Trường An Thái Bình

89: Tranh chữ


trước sau

“Đại nhân đúng là thần cơ diệu quán, chúng tôi tìm theo miếng ngọc bội ngài đưa cùng với phạm vi ngài vạch ra mới tìm được thân phận người chết đấy, nếu không chẳng biết phải vòng vèo tới khi nào nữa. Chưa đến một ngày mà ngài đã tìm ra thân phận người chết rồi, bảo sao người ta đều nói ngài là người giỏi nhất ở Đại Lý Tự chúng ta ngoài Trần đại nhân, nếu không có ngài thì Đại Chu chúng ta còn bao nhiêu án lớn không phá được kia kìa…”

Người đi phía trước là một thư lại trong Đại Lý Tự, dọc đường đi y khen ngợi luôn miệng, tâng bốc kiểu gì cũng có, mới sáng sớm Tô Sầm đã nghe y nói đến đau đầu, bèn nhíu mày cắt ngang: “Nói trọng điểm đi.”

Thư lại kia nịnh nọt sai chỗ bèn méo miệng, thật thà nói: “Người chết là Từ Hữu Hoài, ba mươi ba tuổi, nhà ở ngõ Thuận Nghĩa phường Diên Khang, trong nhà có một vợ hai lẽ với hai đứa con. Từ Hữu Hoài là thương nhân đồ cổ, thường xuyên vào Nam ra Bắc sưu tầm đồ cổ, tranh chữ, có một cửa hàng ở chợ Tây tên là Tụy Tập Hiên. Nhưng nghe nói danh tiếng hắn không tốt lắm, thường xuyên dùng đồ giả qua mắt người mua, người trong kinh biết rõ hắn ta thì không sao, nhưng con buôn Hồ, Dương từ ngoài tới không rõ tình hình thì thường xuyên bị lừa. Đại nhân nói xem có phải có người mua phải đồ giả ở chỗ hắn, thẹn quá hóa giận nên giết luôn không?”

Quả nhiên sau một đêm đã có người nhận ra người chết không phải thích khách mà là nạn nhân rồi, hơn nữa việc gia đình sản nghiệp của Từ Hữu Hoài vẫn còn ở trong kinh, không có dấu hiệu chuyển đi cũng chứng minh điều này. Tô Sầm nói: “Nếu anh bị hắn lừa thì có chọn giết hắn trước mặt mọi người vào đúng ngày tế trời không?”

Thư lại kia cũng không phải kẻ ngu dốt, y nghĩ xong thì lắc đầu, giết người còn gây náo động tới vậy, sợ người khác không bắt được mình hay gì?

Thư lại nghĩ lại, nói: “Có khi nào đây chỉ là tai nạn, không ai giết hắn cả, Từ Hữu Hoài sơ ý tự làm mình bị cháy thôi?”

Tô Sầm hờ hững đáp: “Anh tự cháy đi cho ta xem?”

Thư lại rầu rĩ vô cùng, Tô đại nhân này đang là tâm phúc trong mắt Ninh Vương, lúc trước điều tra án Dương Châu bãi bỏ lệnh Xác Diêm giúp Ninh Vương, nay ở Đại Lý Tự đến Trương Quân cũng phải nể nang phần nào. Vốn là y muốn thể hiện trước mặt Tô đại nhân, nói không chừng mai sau lại được đề bạt lên làm trợ thủ, giờ xem ra Tô đại nhân không còn hảo cảm với y, thậm chí còn hơi hơi ghét bỏ.

Chắc là vì y ngốc quá.

Phường Diên Khang nằm phía Tây trục đường Chu Tước, vì sát với chợ Tây nên phần đông người ở đây là thương nhân. Vừa vào phường Diên Khang Tô Sầm đã nghe tiếng khóc than thảm thiết vọng ra từ một căn nhà không xa, vì chưa loại bỏ được trường hợp hắn là thích khách nên ngoài cổng nhà vẫn có quan binh canh gác, rất dễ nhận biết.

Tô Sầm hỏi quan binh bên ngoài: “Có chắc là nhà này không?”

Quan binh kia gật đầu: “Không sai được đâu đại nhân, đêm qua chủ nhà không về nhà, sáng sớm nay người hầu nhà họ thấy cáo thị trên phố mới đi báo án, vừa nãy đã cho họ xem ngọc bội rồi, đúng là thứ chủ nhà này thường đeo.”

Tô Sầm gật đầu, bấy giờ mới đi vào giữa tiếng khóc om sòm. Giữa sảnh chính có một người đàn bà khoác áo tang đang quỳ, dẫn đầu cả nhà cùng gào khóc.

Thấy Tô Sầm vào nhà, người đàn bà kia lập tức bước lên, nhìn Tô Sầm và thư lại bên cạnh một lát rồi quỳ phịch dưới chân thư lại, ôm cổ chân thư lại không chịu buông: “Đại nhân, ngài phải phân xử cho ông nhà con, ông nhà con không phải thích khách gì đâu, ông ấy chết oan lắm. Nhà chúng tôi trên có già dưới có nhỏ, ông ấy đi rồi chúng con biết làm sao đây!”

Thư lại: “…”

Tô đại nhân, nghe tôi giải thích đã…

Người đàn bà này nhận nhầm cũng không trách được, sáng nay Tô Sầm đi từ cung Hưng Khánh qua, bộ trường sam trắng sữa cùng khuôn mặt tuấn tú khiến cậu không giống quan lại mà giống thiếu gia nhà nào chưa trải sự đời hơn. Mà thư lại này đã gần bốn mươi, da đen mặt chữ điền lại mặc quan phục, đúng là giống quan lớn ngồi trong phủ hơn.

Thư lại ngại ngùng ho nhẹ, chỉ sang Tô Sầm: “Đây là Tô đại nhân của Đại Lý Tự chúng ta, là người thẩm tra vụ án của ông nhà.”

Người đàn bà kia khựng lại, trông ánh mắt thoáng vẻ thiếu tin tưởng, nhưng ngay sau đó đã quay sang ôm chân Tô Sầm: “Đại nhân, ngài phải phân xử cho ông nhà con…”

Tô Sầm: “…”

Thư lại nói đây là vợ cả của Từ Hữu Hoài, Từ Lâm thị, cũng là bà lớn trong nhà. Nàng ta có với Từ Hữu Hoài một đứa con tám tuổi, hai vợ lẽ còn cũng đều đang quỳ trong nhà, cả nhà cộng thêm đầy tớ là mười bảy người, nay Từ Hữu Hoài đã chết, mọi việc trong nhà đều do Từ Lâm thị làm chủ.

Tô Sầm bảo thư lại ở trong nhà hỏi từng người xem ngày xảy ra vụ án họ đang làm gì, bình thường Từ Hữu Hoài hay qua lại với ai, có thù oán gì không, gần đây có biểu hiện bất thường không, còn mình thì muốn đi quanh nhà xem thử.



Từ Lâm thị bảo quản gia dẫn đường cho Tô Sầm, tuy phường Diên Khang này không lọt vào mắt quan lại quý tộc nhưng cũng không phải khu bình dân. Nhà họ Từ không lớn không nhỏ, tổng cộng có tam tiến, nhất tiến nhị tiến vây quanh giếng trời, hai bên còn bố trí thêm một khoảng sân, tam tiến là nhà trong, giữa có hành lang nối liền, để lại một chỗ nước thông ở giữa sân, ngụ ý tứ thủy quy đường, tàng phong tụ khí[1].

[1] Thuật ngữ phong thủy. Mái nhà bốn phía xung quanh sân nhà đều là mái dốc, khi trời mưa, nước mưa sẽ từ mái nhà nhỏ xuống giếng trời, gọi là “tứ thủy quy đường”. Theo Phong Thủy, “tàng phong tụ khí” là khí vận chuyển cần thông thoáng, tránh bị xung đối hay bị ngăn chặn.

Quản gia dẫn Tô Sầm đi qua giếng trời vào đến nhà trong, trên đường đi, Tô Sầm hỏi: “Lão gia nhà ông là người Thục Trung?”

Quản gia ngạc nhiên đáp: “Sao đại nhân biết ạ?”

Tô Sầm hất cằm nhìn lên tòa nhà phía trước: “Mái nhà hơi cong, giếng trời không sâu, hành lang bên ngoài xen kẽ, tất cả đều giống lối xây dựng của Thục Trung, hẳn là chủ nhà ông không quen ở nhà trong kinh nên cố ý thuê người sửa lại.”

“Đại nhân quả là tiên đoán như thần.” Quản gia gật đầu: “Lão gia nhà tôi đúng là người Thục Trung, chẳng qua nhiều năm trước đã rời nhà đến kinh thành, nay đã không còn liên lạc với bên kia từ lâu rồi. Tôi theo nhà họ Từ từ nhỏ, ký khế ước bán mình, năm đó qua đây cùng lão gia nên mới biết chuyện, còn đám hạ nhân mới đến kia e cũng chẳng biết lão gia chúng tôi vốn là người Thục Trung đâu.”

Tô Sầm hỏi: “Chuyển qua đây từ lúc nào? Tại sao lại phải chuyển đến đây?”

Quản gia nghĩ hồi, đáp: “Chuyển nhà chắc là khoảng mười một, mười hai năm trước, còn lý do thì có lẽ vì việc làm ăn của lão gia ngày một phát đạt? Kẻ làm đầy tớ như chúng tôi không rõ những chuyện này, chủ khiến sao thì làm theo vậy thôi.”

Tô Sầm gật đầu, không hỏi thêm nữa. Quản gia này từng được rèn luyện, giữ miệng rất kín, những gì không nên nói lão sẽ không nói, mà chuyện lão nói được thì Tô Sầm cũng tự điều tra được.

Vào trong hậu viện, chính phòng tọa Bắc triều Nam là phòng ngủ của Từ Hữu Hoài, Tô Sầm hỏi ý quản gia rồi mới mở cửa vào. Bày trí trong phòng gọn gàng ngăn nắp, có thể thấy vừa mới được dọn dẹp lúc sáng, Tô Sầm đi một vòng cũng không tìm được thứ gì có giá trị.

Ra khỏi phòng đi thêm bảy, tám bước, Tô Sầm lại quay đầu nhìn lại, không hiểu sao cậu cảm thấy có gì đó kỳ lạ.

Ban đầu đứng trong phòng còn chưa thấy gì, giờ càng đi ra ngoài mới càng thấy lạ, vừa ra khỏi cửa viện Tô Sầm bỗng dừng bước, quay đầu chỉ vào nhĩ phòng hai bên: “Ta có thể vào xem chỗ đó không?”

Tuy là câu hỏi nhưng không để cho người nghe cơ hội thương lượng nào.

Quản gia sửng sốt, sau đó lại khôi phục bình thường, nói với Tô Sầm: “Mời đại nhân.”

Quản gia nói ban đầu nhĩ phòng hai bên để cho hạ nhân ở canh đêm, nhưng lão gia không coi trọng việc này, không cần người hầu hạ buổi đêm nên nhĩ phòng vẫn luôn để trống, giờ thì dùng làm kho.

Tô Sầm vào nhĩ phòng phía Đông trước, quả nhiên đúng như lời quản gia nói, đồ đạc trong phòng đều phủ bụi dày, có thể thấy đã lâu chưa có người tới.

Phòng phía Tây cũng vậy, nhưng khi Tô Sầm đứng trong phòng, không hiểu sao cậu lại thấy chật chội hơn bên kia.

“Kích thước nhĩ phòng hai bên khác nhau sao?” Tô Sầm hỏi.

Quản gia cười gượng: “Chắc là để đồ khác nhau nên đại nhân nhầm thôi.”

“Không đúng.” Tô Sầm nhìn lên xà nhà ước chừng khoảng cách, nhìn xong cậu bước ra khỏi nhĩ phòng, vào lại phòng ngủ của Từ Hữu Hoài. Đứng giữa phòng ngủ, cuối cùng Tô Sầm đã nhận ra căn phòng này có gì bất thường… Hai bên trái phải không đều.

Từ chỗ Tô Sầm đứng đến vách tường phía Đông có mười hai viên gạch, mà về phía Tây thì chỉ có chín viên.

Cộng thêm phần bị thiếu trong nhĩ phòng phía Tây thì không gian khuyết thiếu kia phải dài tới bảy, tám thước.

Tô Sầm nhìn vẻ ngập ngừng của quản gia, cậu bước lên gõ lên vách tường, quả nhiên bức tường này rỗng ruột, chỉ có một vách ngăn bằng gỗ mỏng.

Tô Sầm quay lại nhìn quản gia: “Ông tự mở hay ta gọi người vào phá?”

Quản gia rùng mình nhìn ánh mắt như găm đao của Tô Sầm, cuối cùng lão đành cắn răng bước lên, xoay một bình hoa trên kệ, một cánh cửa ngầm mở ra.

Đúng là có một nơi khác.

Tô Sầm bước vào phòng, sững sờ nhìn đồ đạc bên trong.

Từ Hữu Hoài này đúng là thương nhân đồ cổ, trong căn phòng này chất đầy là đồ sứ, đồ ngọc, tranh chữ, riêng đồ rửa bút đã có tới ba, bốn chiếc đặt trên bàn, trái lại trông có vẻ chật chội, đồ có tốt cũng mất đi ý cảnh.

Quản gia gãi đầu đứng ngoài cửa: “Thật ra đây là kho cất đồ cổ của lão gia, lão gia sợ để ngoài tiệm bị đám trộm rình mò nên phải dựng căn phòng này.”

Tô Sầm không đáp lại. Cậu xem lần lượt từng món đồ sứ đồ ngọc, phía trong cùng là một đống tranh chữ, còn có mấy bức đang treo trên tường. Bắt mắt nhất trong số đó là bức tranh hoa đào nở rộ, tuy cành cây khúc khuỷu chỉ vươn ra một góc nhưng thoạt trông là biết xuân về, nồng nàn ý cảnh “Đôi cành đào nở ngoài khóm trúc, vịt biết sông xuân nước ấm rồi”.

Thứ thu hút nhất ở bức tranh này không phải nội dung mà là lối vẽ, khác với lối vẽ nét cong mực nhạt cùng mực pháp trộn lẫn nhiều tầng thường thấy trong tranh hoa cỏ chim muông cùng thời, bức tranh này giống như được vẽ bừa hơn, đường nét ngang dọc tùy ý, hoa đào trong tranh muôn hình muôn vẻ rực rỡ sắc màu. Thoạt trông mực pháp cẩu thả nhưng đan xen cùng cấu tứ, ý cảnh, nơi đ ộng tình thì sảng khoái sung sướng, nơi thu bút thì bút dừng mực khô cực kỳ dứt khoát, nét vẽ rồng bay phượng múa khiến người xem chấn động.

Góc trái phía trên bức vẽ thảo một câu thơ: Mơn mởn đào tơ, rộn ràng hoa nở.*

(*Bản dịch của Tạ Trung Hậu.)

Lạc khoản là: Ngày năm tháng Ba Mậu Ngọ, Thẩm Tồn vẽ.

Bức tranh này treo giữa vô vàn danh họa lại không hề mờ nhạt, trái lại như tiếng chim thánh thót vút lên khiến người ta nhắm mắt chẳng quên.

Tô Sầm nhìn bức tranh hồi lâu, bỗng dưng cảm thấy hoa đào nở rộ trong đây… như lửa.

“Đại nhân biết xem lắm.” Quản gia bước lên, nói: “Đây là bức tranh lão gia nhà tôi mới thu về gần đây, cũng là món lão gia thích nhất, thường xuyên đứng ngắm cả mấy canh giờ liền.”

Tô Sầm hỏi: “Bình thường lão gia nhà ông lấy những thứ này từ đâu?”

“Thì đi khắp hang cùng ngõ hẻm, mua lại từ nông thôn rồi mang lên kinh thành bán.”

“Nói dối.” Tô Sầm thẳng thắn vạch trần. “Những thứ này…” Tô Sầm nhìn căn phòng đầy ắp: “Đều là mang ra từ trong mộ.”

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây