Vọng Giang Nam

1: Tiết tử


trước sau

Đã là năm Ân Trạch thứ tư, Chu Kỳ cũng ở Mông sơn trồng trà được chín năm.

Mông sơn vân vũ sương mờ, thích hợp nhất cho việc trồng trà, vậy nên cũng chẳng cần lao tâm chăm sóc nhiều, chỉ có tiết xuân phân bận bịu hái trà một chút, còn lại thì trừ làm cỏ, đuổi trùng, sau đó cũng chẳng còn việc gì phải làm, ngày ngày nhìn về phía đuôi trời chân mây mà ngẩn người.



Khi nào buồn chán quá mức, y sẽ chống gậy trúc, lững thững vô thức khắp lòng núi. Lâu dần cũng quen thân được không ít người, ngẫu nhiên tới gõ cửa kiếm bữa cơm cũng là một thi thú. Tỉ như bên đỉnh Liên Hoa có một hộ săn bắn, tứ nương nhà đó làm món chân giò lợn hầm với cải làn xào quả là không tồi, hay như ngay đỉnh núi láng giềng có một gã trồng trà tên Lý Tứ, tuy tính tình có phần hơi kỳ quặc, nhưng bù lại tay nghề nấu nướng mấy món dân dã thì không thể bắt bẻ vào đâu.

Xa hơn chút nữa có một hồ nước dài trăm trượng, tương thông với con sông Ngọc Khê[1] trong huyện kế bên. Mặt hồ rất lớn, bích thủy như lam, trong tới tận đáy, giữa hồ còn nổi lên một hòn đảo nhỏ, bên trên có một mái đình tranh, trông rất có vẻ sơn dã tình thú. Chu Kỳ rất thích nơi đây, mỗi khi rảnh rỗi nhàn hạ là y sẽ tới, xuân thưởng hoa núi, đông trông tuyết, thu rợp lá đỏ, hạ thính phong. Y đặt tên cho mái đình tranh hoang vắng ấy là Khứ Ba, cũng sắm bàn đá, ghế đá, thường xuyên tới tĩnh tâm pha trà. Giữa mùa hạ và mùa thu, sẽ có một đàn bạch hạc từ phương xa bay tới, nghỉ chân mấy tháng rồi lại thẳng cánh bay đi, phiêu diêu như mây trôi tự tại.

Rời khỏi Lũng Tây, Chu Kỳ có mang theo vài món trang sức, trước đã đổi thành ngân lượng mua vật dụng gia cụ, tựu chung cuộc sống cũng không tới mức túng thiếu. Mỗi tháng y sẽ xuống núi một lần, tìm tới tửu quán đương lúc đông đúc, nghe ngóng ít tin tức, lời đồn chuyện vặt. Từ sau ngày Thái Tử đăng cơ, y không còn màng tới triều sự nữa, mặc dù ngẫu nhiên vẫn nghe được đôi chút, song cũng chỉ cười trừ cho qua.

Duy chỉ có hai lần là khiến y xúc động.

Lần thứ hai là mới vào đầu năm nay, huynh trưởng từ Quan sát sứ Giang Nam thăng lên chức Thượng thư Tả bộc xạ[2], đứng lên hàng Tam công, rạng rỡ gia môn. Vả lại, tiên tiền Hoàng Trưởng tử cũng là Chu phi sở sinh, trong lúc nhất thời, Chu gia Giang Đông đã mơ hồ có xu thế đối chọi với lưỡng bè Tô Sử. Hôm ấy, y mới bán lá trà xong xuôi, đang ngồi trong tửu quán dùng bữa, vừa hay tin tức, y đã uống liền ba vò rượu, say túy lúy một ngày một đêm.

Còn lần trước đó là vào năm Ân Trạch thứ hai, Kiếm Nam đạo[3] gặp lũ lụt, Nhã Châu cũng khó thoát, nhất thời lũ lớn bất ngờ ùa tới, nạn dân nhiều vô kể siết. Chu Kỳ với mấy sơn dân cùng nhau xuống núi thì bắt gặp nạn dân đang trên đường cầu xin viện trợ từ quan phủ.

Chẳng qua, Thứ sử Nhã Châu là một tên tiểu nhân hèn hạ, chỉ biết lo chính tích của mình mà không chỉ không cứu giúp nạn dân, còn nghiêm cấm họ ra khỏi thành cầu cứu viện. Chu Kỳ bất đắc dĩ lạc vào dòng người chạy nạn đông như con nước, chứng kiến dịch bệnh hoành hành, tai nghe tiếng kêu than oán thán vang dội dậy trời. Ròng rã đến cuối tháng thứ ba, ngay cả cám bã cũng thành xa xỉ.

Rốt cuộc cũng tới một ngày, nạn dân phẫn uất phá cổng thành, bủa ra các Châu lân cận kiếm tìm sinh lộ. Chỉ là phía Triều đình không có pháp lệnh rõ ràng, thứ sử các Châu cũng qua loa cho xong chuyện, chặn nạn dân bên ngoài thành. Nhân hậu một chút thì còn thả ít lương khô từ cổng thành xuống, còn loại không có lương tâm thì phong tỏa quan đạo, phái người ngăn chặn triệt để.

Chu Kỳ cùng Lý Tứ theo đám đông kéo dài về phía Tây, cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ đói khát đằng đẵng cũng khiến những con người đó ngay cả sức khóc than oán giận cũng chẳng còn. Chu Kỳ cũng dần nản lòng thoái chí, cảnh ngộ cửu tử nhất sinh của y chẳng lẽ cũng vì sống giữa một triều đình thế này sao? Vừa đi vừa nghĩ ngợi khiến bước chân y dần chững lại.

Chẳng biết qua bao lâu, cho tới khi dân chúng nhìn thấy bức tường thành sững sững của Gia Châu phía xa.

“A, các ngươi xem kìa, cổng thành mở!” – một chàng trai mắt tinh bất ngờ hô to.

Ai nấy đều sửng sốt, sau đó thì lập tức lên tinh thần, dồn hết sức đổ ùn ùn về phía cổng thành đang dang rộng. Tới ngoài thành, dân chúng mới nhận ra, cổng thành không chỉ mở rộng, mà còn có cả quan sai nha dịch đứng sẵn chờ.

Ai cũng vừa mừng vừa lo, nhốn nhốn nháo nháo, cho tới khi một viên quan vận y phục đen rống lên: “Trật tự!”

Bấy giờ đám đông mới dần dần yên tĩnh, viên quan nọ cao giọng nói: “Tại hạ là Ti Lương Gia Châu, được Thứ sử đại nhân ra lệnh đứng đây chờ. Tất cả mọi người đều là con dân của Thiên tử, trời giáng tai họa, tất nhiên Triều đình không thể trơ mắt đứng nhìn, vì thế mong mọi người đồng tâm hiệp lực vượt qua cửa ải khó khăn nguy ngập này.”

Lời hắn nói rất lọt tai, song dân chúng đã nhìn quen lũ quan lại thờ ơ khinh miệt, nên nhất thời ai cũng nửa ngờ nửa tin.

Ti Lương mỉm cười, vỗ vỗ tay, lập tức có người bê ra một chiếc bàn gỗ lớn, bên trên có đặt bút mực giấy trắng.

“Trước tiên, mọi người lại đây báo danh, coi như là văn điệp thân phận lâm thời, sau đó, mỗi ngày sẽ dựa vào nó tới lĩnh cứu tế.”

Đưa mắt nhìn nhau một lúc rồi mới lần lượt xếp hàng báo danh, ai ai cũng đươm đầy nỗi niềm cảm tạ.

Tới phiên Chu Kỳ, y ra chiều tình cờ hỏi han: “Đại nhân, lần này đúng là Triều đình hạ lệnh ư?”

Tào Ti Lương thở dài ảo não, lắc đầu, chỉ là không buồn đáp. Chu Kỳ tuy nghi ngờ, song cũng không tiện hỏi nhiều.

Nạn dân ngồi xổm dưới chân tường thành, dẫu chỉ gặm bánh mì khô nuốt nước lã nhưng vẻ mặt ai cũng đầy thỏa mãn.

Lý Tứ vỗ vai Chu Kỳ, “Này, ngươi nói xem, sao đột nhiên lại có chuyện tốt thế này.”

Chu Kỳ cười, “Làm quan không giải quyết cho dân chả bằng về nhà bán khoai lang, chẳng nhẽ không nên sao?”

Lý Tứ đấm đấm bóp bóp chiếc chân tàn phế của mình, thở dài rõ to, “Giờ quan tốt ngày càng khan hiếm, cứ cái đà này thì chả biết chúng ta còn sống được tới khi nào. Nhớ hồi trẻ, hầy, giờ chả so được.”

Chu Kỳ ngửa đầu nhìn thiên không mịt khói, “Thật thế sao?”

Lý Tứ được thể oán giận: “Đều tại đánh Đột Quyết thất bại đấy, bằng không đã…” nói tới đây thì đột nhiên ngưng bặt, bởi hắn phát hiện vị Chu tam vốn lúc nào cũng tiêu sái bất kham, ung dung tự tại bỗng chốc đã rùng mình run rẩy, sắc mặt cũng trắng ngắt.

“Làm sao thế?”

Chu Kỳ vội vàng lấy lại tinh thần, đầu khẽ lắc, nhợt nhạt cười.

Ngay khi tất cả đang ngồi không chờ đợi thì lại có người tới phát lương, cách đó không xa chừng như có rất nhiều quan lại đang vây quanh một người nào đó.

“Chư vị, tuy rằng Triều đình cung dưỡng cho chúng ta là đạo lý mười mươi, nhưng dẫu sao đó cũng không phải kế lâu dài.” – Tào Ti Lương lại lên tiếng.

Không một người dám ho he, ai cũng đang nghĩ liệu có phải vị Thứ sử này muốn đuổi tất cả đi không?

“Thứ sử đại nhân có lệnh, từ ngày mai, tất cả trai tráng đều được điều động đi tu sửa thành lũy, gia cố đê đập, dùng sức lao động để đổi lấy khẩu lương. Về phần phụ nữ và trẻ nhỏ sẽ được giữ lại phục vụ giặt giũ nấu nướng, lương thực và vải vóc cũng là Thứ sử đại nhân cho mọi người vay mượn.”

Có người ngập ngừng hỏi: “Vậy, tới khi nào thì chúng tôi bị đuổi?”

Tào Ti Lương hiền lành cười, “Mọi người an tâm. Cho tới khi tình hình tai ương qua đi, Triều đình sẽ dàn xếp cho tất cả.”

Giữa một miền reo vang, Chu Kỳ cũng cười đến hoan hỉ. Vị Thứ sử này xem như là một người tài năng, vừa cứu tế nạn dân lại có năng lực thu hút lao động, nhất cử lưỡng tiện. Ánh mắt y phiêu tới nơi mấy viên quan đang tập trung đứng, Gia Châu là một Châu lớn, Thứ sử Gia Châu cũng là quan Tứ phẩm, vậy hẳn phải là đỏ(ý chỉ màu áo quan)… giữa đám đông, y tìm thấy một dáng người sắc đỏ, rồi ngây người, sau đó thì bật cười ha hả.

Tư văn mảnh khảnh, ngăn nắp gọn gàng, không phải Cố Bỉnh thì là ai?

Cố Bỉnh và bao con người khác, tu đê xây thành, phá núi khai sông…

Y đứng giữa bóng khuất, im lặng nhìn Cố Bỉnh điều hành chỉnh chu đâu ra đó, nhìn thiếu niên đồng khoa e lệ năm nào cuối cùng cũng trưởng thành thành một đại trượng phu có thể chỉ huy dân chúng một phương.

*

Trên đường quay trở về Mông sơn, y đã chẳng ngừng nổi dòng suy nghĩ, nếu y chưa từng tới Bắc cương, liệu có giống như Cố Bỉnh? Liệu có thoát thân ra khỏi những phản bội ngoa trá, khỏi những âm mưu biến ảo đa đoan, vững vàng khuôn phép đương quan đối nhân xử thế, kiến công lập nghiệp hay không?

Có lẽ có, cũng có lẽ không…

Có khi tốt hơn cả vẫn là cả đời sống trong nhung lụa, làm một người nhàn nhã giàu sang, du hí hoa gian rồi cuối cùng là cưới vợ sinh tử, bình bình sống cho tới khi già cỗi, con cháu mãn đường rồi yên lặng ra đi.

Cả đời y sẽ mãi là Chu Kỳ Giang Nam, mà căn bản không gặp gỡ Hiên Viên Phù…

Khoanh tay đứng giữa đình Khứ Ba, Chu Kỳ chậm rãi nhắm mắt, tập trung tâm tưởng lắng nghe.

Bao chua xót bi thương phiền muộn thê lương đều từ từ tiêu biến, cả bóng hình vẫn lẩn khuất giữa những cơn mộng ác mộng lành cũng dần nhạt phai.

Để khi hàng mi mở ra lần nữa, sóng cả bất kinh.

__________

1. Sông Ngọc Khê: Hay còn được gọi là sông Lô Sơn, diện tích lưu vực là 1397km2, dài 113km. Lưu vực sông dẫn nước tưới tiêu cho huyện Lô Sơn, núi Cùng Lai, Bồ Giang và Danh Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

2. Thượng thư Tả bộc xạ, Thượng thư hữu bộc xạ và Thượng thư lệnh là ‘Tam công’, người được đại chính nghị quyết, chỉ huy chính vụ, có quyền chỉ huy bách quan chấp hành.

3. Kiếm Nam đạo: là một trong 10 đạo trên đất nước Trung Hoa được Hoàng đế đời Đường phân chia dựa theo địa hình sông núi. 10 đạo này là: Quan Nội, Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Sơn Nam, Lũng Tây, Hoài Nam, Giang Nam, Kiếm Nam và Lĩnh Nam.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây