Tục Thái A Kiếm

27: Nguy Phong Hiểm Trở Hết Đường Đào Tẩu


trước sau


Ông già nọ thấy Lạc Dương rút Hồng Diệm Liệt Hỏa Hùng Kiếm ra, ánh sáng đỏ làm lóe mắt và hơi lạnh làm cho ông ta lạnh đau như nứt nẻ, ông ta cũng biết lai lịch của thanh bảo kiếm này, nên thất kinh kêu ủa một tiếng và hai mắt tựa như hai ngọn đèn ló nhìn thẳng vào kiếm ở trong tay chàng.
Lạc Dương thấy thái độ của ông già nọ, liền hỏi:
- Có phải lão trượng biết được lai lịch của thanh kiếm này? Ông già bỗng sầm nét mặt đáp:
- Kiếm này tên là Hồng Diệm Liệt Hỏa Kiếm có hai thanh tất cả.

Một thanh Hùng và một thanh Thư.

Chủ nhân của nó là vợ chồng Yên Ba Điêu Đồ Lâm Hàn Vân ở Tây Thiên Mục, là bạn thân của lão.

Có lẽ bị ngươi lấy trộm phải không?
- Các hạ cao niên, sao lại ăn nói hàm hồ như thế.

Tại hạ có phải là những kẻ ăn cắp đâu? Phải, kiếm này là vật sở hữu của Lâm Hàn Vân thật, nhưng bị Viên Công Kiếm Gia Hằng lấy trộm.

Gia Hằng tự mang thân vào chỗ trụy lạc, thông đồng với Mộc Long Tử, tác ác tác quái, hà hiếp lương dân.

Mấy hôm trước đây y đã bị tại hạ giết chết.
Ông già nọ ngẩn người ra giây lát rồi nói:
- Dù lời nói của ngươi là thật đi chăng nữa, lão phu cũng khỏi cần hỏi đến việc đó.

Lão chỉ biết năm xưa thụ ơn của Mộc Long, phen này lại do ân nhân mời lão tới.

Người ta đã nhờ vả tới, lão phu đã nhận lời thì phải trung thành với người, nên không thể nào để cho lão đệ lên núi được.
- Nếu tại hạ chống đỡ được bảy thế kiếm của lão trượng thì sao? Ông già nọ nghe nói ngẩn người ra và nghĩ thầm: "Thằng nhỏ này có vẻ tự thị và không thấy nó sợ hãi chút nào, tuổi trẻ như thế, mà hăng hái thế.

Tuy người trẻ tuổi nào cũng có hiện tượng đó, nhưng người trong võ lâm chống nổi bảy thế kiếm của lão cũng rất hiếm, huống hồ y chỉ là đứa nhỏ.

Nếu lão phu không để cho y kiến thức Đoạt Mệnh Liên Hoàn Tam Kiếm..." Ông ta vừa nghĩ tới đó đã cười nhạt một tiếng và nói:
- Ngươi đừng có tự phụ như vậy.

Hãy chống xong bảy kiếm của lão phu đã xem ngươi có vô sự không đã rồi hãy nói chuyện sau.
- Đó là lão trượng nói đấy chứ, không phải tại hạ nói đấy nhé.
Lạc Dương nói xong đã múa kiếm lên.
Ông già nọ đã quát lớn:
- Lui! Ông ta dùng thế Nhất Trụ Kình Thiên, đưa thanh kiếm từ dưới hất lên, nhanh như điện chớp.

Thế kiếm ấy của ông ta trông rất tầm thường, nhưng khi tấn công tới mới biết là lợi hại.

Lạc Dương liền cảm thấy một tiềm lực vô hình đẩy cho thân hình của mình suýt phải lùi bước, nhưng chàng cũng bị lảo đảo người mấy cái, suýt tí nữa thì trượt chân lăn xuống núi.
Lúc này chàng mới thấy kinh hãi vội giở bí quyết chữ Xá trong Di Lạc Thần Công ra giơ tay trái lên, khẽ đưa ngang một cái.

Chàng đã làm giảm mất cương khí của thế kiếm ấy hóa thành vô hình, nhờ vậy chàng mới đứng yên được.
Ông già thấy vậy, liền biến sắc, bụng bảo dạ rằng: "Thảo nào thằng nhỏ này tự phụ như thế? Thì ra nó cũng có một hai miếng võ đấy?" Nghĩ đoạn ông ta lại giở thế thứ hai ra, trầm giọng quát lớn:
- Bạn nhỏ đỡ thêm kiếm này của lão phu thử xem...
Thế kiếm đó lại càng huyền ảo và lợi hại thêm.

Chỉ thấy thanh kiếm của ông ta tựa như biến thành năm thanh, như đoạn như tục, dồn dập tấn công tới oai thế rất kinh người.
Ông già lại quát tiếp:
- Cậu bé kia có mau lui xuống dưới sườn núi này không? Nếu cậu tự động rút lui lão phu không đuổi đánh đâu.

Nhưng cậu cứ đòi xông lên, thì đừng có trách lão phu ác độc.
Lạc Dương đã biết võ công của ông già này trác tuyệt nên chàng nhất tâm muốn chống đỡ bảy thế kiếm đã, rồi hãy dùng lời lẽ khuyên ngăn ông ta.

Nói cho ông ta không có mặt mũi nào nối giáo cho giặc, mà phải rút lui ngay.

Chàng quyết định như vậy rồi liền mỉm cười đáp:
- Chỉ e lão trượng không được toại nguyện thôi.
Chàng vừa nói vừa giở thế Thiên Hoàn Địa Cơ trong Huyền Thiên Thất Tinh Kiếm Pháp ra chống đỡ.

Chỉ trong thoáng chốc thanh bảo kiếm của chàng đã tia ra muôn ngàn ngôi sao phản công lại thế kiếm của ông già.

Đồng thời chàng dùng chưởng ngấm ngầm theo kiếm thức mà đè kiếm của ông già xuống.
Huyền Thiên Thất Tinh Kiếm Pháp là một pho kiếm siêu tuyệt võ lâm.

Từ khi Vân Nhạc học thành công pho kiếm này rồi tới nay chưa hề dùng qua.

Ngày nay Lạc Dương đem ra sử dụng lần đầu.
Hai luồng cương khí của hai thanh kiếm vừa va đụng nhau ông già nọ đã thấy cánh tay bị rung động rất mạnh, khí huyết trong người rạo rực, thân hình bị một tiềm lực rất mạnh đè xuống.

Khiến ông ta phải loạng choạng lui về phía sau và va đụng mạnh vào sườn núi một cái.

Tuy vậy, ông đã vội giở thế thứ ba, muốn tấn công chớp nhoáng, để Lạc Dương không kịp trở tay, mà bị đẩy rớt xuống dưới núi.
Ông già nhắm đúng thì giờ không sai một ly một tí nào, nhân lúc chưởng lực của Lạc Dương đã đuối sức, và chàng sắp xoay sang thế chưởng khác thì ông ta đã tấn công tới như vũ như bão và nhanh như điện chớp để đối thủ không kịp chống đỡ nữa.
Lạc Dương không ngờ ông già lại khôn khéo đến như thế, chàng thấy chỗ mình đứng khó mà xoay người lui bước, tránh né trước rồi mới trả đũa lại, hoặc giơ tay lên chống đỡ cũng không sao kịp vì thế kiếm của địch đã như một đợt sóng dồn dập đẩy tới.
Chỉ nghe thấy một tiếng kêu rất kinh hãi:
- Ối chà! Thân hình của Lạc Dương đã bị đẩy ngược về phía sau, từ trên không rớt xuống dưới sườn núi, không khác gì con diều đứt dây vậy.
Lạc Dương bị rớt xuống, nhưng chàng không hoảng sợ chút nào vội hít hơi đổi sức, định vận dụng Thất Cầm Thân Pháp.

Đang lúc ấy, chàng bỗng cảm thấy thân mình của mình rung động một cái, bị một vật gì mềm nhũn ôm chặt lấy.

Chàng ngẩng đầu nhìn lên, mới hay là Hà Phụng Nhi đã đỡ lấy mình.
Vì những người ở dưới chân núi đều lo một mình chàng tiến lên vậy sợ lỡ sơ suất thì cứu viện không kịp, nhất là các nàng lại càng lo cho chàng thêm.

Vì lỡ chàng mệnh hệ nào, các nàng ấy có phải thành góa phụ hết không? Vì thế, sau khi Lạc Dương đi rồi, người nào người ấy đều lo âu khôn tả, chỉ thấy thân hình của chàng như ẩn như hiện, nên ai nấy đều toát mồ hôi lạnh ra và trống ngực đập rất mạnh.
Vừa rồi tảng đá lớn rớt xuống, Tố Lan cả kinh buột miệng la lớn một tiếng, trống ngực của nàng vẫn đập mạnh hoài.

Nàng vội hỏi với Bách Thành rằng:
- Lên chùa Phúc Thọ chỉ có một con đường này hay sao? Nàng hỏi như thế là có ý muốn biết có đường khác lên hay không để nàng với các người lên theo lối đó, chứ không muốn một mình Lạc Dương mạo hiểm như vậy.
Bách Thành cau mày lại lắc đầu đáp:
- Theo sự ước đoán của Trần mỗ thì không có đường lối nào khác cả, vì thế bọn giặc ở trên mới tự thị và không hãi sợ như thế.

Lan cô nương cứ yên tâm, Lạc thiếu hiệp là người dày phúc đức, dù có sao, cũng chỉ bị kinh hãi chứ không nguy hiểm gì cả.

Trần mỗ xin cam đoan với cô nương Lạc thiếu hiệp lúc nào cũng khỏe mạnh và hoạt bát như vậy.
Tố Lan nghe nói mặt đỏ bừng, lườm lão hiệp một cái, rồi bụng bảo dạ rằng: "Không ngờ ông già này cũng lắm điều đến thế!" Đang lúc ấy bỗng có tiếng la rất thảm khốc vọng xuống.

Tố Lan các người hoảng sợ đến mặt tái mét chân tay giá lạnh và cùng nhìn cả lên phía trên.


Thấy một cái thân hình rớt xuống, khi xuống tới mặt đất kêu đến bộp một tiếng.
Một người vội chạy lại xem, thấy một cái xác đầu óc đã vỡ nát, máu dính đầy người nhưng nhìn kỹ lại, mới biết không phải là Lạc Dương, ai nấy mới yên tâm.
Sau các người lại nghe tiếng cười với tiếng nói của Lạc Dương rất rõ ràng vọng xuống, Tố Lan đoán biết Lạc Dương thế nào cũng phải kịch chiến với địch thủ nên mấy nàng đều chia nhau ra đứng mỗi người một nơi để đề phòng khi Lạc Dương thất thế.

Quả nhiên mọi người đã nghe thấy chàng kêu ối chà và thân hình rớt xuống bên dưới.

Phụng Nhi đứng gần hơn mọi người vội nhảy ra đỡ luôn.
Phụng Nhi mặt đỏ bừng từ từ đặt chàng xuống, khẽ hỏi:
- Tướng công có bị thương không? Tố Lan các người cũng vội vàng chạy đến hỏi han.

Lạc Dương lắc đầu cười lúc ấy thanh kiếm của chàng đã rời khỏi tay rớt cách đó mười trượng.

Chàng đã vội nhảy ra nhặt thanh kiếm đó lại tung mình phi thân lên trên sườn núi tiếp.
Ông già ở trên sườn núi tưởng Lạc Dương rớt xuống tan xương nát thịt rồi đang ngồi điều hơi vận sức để lấy lại hơi sức.

Ngờ đâu y lại thấy Lạc Dương nhảy lên lần nữa, trong lòng hoảng sợ vô cùng, y thấy Lạc Dương lớn tiếng cười và nói:
- Lão trượng, vừa rồi tại hạ đã chống đỡ năm thế rồi, vì không may trượt chân rớt xuống bên dưới chứ không phải tại hạ thua đâu, vậy xin lão trượng chỉ giáo nốt hai thế nữa đi.
Ông già ngắm nhìn Lạc Dương một hồi, thở dài một tiếng rồi đáp:
- Tre tàn măng mọc có khác, lão đã già rồi, dù hai kiếm sau này của lão có thắng được bạn nhỏ đi chăng nữa cũng không vẻ vang chút nào.
Nói xong, ông ta liền quay người phi thân lên trên đỉnh núi mất dạng.
Lạc Dương thấy vậy, vội lớn tiếng kêu gọi:
- Xin lão trượng hãy ngừng bước! Chàng vừa kêu gọi, vừa phi thân đuổi theo luôn.
Nhưng ông già đi rất nhanh, đã khuất bóng rồi.
Lạc Dương biết hai thế kiếm sau cùng của đối phương chưa biết chừng thắng nổi mình, sở dĩ ông ta không giở nốt là vì mến chuộng tài ba của chàng, nên năm thế kiếm tấn công hồi nãy, cũng không giở toàn lực ra.

Nếu nói chân tài thực học, công lực và hỏa hầu, thì Lạc Dương còn kém xa vì thế chàng cũng biết lắm, chớ không phải là không hiểu đâu.

Chàng đứng ngẩn người ra suy nghĩ giây lát, rồi vội theo đường núi đó tiến lên, không hề bị cản trở gì nữa.
Chàng đang lên, bỗng nghe thấy phía sau có tiếng người gọi:
- Dương đệ! Chàng quay đầu lại nhìn xuống bên dưới.

Thấy Tố Lan đã đuổi theo lên, chàng liền mỉm cười hỏi:
- Chị Lan cũng theo lên đây à? Tố Lan tủm tỉm cười đáp:
- Phải, tôi không yên tâm, Dương đệ...
Nói tới đó, nàng bỗng lườm chàng một cái hờn giận hỏi tiếp:
- Chả lẽ tôi lên theo, hiền đệ không bằng lòng hay sao? Lạc Dương vội xin lỗi, rồi hai người cùng dắt tay nhau lên phía trên tiếp.
Khi hai người lên tới trên đỉnh núi, thấy cây cối um tùm và cao chọc trời, thấy trong bụi cây có bờ tường đỏ và ngói xanh hiện ra.

Đồng thời lại có tiếng tụng kinh vọng ra nữa.
Tố Lan thấy vậy cười nhạt nói:
- Không ngờ một thiền lâm thanh tĩnh như vậy lại là chỗ để bọn giặc dùng để ẩn núp.
Đột nhiên có một ông sư gầy gò bước ra.

Nhưng trông thân hình và bộ pháp ông ta thì hình như không biết võ công gì cả.
Lão hòa thượng ấy tuổi chừng tám mươi, râu tóc bạc phơ, tay phải cầm một chuỗi hạt châu, bỗng đi về phía hai người chắp tay hỏi:
- Có phải hai vị lên đây kiếm Mộc Long Tử không? Lạc Dương vội đáp lễ và trả lời:
- Vâng, chính thế đấy...
Lão hòa thượng lại nói tiếp:
- Bần tăng là Quảng Tuệ, Phương trượng của bổn chùa, mấy năm gần đây bổn chùa bị bọn Mộc Long Tử chiếm cứ chuyên làm những việc bất lương, khiến ai nghe thấy cũng phải nổi giận vô cùng.

Nhưng khốn nỗi bần tăng các người không biết võ công đành phải ngậm hờn chịu nhịn, hôm nay được vị thí chủ lên đây giải cứu cho ân đức này rất lớn, bần tăng không biết cảm tạ như thế nào cho phải.

Hiện giờ Mộc Long Tử các người đã đào tẩu rồi...
Lạc Dương nghe nói cả kinh vội hỏi tiếp:
- Mộc Long Tử đào tẩu rồi ư? Chả lẽ núi này lại có đường khác thông xuống bên dưới sao? Quãng Tuệ lắc đầu đáp:
- Quả thật không có con đường thứ hai nào lên được trên này cả, vừa rồi ông lão áo xanh quay trở lên thúc giục Mộc Long Tử đào tẩu.

Mộc Long Tử có đặt mai phục ở chùa này, nhưng sau nghe lời của ông già áo xanh, y thay đổi tâm ý mà leo xuống tuyệt vách phía sau chùa đào tẩu luôn.
Tố Lan nghe nói, vội xen lời hỏi:
- Xin hỏi phương trượng, những người bị Mộc Long Tử giam giữ còn trong chùa không? Quãng Tuệ đáp:
- Vì việc đó mà bần tăng phải ra đây, hiện giờ những người bị chúng bắt tuy còn sống, nhưng người nào người nấy đã bị chúng giày vò, khốn khổ bây giờ chỉ còn tHồi thóp thôi, cách cái chết không bao xa đâu.
Lạc Dương nghe nói biến sắc mặt vội đỡ lời:
- Nếu vậy phiền Phương trượng dẫn chúng tôi vào xem.
Lão hòa thượng Quảng Tuệ vội chắp tay vái và đáp:
- Xin mời hai vị thí chủ theo bần tăng vào trong này.
Chùa Phúc Thọ rất đồ sộ, điện vũ nguy nga, các thiền phòng đều u tĩnh thật trông rất thoát tục.

Hai người không có tâm trí gì ngắm cảnh của chùa ấy, chỉ vội vàng theo người Phương trượng đi qua hai điện.

Đi tới một hầm mà nhà chùa dùng để trữ lương thực.

Trong hầm đó chia làm năm gian chỉ để một căn vẫn dùng làm nơi trữ lương thực thôi, còn bốn gian kia thì dùng làm đề lao.
Trong đó tối om như mực, không khí rất nặng nề và hôi thối khôn tả, vì trong hầm bé nhỏ như thế mà giam giữ hơn hai trăm người, nhiều người bị hình phạt hay bị đói khát đã tHồi thóp chết, người nào người ấy trông không còn nhận ra hình người nữa.
Lạc Dương xem xét từng người một duy không thấy nhị vị trưởng lão của Cái Bang là Thiên Hà Điếu Tú Lâu Ung.

Chàng giật mình kinh hãi quay đầu hỏi Quãng Tuệ.
- Lão trượng có thấy Lâu Ung trưởng lão của Cái Bang không? Hỏi xong, chàng mô tả hình dáng của Lâu Ung cho lão hòa thượng hay.
Quảng Tuệ ngẫm nghĩ hồi lâu mới trả lời:
- Hình như bần tăng có được trông thấy một vị như thế, nhưng đã lâu rồi, vì bọn chúng không cho bần tăng dự hay dòm ngó bọn chúng, vì thế bần tăng chỉ được trông thấy Lâu thí chủ một lần thôi, sau không thấy nữa và bần tăng cũng không dám hỏi.
Lúc ấy Lạc Dương bàng hoàng vô cùng, vì chuyến đi này của chàng chỉ mong cứu được Lâu Ung thoát hiểm.

Nhưng bây giờ Lâu Ung sống chết ra sao vẫn chưa hay, nếu quả thật Lâu Ung bị Mộc Long Tử giết chết thì chàng ân hận vô cùng.

Vì thế chàng cứ đứng ngẩn người ra không biết nói năng như thế nào cho phải.
Tố Lan thấy vậy vội an ủi:
- Dương đệ chớ có lo âu như thế vội, những người bị giam trong này có khá nhiều người của Cái Bang chúng ta cứ hỏi họ, may ra họ biết rõ cũng nên.

Bằng không chờ Trần lão sư lên tính sau cũng không muộn, hà tất Dương đệ rầu rĩ như thế.
Lac Dương thấy nàng nhắc nhở như vậy mới gượng cười đáp:
- Chị Lan hãy tạm ở đây, để tiểu đệ vào trong hầm mời các người ra đây.
Nói xong, chàng vội đi luôn.
Một lát sau, chàng đã dẫn Bằng Cách, Thân Phùng Xuân, Bách Thành, Tiền Ninh các người tới.
Khấu Hán Tường với hai người con và mấy người thuyền chài bị giam giữ ở một phòng riêng, nhưng người nào người ấy đều mỏi mệt, đói khát và mặt lờ đờ như muốn ngủ vậy.

Tố Lan vội lay họ tỉnh và cho họ uống thuốc.
Lúc ấy, Lạc Dương buồn bực vô cùng, chỉ khẽ bàn tính với Bách Thành thôi.

Còn Tiền Ninh thì hỏi han các đệ tử của Cái Bang về tin của Lâu Ung.

Còn Bằng Cách với Thân Phùng Xuân dẫn theo mười mấy người đi về phía sau núi để xem đường lối đào tẩu của bọn Mộc Long Tử.
Bách Thành ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Theo sự ước đoán của lão phu, thì Mộc Long Tử cấu kết với phái Nga Mi, chúng vẫn không chịu buông tha đâu, nên trong khi bỏ đi, vì quá hấp tấp chúng chỉ đem theo một mình Lâu trưởng lão để đào tẩu thôi.
Lạc Dương tỏ vẻ lo âu hỏi:
- Biết đâu trước khi đào tẩu Mộc Long Tử đã giết hại Lâu trưởng lão để diệt tích.
Bách Thành đáp:
- Trên đời này không ai lại dại dột như thế, muốn câu được Kim Ngao không khi nào chúng lại vứt mồi đi như vậy, huống hồ ông già áo xanh đấu với thiếu hiệp hành vi chính trực như vậy, chắc thế nào ông ta cũng cản trở không cho họ giết Lâu trưởng lão đâu.
- Nếu vậy tại hạ phải đi Nga Mi đòi mới được.
- Thiếu hiệp đi như thế rất lỗ mãng, hiện giờ phái Nga Mi ẩn vào trong bóng tối để giật dây, ý định của chúng chưa rõ, nếu thiếu hiệp lên trên Nga Mi gây sự như thế, không những vô ích mà lại còn để cho phái Nga Mi có cớ đổ lỗi cho chúng ta.

Thiếu hiệp nghĩ xem hậu quả ấy sẽ ảnh hưởng lớn biết bao, cũng như một tờ giấy đã dính mực rồi, thì suốt đời không sao rửa được.

Việc gì cũng vậy, muốn ngay không bao giờ thành công đâu, xin thiếu hiệp cứ bình tĩnh đợi chờ, chúng ta thong thả bàn luận với nhau vào đâu vào đấy đã, rồi hãy tiến hành sau cũng được.
Lúc ấy Tiền Ninh đã quay trở lại cho Lạc Dương hay là bọn môn hạ của Cái Bang bị giam giữ ở đó cũng không biết tin tức của Lâu Ung và Lâu Ung cũng không bị giam cùng với chúng.
Bách Thành bỗng tươi tỉnh nói:
- Bây giờ chỉ còn một manh mối này có thể điều tra ra thôi, nhưng...
Lạc Dương xen lời hỏi:
- Manh mối gì thế? Bách Thành nghiêm nét mặt lại đáp:
- Nói ra thì dễ, mà khi thi hành rất khó.

Manh mối này là ở ông già áo xanh đã đấu với thiếu hiệp, nhưng lão chưa biết lai lịch và tên họ của ông ta như thế nào, vì thế vẫn khó hiểu lắm Lạc Dương lại nói tiếp:
- Trần lão sư nói vậy cũng là không, ông ta đã theo Mộc Long Tử đi, nếu bảo kiếm ông ta thì thà kiếm Mộc Long Tử có hơn không?
- Trần mỗ cũng nghĩ như thế, nhưng người này cũng đã nói chuyện với thiếu hiệp rồi, và y đã bảo chỉ do người nhờ vả, bắt buộc phải trung thành thôi.

Nhưng y được Mộc Long Tử giao phó công việc cản trở thiếu hiệp lên núi, việc đó không thành, y còn mặt mũi nào ở lại với bọn chúng nữa, vì vậy Trần mỗ mới đoán chắc y thế nào cũng về nơi ẩn cư.

Lão đệ nên biết người đó là một chính nhân quân tử khi nào chịu nối giáo cho giặc như thế.
- Sao lão sư lại biết được người đó là một chính nhân quân tử quang minh lỗi lạc như vậy?
- Tuy Trần mỗ chưa được mục kích, nhưng theo lão đệ mô tả như thế thì cũng đoán được tám chín thành.

Tuy mỗ chưa đoán trúng trăm phần trăm.

Năm xưa ông ta chịu ân của Mộc Long Tử nên mới nhận lời đền ơn như thế.

Nhưng tới khi ông ta biết hành vi của Mộc Long Tử bất chính ông ta thế nào cũng ăn năn hối lỗi, vì trót nhận lời từ trước nên ông ta mới phải ở lại canh giữ lối đi hộ ân nhân.

Nhưng đến khi y không cản trở nổi thiếu hiệp ngay và xúi Mộc Long Tử phải mau bỏ chùa Phúc Thọ này mà đi.

Chờ ra khỏi nơi đây, ông ta thế nào cũng cao chạy xa bay, đó ông ta chả là người quang minh lỗi lạc là gì? Nói tới đó, lão hiệp bỗng hỏi Quảng Tuệ người chủ trì của chùa Phúc Thọ rằng:
- Xin hỏi lão phương trượng có nhớ ra được lời xưng hô của Mộc Long Tử gọi ông già áo xanh là gì không? Quảng Tuệ nghĩ ngợi hồi lâu mới đáp:
- Hình như bần tăng nghe Mộc Long Tử gọi ông ta là Cốc lão tiền bối thì phải, xin thứ lỗi bần tăng biết có bấy nhiêu thôi, còn việc khác quả thật bần tăng không biết gì cả.
Bách Thành nghe nói cau mày lại từ từ liếc nhìn mọi người một vòng rồi hỏi tiếp:
- Quý vị có nhớ ra được trong võ lâm này có người nào họ Cốc không? Đệ đoán chắc ông ta võ công tuy trác tuyệt như vậy, nhưng vì không thích danh lợi nên rất ít xuất hiện trên giang hồ, vì thế mà không có tên tuổi gì hết.
Mọi người đều cúi đầu suy nghĩ hồi lâu, đột nhiên Bằng Cách lớn tiếng nói:
- Chẳng lẽ là y chăng? Mọi người đều ngơ ngác nhìn thẳng vào mặt Bằng Cách, chỉ thấy ông ta lại cau mày suy nghĩ tiếp.

Lạc Dương thấy vậy lên tiếng hỏi:
- Người đó là ai? Bằng Cách đáp:
- Tại hạ cũng không biết có đúng hay không.

Hồi cách đây năm mươi năm lúc ấy tại hạ còn ít tuổi.

Theo tiên sư đi qua núi Cửu Nghi, trong lúc đêm mưa to, nước thác đổ xuống như nước lũ, ngập hết cả lối đi, khiến tiên sư với tại hạ cảm thấy tiến thoái lưỡng nan, sau bất đắc dĩ mới phải đi vòng quanh sườn núi để tìm kiếm lối khác.

Thế rồi bị lạc lối cũng không hay.

Hai thầy trò đều bị ướt như chuột lột.

Tại hạ lại thấy nóng lạnh không thể nào tiếp tục được nữa, nên tiên sư mới định kiếm một hang động để nghỉ tạm, chờ trời sáng tỏ hầu tiếp tục lên đường, bỗng thấy sườn núi phía trước mặt có ánh sáng đèn thấp thoáng, nhưng ánh sáng đèn đó chỉ ló ra một chút lại tắt ngóm ngay.

Tiên sư nhanh mắt nhận ra sườn núi trước mặt có người ở, nên cõng tại hạ leo qua khe núi và thác nước vất vả lắm mới sang tới sườn núi bên đó.
Đột nhiên trong nhà lá có tiếng người quát hỏi:
- Ai đó? Tiên sư liền trả lời với y vì trời mưa to nước lũ đổ xuống tràn ngập cả lối đi, rồi bị lạc lối, hơn nữa lại vì đồ đệ đau ốm, nên vừa trông thấy nơi đây có ánh sáng đã vội tìm tới để xin được ở trọ một đêm sang mai trời vừa sáng tỏ sẽ lên đường ngay tức thì.
Tiên sư cõng tại hạ vào trong đại sảnh rồi, dưới ánh sáng đèn tại hạ thấy người đó mặt vuông vắn người rất hiên ngang, tuổi hãy còn trẻ, nhưng mới thoáng trông cũng đủ biết chàng ta đang lo âu việc gì rất quan trọng, chàng tự nhận là Cốc Hàm Thanh, trong nhà ấy còn có sư phụ và sư muội của y nữa, sư phụ y hiện đang đau trên giường, sư muội thì đang hầu hạ, vừa rồi vì gió to thổi tung màn cửa lên, cho nên ánh đèn mới ló ra ngoài như thế, nên tiên sư trông thấy đã như thế.
Hàm Thanh thông hiểu y lý, đỡ tại hạ nằm xuống thăm mạch và cho thuốc uống.

Rồi y chuyện trò với tiên sư suốt đêm.

Sáng hôm sau Hàm Thanh mời hai thầy trò tại hạ ăn một bữa cơm.

Ăn xong, tiên sư bèn đứng dậy cáo lui.

Hàm Thanh tiễn ra ngoài chứ không giữ thầy trò tại hạ ở lại.
Về núi rồi gia sư vẫn thường nói, học vấn của Hàm Thanh rất thâm bác và võ công của y cũng cao siêu lắm, nhất là kiếm thuật lại càng tinh xảo vô cùng, tuy chưa được trông thấy tài ba thật sự của y, nhưng nghe lời đó cũng đủ đoán ra được, nhưng không hiểu ông già áo xanh đó có phải là Cốc Hàm Thanh mà tại hạ gặp gỡ hồi đó không? Bách Thành nghe thấy Bằng Cách nói như vậy ngẩng mặt lên trời ngẫm nghĩ hồi lâu.
Một lát sau, ông ta mới vui vẻ nói:
- Có lẽ là y đấy, người đó võ công rất trác tuyệt, nhưng không có tên tuổi gì cả là do hai nguyên nhân sau đây...!Hãy tạm giấu không nói rõ hai nguyên nhân đó ra vội để sau này mỗ chứng minh xem có đúng không.
Ông ta quay mặt lại nhìn Bằng Cách mỉm cười nói tiếp:
- Nghe người ta đồn có hai núi Cửu Nghi tất cả, một ở Hồ Nam, một ở Linh Linh, không biết là núi Cửu Nghi nào thế? Tiểu đệ nhớ núi đó ở Linh Linh là đúng hơn.
Bách Thành gật đầu nói tiếp:
- Ở đây tới đó không xa mấy, vậy cũng không phải là khó kiếm.
Lúc ấy Quảng Tuệ phương trượng cũng xen lời nói:
- Bần tăng đã sửa soạn mấy mâm chay để khoản đãi quý vị thí chủ để gọi là chút tạ ơn quý vị cứu tệ chùa.
Bách Thành cám ơn, nhưng thấy Quảng Tuệ thành khẩn như vậy không tiện từ chối.
Mọi người liền theo Quảng Tuệ ra khỏi cái hầm đó.
Bằng Cách, Phùng Xuân các người đã quay trở về bảo bọn Mộc Long Tử xuống núi bằng cách leo những sợi mây ở phía sau núi, nhưng vách núi đó cao lắm bên dưới cây cối um tùm không hiểu chúng đi về đâu cả.
Bách Thành vừa cười và đỡ lời:
- Thật là lưới trời lồng lộng, thể nào cũng có ngày Mộc Long Tử bị chặt đầu, dù y chạy xa ngàn dặm cũng không sao chạy thoát được.
Cơm chay của chùa Phúc Thọ rất ngon, khiến các vị ăn một bữa ngon lành và no.
Lạc Dương có ý làm mai Chu Luân và Khấu Văn Cầm, cho nên xếp đặt cho hai người ngồi cạnh nhau.


Trong khi ăn uống Lạc Dương hỏi Bách Thành rằng Hàm Thanh võ công trác tuyệt mà không có tên tuổi trong võ lâm, thế là nghĩa lý gì, mong Trần lão sư cho hay? Bách Thành nhìn Lạc Dương và Tố Lan, rồi đáp:
- Trời tặng cho trí tuệ của hai vị không kém gì Trần mỗ nhưng chỉ tiếc thay hai vị không biết tận dụng trí tuệ đó, cho nên đối với người hay đối với vật không quan sát kỹ lưỡng thì thành ra không hay biết gì cả, nếu hai vị chịu khó quan sát thì sẽ tìm thấy nguyên nhân đó liền.
Nói tới đó ông ta gắp một miếng rau ăn, rồi nói tiếp:
- Quan hiền đệ theo sư phụ tránh mưa và lỡ đường ngẫu nhiên gặp Cốc Hàm Thành.
Trong khi sư phụ của Quan hiền đệ chuyện trò suốt đêm mà không thấy y nhắc đến sư phụ và sư muội, đủ thấy sư phụ của y đau nặng nằm liệt giường và sư muội cạnh giường hầu hạ thật.

Nhưng người trong võ lâm xưa nay vẫn khỏe mạnh, dù có bị đau ốm cũng không bao nhăn nhó còn sư phụ của Hàm Thanh nằm trên giương rên rỉ như thế, tất phải bị kẻ dùng võ công ác độc gì đả thương.

Vì thế mà Hàm Thanh vẻ mặt lúc nào cũng lo âu, đó là một nguyên nhân...
Quần hùng nghe lời Bách Thành phân tách như vậy đều gật đầu khen ngợi.
Bách Thành lại nói tiếp:
- Điều thứ hai Hàm Thanh đã nói với Lạc thiếu hiệp bảo năm xưa y đã thụ ơn của Mộc Long Tử, người trong võ lâm trọng nghĩa hơn ai hết hễ có ơn là phải trả cho được, xem sự nhận xét của mỗ thì Hàm Thanh thụ ơn của Long Tử cũng không ngoài việc này, một là y đã được Mộc Long Tử cho biết kẻ thù ở đâu, nhờ vậy, y mới tiêu diệt được kẻ thù ấy, hai là Hàm Thanh đi tìm thuốc chữa cho sư phụ, ngẫu nhiên thấy Mộc Long Tử có linh dược đó, rồi xin Mộc Long Tử môn thuốc đó về chữa cho sư phụ, vì thế đến giờ Hàm Thanh vẫn mang ơn Mộc Long Tử...!Hàm Thanh cùng sư muội gần gũi nhau như vậy, tất phải yêu nhau và được sư phụ cho phép và kết hợp hai người làm nhà cạnh ngôi mộ sư phụ, suốt đời không ra giang hồ vì thế mà tên tuổi của y không ai hay.
Lời ước đoán rất hợp lý của Bách Thành khiến quần hùng ai ai cũng phải khen ngợi và kính phục.
Bách Thành lại nói tiếp:
- Việc Lam Tinh Vũ Sĩ của phái Võ Đang nhờ vả khi nào thiếu hiệp lại quên được, huống hồ mối huyết thù của thiếu hiệp lại ở Võ Đang.

Bây giờ việc cần nhất là phải nên làm gì trước, điều này xin thiếu hiệp tự định đoạt lấy, còn việc giải cứu Lâu trưởng lão thì hãy tạm hoãn một thời gian cũng không sao.
Lạc Dương cúi đầu suy nghĩ: "Lời nói của Trần lão sư rất có lý, ta không khi nào để cho lão tặc Vạn Đằng Long xuống một cách ung dung như thế được." Nghĩ đoạn chàng tiếp tục ăn uống chứ không nói năng gì nữa.

Ăn xong liền gọi Tiền Ninh sang bên bảo y mau đi tổng đàn ở Yến Kinh xếp đặt mấy việc.
Tiền Ninh thừa lệnh dẫn mấy đệ tử của mình cáo từ đi luôn.
Ba ngày hôm sau, bọn người bị Mộc Long Tử giam giữ đã được Lạc Dương các người cứu chữa cho lành mạnh cả, Lạc Dương dặn bảo chúng vài lời rồi bảo chúng xuống núi, mỗi người đi một ngã.
Lúc ấy trên núi Võ Đang ngoài mấy tiếng chuông kêu kinh cong ra, thì không còn một tiếng động nào khác.

Đột nhiên chuông toàn núi bỗng kêu nhộn nhịp làm cho chim chóc đang ở trên cây cũng phải chạy tán loạn, nên người nào nghe thấy tiếng chuông cũng biết núi Võ Đang thể nào cũng có chuyện gì xảy ra.

Vạn Đằng Long ở trong Tỷ Tiêu Cung dẫn mười hai tay cao thủ vội vàng đi ra bên ngoài.
Vẻ mặt của y rất nghiêm nghị đôi mắt cú sáng như hai ngọn đèn ló, nhìn trước nhìn sau hoài.
Bỗng có một đạo sĩ trung niên, lưng đeo kiếm ở trong bụi cây chạy ra, tiến tới trước Đằng Long mà thưa rằng:
- Thưa Chưởng môn, ngẫu nhiên phát hiện có rất nhiều người bịt mặt ở khắp các đường tiến lên tấn công bổn sơn.

Hành tung của chúng rất thần bí, chúng không tấn công thẳng phía trước mặt mà cứ xuất hiện trong những bụi cây hai đường hẻm, xông ra tấn công hai bên hông, đệ tử của bổn sơn đã có nhiều người bị thương.
Đằng Long mặt lộ sát khí quay lại nhìn mười hai tay cao thủ, trầm giọng quát bảo:
- Các người chia làm bốn tổ đi tiếp ứng và truyền lệnh các người phải nghiêm phòng, không được để bọn giặc xâm phạm vào vùng đất cấm.

Nếu ai trái lệnh sẽ bị trị tội rất nặng.
Bổn tọa theo sau tới liền.
Mười hai tên cao thủ của Võ Đang vâng lệnh đi luôn, thân pháp của chúng nhanh như bay vậy.
Đằng Long đảo tròn đôi ngươi một vòng, rồi quay người phi thân lên thẳng trên Kim Đỉnh của Võ Đang.
Lúc ấy, phía nam Thiên Trụ Phong, bỗng có bốn bóng người xuất hiện nhanh như điện chớp.

Bốn người đó chính là Lạc Dương, Tố Lan, Mai Nhi và Ánh Hà.

Ba nàng cải nam trang ăn mặc nho phục màu xanh, nhưng người nào người ấy đều đeo mặt nạ hết.
Bốn người toàn đi trên những sườn núi cao chót vót và không có bóng người lui tới bao giờ, vì thế Vạn Đằng Long mới không ngờ.
Bốn người đi đến một thung lũng hai bên vách núi cao chọc trời cây cối um tùm, quanh năm ngày tháng không trông thấy ánh nắng và nước suối chảy kêu như sấm động, thật khó đi hết sức.

Lạc Dương thấy vậy, liền nói:
- Chúng ta đã đi đến Hương Lư Phong rồi, vượt qua Hương Lư Phong này là qua tới Thiên Trụ liền chỉ mong tránh khỏi được những chòi canh giữa đường như vậy chúng ta mới lên tới được Tỷ Tiêu Cung mới mong cứu được Võ Đang Tam Lão các người.
Tố Lan xen lời nói:
- Việc đời ít khi được thành công như mình tưởng tượng nếu chúng ta không có bản đồ của Trần lão sư vẽ cho, thì làm sao mà vào tới đây được.
Ánh Hà vừa cười vừa đỡ lời:
- Trần lão sư tài giỏi thật, và ông ta cũng rất kín đáo, tuy cộng sự với Dã Nhân Sơn Chủ Thái Phúc lâu năm như vậy, nhưng ông ta không coi Thái Phúc là người tri kỷ.

Ông ta tài như vậy, mà không sao có dịp đem ra thi thố, bây giờ ông ta gặp Dương đệ như cá gặp nước, hai người rất tri kỷ với nhau, nên ông ta mới cống hiến nhiều ý kiến quý báu cho Dương đệ như vậy.
Mai Nhi cũng lên tiếng nói:
- Đúng thế, cứ như Lan cô nương chẳng hạn, đẹp như đào lý, lạnh như băng tuyết, nổi tiếng ác độc, hễ gặp người thanh niên trẻ tuổi nào...
Tố Lan khẽ quát mắng:
- Mai Nhi ai khiến em lắm mồm như thế.
Mai Nhi liếc nhìn Ánh Hà làm bộ mặt xấu cười khúc khích.
Mọi người đang đi bỗng đàng trước có tiếng người vọng tới
- A di đà Phật.
Lạc Dương ngạc nhiên, vội ngừng bước và ngước mắt nhìn về phía trước, liền thấy một lão hòa thượng đứng trong bóng tối cách mình chừng trăm trượng.
Mắt của chàng có thể trông thấy người và vật trong đêm tối nên chàng thấy rõ lão hòa thượng đó là ai rồi.

Chàng liền kêu một tiếng rồi vội tiến lên chào, và hỏi:
- Khổ Chúc lão tiền bối, thừa lệnh ra đây ngăn cản người hay sao? Khổ Chúc đại sư nghe nói ngẩn người ra giây lát, hai mắt nhìn thẳng vào Lạc Dương, khẽ đáp:
- Ra là thiếu hiệp đấy.

Tuy lão thừa lệnh ra đây ngăn cản nhưng bần tăng không muốn nối giáo cho giặc, để làm hủy mất thanh danh đã gây dựng mấy chục năm của mình.

Hễ thiếu hiệp có gặp ai thì đừng cho họ biết là đã gặp lão tăng nhé.
Lạc Dương vâng lời:
- Tiểu bối xin tuân lệnh.
Khổ Chúc đại sư lại nói tiếp:
- Từ đây đi trở lên, thiếu hiệp thế nào cũng gặp rất nhiều sự cản trở, nhưng thiếu hiệp đừng e ngại điều: "Bứt dây động rừng" mà dung thứ cho chúng, thiếu hiệp đừng có tha một tên nào hết.

Gặp môn hạ của phái Nga Mi cũng vậy.

Nhưng thiếu hiệp đừng có giết chúng chỉ nên đánh cho chúng bị thương nặng thôi.
- Có phải lão tiền bối dặn hễ gặp phái Võ Đang cứ việc thẳng tay diệt trừ phải không? Như vậy có phải là đánh cho chúng không còn một tên nào sống sót ư? Nhưng theo tiểu bối biết thì bọn chúng có một số người vì môn quy bắt buộc mà phải theo tên ác tặc đấy thôi.
Khổ Chúc đại sư thở dài nghĩ ngợi và nói tiếp:
- Một lòng từ thiện của thiếu hiệp có thể nào cũng được trời xanh phù hộ, bần tăng là người tu hành có khi nào lại bảo thiếu hiệp làm điều phi nghĩa như vậy.

Nhưng việc này liên can đến võ lâm mà thiếu hiệp sẽ dùng tàn sát ngăn ngừa tàn sát như vậy họa chăng mới ngăn cản nổi mối tai hại tàn sát võ lâm của Kim Đỉnh sau này.

Huống hồ, môn hạ đứng đắn và môn hạ của phái Võ Đang đều bị Đằng Long đuổi đi nơi khác hoặc không dùng.

Bây giờ còn lại những người trên núi này đều là tay chân của y cho nên lão tăng mới xui thiếu hiệp không nên nương tay là thế.

Thôi, các người đi đi, bần tăng chúc cho các người thành công.
Lạc Dương chắp tay vái chào và đáp:
- Tạ ơn lão tiền bối đã chỉ giáo cho tại hạ như vậy.
Khổ Chúc đại sư phất tay áo một cái rồi đi luôn.
Lạc Dương vốn người biết từ đây lên đến đỉnh núi thế nào cũng phải khổ chiến nhiều lần nữa, nên cả bốn đều chuẩn bị hơi sức đề phòng đối địch với bọn môn hạ của phái Võ Đang.

Thế rồi bốn người tiếp tục đi lên khi tới cạnh rừng rậm thì bỗng nghe có tiếng cười nhạt từ cụm cây vọng ra.

Tiếp theo đó có tám đạo sĩ nhảy ra tấn công.
Lạc Dương tiến lên trước, múa tít song kiếm, bóng kiếm của chàng đỏ lóe làm chói mắt kẻ địch.

Chỉ nghe thấy ba tiếng kêu rú thảm thiết nổi lên, đã có ba cái xác bị chém làm sáu mảnh rớt xuống đất máu tươi bắn tung tóe.

Chàng lại nhanh tay múa kiếm chém hai đạo sĩ nữa.
Còn ba nàng cũng ra tay rất nhanh Tố Lan và Mai Nhi mỗi người đâm chết một đạo sĩ.
Vì kiếm của hai nàng có tẩm độc nên hai đạo sĩ nọ chỉ kêu được hai tiếng hự chúng đã ngã ngửa ra chết tốt, chỉ trong nháy mắt hai xác đó đã biến thành hai đống nước vàng ngay.
Còn Ánh Hà, ra tay nhanh như điện chớp chộp luôn cổ tay phải của một tên đạo sĩ cầm kiếm vặn ngược một cái.

Cánh tay của đạo sĩ ấy đã kêu lách cách mấy cái và đã bị nàng bẻ gãy rời khỏi vai tức thì.

Chỉ nghe thấy y rú lên một tiếng rất thảm khốc, tay trái của Ánh Hà đã tấn công vào ngực y liền.


Tâm mạch của đạo sĩ ấy đều bị đứt hết, y ngã ngửa về phía sau chết tốt, máu ở mồm mũi tai mắt của y phun ra như suối trông rất thảm khốc.
Lúc ấy Lạc Dương đã giết hết hai tên đạo sĩ nữa, thấy võ công đạo pháp của Ánh Hà tinh kỳ như vậy, cũng phải khen ngợi.
- Không ngờ võ công của chị Hà lại tinh thông như vậy tiểu đệ xin bái phục.
Mai Nhi vừa cười vừa xen lời nói:
- Tướng công đừng có nịnh nữa, chúng ta đi thôi.
Lạc Dương hổ thẹn mặt đỏ bừng liền rảo bước đi trước.

Bóng người lại tiếp bỗng nghe thấy phía đàng trước có tiếng quát lớn:
- Thiên đường có lối đi mà các ngươi không chịu đi lại cứ đâm đầu vào địa ngục này.
Đại gia các người ở đây đợi chờ các người từ lâu rồi.
Bốn người đã thấy sau những tảng đá ở phía bên phải nhảy ra.

Người đi đầu là một đại hán to lớn, tay cầm hai bánh xe Nhật Nguyệt.

Phía sau y là bốn hòa thượng, mỗi tên cầm một chiếc gậy sắt.
Lạc Dương lạnh lùng đáp:
- Chắc ngươi là đệ tử tục gia đời thứ ba của phái Võ Đang, thật ngươi không đáng đối địch với ta.
Nói xong chàng thấy tên đại hán cầm hai bánh xe đó vừa cười vừa đáp:
- Hãy coi hai bánh xe ở trong tay của đại gia ngươi sẽ biết đại danh của ta...
Y chưa nói dứt thì Lạc Dương đã tiến lên cướp hai bánh xe ở trong tay của y.
Đại hán nọ thấy vậy, giật mình kinh hãi, vội xoay tay để tránh né nhưng tay của Lạc Dương cứ đuổi theo hoài.

Đại hán nọ chỉ thấy hai tay mình rung động mạnh một cái, hai bánh xe đã bị Lạc Dương cướp mất, đồng thời y chưa kịp kinh hãi thất thanh la lớn thì đôi bánh xe ở trong tay Lạc Dương đã tấn công xuống rồi.

Lưỡi bánh xe sắc bén vô cùng, nhắm ngay cổ họng của y cứa luôn.

Chỉ nghe thấy tiếng kêu xẹt một cái đầu lâu của đại hán này đã khỏi người tung lên cao năm sáu thước, máu phun ra như suối.
Bốn hòa thượng thấy Lạc Dương hạ đại hán này nhanh như chớp, nên chúng kinh hãi vô cùng, vội lùi về phía sau mặt tái xanh như gà cắt tiết.
Lạc Dương nhìn bốn hòa thượng hỏi:
- Các ngươi là sư của chùa nào? Người tu hành phải ở trong chùa lo tụng kinh niệm Phật chứ sao lại ra đây nối giáo cho giặc và dây dưa vào việc võ lâm như thế? Một hòa thượng nghiêm nghị đáp:
- Sao thí chủ ra tay độc ác như thế, coi mạng người như gà vậy? Chắc thí chủ đã vào ma đạo rồi.

Trừ ma đạo là việc của nhà Phật, sao thí chủ lại bảo nối giáo cho giặc? Nói xong, y múa trượng tấn công luôn, ba hòa thượng kia cũng tấn công theo, thế công của họ như vũ như bão...
Lạc Dương thấy vậy cười nhạt một tiếng, xuyên qua những bóng cây trượng, và múa song kiếm chém những cây trượng đó mấy thế.

Chỉ nghe thấy mấy tiếng kêu lạch cạch, bốn chiếc gậy sắt của bốn hòa thượng kia đã gãy làm tám khúc.
Bốn hòa thượng đã thấy khí giới của mình đã bị gãy, cả bốn đều hoảng sợ vô cùng.
Chúng chưa kịp suy nghĩ, đã bị Lạc Dương điểm trúng yếu huyệt chúng đã ngã lăn ra đất.
Lúc này Lạc Dương đã biến thành Tạ Vân Nhạc sư phụ của chàng năm xưa, tuy võ công của chàng còn kém sư phụ xa nhưng ra tay nhanh chóng và khôn ngoan thì không kém mấy.
Ba người thấy võ công của chàng lợi hại như thế đều tắc lưỡi khen ngợi hoài.
Lạc Dương cắm kiếm vào bao liền thấy trên con đường nhỏ ở dưới sườn núi có mấy bóng người lẹ làng tiến nhanh tới.

Chỉ thoáng cái chúng đã tới nơi rồi.
Người đi trước là một người to lớn râu tóc trắng như bạc, phía sau ông ta là Đông Phương Ngọc Côn và Hồng Phong Nương Tử, sau nữa là một ông già và một bà cụ già tay cầm quạt trượng bằng gang.
Lão hòa thượng trông thấy xác các hòa thượng nằm liệt liền trầm giọng nói:
- Nghiệp chướng ác độc thật, lão tăng tuy là người tu hành nhưng không thể nào dung thứ cho các ngươi được.
Lạc Dương đáp:
- Tại hạ cũng không thể nào dung thứ cho những người tu hành không chịu ở chùa mà đến đây nối giáo cho giặc.
Lão hòa thượng nghe nói càng tức giận thêm:
- Ngã Phật từ bi, lão tăng xin thứ lỗi lão tăng phải khai sát giới đây.
Nói xong y từ từ giơ một chưởng lên.

Đông Phương Ngọc Côn thấy vậy vội đến lớn tiếng nói:
- Xin sư bá hãy nguôi cơn giận.

Sư điệt còn có lời muốn nói.
Nói xong y nhìn Lạc Dương nói tiếp:
- Chắc ngài đã nghe người ta nói đến đại danh của đại thiền sư ở Nga Mi, ngài định đối địch với sư bá của tại hạ có khác gì trứng chọi với đá không? Ngài nên nghe lời khuyên của tại hạ, bốn vị cùng thúc thủ quy hàng như vậy còn có thể bảo toàn tính mạng.
Y nói xong đưa mắt ra hiệu.

Ngờ đâu Lạc Dương lại làm thinh như không trông thấy cử chỉ báo hiệu của Ngọc Côn mà chỉ cười nhạt đáp:
- Khỏi cần, nếu quý sư bá quả thực là đắc đạo cao tăng thì không bao giờ lại cản trở tại hạ đi trả thù cho cha mình như vậy.

Tại hạ chắc quý sư bá với Vạn Đằng Long chỉ là cá mè một lứa thôi, chứ có thanh danh oai vọng gì đâu, hơn nữa tại hạ lại chưa sinh sự với phái Nga Mi.

Các hạ năm người hiện thân ra cản trở có phải là hơi vô lý một chút không? Đại Thừa thiền sư ngẩn người ra rồi hỏi lại:
- Người nào là thù của các hạ trên núi Võ Đang này? Lạc Dương đáp:
- Người Chưởng môn bây giờ tục danh là Vạn Đằng Long.
Đại Thừa thiền sư bỗng tỏ vẻ khó xử chần chừ một lúc, mới đáp:
- Tất nhiên lão tăng không ngăn cản thí chủ phục thù huyết hận, nhưng thí chủ chỉ nên kiếm một mình Vạn Đằng Long để đòi lại món nợ máu đó, chứ tại sao thí chủ lại đem nhiều người lên định quét sạch núi Võ Đang hay sao? Lạc Dương ngẩn người ra giây lát mới đáp:
- Tại hạ có bốn người thôi, tại sao đại sư lại bảo đem nhiều người lên như vậy? Đại Thừa thiền sư không biết nói năng như thế nào cho phải nhưng trong lòng rất khó xử, sau y bỗng trông thấy bốn hòa thượng Nga Mi nằm ngổn ngang trên mặt đất, y liền cau mày lại nói tiếp:
- Ngày hôm nay lão tăng không hỏi đến việc thù oán của thí chủ, chỉ hỏi tại sao thí chủ lại ra tay đả thương bốn hòa thượng của phái Nga Mi ta như vậy?
- Mấy vị ấy giữa đường ra ngăn cản, can thiệp đến việc tư của người nên bắt buộc tại hạ phải ra tay trừng giới như thế.

Tại hạ tự nhận không có bao giờ ra tay đánh người mà không nói rõ nguyên nhân trước, cho nên mới không hổ thẹn với lương tâm chút nào.
- Sao thí chủ lại bảo mấy vị ấy can thiệp việc tư của người, cứ nói thủ đoạn của thí chủ độc như vậy, thì bất cứ là người nào trong võ lâm đồng đạo thấy thế cũng không sao để yên cho thí chủ được.
- Nơi đây không phải là núi Nga Mi, mấy vị ấy ra tay cản trở tức là can thiệp việc tư của tại hạ rồi.

Đại sư là người tu hành, sao cũng ra tay cản trở người một cách không có nghĩa lý như vậy, nhất là đại sư ăn nói như thế, thật không sợ mất thân phận và địa vị của mình hay sao? Nếu đại sư không hỏi đến tư oán của tại hạ thì xin mời đại sư sớm rút lui ra khỏi nơi này.

Tại hạ thân mang huyết hải thâm thù lòng oán như thế không thể trễ chút nào, mong đại sư hiểu cho.
Bây giờ chàng đã hiểu và biết ý nghĩa lời nói của Đông Phương Ngọc Côn đã nói hồi nãy, chàng biết chàng ta bảo Đại Thừa thiền sư này là một nhân vật rất khó đối phó.

Tất nhiên, Ngọc Côn cũng biết Lạc Dương là người như thế nào nên đã ra hiệu ngầm cho Lạc Dương hay là bảo Lạc Dương chỉ cần đánh bại Đại Thừa thiền sư thì không còn sợ nguy hiểm gì nữa Lạc Dương thông minh vô cùng, chỉ xem sắc mặt đã biết Đại Thừa thiền sư không có ý định rút lui, chi bằng dùng lời khích bác, rồi ra tay đấu, khiến cho đại sư không còn mặt mũi nào để rút lui ngay.

Quả nhiên Đại Thừa thiền sư bị chàng khích, liền quát:
- Có phải thí chủ muốn ép lão tăng ra tay phải không? Thí chủ có tài ba gì mà đòi khích bác lão tăng? Liệu có chịu nổi ba chưởng của lão tăng không?
- Đừng nói đến ba chưởng, đến ba mươi chưởng tại hạ cũng thừa sức.
- Nếu vậy thí chủ thử tiếp một chưởng của lão tăng xem sao.
Nhưng hai ông, bà già nọ đã song song nhảy ra, và ông già cướp lời nói ngay:
- Thiền sư để nhường cho vợ chồng lão phu thử trận này cho.
Lạc Dương đưa mắt nhìn Tố Lan, Mai Nhi một cái.
Tố Lan, Mai Nhi vội tiến lên đứng trước mặt ông già vẻ mặt lạnh lùng chẳng nói chẳng rằng, chỉ giơ kiếm lên phòng bị thôi.
Lúc ấy Ngọc Côn đã lẻn về phía sau Hồng Phong Nương Tử ra tay hiệu cho Lạc Dương, bảo Lạc Dương ra hiệu để Tố Lan hai người mau ra tay trước để diệt trừ hai ông già này ngay.
Lạc Dương hiểu ý ngay, liền nói:
- Hai vị huynh trưởng trừ ác thì phải diệt tận gốc, ra tay nhanh bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Chàng vừa nói dứt Tố Lan, Mai Nhi đã song song xông lại tấn công luôn.
Đầu mũi kiếm của hai nàng đã biến thành một cái luồng ánh sáng màu xanh và có những điểm sao vàng, nhắm những yếu điểm của đối phương tấn công tới, thật là kỳ ảo khôn lường.
Đôi ông, bà già kia không ngờ đối phương lại ra tay một cách quá nhanh như vậy làm cho hai người chân tay cuống quýt không biết đâu mà chống đỡ.
Kiếm thế của hai nàng rất phức tạp, khiến đối phương không hiểu hai nàng tấn công vào bộ vị nào, nhất là hai nàng lại chiếm được lợi thế trước, nên kiếm thế càng ác độc thêm, thân hình nhanh như một luồng gió, dồn ông bà già nọ cứ quay tít thôi, mà không sao trả đũa được...
Đại Thừa thiền sư thấy vậy đã nhận ra kiếm thế của hai nàng rất phức tạp và trong đó lại có xen cả những sở trường của chính tà hai phái.
Lạc Dương trợn mắt lên hỏi:
- Đại sư còn đợi gì nữa, có phải chờ người đến cứu viện phải không? Nếu đại sư hãi sợ thì xin rời ngay Võ Đang như vậy mới may ra bảo tồn được danh dự.
Đại sư nghe nói tức giận vô cùng quát lớn:
- Thằng nhỏ này ngông cuồng thật, ngay hôm nay lão tăng nhất định phải khai sát giới mới được.
Nói xong, lão hòa thượng múa song chưởng tấn công luôn chưởng lực của y như bài sơn đảo hải quá thật kinh khủng vô cùng.
Lạc Dương đã chuẩn bị từ trước thấy Đại Thừa thiền sư ra tay tấn công liền giở bí quyết chữ Xá của Di Lạc Thần Công ra đẩy mạnh một cái chưởng lực của hai người vừa va đụng nhau đã có tiếng kêu ùm thật lớn, như trời long đất lở và luồng gió phất ra mạnh không thể tưởng tượng được.
Lạc Dương thấy hai cánh tay tê tái vội nhảy chéo sang bên hai bước, còn Đại Thừa thiền sư thì người lảo đảo hoài, hai chân giẫm xuống mặt đất hai ba bước, trong lòng cả kinh, bụng bảo dạ rằng: "Nếu lão tăng không giở Kim Cương Bất Động Thân Pháp ra, có lẽ đã bại vì y rồi." Đại Thừa thiền sư tu luyện mấy chục năm công lực thâm hậu, còn Lạc Dương hỏa hậu cũng còn non nớt, nhưng chàng nhờ có ra tay nhanh và kỳ lạ, Đại Thừa thiền sư chưa đứng yên, chàng lại ra tay giở luôn hai thế cuối cùng của Di Lạc Thần Công ra tấn công tiếp.
Chưởng phong của chàng kêu như tiếng sấm và mạnh không thể tưởng tượng được.

Đại Thừa thiền sư thấy vậy hoảng sợ vô cùng....




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây