Trước Khi Ngủ Vương Gia Luôn Nghe Thấy Ám Hầu Niệm Chú Thanh Tâm

75: Chương 75


trước sau

Chương 75: Ngày nào cũng nghĩ chuyện không nên nghĩ

Biên Trọng Hoa nhíu mày, cong mắt cười nói: "Ồ? Vậy ngươi nghĩ lại đi, nói không chừng ta sẽ lấy chuyện này để uy hiếp ngươi làm gì đó, ta không tốt như ngươi nghĩ đâu, ngày nào cũng nghĩ chuyện không nên nghĩ cả."

Kỳ Từ tưởng hắn lại đang đùa giỡn nên thoải mái nói: "Dù sao lúc trước nếu không nhờ ngươi cứu ta ra khỏi thanh lâu thì chỉ sợ một ngôi mộ tử tế cũng chẳng có, đừng nói chi uy hiếp hay không uy hiếp, ngươi muốn ta làm gì cứ nói đi."

Biên Trọng Hoa cười, ngoài cười nhưng trong không cười.

Kỳ Từ ho nhẹ một tiếng rồi quyết định kể cho Biên Trọng Hoa nghe, Biên Trọng Hoa cũng thu lại vẻ trêu chọc trên mặt, ngồi đối diện Kỳ Từ nghiêm túc nhìn y.

"Ta..." Kỳ Từ ngập ngừng, nhất thời không biết phải nói từ đâu, do dự nửa ngày mới nói, "Biên Trọng Hoa, thật ra ta không phải hoàng tử gì cả, càng không phải Vương gia, Dược bà bà dặn ta đừng nói với ai vì sợ chuyện này sẽ đến tai Hiền Nghi Thái hậu và Thái tử rồi gán cho ta tội khi quân giả mạo hoàng tử."

Biên Trọng Hoa hỏi: "Sao dám chắc ngươi không phải hoàng tử?"

Kỳ Từ nói khẽ: "Vì ta không phải do mẹ ta sinh ra mà được bà nhặt về."

Suy đoán trước đó của Biên Trọng Hoa không sai, Kỳ Như Lan đã từng đi ngang qua thôn này, hơn nữa không chỉ đặt chân mà thậm chí còn ở lại đây một năm rưỡi.

Nơi Kỳ Như Lan ở nhà chính là nhà Dược bà bà.

Mỗi lần Dược bà bà nhớ tới Kỳ Như Lan vẫn thấy như chỉ mới hôm qua.

Lúc đó người trong thôn phát hiện Kỳ Như Lan ngất xỉu ven đường nên đưa đến chỗ Dược bà bà, khi Kỳ Như Lan vào thôn này đã mang thai tám tháng, không phải nàng không muốn tiếp tục chạy trốn mà là không đi nổi nữa.

Khi ấy Kỳ Như Lan bị băng huyết, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc, Dược bà bà cố gắng hết sức mới cứu được mạng Kỳ Như Lan.

Nhưng đứa bé lại không giữ được.

Nghĩ cũng đúng, lang bạt kỳ hồ mấy tháng, thân thể Kỳ Như Lan đã gầy như que củi, có thể sống sót đã là may mắn lắm rồi, làm sao giữ được đứa bé nữa.

Dược bà bà tốt bụng cho Kỳ Như Lan ở lại tĩnh dưỡng, sau khi mất con Kỳ Như Lan ngày càng u sầu, thường xuyên khóc thầm trong đêm, Dược bà bà muốn làm nàng phân tâm nên kể nàng nghe truyền thuyết hồ chôn rồng, biết nàng giỏi vẽ tranh nên mua bút mực nhờ nàng vẽ cho mình.

Bức tranh trên tường có từ lúc đó.

Một ngày nọ Dược bà bà ra ngoài xem bệnh cho người ta, ai ngờ vừa về thì thấy Kỳ Như Lan ngồi trong nhà.

Trong lòng còn ôm một đứa bé oa oa khóc lớn.

Dược bà bà hoảng hốt truy hỏi đứa bé này từ đâu ra.

Kỳ Như Lan đáp: "Nhặt được bên hồ ạ."

Dược bà bà vội vào thôn hỏi nhà ai lạc mất con nhưng trong sơn cốc này chỉ có một thôn nhỏ, mọi nhà đều biết chuyện của nhau, Dược bà bà hỏi thăm một vòng nhưng không hỏi ra nên đành thôi.

Chẳng lẽ có cô nương nào đi ngang qua đây gặp khó khăn nên bỏ lại đứa bé?

Từ khi Kỳ Như Lan nhặt được đứa bé kia thì tinh thần ngày một khá hơn, Dược bà bà thấy nàng hết buồn khổ ưu sầu thì không còn tìm hiểu nguồn gốc đứa bé kia nữa, chỉ nói là duyên phận.

Một ngày Kỳ Như Lan đang ru đứa bé ngủ thì Dược bà bà chợt hỏi: "Ngươi định đặt tên gì cho đứa nhỏ này?"

Kỳ Như Lan ngẩn người, lúc này mới phát hiện mình chưa đặt tên cho đứa bé, nàng nghĩ ngợi, nhìn thấy bức tranh trên tường liền nói: "Cháu nhặt được nó bên hồ, hồ nước kia lại do Ly Vẫn biến thành, hay là cứ gọi Kỳ Ly đi."

Dược bà bà lắc đầu: "Ly Vẫn cả đời thăng trầm, không được không được, chi bằng lấy từ đồng âm, gọi là Kỳ Từ đi, thanh từ lệ câu, cũng xem như tên tốt."

"Vâng, xin nghe bà bà." Kỳ Như Lan gật đầu rồi ôm đứa bé vui vẻ gọi: "A Từ, A Từ 〜"

Sau đó Kỳ Như Lan bình phục hẳn, cảm thấy nơi này quá gần kinh thành, sợ có ngày sẽ liên lụy Dược bà bà nên kiên quyết từ biệt rồi ôm Kỳ Từ đến biên cương phía Bắc.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây