thật khủng khiếp nào đó, nên mới hé lộ với y?

Ngay sau khi tiên hoàng băng hà, mẫu phi trong đêm đã hóa điên. Là vì bi thương quá độ, hay còn… nội tình kinh khủng nào mà y chưa đoán ra?

Lý Nhuận chẳng dám nghĩ tiếp, thẫn thờ một hồi, đang định từ biệt Lý Thư Bạch thì Chu Tử Tần tiễn xong khách rảo bước đi đến: “Vương gia, Sùng Cổ, vừa rồi nhắc đến bánh cổ lâu, tôi lại nhớ ra một chuyện! Trương nhị ca nghỉ việc ở Tả Kim Ngô Vệ rồi, các vị biết chưa?”

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”

“À, theo tôi đến chợ Tây sẽ rõ.”

Chu Tử Tần kéo họ đến chợ Tây. Tiệm nhang đèn nhà họ Lữ vẫn mở cửa, có điều người ngồi bên trong lại là Trương Hàng Anh và anh trai chị dâu gã.

Thấy bọn họ, Trương Hàng Anh vội đứng dậy hành lễ với Lý Thư Bạch trước tiên.

Lý Thư Bạch gật đầu ý bảo miễn lễ, rồi nhìn quanh hỏi: “Ngươi sắp tiếp quản tiệm này ư?”

Trương Hàng Anh gật đầu, rồi lại lắc đầu: “Hôm qua địa bảo* đến nhà, tiểu nhân mới biết. Thì ra… tiệm này vốn là lão Lữ thuê, đầu tháng này mới dốc hết tiền bạc tích cóp mua lại.

* Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ ở địa phương.

Hoàng Tử Hà ngước nhìn đôi nến long phượng trên giá, buột miệng: “Trương nhị ca, đôi nến này trước đây lão Lữ nói là không bán.”

“Ừm, tôi nghĩ, ngày sau tôi và A Địch thành thân… có thể dùng.” Trương Hàng Anh đáp khẽ.

Lý Thư Bạch nhíu mày: “Lữ Chí Nguyên phạm tội phải chém cả nhà, e rằng cửa tiệm này cũng sẽ bị sung công.”

“Không, cửa tiệm này, lão Lữ… sau khi mua lại đã lập tức bán sang tay cho tiểu nhân.” Nói đoạn gã rụt rè rút giấy tờ ra cho họ xem, “Các vị nhìn này, đây là văn tự đất, văn tự nhà… Hôm A Địch được thả từ Đại Lý Tự về, lão Lữ đã đi theo sát gót, đến tận nhà tôi. Tôi cứ ngỡ là mười quan tiền cầm bức tranh làm sính lễ cho Tích Thúy, nên thật thà điểm chỉ vào biên lai ông ấy đưa ra, nào ngờ…”

Thì ra Lữ Chí Nguyên đã sắp xếp tất cả mọi chuyện, đây cũng có thể hiểu là hành vi thừa nhận Trương Hàng Anh.

Hoàng Tử Hà không nén được tiếng thở dài: “Vậy huynh định mở hàng ở đây hả?”

Trương Hàng Anh lắc đầu: “Không, cửa hàng này là cha A Địch để lại cho cô ấy, tôi đã bàn bạc với cả nhà rồi, sẽ giữ nguyên tên hiệu, đặt dưới danh nghĩa của tôi và A Địch, nhờ anh trai chị dâu tôi trông nom hộ; còn tôi sẽ đi tìm A Địch… Như vậy dù tôi không tìm được thì nếu có ngày cô ấy quay về, cũng sẽ tìm đến nhà mình, cùng anh trai chị dâu đợi tôi trở về…”

Hoàng Tử Hà đỏ hoe mắt hỏi: “Cha huynh thì sao? Ông cũng đồng ý ư?”

“Trước đây lúc ông bệnh nặng, tôi phải ra ngoài làm việc, nhờ có A Địch ngày đêm chăm sóc, ông mới dần dần khỏe lại. Lần này ông bảo, nếu tôi không tìm thấy A Địch thì đừng về nữa.”

Chu Tử Tần cũng nghẹn ngào: “Trương nhị ca, ta tin A Địch nhất định sẽ về mà.”

“Tốt nhất là trong vòng mấy năm đừng về, đợi khi nào mọi chuyện im ắng đã.” Lý Thư Bạch nhìn vợ chồng Trương Hàng Vĩ đang lúi húi dọn dẹp cửa tiệm, lại ngắm đôi nến hoa tinh xảo tuyệt luân kia, nói thêm: “Có điều, không phải lo phía quan phủ rầy rà về tiệm này đâu, cứ để ta lo liệu.”

Trương Hàng Anh vội cảm kích vái lạy. Hoàng Tử Hà chẳng ngờ Lý Thư Bạch lại chủ động đề nghị giúp đỡ Trương Hàng Anh, cứ ngẩn ra nhìn y kinh ngạc, không biết nói gì.

Lý Thư Bạch đưa mắt sang cô, gương mặt vốn bình thản như mặt hồ lặng sóng, lúc này khóe môi lại hơi cong lên, để lộ nụ cười.

Như vầng dương ló rạng, dịu dàng mà rạng rỡ, khiến tim cô bất giác đập rộn lên.

Lúc quay về, ngang qua chùa Tiến Phúc, ba người liền rẽ vào thắp hương cầu khấn.

“Lần này con về Thục, xin đức Phật phù hộ để dọc đường bình an, vạn sự như ý. Nguyện cho con sớm bắt được hung thủ, an ủi vong linh người nhà.”

Hoàng Tử Hà chắp hai tay cầu khấn trước bệ Phật.

Khói hương bảng lảng phủ mờ gương mặt cô, như sương mù vấn vít quanh đóa thược dược, mịt mờ hư ảo.

Chu Tử Tần nghiêng đầu nhìn cô đến ngây người rồi lặng lẽ lùi lại mấy bước, đến cạnh Lý Thư Bạch, hỏi khẽ: “Vương gia có thấy…”

Lý Thư Bạch đang nhìn Hoàng Tử Hà từ xa, hờ hững hỏi: “Gì cơ?”

“Dương Sùng Cổ tuy là hoạn quan, nhưng trông còn đẹp hơn con gái nữa… Gia nói xem nếu y không tịnh thân thì hiện giờ sẽ thế nào?”

Lý Thư Bạch thoáng ngẩn người, rồi thản nhiên nhìn đi chỗ khác: “Có lẽ sẽ cao hơn, đen hơn, vai rộng hơn, đường nét cứng cáp thô tháp hơn.”

Chu Tử Tần tức tốc hình dung khung xương và vẻ ngoài của Dương Sùng Cổ theo lời Quỳ vương, rồi tiếc nuối nhận xét: “Thôi thôi, cứ như thế này thì hơn.”

Lúc ra về, họ thấy một đám hòa thượng đang dùng dây thừng kéo hai cây nến lớn dựng trước Đại Hùng bảo điện xuống.

Chu Tử Tần chạy lại hỏi: “Các vị sợ nắng thiêu mưa xối làm biến dạng, nên định hạ nến xuống cất vào kho ư?”

Các hòa thượng ai nấy đầm đìa mồ hôi, vừa lo kéo thả dây vừa gắt gỏng đáp: “Ai rỗi mà cất vào kho? Nghe nói người thợ làm đôi nến này giết người như ngóe, cả Đồng Xương công chúa cũng chết dưới tay y, cửa Phật thanh tịnh sao có thể dùng thứ này được nữa?”

Nói rồi họ hợp sức khiêng đôi nến vừa kéo đổ đến hồ phóng sinh đã rút cạn nước.

Ở đó đã đốt sẵn một đống lửa. Các nhà sư quẳng đôi nến lớn vào, ngọn lửa lớn tức thì bùng lên, làm sáp nến chảy ra, cháy lách tách, lưỡi lửa cũng bốc cao đến cả trượng.

Các nhà sư đứng quanh hồ phóng sinh đều cúi đầu lẩm nhẩm đọc kinh, thanh tẩy tà ma.

Chiều hạ nóng hầm hập, khí nóng từ đống lửa không ngừng táp vào mặt như sóng, cơ hồ muốn nướng chín những người quanh đó.

Chu Tử Tần lùi lại mấy bước, thấy Hoàng Tử Hà vẫn đứng yên thì nhắc nhở: “Sùng Cổ lùi lại đi, cẩn thận bị bỏng bây giờ!”

Nhưng Hoàng Tử Hà gần như không nghe thấy gì cả. Cô đứng thẫn thờ bên đống lửa, nhìn chằm chằm tâm nến vừa lộ ra sau khi lớp sáp tan chảy. Trên lớp vải thô bọc lấy sợi bấc, có một hàng chữ nhỏ.

Nguyện cho Lữ Tích Thúy con gái con được bình an vui vẻ, suôn sẻ suốt đời.

Tín nam Lữ Chí Nguyên cúng dường.

Lữ Chí Nguyên đã âm thầm viết ra hàng chữ này. Đáng lẽ nó sẽ là bí mật được thờ phụng trước Phật điện cho tới khi ngọn nến cháy tàn, không một ai hay biết.

Xong lúc này đây, những con chữ bằng nhũ vàng ấy đang quăn queo rồi tróc ra trong lửa, hết thảy bí mật đều bị ngọn lửa nuốt chửng, nhả ra tro tàn, cuối cùng bị luồng khí nóng cuốn lên, tan tác trên không, chẳng còn dấu tích.

Bốn bề chỉ có tiếng tụng niệm rì rầm.

Hoàng hôn Trường An nhẹ nhàng phủ lên cả trăm ngàn người.

Hoàng hôn của Đại Đường cũng từ từ buông xuống.

------HẾT TẬP 2------

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây