Xiềng Xích

27: Một năm nay


trước sau

Đầu tháng chín, Trấn Nam vương rời kinh.

Hôm ấy rời kinh khí thế rất lớn, Thánh thượng đích thân đưa tiễn mười dặm, cầm tay tha thiết dặn dò, còn biếu tặng một bài thơ khải hoàn ngay tại chỗ. Trấn Nam vương cảm động đến rơi nước mắt, dập đầu tạ ân.

Khung cảnh quân thần hoà thuận, thoáng chốc lưu truyền giai thoại.

Vào trung tuần tháng chín, các triều thần nhạy bén phát hiện, hướng gió trong triều có biến.

Đầu tiên là có triều thần nhiều lần khen ngợi mỹ đức của Tam hoàng tử, sau có Thánh thượng ba lần bảy lượt gọi một mình Tam hoàng tử vào Ngự thư phòng khảo cứu học vấn, sau đó lại đến Tam hoàng tử thay đổi ân sư thụ nghiệp trước kia, đổi thành nhận đại Nho đương thời làm thầy, rồi lại thay đổi thái độ qua lại thân thiết với Tấn thế tử trước giờ không hợp nhau. Đủ loại dấu hiệu làm người ta phải suy đoán, e là Thánh thượng có ý lập Trữ.

Phủ Ngũ hoàng tử.

Sau khi nghe nói Thánh thượng lại gọi một mình Tam hoàng tử vào thư phòng, dưới ngòi bút Ngũ hoàng tử rơi xuống một giọt mực đậm thật lớn trên giấy Tuyên Thành.

Ngũ hoàng tử sinh ra tướng mạo nho nhã, dù là tuổi còn nhỏ, nhưng đối đãi người ngoài xưa giờ ôn hoà lễ độ, cử chỉ chừng mực, làm người ta như tắm gió xuân, nhưng cũng không làm hắn mất đi sự cao ngạo của hoàng tử long tôn.

Lúc này, trên nét mặt có vẻ như ôn hoà bình tĩnh của hắn, cuối cùng cũng xuất hiện một vết nứt.

Lúc trước phụ hoàng lần lữa chưa lập Thái tử, cũng đối xử bình đẳng với các vị hoàng tử, điều này làm cho hắn cũng cất đi ý niệm trong đầu, cho rằng mình sẽ có cơ hội dốc sức tranh giành.

Hoàn toàn không ngờ, cuối cùng vẫn là kết cục như vậy.

Năm xưa, tiên đế vì ổn định tiền triều, lập phụ hoàng tư chất tương đối bình thường làm Thái tử. Bây giờ, phụ hoàng hắn cũng muốn noi theo tiên đế, vứt bỏ hắn mà lập Tam hoàng huynh tố chất rõ ràng không bằng hắn làm Thái tử?

Ngũ hoàng tử khó lòng bình tĩnh.

Nếu nói khi đó, di tộc xâm lấn làm hại giang sơn bất ổn, phải dựa vào Trấn Nam vương dũng mãnh thiện chiến để giữ vững giang sơn, cho nên tiên hoàng mới lập Hoàng thái tử cũng là hợp tình hợp lý. Nhưng hôm nay, di tộc đã không còn ra hồn, lão tướng cũng đã tuổi xế chiều, tại sao phụ hoàng hắn vẫn còn có điều canh cánh, muốn Trấn Nam vương đó ảnh hưởng cơ nghiệp hoàng thất hai triều bọn họ...

Đột nhiên nghĩ đến một nguyên do, Ngũ hoàng tử chợt biến sắc.

Sau lại cảm thấy không có khả năng, phụ hoàng hắn đăng cơ khi còn trẻ, năm nay còn chưa đến bốn mươi, không lý nào lại sống không quá năm Trấn Nam vương sáu mươi.

Nhớ tới một năm nay phụ hoàng hắn liên tiếp ôm bệnh, cuối cùng Ngũ hoàng tử cảm thấy bất an, bèn gọi tâm phúc đến, bảo hắn để ý động tĩnh trong cung nhiều hơn.

Thu đi đông lại, đông đi xuân tới.

Lại là tháng ba dương xuân của một năm.

Nhưng năm nay phủ Ngự sử không thấy vẻ vui mừng hòa thuận của năm ngoái, chỉ tràn đầy bi thương tiêu điều.

Dù có các loại thuốc quý báu thêm vào, nhưng sinh mệnh của Phù lão Ngự sử vẫn sắp phải đi đến đoạn cuối.

Lúc này Lâm Uyển đã mang thai bảy tháng, bụng đã lộ rõ ràng, còn ba tháng nữa là sẽ sinh.

Nhưng Phù lão Ngự sử lại không đợi được đến ngày nhìn thấy cháu trai.

Ông vốn đã dầu cạn đèn tắt từ lâu, có thể cố gắng chịu đựng đến hôm nay, chính là vì để đợi được đến ngày nhìn thấy trưởng tôn sinh ra. Nhưng ngày ấy, cuối cùng ông vẫn không đợi được nữa.

Thánh thượng không quan tâm đến long thể mang bệnh, ngự giá đích thân tới phủ Ngự sử, có lòng qua tiễn ông ấy đoạn đường cuối.

Phù lão Ngự sử trên giường bệnh khuôn mặt tiều tụy, hấp hối như nến tàn trước gió. Một hồi lâu mới nhìn rõ người trước giường, lập tức kích động run rẩy bờ môi trắng xám, đôi mắt già nua rưng rưng.

Thánh thượng trước giường bệnh cầm lấy tay của lão ái khanh, thở dài không thôi.

"Thánh thượng... không cần buồn rầu vì thần... Thần, không còn điều gì hối tiếc."

Gắng gượng nói xong câu này, ông gọi trưởng tử thứ tử đến trước giường, bảo bọn họ quỳ xuống.

"Phù gia lòng dạ son sắt, cả nhà trung quân... Phải... vì quân, vì nước, vì dân... Nếu như vi phạm... tổ tông hổ thẹn, trời đất... không dung."

"Phụ thân, nhi tử xin ghi nhớ."

Mùng năm đầu tháng ba Vĩnh Xương năm thứ mười sáu, Phù lão Ngự sử mất.

Thánh thượng buồn thương, nghỉ triều một ngày.

Phù gia giấy vàng đầy trời, tiếng khóc bi ai.

Trước phủ treo cao đèn lồng trắng, trên đề chữ đen, càng khiến cảm giác thê lương cô tịch nặng nề thêm.

Linh đường đặt tại gian nhà chính, gia quyến mặc đồ tang quỳ trước quan tài hóa vàng trông coi linh cữu, khóc tang trong phòng.

"Lại bộ Thị lang Vương Du đại nhân đến phúng viếng."

"Thiếu phủ giám Trương Minh Ngôn đại nhân đến phúng viếng."

"Tế tửu Quốc Tử Giám Ngô Hàn đại nhân đến phúng viếng."

Sau khi ba vị đại nhân làm lễ ở ngoài cửa, đưa câu đối viếng và tiền biếu cho tên sai vặt ngoài nhà chính, sau đó nghiêm trang vào linh đường, nhận lấy hương đã đốt vái lạy ba cái, rồi an ủi gia quyến, khuyên họ nén bi thương.

Gia quyến cảm tạ xong, hai huynh đệ Phù Cư Kính bèn đứng dậy đưa tiễn.

Xuân Hạnh đưa khăn cho Lâm Uyển, Lâm Uyển cầm lấy, cụp mắt lau lệ.

Tôn Thị tuy khó nén bi thương mà khóc lóc thảm thiết trước linh cữu, nhưng cũng quan tâm ngoảnh nhìn dâu trưởng ở bên này. Thấy sắc mặt nàng trắng bệch, không khỏi kiến nghị nàng xuống dưới nghỉ ngơi một lát.

"Con dâu trông coi thêm một lát. Nếu thật sự có khó chịu, con dâu sẽ đi xuống nghỉ ngơi."

Tuy thân thể nàng nặng nề, nhưng thân là dâu trưởng, dù thế nào ngày đầu tiên nhất định phải trông coi. Nhưng mà nàng sẽ không quá cậy mạnh, nếu thật sự không thoải mái, nàng sẽ đi xuống nghỉ ngơi chút, đợi ổn rồi mới trở lại túc trực bên linh cữu.

"Chớ có cậy mạnh. Cha chồng con, ông ấy..." Nói đến đây, Tôn Thị lại không ngừng rơi lệ: "Ông ấy tâm tâm niệm niệm ngóng trông trưởng tôn, mẫu tử các con bình an, ông ấy mới có thể ra đi yên lòng."

Nghĩ đến cha chồng nàng trước khi lâm chung tha thiết dặn dò, Lâm Uyển cũng không nhịn được rơi lệ.

Lúc này, tên sai vặt ngoài cửa lại cao giọng báo danh.

"Tam hoàng tử điện hạ, Tấn thế tử Trấn Nam vương phủ đến phúng viếng."

Huynh đệ Phù Cư Kính sau phút bất ngờ thì bước lên trước nghênh đón.

Lâm Uyển cũng hơi kinh ngạc, nhưng mà rất nhanh đã khôi phục như thường.

Dù sao cũng đã là chuyện cũ năm xưa, đã qua chừng hơn một năm rồi, nàng nghĩ dù cho năm xưa đối phương có điều gì không cam lòng hay có tâm tình gì khác, bây giờ chắc cũng đã phai nhạt.

Hai người một trước một sau bước vào linh đường.

Tam hoàng tử dâng hương trước tiên, dâng xong thì nói với Phù Cư Kính: "Lão Ngự sử suốt đời thanh liêm, chí công vô tư, cao ngạo bất khuất, người người kính ngưỡng. Hôm nay về cõi tiên, thật là làm người ta thương tiếc, trong triều lại đau đớn mất đi một rường cột."

Phù Cư Kính thở dài, nghẹn lời nói: "Tiên phụ dưới suối vàng có biết, nhất định cảm động điện hạ ưu ái như thế."

Tam hoàng tử than thở: "Phù Ngự sử, ngươi cũng phải nén bi thương."

Lúc này Tấn Trừ đã dâng hương xong, đợi Tam hoàng tử và Phù Cư Kính nói xong, rồi thấp giọng nói một câu "nén bi thương".

Sắc mặt Phù Cư Kính bĩnh tĩnh lại, thở dài đáp tạ.

Vị Tấn thế tử này hôm nay không còn khí thế hống hách như trước nữa, trông hôm nay, thân dài dáng ngọc, bình tĩnh tự nhiên, ngược lại có dáng vẻ cao ngạo của quý công tử.

Nửa năm qua, y cũng có nghe nói, đại khái là vì Thánh thượng chú trọng dạy bảo, Tấn thế tử này thu liễm ổn trọng, tính tình cũng không còn ngang bướng làm càn như trước nữa.

Tuy nói năm xưa giữa hai người có chút xích mích, nhưng hôm nay nếu người ta đã thành tâm đến nhà chia buồn, đương nhiên Phù Cư Kính sẽ không cố chấp hận cũ năm xưa, cũng vô cùng thật lòng cảm ơn.

Tấn Trừ theo Tam hoàng tử sang phía gia quyến.

Tam hoàng tử nói: "Lão phu nhân nén bi thương, hai vị phu nhân nén bi thương."

Tôn Thị nghẹn ngào cảm ơn.

Lâm Uyển và Trịnh Thị gật đầu cảm ơn.

Tấn Trừ gần ngay trước mắt, khẽ giọng nói: "Xin nén bi thương."

Khi giọng nói quen thuộc vang lên bên tai một lần nữa, Lâm Uyển thực sự cảm thấy dường như cách cả một đời.

Nàng và mẹ chồng lại đáp tạ.

Giấy vàng cháy trong chậu than, tỏa ra ánh sáng yếu ớt, chiếu lên khuôn mặt trắng trẻo của người trước mặt.

Thân là dâu trưởng, nàng ngồi sát bên cạnh mẹ chồng, mặc đồ tang, hai đầu gối quỳ xuống đất, tay cầm tiền giấy, không ngừng ném vào chậu than, lại bùng lên một đốm sáng yếu ớt, chiếu rọi sự mềm yếu của nàng.

Một năm trước, nàng mang hỷ phục màu đỏ, một năm sau, nàng mặc đồ tang màu trắng.

Nhưng bất luận nàng mặc loại nào, cuối cùng cũng không mảy may liên quan đến hắn.

Nàng là phụ nhân nhà khác, là phụ nhân Phù gia.

Lúc xoay người rời đi, ánh mắt Tấn Trừ lướt qua khuôn mặt xa cách kia, lại kín đáo dừng trên phần bụng mang thai hai giây.

Chờ sau khi bọn họ rời đi, Lâm Uyển hơi ngẩng đầu lên, âm thầm thở phào nhẹ nhõm.

Thấy thái độ hắn bình thản, có lẽ hắn đã thực sự buông xuống chuyện trước kia.

Tôn Thị thấy nàng đỡ lưng, có vẻ như đau lưng, vội khuyên bảo: "Hay là con cứ quay về nghỉ ngơi trước đi."

Lần này quả thực Lâm Uyển cũng cảm thấy mệt mỏi, cũng không cậy mạnh nữa, sau khi đáp lời thì được Xuân Hạnh nâng dậy, rồi đỡ eo từ từ đi vào phòng trong.

Sau khi Tấn Trừ cáo từ với Tam hoàng tử thì trở về phủ.

Hồi phủ xong thì lập tức đến trường luyện võ, hắn dắt ngựa rồi phóng người lên, quát ngựa phi nhanh.

Ngựa phi gió tạt, nhưng trong lòng hắn vẫn không hề dễ chịu hơn.

Trong đầu nhiều lần xuất hiện hình ảnh người kia xa lạ đáp tạ hắn trong linh đường.

Còn có bụng bầu chói mắt.

*

Lão Ngự sử qua đời, dựa theo thường lệ, Phù Cư Kính phải thôi chức chịu tang. Chỉ là Thánh thượng cực kỳ trọng dụng y, cho nên hạ chiếu đoạt tình, giảm ba năm chịu tang thành ba tháng.

Ba tháng sau, sẽ để y hồi triều.

Mà khi đó, cũng gần đến ngày Lâm Uyển sắp sinh.

Thai nhi của Lâm Uyển rất khỏe. Từ lúc mang thai, nàng cũng rất chú trọng dưỡng thai, nghe lời ma ma căn dặn, nên ăn gì, uống gì, nên đi như thế nào, nàng đều nhất nhất làm theo. Thêm cả việc của Phù gia không cần nàng quan tâm, lúc rảnh rỗi thì hoặc là ngắm hoa xem cỏ, hoặc là đọc sách viết chữ, tâm trạng thảnh thơi, ăn uống cũng rất tốt.

Do đó cả thời kỳ mang thai, ngược lại sức khỏe nàng tốt hơn trước vài phần, ngay cả mẹ nàng cũng nói, trông khí sắc nàng tốt hơn nhiều.

Vào một ngày đầu tháng sáu, Lâm Uyển vừa ăn sáng xong thì bắt đầu quặn thắt.

Người Phù gia mặc dù căng thẳng nhưng không hoảng loạn, đều chỉ huy bà đỡ, bà vú đâu vào đấy, còn cả đám hạ nhân đều chuẩn bị sẵn sàng, nấu nước, đỡ đẻ. Phù Cư Kính và Tôn Thị ở bên ngoài chờ, thỉnh thoảng lại không ngừng ngó vào trong phòng sinh.

Tôn Thị thấy trên mặt trưởng tử của bà có mồ hôi lạnh, bèn an ủi: "Chắc chắn sẽ mẫu tử bình an."

Chân mày Phù Cư Kính vẫn nhíu chặt, khó nén được căng thẳng, nhưng vẫn thả lỏng biểu cảm, gật đầu.

Trịnh Thị ngồi ở bên khác, hai tay xoắn chặt, trong miệng lẩm bẩm.

Ban đầu Phù Dĩ An không nghe thấy nàng ta nói cái gì, còn tưởng là nàng ta cầu phúc, phù hộ bình an nữa. Sau, hắn lại đột nhiên nghe rõ nàng ta lẩm bẩm "sinh con gái sinh con gái" thì khuôn mặt tức giận tái cả đi.

Hắn hung dữ kéo nàng ta một cái, âm thầm trừng mắt cảnh cáo nàng ta.

Trịnh Thị thấy phu quân mình tức giận thì nhanh chóng ngậm miệng, không dám đọc tiếp nữa.

Chỉ là trong đầu có niệm hay không thì người bên ngoài không biết được.

Giờ Tuất chính khắc, trong phòng sinh vang lên một tiếng khóc to rõ.

Mọi người ngoài phòng sinh đều giật mình.

Tôn Thị gần như là chạy vội tới cửa phòng sinh, lớn giọng hỏi qua cửa: "Sinh rồi?!"

"Sinh rồi!" Bà đỡ trong phòng cao giọng chúc mừng: "Chúc mừng lão phu nhân, mẫu tử bình an!"


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây