Sơn Hải quan là một nơi thiên nhiên hiểm trở, núi non trùng điệp, cao trọc trời, khí thế thật là hùng vĩ.
Ngọn đèn treo ở trước cửa Liên Thắng khách sạn lắc lư trước gió. Tên phổ kỵ đang ngồi ở cạnh cửa ngủ gật, trên đường phố người đi lại rất thưa thớt. Lúc ấy bỗng có một bóng người thấp thoáng lướt tới trước cửa điếm, nhẹ như tàu lá rụng.
Tên phổ kỵ không hay biết gì cả vẫn cứ ngủ gật như thường, người đó khẽ vỗ vai tên phổ kỵ một cái và hỏi: - Này, chú phổ kỵ, tôi muốn hỏi thăm chú một việc. Tên phổ kỵ giật mình nhảy phắt lên, mở mắt ra nhìn và trách cứ rằng: - Khách quan này lạ thật, người ta đang ngủ say... Y bỗng thấy người trước mặt là một ông già, mặt lạnh lùng đôi mắt sáng quắc trông rất kinh người, y liền giật mình đánh thót một cái, liền đổi giọng cười và nói tiếp: - Cụ có phải đến ở trọ không, có phòng... Ông già nói tiếp: - Lão muốn vào ở trọ thật nhưng lão muốn hỏi thăm chú điều này đã.
Trong khách điếm có khách trọ nào là đạo sĩ và người thường dân, cả hai cùng đeo kiếm không? Tên phổ kỵ nghe nói liền biến sắc mặt, đảo ngược mắt mấy vòng, rồi hỏi lại: - Không biết cụ hỏi ai, vì tệ khách sạn mỗi năm có biết bao nhiều người võ lâm ra vào, cụ hỏi như thế thì cháu biết làm sao trả lời được. Ông già lạnh lùng hỏi tiếp: - Hai người đó, một tên là Kiều Kỳ, một là Đông Dương chân nhân, đều là bạn cũ của lão cả. Tên phổ kỵ liền tươi cười đáp: - Tưởng cụ hỏi ai, chứ cụ hỏi thăm Kiều lão gia với Đông Dương chân nhân phải không? Tiếc thay hai vị đó đã rời khỏi đây vào trong quan nội rồi.
Nghe nói chuyến đi này ít nhất cũng phải nửa năm mới trở về được. - Hai người đó bảo cho chú biết là nửa năm sau mới quay lại hay sao? - Tiểu nhân làm gì được hân hạnh như thế, vì trong điếm còn có một người dưỡng thương, chính người dưỡng thương đó nói cho tiểu nhân hay đấy. - Chú mau đưa lão đi gặp y. Ông già trầm giọng quát bảo như vậy.
Tên phổ kỵ sợ thần oai của ông già, vâng vâng dạ dạ quay trở vào khách điếm ngay.
Ông già theo y đi liền, một cái vườn hoa nho nhỏ, phía sau vườn hoa có ba căn phòng giữa, cửa khép hở ánh đèn ở bên trong lóe ra. Tên phổ kỵ liền đẩy cửa căn phòng đó đi vào bên trong, ông già đứng chờ ở bên ngoài. Bên trong có tiếng khàn khàn hỏi: - Việc gì thế? Tên phổ kỵ đáp: - Có người muốn gặp Kiều lão gia và bảo là bạn của ông ta, vì thế tiểu nhân mới dẫn ông ta vào gặp lão gia chứ không có việc gì khác hết... Tên phổ kỵ vừa nói đến đó, thì ông già đã lẻn vào.
Ông ta trông thấy người nằm dưỡng bệnh ở trên giường là người trạc sáu mươi tuổi, đầu tóc bù rối, mặt gầy gò. Ông già trông thấy người nằm trên giường đã thất thanh gọi: - Tang quan chủ... Ông ta bỗng thấy người nằm trên giường có vẻ lo âu, liền quay lại bảo tên phổ kỵ rằng: - Cụ này cũng là người quen, chú cứ việc đi ra đi. Tên phổ kỵ vừa cười vừa đáp: - Thế ra hai vị quen biết nhau đấy, như vậy tiểu nhân mới yên tâm, để tiểu nhân pha nước hai vị xơi. Nói xong, y vội đi ra bên ngoài liền.
Ông già ra tay như điện chớp, chộp luôn vào cổ tay của người nằm trên giường, người nằm trên giường ngạc nhiên vô cùng; bỗng mở mắt ra, mặt vẻ mừng rỡ với giọng khàn khàn hỏi: - Có phải bạn là Quái Thủ Thư Sinh đấy không? Ông già mỉm cười gật đầu, buông ngón tay ra và lẹ làng điểm luôn vào chín nơi yếu huyệt ở trước ngực rồi mới trả lời: - Tang quan chủ cải trang làm người tục khiến suýt nữa mỗ không sao nhận ra được. Người nằm trên giường đó chính là Sát Mệnh Bát Tang Lộc Quan chủ của Toàn Chân Quang núi Âm Sơn.
Sau khi Tang Lộc được Tạ Vân Nhạc điểm cho chín nơi yếu huyệt, thì Tạ Vân Nhạc đã lấy một viên trường xuân đưa ra, xua tay bảo Tang Lộc đừng nói: - Tang quan chủ không nên nói vội, hãy uống viên thuốc này của tại hạ đã. Tang Lộc đỡ lấy viên thuốc bỏ vào mồm nuốt luôn, rồi vận khí cho sức thuốc chạy khắp quanh người một vòng, vết thương liền lành lặn ngay, vội xuống giường cả cười nói: - Quả thật thiếu hiệp chưa chết, ai bảo là trời không có mắt nào. Vân Nhạc mỉm cười hỏi lại Tang Lộc: - Sao Tang lão sư lại bị thương nặng như thế? Tang Lộc liền hạ thấp giọng đáp: - Có phải thiếu hiệp muốn tìm kiếm Kiều Kỳ và Đông Dương chân nhân để hỏi lai lịch Thái A Kiếm và Linh Phi Kiếm phải không? Bần đạo cũng vì vấn đề đó mà phải tù nhân của tên Kiều Kỳ, chuyện này nói ra thì dài lắm, để bần đạo thủng thẳng kể cho thiếu hiệp nghe. Lúc ấy tên phổ kỵ mới đem nước vào, Tang Lộc liền nói: - Chú phổ kỵ mau đem thức ăn vào đây cho lão, vết thương của lão đã lành lặn lại rồi. Tên phổ kỵ vâng vâng dạ dạ, để ấm nước xuống rồi đi xuống bếp sửa soạn bữa ăn. Tang Lộc liền kể chuyện cho Vân Nhạc nghe như sau: "Thì ra Tang Lộc về Toàn Chân Quan núi Âm Sơn rồi thấy Bán Tú đã chết, Hồng Kỳ tử đàn với Vân Nhạc cũng tan rã hết, y chán đời ở lại núi Âm Sơn tu luyện võ công không can thiệp đến việc giang hồ nữa. Tang Lộc đã thâu một đệ tử, dạy tên đó học võ và giới thiệu vào tiêu cục làm tiêu sư. Một hôm đồ đệ của y đến Âm Sơn bái kiến y, và nói đến chuyện võ lâm mới biết Tạ Vân Nhạc đã bị mất tích bởi vụ động đất của đảo Ngọc Chung rồi.
Cho đến khi tên đệ tử của y đã rời núi đi nơi khác, y vẫn nhớ nhung Tạ Vân Nhạc hoài.
Tháng mùa xuân năm nay, núi Âm Sơn bỗng thấy phát hiện luôn luôn tung tích của nhân vật giang hồ.
Y biết có kẻ địch định ám hại mình, nên trốn vào hậu sơn ở.
Bỗng đâu y ngó thấy thuộc hạ cũ của Bán Tú đang họp kín với Quỷ Ảnh Tử Kiều Kỳ cùng Đông Dương chân nhân ở trong sào huyệt cũ của Bán Tú, chúng định ra tay đối phó với Khấu Nguyên, một tướng giặc vẫn ngồi nguyên một chỗ luôn được chia tiền của những tụi giặc cỏ ở quan ngoại. Mục đích của chúng là cướp gia tài bạc triệu của Khấu Nguyên gom góp bấy lâu nay. Tang Lộc thấy Kiều Kỳ với Đông Dương chân nhân mang mỗi người đeo một thanh bảo kiếm rất quý, nên y chú ý luôn, lại thấy môn hạ của Bán Tú nói, trong nhà của Khấu Nguyên thủ hạ có rất nhiều tài ba cao cường thượng thặng, nhưng Kiều Kỳ chỉ cười nhạt và nói rằng: "Với thanh Linh Phi Kiếm của Kiều mỗ cùng thanh Thái A Kiếm của Đông Dương chân nhân thì dù chúng võ công trác tuyệt đến đâu, mỗ với Đông Dương đạo trưởng cũng bất chấp." Tang Lộc lại nghĩ đến vụ đánh nhau ở Dã Áp Thang, trong khi đi đường Giang Dao Hồng có nói cho y biết Phó Uyển với Cố Yến Văn mỗi người có một thanh bảo kiếm, thanh của Phó Uyển là Thái A, thanh của Cố Yến Vân là Linh Phi. Hai nàng bị bắt giam ở Ngọc Chung Đảo, hai thanh kiếm đó cũng bị mất.
Kiều Kỳ và Đông Dương chân nhân ắt là thủ hạ của Ngọc Chung Đảo chủ.
Tang Lộc liền nghĩ thầm: "Người ta sống ở trên đời ít khi kiếm được một người bạn tri kỷ, hiện giờ Vân Nhạc tuy mất tích, nhưng ta cũng phải tận tâm làm một người bạn giúp y mới được." Vì thế y mới nghĩ ra kế dò xem bọn kia lúc nào ra tay liền đến nhà Khấu Nguyên giả dạng người thường dân đợi trước nửa giờ, bọn Kiều Kỳ, liền lẻn vào trong nhà của Khấu Nguyên đánh chết ba người và lên án Khấu Nguyên giả mạo người lương thiện ngấm ngầm làm những trò giết người cướp của. Khấu Nguyên cả giận sai thủ hạ vây đánh và ra lệnh phải giết Tang Lộc mới hả dạ, đang lúc nguy hiểm đó thì bọn Kiều Kỳ và Đông Dương chân nhân các người vừa tới nơi. Một trận huyết chiến xảy ra tất cả mọi người bên Khấu Nguyên đều bị giết chết riêng có một mình Khấu Nguyên là tẩu thoát thôi.
Tang Lộc liền kết giao luôn với bọn Kiều Kỳ, ngờ đâu Khấu Nguyên lại có liên can mật thiết với phái Nga Mi, vì vậy việc chém mười tám võ lâm hảo thủ ở Huyền Dương Cốc mới lan tràn đi các nơi, ai ai cũng biết là vậy. Tang Lộc muốn lấy lòng tin của Kiều Kỳ và tỏ vẻ mình là người trung kiên, bất cứ việc gì cũng liều mạng nên rất được Kiều Kỳ tín nhiệm. Tang Lộc nói tới đó đã nghe thấy tiếng chân của tên phổ kỵ đi vào, liền ngắt lời ngay. Tên phổ kỵ đưa vào bảy tám món ăn rất tinh vi và một hũ rượu cũ.
Chờ tên phổ kỵ đi khỏi, hai người vừa nhậu nhẹt vừa trò chuyện.
Tang Lộc lại nói tiếp: - Quỷ Ảnh Tử với Đông Dương chân nhân đều là người đa mưu túc trí, lại lịch của chúng ta ra sao, chúng giữ bí mật lắm và người đỡ đầu cho chúng là ai, chúng cũng không cần cho bần đạo hay nốt. Nhưng việc thiên hạ không thể nào giấu kín mãi được, tuy chúng không nói nhưng nghe những lời trò chuyện hàng ngày của chúng, bần đạo cũng dò biết được cả hai tên đều xuất thân ở Ngọc Chung Đảo, và người đỡ đầu của chúng cũng là tay cao thủ số một, số hai ở Ngọc Chung Đảo, nhưng không phải là Lương Khấu Cư Sĩ. Vân Nhạc tủm tỉm cười và xen lời nói: - Xem như vậy chắc tên béo mập họ La kia cũng là người của Ngọc Chung Đảo cũng nên. Tang Lộc ngạc nhiên hỏi: - Sao, thiếu hiệp đã gặp tên béo mập họ La ấy à? Vân Nhạc gượng cười và đáp: - Nếu không phải y thì tại hạ làm sao mà tìm kiếm được tới Liên Thắng khách sạn này. - Nếu vậy tên họ La ấy thế nào cũng bị thiếu hiệp giết chết rồi phải không? Vân Nhạc gật đầu. Tang Lộc lại nói tiếp: - Theo sự ước đoán của bần đạo thì các vị võ lâm tiền bối bị giữ lại ở Ngọc Chung Đảo năm xưa chưa bị tai nạn đâu.
Bây giờ họ bị giam giữ ở hai ngọn đảo nhỏ, cạnh Ngọc Chung Đảo. Vân Nhạc thở dài một tiếng rồi đáp: - Việc này tại hạ đã biết rồi.
Tại hạ muốn thuê thuyền ra hai hòn đảo nhỏ cứu mọi người để chuộc lỗi xưa, nhưng khi tại hạ rời khỏi nơi đây rồi, có mấy việc muốn nhờ Tang quan chủ giúp cho. Tang Lộc thành khẩn đáp: - Xin thiếu hiệp cứ nói, dù phải nhảy qua núi lửa bần đạo cũng không từ chối. - Năm năm nay vì hổ thẹn với lương tâm, tại hạ ẩn núp ở trong rừng núi, lúc nào trong lòng cũng bứt rứt khôn tả.
Giờ đây ngẫu nhiên ở miền nam được tin nói là những người bạn cũ năm xưa bị giam giữ ở trên Ngọc Chung Đảo vẫn còn sống nên tại hạ mới vội lên trên miền bắc này. Trong khi đi đường tại hạ xem xét tình thế võ lâm, hình như sắp có một tai biến lớn sẽ bùng nổ vào một ngày gần đây.
Hai dòng nước chảy ngược đều ngấm ngầm chảy mạnh và to dần... Tang Lộc giật mình kinh hãi vội hỏi: - Hai dòng nước ngược nào thế? - Một là Kim Đỉnh thượng nhân, Chưởng môn của phái Nga Mi với Thế Vân thiền sư, kỳ lão của phái đó, cả hai vẫn muốn rửa mối hận bị tại hạ đánh bại ở trên Thiên Phật Đỉnh năm xưa.
Chúng định gây sóng gió ở trong võ lâm, người nào kết giao với tại hạ năm xưa đều là kẻ thù của họ hết. - Phái Nga Mi có khá nhiều cao thủ ngưỡng mộ và kết giao với thiếu hiệp, chả lẽ những người đó không khuyên răn để mặc cho Thế Vân thiền sư với Kim Đỉnh thượng nhân làm những việc trái lý như vậy hay sao? - Người trong võ lâm ai dám mang tội phản môn, như vừa rồi quan chủ chả có liên quan mật thiết với phái Nga Mi là gì.
Nếu phái Nga Mi không định làm những việc đảo ngược đạo lý như thế thì tại sao chúng ta lại kết giao với cường đạo làm chi. Tang Lộc gật đầu không nói năng gì.
Vân Nhạc lại tiếp: - Theo sự nhận xét của tại hạ thì phái Nga Mi chỉ đứng vào thứ yếu mà thôi.
Người đỡ đầu cho bọn Kiều Kỳ mới là quan trọng, chúng bỏ hải đảo trở vào Trung Nguyên, tất thể nào cũng phải có chuyện lớn.
Vậy Quan Chủ làm ơn điều tra hộ chúng là những nhân vật nào, rồi chúng ta ở giữa khiêu khích làm cho chúng gây thù gây hấn với phái Nga Mi.
Nếu làm được như thế mới giảm bớt được tai kiếp cho võ lâm Trung Nguyên chúng ta... Nói tới đó, chàng lại hạ thấp giọng xuống, nhờ Tang Lộc làm hộ mấy việc quan trọng nữa.
Tang Lộc cứ lắng tai nghe, thỉnh thoảng gật đầu.
Vân Nhạc nói xong lại tiếp: - Chuyến đi này của tại hạ lâu thì nửa năm chóng thì ba tháng, thể nào cũng trở về Trung Nguyên ngay.
Nếu Tang quan chủ gặp những bạn cũ năm xưa nhớ hỏi thăm hộ. Nói xong người chàng chỉ rung động một cái, đã biến dạng liền, Tang Lộc vội gọi: - Thiếu hiệp hãy khoan, bần đạo còn... Nhưng khi y ra tới cửa phòng đã không thấy hình bóng của Tạ Vân Nhạc đâu hết.
Y biết võ công của Vân Nhạc vốn trác tuyệt khinh công lại cao siêu khôn lường, có đuổi theo cũng vô ích. -oOo- Trên bờ sông Tương cách huyện Tương Am chừng hơi mười dặm có bảy tám cái nhà lá, nhưng chỉ có một căn có mở quán cho người qua đường nghỉ chân và mua rượu hay uống nước còn những căn nhà khác đều sống bằng nghề thuyền chài. Chủ của tiệm nước đó là một người trạc ba mươi, thân hình vạm vỡ, da đen nhánh, mắt to mày rậm tay ăn mặc lối quê mùa nhưng trông không giống một người dân quê chút nào, cứ bán rượu hay rót nước cho khách xong là y ra tựa vào gốc cây, hai mắt nhìn thẳng về phía xa. Bỗng y giật mình kinh hãi vì thấy cách đó mấy chục trượng một bóng người nhanh như điện chớp đi tới gần.
Đó là một ông già râu tới rốn, mình mặc áo vải trắng thủng thẳng ngồi vào cái ghế ở trước cửa. Tên chủ điếm liền đi tới trước mặt ông già hỏi: - Khách quan có xơi thêm chút gì không? Ông già lạnh lùng đáp: - Lấy cho lão năm cân rượu ngon thượng hạng, có thứ gì ăn nhậu được làm mấy món lên cho lão. Chủ điếm nọ vâng lời quay mình đi luôn. Lúc ấy ông già đưa mắt lạnh lùng liếc nhìn bốn phía xung quanh một lượt, rồi lại cúi đầu xuống hình như nghĩ ngợi cái gì vậy. Đại hán ở trong nhà ra, đem rượu và thức nhắm cho ông già, ông ta liền khẽ hỏi: - Các người chưa có tin gì về La Thái hay sao? Nghe Tổng trại chủ nói, Sơn chủ lo âu lắm, đã qua kỳ hạn ba ngày mà La Thái vẫn chưa thấy tới.
Nếu ngày mai y chưa về thì Tổng trại chủ phải tự thân xuất hành cũng nên. Đại hán nọ lại hỏi: - Tôi chắc La Thái không bị thất thế đâu.
La Thái là người rất tham lam, tại sao Sơn chủ không thân hành ra tay mà lại giao trọng trách đó cho La Thái, thật là bất trí. Ông già biến sắc mặt trầm giọng mắng: - Ngươi dám phê bình Sơn chủ như thế, chẳng hay ngươi có mấy tính mạng? Ông ta chưa nói dứt, mắt đã nhìn về phía xa, vội đứng dậy đổi giọng nói: - La Thái đã tới đây. Nói xong ông ta đi thẳng về phía sông luôn. Đại hán vội chay ra đón La Thái và nói: - Trịnh đàn chủ đợi chờ các vị ba ngày liền, mong ba vị đi gặp ông ta ngay đi. La Thái ba người liền đi thẳng về phía bờ sông, ven theo bờ sông chừng mấy trăm bước thì thấy một ông già đứng ở dưới cây, vừa cười vừa nói: - Chắc ba vị đã thành công rồi, lão xin mừng cho ba vị. La Thái nghe nói mặt nhợt như sắc mặt người chết, cúi đầu hoảng sợ đáp: - La mỗ bất tài nên vật đã đến tay mà còn bị người ta cướp mất. Ông già nghe nói, thì mắt sáng quắc với giọng nói kêu sấm động quát hỏi tiếp: - Ngươi chả khoe khoang ở trước mặt Sơn chủ là gì, người giở tuyệt kỹ thần thâu ra lấy trộm được thì phải giữ ở một nơi kín đáo chứ tại sao lại để mất mát được; đã vậy, người lại còn táo gan dám về đây gặp trại chủ. La Thái hoảng sợ thêm, vội đáp:
- Thưa Đàn chủ, quả thực La Thái đã đánh mất... Ông già lại quát tiếp: - Câm mồm, lão phu đã biết hết rồi, chỉ vì ngươi tham lam định nuốt chửng Quảng Thành nhị báu đó, bị người ta trông thấy nên mới bị trộm lại như thế. Nói xong, ông già lại cười nhạt mấy tiếng và nói tiếp: - Sau khi ngươi mất trộm, thể nào ngươi cũng muốn cao chạy xa bay.
Nhưng ngươi lại phát giác trong nội phủ khác lạ, vì muốn khỏi chết nên quay trở về đây phải không? La Thái ba người thấy ông già nọ nói như mắt trông thấy vậy lại càng hãi sợ và biến sắc mặt thêm. Thì ra bọn La Thái ở núi Tượng Tỵ đã trông thấy Lạc Dương đưa Quảng Thành nhị báu cho Cát Thiên Hào năm người rồi đi ngay. Bọn La Thái liền theo ngay.
Chúng đi tất cả mười một người hùa ra cản đường bọn Thiên Hào các người, nhưng đi qua cạnh, La Thái đã giở tài ba thần thâu lấy trộm cái hộp Quảng Thanh nhị báu liền. Cát Thiên Hào, các người vẫn không biết gì hết, nhưng tức giận bọn La Thái các người liền cùng chúng giao đấu kịch liệt, La Thái thấy mình đã lấy được vật báu rồi không muốn đấu tiếp nữa, y sợ Thiên Hào phát giác sự mất trộm đó nên y muốn giết người giệt khẩu, cũng may Thiên Hào năm người đều là võ lâm cao thủ, bằng không đã bị chúng giết hết rồi. Tuy vậy năm người đều bị thương bỏ chạy. Tất cả những cái đó đều bị Tề Hồng trông thấy hết, nhưng Tề Hồng không biết Quảng Thành nhị báu, chỉ nghe La Thái nói: - Cứ theo bờ sông mà đi chừng năm dặm sẽ tới một cái miếu hoang đổ nát, chúng ta vào trong ấy nghỉ ngơi, chờ đến khi trời sáng sẽ lên đường. Tề Hồng vội tới miếu hoang trước, tìm chỗ để ẩn núp, chờ bọn La Thái tất cả mười một người vào trong miếu hoang đó rồi La Thái cùng hai người hạ độc thủ giết chết tám người kia một cách rất thảm khốc. La Thái cùng người nọ giết xong tám người kia liền khoái chí cười như điên cuồng, rồi móc túi lấy cái hộp đá màu xanh ra nói: - Hai vị hiền đệ, chúng ta lấy được cái hộp này không tốn một chút hơi sức nào nếu chúng ta mở được cái hộp này và biết cách dùng nhị báu thì chúng ta sẽ trở nên thiên hạ vô địch ngay. Một người trong bọn chúng ngạc nhiên hỏi: - Thế La huynh không định đem cái hộp này đi Quân Âm Động Đình Hồ mà định nuốt chửng nó hay sao.
Tiểu đệ vì không có ý riêng gì cả nhưng chỉ sợ cái hộp này không phải dễ mở và dễ hiểu biết như La huynh tưởng tượng đâu.
Vả lại, vật quý báu của võ lâm rất dễ gây nên tai họa mong La huynh nên nghĩ kỹ đi thì hơn. La Thái cười nhạt đáp: - Tám người này đều thừa lệnh giám thị chúng ta, cho nên mỗ mới giết sạch chúng để khỏi hậu họa, hơn nữa thiên hạ bao la rộng rãi như vậy, đâu đâu mà chẳng có chỗ để chúng ta ẩn núp, quý hồ chúng ta khi nghiên cứu đừng có lộ diện, lai vãng trong giang hồ, thì làm sao chúng tìm ra chỗ ẩn núp của chúng ta. Một người nữa đỡ lời: - Thế La huynh đã chắc chắn mở được cái hộp đá này rồi hay sao, bằng không, ba chúng ta tự trói mình, suốt đời không được lộ diện ở trên giang hồ. La Thái cả cười nói tiếp: - Trên đời không có một việc gì khó khăn hết, chỉ cần ta có kiên tâm là được.
Đại trượng phu thà chết một cách oanh liệt còn hơn sống mà không tên tuổi gì hết. Đột nhiên có một tiếng ơi vang tới và cả ba thấy có một hình bóng nhanh như điện chớp lướt ra phía ngoài đi mất. Vì trong miếu tối om nên không trông rõ người đó là ai.
La Thái kinh hoàng vô cùng, biết lời nói của mình đã lọt vào tai người kia rồi, nếu để cho đối phương đào tẩu thì bọn chúng sẽ chết không có chỗ chôn. Y liền quát lớn một tiếng vội đuổi theo ngay.
Trời đã sắp sáng, chỉ thấy một người trông như lão đạo sĩ chạy nhanh ở phía trước còn bọn La Thái ba người thì chạy theo ở phía sau.
Đạo sĩ già đó lúc ẩn lúc hiện, ma lúc nào cũng chỉ chạy trước bọn La Thái chừng mấy chục trượng thôi. Không ngờ La Thái không những không đuổi kịp và lại còn bị lấy mất Quảng Thành nhị báu, và bị một mũi kim độc của Tề Hồng bắn trúng. La Thái ba người đuổi được mười mấy dặm, chất độc của mũi kim ngấm vào người, tuy chúng đã vận nội công phong bế tất cả những yếu huyệt nhưng vẫn cảm thấy như kiến bò mình mẩy chân tay ngứa ngáy không chịu nổi. Sau chúng tốn rất nhiều tâm huyết mới lấy được thuốc giải độc.
Khi đó chúng phát hiện Cát Thiên Hào và Thanh Thành Tứ Kiệt đang đi tìm chúng. Chúng liền chạy đông né tây để trốn tránh, và lại còn phát giác hộp Quảng Thành nhị báu bị mất nên y càng đau lòng thêm. Chúng ba người bàn tính định chạy về phía nam, ngày hôm sau chúng thấy trong người hơi khác lạ, hình như chân khí bị cản trở cứ cách bốn tiếng đồng hồ lại thấy nhức đầu nóng lạnh, sau cơn đó thì mình mẩy tay chân uể oải, tựa như là người mất hết võ công vậy.
La Thái đã biết là chuyện gì xảy ra liền gượng cười nói: - Bây giờ chúng ta chỉ còn một cách là trở về Côn Sơn chịu tội. Hai người kia gượng cười đáp: - Tiểu đệ đã biết không khi nào Tổng trại chủ của Côn Sơn giao phó một trọng trách cho chúng ta một cách dễ dãi như thế đâu.
Y đã đoán biết chúng ta thế nào cũng thay lòng đổi dạ, nên buộc chúng ta phải về đến Côn Sơn để xin giải dược. La Thái biến sắc mặt và cùng hai người vội chạy thẳng về Côn Sơn. Lại nói, lúc ấy ông già quát tháo hai mặt trợn trừng, mặt lộ sát khí.
La Thái ba người thấy vậy lo sợ cuống cuồng.
Ông già lai cười ha hả và nói: - Còn tám người kia đi sao chưa về? Tổng trại chủ đã tính đúng tám người đó bị các người giết chết rồi, phải không? Nói xong, ông ta từ từ giơ chưởng lên, La Thái vội nói: - Tổng trại chủ đối với La Thái ba người chúng tôi ân nặng nghĩa trọng, khi nào chúng tôi thấy lợi mà vong nghĩa mang ơn báo thù như vậy.
Quả thật Quảng Thành nhị báu bị mất trộm, tám người đồng bọn của chúng tôi bị người ta giết chết, nếu Đàn Chủ không tin ba chúng tôi còn bị ám khí của lão đạo sĩ ấy bắn trúng, vết tích còn đây. Ông già đôi mắt lóng lánh nhìn thẳng vào mặt La Thái rồi ngạc nhiên hỏi lại: - Vậy ngươi có biết lai lịch của họ không? La Thái lắc đầu đáp: - Không biết.
Chắc lúc tôi lấy trộm được Quảng Thành nhị báu bỏ vào túi bị lão đạo sĩ trông thấy, cho nên giữa đường mới bị chúng mai phục và đánh lén như thế. Ông già nọ lai quát tiếp: - Lúc Quảng Thành nhị báu mất trộm, người biết ngay tại chỗ hay về sau mới biết. - Về sau mới biết là mất trộm. - Ngươi dám chắc lão đạo sĩ ấy lấy trộm Quảng Thành nhị báu không? - La Thái tôi dám chắc như vậy. Ông già cười lạt hỏi tiếp: - Người tự khoe khoang tài lấy trộm của người có một không hai ở trên võ lâm, sao lại có người tài ba hơn ngươi như thế. Nói tới đó, ông già ngẫm nghĩ giây lát rồi lại nói tiếp: - La Thái, lời nói của ngươi vừa rồi nửa thật nửa giả, lão phu nể mặt ngươi không vạch ra vội.
Bây giờ, ngươi hãy đi yết kiến Tổng trại chủ đã, rồi hãy nói chuyện sau.
Điều cần nhất bây giờ ngươi phải làm thế nào vẽ được hình dáng của ông già với thiếu niên đó để Tổng trại chủ phái người theo dõi.
La Thái ba người tựa như ba con thú sắp chết cúi đầu theo ông già tiến thẳng về phía Động Đình Hồ. Hai ngày sau lúc vào giờ mùi ở trên bờ sông Tương Giang, Lạc Dương với Tề Hồng ngồi ở trong một tửu điếm, Tề Hồng vừa uống rượu vừa khẽ nói: - Bần đạo nghĩ Quảng Thành nhị báu này chỉ có lệnh sư mới biết cách mở, nên Tề mỗ tính đem ra ngoài Sơn Hải Quan tìm kiếm lệnh sư. Lạc Dương đáp: - Sao sư bá không tìm các đại hiệp nói cho họ hay, chỉ sợ lúc này đại hiệp các người nóng lòng muốn lấy Quảng Thành nhị báu rồi làm cho võ lâm tranh nhau, đánh nhau hoài cũng nên. Tề Hồng mỉm cười lắc đầu đáp: - Không, hiền điệt cứ ở Giang Nam dò xét tung tích Lâu Ưng trưởng lão, người của Cái Bang có ở khắp miền Giang Nam và Giang Bắc, hiền điệt cứ dặn bảo họ là hễ thấy Cát Thiên Hào lập tức cho biết.
Rồi hiền điệt đi ngay tới đó, nói rõ sự thể đầu đuôi cho họ hay.
Thiên Hào là người rất điềm đạm, hiền điệt cứ yên trí mà đi gặp họ. Lạc Dương đột nhiên phát hiện thấy người chủ điếm vạm vỡ đứng ở chỗ cây cổ thụ không xa, hai mắt cứ hướng về phía hai người nhìn hoài.
Chàng trợn trừng mắt lên nhìn lại đại hán đó. Đại hán ấy mặt không biến sắc, trái lại còn cất giọng lên nói: - Hai vị còn muốn dùng gì thêm nữa, nhà tôi có còn gà quay rất ngon, nhậu nhẹt với rượu cũ mười năm thì quả là ngon khôn tả. Quả nhiên y vừa nói xong, trong nhà đã có mùi gà quay rất thơm xông ra khiến ai ngửi thấy cũng phải thèm ăn liền. Tề Hồng liền nói: - Nếu có rượu ngon thì lấy thêm năm cân và ga quay béo mang ra đây. Đại hán nọ vừa cười vừa đi thẳng vào trong nhà.
Lạc Dương nhìn theo tên ấy và quay lại nói với Tề Hồng: - Sư bá, người này trông không có vẻ gì là quê mùa hết, rõ ràng là một người có võ công cao siêu, chỉ trông dáng đi y cũng biết.
Theo ý cháu người này đáng khả nghi lắm. Tề Hồng vuốt râu, vừa cười vừa đáp: - Trên giang hồ này có rất nhiều tài ba ẩn dật ở những nơi hẻo lánh không ai biết được. Lão cũng thấy người này không phải là tầm thường, nhưng họ không phạm ta thì ta cũng không nên đụng chạm tới họ, hiền điệt cẩn thận như vậy thật là hiếm thấy. Lạc Dương cảm thấy có vẻ không yên vẫn hoài nghi đại hán nọ hoài.
Một lát sau, đại hán đó ở trong nhà bước ra, một tay bưng một mâm gỗ, trên để hai còn gà mùi thơm tỏa ra tứ phía, còn tay kia bưng một cái ấm rượu bằng đồng. Đại hán đó để mâm gỗ trên bàn, rót rượu cho hai người rồi mỉm cười rút lui.
Tề Hồng khẽ bảo với Lạc Dương rằng: - Không nên uống rượu vội chỉ nên ăn thôi. Lạc Dương ngẩn người ra để ý xem thấy rượu màu xanh biếc thơm tho vô cùng mà không vẩn đục chút nào.
Chàng không thấy có điểm gì khả nghi hết, nên trong lòng thắc mắc vô cùng. Tề Hồng mỉm cười một tiếng, cầm đùi gà lên ăn luôn. Đại hán đứng cạnh đó không thấy hai người uống rượu, tỏ vẻ lo âu sợ hãi vô cùng.
Dù cầm con gà lên ăn ngấu nghiến, Tề Hồng lúc nào cũng liếc mắt nhìn đại hán nọ, nên y đã hiểu ngay và khẽ nói: - Hiền điệt đoán không sai, người này là đồng đảng của La Thái, chúng ta chính là người mà chúng định bắt đấy.
Nhưng khi nào chúng ta lại để cho chúng toại nguyện được. Lúc ấy trong tay lão đạo sĩ chỉ còn lại một bộ xương gà thôi.
Bỗng lão ngẩng đầu gọi đại hán lại và nói: - Gà này ngon thực, bần đạo còn muốn ăn thêm nữa.
Ông chủ bảo nướng thêm hai con nữa. Đại hán nọ vâng dạ luôn mồm rồi quay mình đi luôn.
Trong lúc y quay đi, Tề Hồng nhanh tay đổ luôn hai bát rượu xuống gầm bàn, rồi mới cầm bát không lên tiếng nói: - Nào lão mời bạn trẻ một bát rượu. Lạc Dương thấy Tề Hồng đổ rượu đi nhanh như vậy, cũng phải kính phục thầm và vội cầm bát rượu lên giả bộ uống cạn. Tráng hán liền quay lại đầu lại nhìn trông trộm, trông tỏ vẻ mừng rỡ, rồi quay luôn vào trong nhà.
Tề Hồng khẽ bảo Lạc Dương rằng: - Đi mau! Hai người liền tung mình nhảy lên cao hai trượng, rồi là tà lướt xuống rừng trúc ở bên bờ sông.
Hai người vừa vào trong rừng, Tề Hồng liền nói tiếp: - Bần đạo phải ra ngoài quan ngoại tìm kiếm lệnh sư còn hiền điệt ở lại đây đùa giỡn khá lâu phải nên thận trọng.
Y nói chưa dứt đã đi mất dạng, Lạc Dương phải đành lặng tiếng để xem bọn giặc ở bên ngoài ra sao. Hãy nói tráng hán nọ hay tay bưng hai con gà nướng ra khỏi căn nhà lá đó, đã phát giác sự mất tích của hai người khách nọ rồi, liền biến sắc mặt vứt luôn hai con gà đi, tiếp theo nhảy ra bên ngoài đưa mắt nhìn bốn xung quanh. Đột nhiên y phát hiện đằng xa có tám chín cái thân hình nhanh như điện chớp tiến tới, chỉ thoáng cái đã ngừng ngay trước mặt đại hán đó liền.
Người đi đầu dáng điệu rất oai võ, râu dài tới rốn, mình mặc áo vải trắng, trầm giọng hỏi: - Bọn chúng đâu? Y trông thấy sắc mặt lo âu của đại hán, biết có việc xảy ra.
Đại hán kinh hoảng đáp: - Chúng đào tẩu mất rồi. Ông già trợn tròn đôi mắt quát lớn: - Mao Phi, mi làm chi mà để cho chúng đào tẩu, lát nữa thủ lãnh tới, mi sẽ biết thân. Mao Phi càng hoảng sợ thêm, sắc mặt nhợt nhạt đáp: - Thuộc hạ đoán chắc chúng chạy không xa đâu, thuộc hạ đã cho thuốc độc vào rượu rồi. Ông già liền quay mặt, truyền lệnh xuống cho mọi người lập tức đi khám xét ngay, và sau đó, lại nói tiếp: - Chúng đã uống rượu độc rồi chắc không đi xa đâu, thuốc độc sẽ làm cho khí huyết chúng rạo rực khiến chúng cũng té ngã... Nói tới đó y bỗng nhìn thẳng vào chỗ gầm bàn lúc nãy Tề Hồng với Lạc Dương đã ngồi, rồi cười nhạt hỏi: - Mao Phi, chính mắt ngươi đã trông thấy chúng uống rượu chứ? Mao Phi nghe thấy ông ta hỏi như vậy, liền ngẩn người ra, cố hết sức nghĩ lại cảnh tượng hồi nãy, nên y vội đáp: - Quả thuộc hạ đã trông thấy chúng uống hẳn Hồi, chả lẽ Đàn chủ chả tin thuộc hạ hay sao? Ông già cười nhạt nói tiếp: - Không phải lão không tin nhưng ngươi có trông thấy dưới gầm bàn kia, rượu còn chưa khô không? Hiển nhiên chúng đã biết quỷ kế của người rồi, nên chúng mới giả bộ uống để đánh lừa ngươi. Mao Phi ngẩn người ra giây lát vội chạy tới gầm bàn đó để xem xét, nhiên thấy ở chỗ đó rượu vẫn còn chưa khô hết.
Y sợ hãi van lơn: - Thuộc hạ đáng chết thật.
Xin chịu trách nhiệm trước mặt Đàn chủ. Ông già cười nhạt đáp: - Việc này lão phu không có quyền. Nói xong, ông liền quay lại bảo người áo đen tiếp: - Mau truyền lệnh, xuất động tất cả những tay cao thủ chia làm mười hai bọn khám xét trong khoảng ba trăm dặm quanh đây.
Hễ có tung tích gì lập tức dùng pháo cây bông liên lạc ngay... Ông ta nói chưa dứt thì Mao Phi đột nhiên kinh hoảng kêu: - Ủa... Ông ta liền nhìn theo tay của Mao Phi về bờ sông, thấy thiếu niên anh tuấn đang lẹ làng đi tới, trông rất ung dung mặt còn tươi cười.
Ông già thấy thiếu niên nọ như vậy cũng phải ngẩn người ra không dám lên tiếng nói nữa. Thiếu niên nọ làm như không có việc gì xảy ra, tiến tới nhìn Mao Phi mỉm cười và hỏi: - Ông chủ tiệm, gà của chúng tôi đã gọi nướng chín chưa? Mao Phi đưa mắt nhìn ông già một cái rồi gượng cười đáp: - Tiểu nhân tưởng hai vị có việc đi rồi, nên không cho đem lên, còn vị khách quan kia đâu? Thiếu niên từ từ ngồi xuống đáp:
- Bạn già của tại hạ đã đi vào huyện thành kiếm người bạn không bao lâu ông ta sẽ cùng người bạn quay trở về.
Ông chủ làm ơn nướng thêm vài con gà nữa bằng không lát nữa họ tới, ông cuống quýt làm không xuể đâu. Đột nhiên, ông già cười nhạt một tiếng hỏi: - Bạn già của bạn đi huyện thành kiếm bạn là thật hay giả? Thiếu niên liền xếch một con mắt lên trầm giọng nói: - Mỗ với ngài xưa nay không quen biết nhau nên sự thật chả có liên can gì đến ngài đâu. Nói xong, chàng vội ngấm ngầm vận động công lực vào hai tay phòng bị.
Ông già cười nhạt nói tiếp: - Chỉ sợ y có liên quan đến lão phu mà thôi. Nói xong, y đưa mắt ra hiệu cho Mao Phi.
Mao Phi hiểu ý ngay, nhanh như điện chớp, nhằm Khúc trì huyệt ở cánh tay phải chộp luôn, còn tay trái thì điểm vào Mạng môn huyệt của chàng. Y ra tay vừa nhanh vừa đúng lúc, thật là hiếm thấy.
Ngờ đâu Lạc Dương lại còn nhanh hơn chỉ thấy thân hình chàng xoay ngang một cái, mọi người đã nghe thấy Mao Phi kêu hự một tiếng, không biết chàng ra tay như thế nào Mà Mao Phi lại bị chàng ta nắm trúng Khúc trì huyệt và bàn tay thì nắm huyệt mạch ở cổ tay của tên điếm chủ nữa.
Nguyên Hiên Viên Thập Bát Giải là một môn tuyệt học cái thế vô song.
Lạc Dương tuy chỉ học được hai thế của Vân Nhạc nhưng hai thế ấy phòng thân cũng đủ đối phó với kẻ địch rồi. Mao Phi đau đến biến sắc mặt, mồ hôi chảy ra như tắm.
Ông già thấy thủ pháp của Lạc Dương huyền bí vô cùng, ra tay một cái là kiềm chế ngay được Mao Phi, mặc dầu võ công của Mao Phi có tiếng là cao siêu, đủ thấy võ học của thiếu niên đó huyền bí như thế nào, nên y kinh hoảng vô cùng.
Lạc Dương mặt đầy sát khí nhìn thẳng vào mặt ông già nói tiếp: - Ta với các ngươi, vô thù vô oán, sao các ngươi đột nhiên ra tay tấn công lén như vậy. Bạn già kia, bạn làm ơn giải thích hộ cho mỗ hay, bằng không người này sẽ mất mạng liền. Hừ, không ngờ nơi đây lại là một hắc điếm. Ông già cũng dùng giọng mũi kêu hừ một tiếng, và giơ tay lên vỗ ba chưởng nhằm đúng ba nơi yếu huyệt của Lạc Dương tấn công tới, nhanh và mạnh khôn tả, mang theo một luồng gió lạnh buốt xương. Lạc Dương quát lớn một tiếng, rung tay một cái thật mạnh người của Mao Phi đã bay lên nghênh đón thế công của ông già liền.
Ông già không ngờ chàng ta lại chống đỡ bằng cách đó, nên nhất thời thâu tay không kịp, chỉ thấy Mao Phi há hốc mồm kêu rú một tiếng thảm khốc, nằm ngửa ra chết tốt, tai, mắt, mũi đều có máu tươi phun ra, trông rất thê thảm. Lạc Dương ném Mao Phi ra rồi, liền nhảy ra ngoài xa hơn trượng, rút luôn cái quạt ra cầm ở tay để phòng bị, mỉm cười hỏi: - Mỗ tự hỏi các ngài, không có thù hằn gì sao các ngài lại thị mạnh hiếp người như vậy? Ông già thấy võ công của Lạc Dương tuyệt luân như vậy, liền rùng mình kinh hãi, biết việc này không phải dễ đối phó, nên y liền nghĩ thầm: "Thiếu niên này đi rồi quay trở lại, chắc có dụng ý gì đây? Nếu là người khác đào tẩu còn không kịp, thế mà thiếu niên này lại tự quay trở lại đâm đầu vào lưới, chắc y phải tin vào võ công thượng thặng của mình mới dám thế." Y nghĩ như vậy, càng hoảng sợ thêm, liền trầm giọng đáp: - Bạn nhỏ, lão không nói lời giả dối, sở dĩ phải giở thủ đoạn này ra đối phó với bạn, chỉ vì Quảng Thành nhị báu. Lạc Dương cố ý làm ra vẻ kinh ngạc hỏi lại: - Cái gì thế? Quảng Thành nhị báu là cái gì, quả thật mỗ chưa hề nghe thấy ai nói tới huống hồ Quảng Thành nhị báu có liên can gì tới mỗ đâu? Ông già ngẩn người ra, thấy Lạc Dương nói một cách thành thật không có vẻ gì giả tạo, nên y đoán chắc bên trong thể nào cũng có sự hiểu lầm, liền gượng cười đáp: - Lão phong thanh nghe người ta đồn bạn với một lão đạo sĩ đã lấy được Quảng Thành nhị báu, nếu không có ở trong người của bạn thì thể nào cũng ở trong người lão đạo sĩ, như vậy có phải lão đạo sĩ đã đem đi rồi phải không? Bạn có thể cho lão biết sự thật thì lão thật cám ơn khôn tả. Lạc Dương ngẩng mặt lên trời, lớn tiếng cả cười một hồi rồi trả lời: - Tuy Phong Vân đạo trưởng mới quen biết tại hạ thật, nhưng tại hạ với y hai người rất hợp nhau, nên đã kết thành bạn tri kỷ với nhau, không kể kẻ già người trẻ, từ Vân Nam đi thẳng tới đây, hai người cùng ăn cùng ngủ như hình với bóng, Tại hạ chẳng phát hiện thấy đạo sĩ trưởng có Quảng Thành nhị báu.
Không biết ai lại ác ý mà đồn đại như thế.
Thực là buồn cười... Nói tới đó, chàng liền sầm nét mặt lại, cười nhạt nói tiếp: - Chắc bên trong thể nào cũng có nguyên nhân gì đó.
Chẳng hay ngài nghe lời đồn của ai thế? Sao không mang y đến đây đối chứng? Chàng vừa nói tới đó, đột nhiên đằng xa có tiếng cười nhạt theo gió vọng tới, tiếp đó lại có tiếng nói: - Tuổi nhỏ như vậy mà khéo nói dối đến thế, kể cũng hiếm có những người đặt điều giỏi như vậy. Lạc Dương đang ngơ ngác lắng tai nghe, thì đột nhiên có một bóng đen phi tới và có một người hạ chân xuống đất cách chỗ chàng hơn trượng.
Chàng liền ngẩng đầu lên thì mặt biến sắc ngay, thì ra người đó thân cao tám thước, đôi mắt lóng lánh, râu xồm, tay đặc biệt dài chạm tới đầu gối, mình mặc một cái áo lụa đen, mặt không lọ vẻ giận mà cũng đủ oai, nhìn không khác gì một cái tháp bằng gang vậy. Lạc Dương ngắm người đó một cái rồi lạnh lùng hỏi: - Ngài là ai thế? Sao vừa biết tại hạ nói dối? Người nọ trầm giọng đáp: - Lão phu là Đàm Trấn Viên, Tổng trại chủ của mười chín trại ở hồ Động Đình này. Người đi rồi, lại quay lại như thế, là muốn để cho Cô Vân lão đạo sĩ đào tẩu một cách bình yên.
Người thử nghĩ xem chung quanh hồ Động Đình, quanh năm trăm dặm, đâu đâu cũng có tai mắt của lão phu, như vậy lão đạo sĩ Cô Vân làm sao mà lọt lưới được. Lạc Dương cười nhạt đáp: - Đàm tổng trại chủ đo lường tại hạ quá cao như vậy.
Theo như lời của ngài vừa nói thì tại hạ đi rồi quay trở lại mục đích là làm lạc tai mắt của ngài để cho Cô Vân đạo trưởng được bình yên đào tẩu.
Nếu tại hạ làm được như thế thì ngài với các bạn giang hồ đây quả thật không đáng một đồng trinh nào. Trấn Viễn bị chàng ta nói như vậy, mặt đỏ bừng xấu hổ, không nói một lời, nổi giận giơ tay phải ra nhanh như điện chớp nhằm đầu vai của Lạc Dương chộp luôn.
Tay của y chưa đụng tới nơi, Lạc Dương đã cảm thấy chỉ phong của đối phương mạnh và sắc bén như một lưỡi đao, chàng cảm thấy da thịt mình đau như bị cắt. Chàng kinh hãi vô cùng, trong lúc nguy cấp này đành phải giở Huyền Thiên Thất Tinh Bộ Pháp của Vân Nhạc truyền thụ ra đối phó.
Đồng thời chàng rút cái quạt ra nhằm cánh tay đối phương rạch luôn và tay trái chàng nhằm yếu huyệt trước ngực địch thủ điểm tới. Thân pháp, thủ pháp của chàng biến ảo kỳ diệu khôn tả khiến Trấn Viễn kinh hoảng vô cùng, vội giở pho chưởng pháp trác tuyệt ra tấn công Lạc Dương mười mấy thế liền.
Lúc này Lạc Dương tâm thần đã ổn định, bỏ quạt vào túi chỉ dùng Huyền Thiên Thất Tinh Bộ Pháp tránh né, rồi song chưởng sử dụng bí quyết chữ Xá trong Di Lạc Thần Công, trút hết cương lực của địch thủ tấn công tới. Lúc ấy mọi người đứng quanh chỉ còn nhìn thấy cát bụi bay tung mù mịt, thanh thế rợn người. Trấn Viễn không ngờ thiếu niên chống cự với mình lâu như vậy mà không bị bại, liền ngấm ngầm quát sát võ công và thân pháp của chàng ra sao.
Y chỉ thấy rất huyền diệu chứ không sao biết được võ công của chàng thuộc môn phái nào, nên y càng thêm kinh sợ thầm nghĩ: "Nếu hôm nay ta bị tên tiểu bối này đánh bại, thì còn mặt mũi nào sống ở trên giang hồ nữa." Y càng nghĩ càng tức giận, quyết giết chết đối phương mới thôi, nên vận mười thành công lực ra tấn công, thế chưởng nào cũng mạnh và dữ dội khôn tả. Dù sao Lạc Dương cũng kém công lực hơn đối phương do chàng may nhờ có môn khinh công tuyệt học hãn thế vô cùng Huyền Thiên Thất Tinh Bộ Pháp với Di Lạc Thần Công mới không bị đánh bại. Đồng thời chàng cũng không sao trút được hết cương khí của đối phương nên càng đấu chàng cảm thấy khí huyết trong người rạo rực.
Cổ thấy khô khan, nôn nao như sắp ói máu ra. Trấn Viễn tấn công tới tấp một hồi đã thấy bộ pháp của Lạc Dương chậm và yếu dần chứ không được nhanh nhẹn, tinh diệu như trước.
Y cả mừng quát lớn một tiếng, nhảy xổ vào người Lạc Dương và song chưởng của y nhằm ngực với đầu chàng tấn công luôn một thế rất mạnh. Nếu để y đánh chúng song chưởng này thì chàng phải chết ngay tại chỗ. Lạc Dương biết là nguy hiểm nhưng chàng vẫn trầm tĩnh không bối rối chút nào, giơ song chưởng lên sử dụng bí quyết Xá và Chấn trong Di Lạc Thần Công cùng một lúc nghênh đón song chưởng của đối phương. Mọi người nghe thấy một tiếng chấn động rất mạnh, không khí xoay chuyển như vần vũ và Lạc Dương bị đẩy lùi luôn bảy tám bước mới đứng lại được và mặt chàng nhợt nhạt như không còn một giọt máu. Còn Trấn Viễn cũng bị bí quyết chữ Chấn của Di Lạc Thần Công của Lạc Dương đẩy lùi ba bước, khí huyết rạo rực, mặt lộ vẻ kinh ngạc vô cùng.
Lúc ấy các thủ hạ của Trấn Viễn thấy Lạc Dương đã bị thương nặng, liền nhảy xổ lại, ngờ đâu từ đằng xa bỗng có tiếng quát tháo rất thanh thoát vọng tới: - Đứng yên! Tiếng nói của người đó tuy không lớn lắm, nhưng làm cho tai mọi người rung động rất mạnh, bọn giặc cả kinh liền dừng chân không dám tới gần Lạc Dương. Cả Trấn Viễn cũng kinh hoảng.
Mọi người cùng quay mặt nhìn về phía có tiếng nói thì thấy ở ven bờ sông có một chiếc thuyền nhỏ đang lướt thật nhanh, trong thuyền trước sau có năm cái bóng nhỏ lần lượt phi lên nhanh như cắt, tiến tới đấu trường. Người đi đầu là một thiếu nữ tuyệt đẹp, mình mặc áo trắng trông rất lịch sự còn bọn người đi sau là bốn nữ tỳ áo xanh cầm trường kiếm.
Thiếu nữ áo trắng đó vừa tới nới, Trấn Viễn đã biến sắc mặt vội tiến lên chắp tay vái chào: - Lão không biết Hách cô nương giá lâm Động Đình, nên không ra ngoài nghênh đón kịp.
Mong cô nương lượng thứ cho. Thiếu nữ trông thấy kẻ địch của Trấn Viễn lại là Lạc Dương mà nàng hằng mong nhớ bấy lâu nên ngẩn người ra nhìn..