Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

191: Lũ Lụt – Phần 2


trước sau


Mưa cứ rơi đứt quãng mãi không ngừng.
Nước cứ dâng lên liên tục, chuẩn bị ngập hết cả Đào gia thôn rồi.
Con sông nhỏ chẳng còn vẻ yên lặng như xưa mà trở nên cuồng bạo, ven đường còn có nước chảy vào khiến nó biến thành một con mãnh thú hung hãn.

Trên đường nó đi qua không thứ gì chống lại được, mà đỉnh lũ đi qua thì thôn tây là nơi đứng mũi chịu sào, nhanh chóng bị lũ nuốt chửng.
Cây cối bị lũ nhổ gốc cùng đất đá hỗn loạn quét qua hủy diệt mọi thứ.

Chúng đi qua đâu thì nhà tranh vách đất bị hủy tới đó.

Căn nhà cũ ở sân sau nhà Đào Tam gia bị sập, nhà ngói rắn chắc hơn, có cột trụ chống đỡ, lại có tầng gỗ phía trên kéo lại nên tuy cũng bị chìm nhưng vẫn vững vàng đứng thẳng.
Đào gia thôn nằm trong khe núi, lũ đi qua nơi này sẽ theo quán tính cuốn quanh một vòng mới chảy ra thế là cả thôn đều chìm nghỉm.

Nhà tranh tường đất đều sụp hết, không có cái nào may mắn thoát, nhà ngói thì may mắn còn vững.

Từ sườn núi nhìn xuống chỉ thấy nước đục ngầu, chỗ nào cũng là cây cối ngã trái ngã phải, chỉ có vài đỉnh mái ngói còn may mắn tồn tại.
Nước lũ không ngừng tăng lên, mực nước không ngừng dâng cao.

Thềm đá xuống núi đã ngập một nửa, mọi người trong Ân gia sợ tới mức chuẩn bị dời lên cao hơn.
Nhân lúc mưa nhỏ Trường Phú mang theo các nam nhân trong nhà lên đỉnh núi dò đường, tìm một chỗ đất bằng và hợp lực dựng mấy gian lều tranh.

Nếu nước lũ dâng lên tới sườn núi thì bọn họ sẽ dọn lên đây.

Nhưng may mắn là mực nước cuối cùng cũng ngừng khi còn cách Ân gia một đoạn.
Mà điều càng khiến người ta vui mừng hơn chính là mưa đã tạnh, tầng mây u ám dần tan đi, mặt trời cũng ló rạng.

Đây là hy vọng.
Tuy nhà cửa bị hủy nhưng người còn sống là còn có cơ hội làm lại.
Tuy đồng ruộng bị ngập nhưng chỉ cần người còn là lại có thể tiếp tục trồng trọt.
Ngày tháng còn lại chỉ cần chờ nước rút là được.
Cả ngày Lý thị đều niệm a di đà Phật, chờ nước lũ rút xuống.
Tam Bảo thử cao giọng gọi sang phía núi đông, rất nhanh đã có tiếng đáp lại từ bên ấy.

Nghe thấy vậy Tam Bảo cười nói: “Đây là giọng Đản Đản, hê hê, có sức quá ấy chứ! Xem ra hắn ở bên đó cũng không tồi!” Nói xong hắn lại rống lên mấy tiếng, đối diện cũng đáp lại.
Có tiếng đáp qua lại này mọi người ở Đào gia thôn đều không nhịn được cười tươi.
Lại qua hơn mười ngày rốt cuộc nước cũng rút đến ngoài thôn, mọi người theo đó lục tục xuống núi.

Lương thực vẫn được đặt trên sườn núi, bọn họ chỉ xuống dọn dẹp nhà cửa vào ban ngày, buổi tối lại lên núi ở như cũ.
Căn nhà cũ của nhà Đào Tam gia đã sập hẳn, mấy cây ăn quả quanh đó chỉ còn cây lê là vẫn trụ lại.

Cây mận và cây đào đều bị bẻ gãy.

Vườn rau đã sớm khô cạn, hiện tại bị bùn đất lấp kín không nhìn ra bộ dạng ban đầu nữa.
Người nhà họ Ân cũng xuống núi giúp nhà họ Đào dọn dẹp lại nhà cửa.

Trong sân trước ngổn ngang nhánh cây, bùn đất và đá núi.

Rào tre đã sớm trôi mất, cửa viện bị nhánh cây giữ lại mới không trôi đi.

Trong phòng càng thảm không nỡ nhìn, đồ đạc bị đổ ngã trái ngã phải, tất cả đều tích một tầng bùn đất dày.
Lúc này cả nhà đều ra trận, vét bùn, dọn nhánh cây, hòn đá, dựng rào tre, sửa lại cửa.


Mỗi ngày làm một chút, cuối cùng nhà Đào Tam gia cũng khôi phục bộ dạng ban đầu.
Những nhà trong thôn bị sập thì ai nấy vẻ mặt đưa đám, cố gắng nhặt nhạnh những thứ còn dùng được từ đống phế tích sau đó đứng bên cạnh khóc ỉ ôi.

Những người khác vừa có rảnh là xúm lại giúp đỡ những hộ kia dựng lại nhà tranh.
Ruộng đồng cũng phải sửa lại, xác định ranh giới như cũ, tất cả đều phải chuẩn bị để kịp trồng lúa.
Rất nhiều nhà đã sớm hết lương thực, chỉ dựa vào tộc lương mà sống vì thế hiện tại kiếm hạt giống để gieo trồng cũng là một vấn đề lớn.

Nhà Ân Tu Trúc là nhà duy nhất trong thôn không bị lũ lụt ảnh hưởng nên hắn chủ động lấy lương thực tồn ra cho thôn dân mượn làm hạt giống.

Phan chưởng quầy có thể sống sót qua thiên tai nên cũng vô cùng cảm kích thôn dân và cũng lấy ra không ít lương thực tồn của mình để mọi người làm hạt giống.
Vấn đề hạt giống vừa được giải quyết thì các thôn dân tức khắc hưng phấn, ai cũng cố trồng cho kịp một vụ lúa trước khi hết mùa gieo hạt.
Con đường dẫn ra khỏi thôn đã bị hủy, chờ trồng lúa xong mọi người lại bắt đầu sửa sang lại đường xá.
Con đường lát đá ven bờ sông kéo dài, bên trái thông tới Phùng gia thôn ở bên kia núi, bên phải thông ra trấn trên.

Ân Tu Trúc mang theo mấy đứa nhỏ di dọc con đường lên trấn trên để kiểm tra thì thấy ngoài phần mặt đường gần sông bị lở thì phần còn lại không hao tổn gì.
Con dâu của tiểu Tần thị cũng là người của Phùng gia thôn, đường vừa sửa xong nàng ấy đã vội về nhà mẹ đẻ xem tình huống thế nào.

Lúc về nàng ấy nói người của Phùng gia thôn cũng trốn lên núi trước khi nước lũ tới nên không có thương vong, cái này quả thực khiến ai cũng vui.
Đường sửa xong người của Đào gia thôn mới liên hệ được với bên ngoài.

Rất nhiều người bắt đầu báo tin bình an cho người thân.


Tin tức truyền tới thì có tốt có xấu, có thôn dân trốn vào trong núi thì may mắn sống, có người không tin có lũ cuối cùng không né kịp mà bị cuốn đi.
Ân Tu Trúc lên trấn trên một chuyến sau đó mang tin về: Vì thị trấn gần một nhánh của Lăng giang nên cũng không thoát được, toàn bộ bị nhấn chìm.

Những người trốn tới nơi khác tránh nạn hạn hán cũng đã lục tục trở về nhưng số cửa hàng mở lại buôn bán chỉ đếm được trên đầu ngón tay!
Phan chưởng quầy nhớ mong Duyệt Lai Phạn Quán nên mang theo Đại Bảo tới trấn trên.
Trên đường phố chỗ nào cũng là bùn đất, chủ quán mở cửa tiệm cũng chỉ dọn dẹp phần trước cửa nhà mình còn chỗ khác thì cũng lười không muốn để ý.

Phan chưởng quầy đi tới trước cửa tiệm cơm, biển hiệu đã sớm mất tích, khóa cửa rỉ sét loang lổ, cửa sổ bị hủy không còn.

Đại Bảo từ cửa sổ nhảy vào tiệm rồi dùng rìu đập vỡ khóa cửa.
Phan chưởng quầy đỏ mắt nhìn tâm huyết cả đời của mình hiện tại thành dáng vẻ này.

Bàn ghế bị xô tới một góc, quầy ngã trên đất, mặt sàn toàn nước bùn.

Ông tới sân sau thì tình hình cũng chẳng khá hơn là bao.
Đại Bảo tìm một băng ghế chà lau để cha vợ ngồi xuống, lại khuyên bảo vài câu mới bắt đầu thu dọn.
Ngày hôm sau Quý Bình tự mình tới hỏi Phan chưởng quầy xem khi nào khai trương.

Hắn cũng muốn nhanh chóng bắt đầu làm việc để kiếm tiền hỗ trợ trong nhà.
Phan chưởng quầy xua tay nói: “Từ từ đã, nạn hạn hán lại thêm lũ lụt, người chết người trốn thì lấy đâu ra người tới ăn cơm!”
Quý Bình thất vọng nhưng thấy Đại Bảo một mình quét tước thế là hắn cũng tiến lên hỗ trợ.
Đại Bảo cầm cái xẻng xúc bùn đất, Quý Bình giúp đỡ mang ra ngoài đổ.

Phan chưởng quầy cũng không nhàn rỗi mà đi lau bàn ghế, cửa sổ.

Ba người vội mấy ngày mới dọn dẹp nơi này trong ngoài sạch sẽ.
Phan chưởng quầy cho Quý Bình một ít tiền bạc nhưng hắn không nhận, chỉ nói mình hỗ trợ quét tước không phải để lấy tiền công.
Phan chưởng quầy vẫn nhét một lượng bạc vào tay hắn và thở dài: “Aizzz! Mọi người đều không dễ dàng, ngươi về đi! Lúc nào mở cửa ta sẽ cho người đưa tin!”
Quý Bình cảm kích chắp tay với Phan chưởng quầy, mắt cũng đỏ lên.

Sau khi thu dọn xong tiệm cơm thì còn nhà sau cũng vẫn hỗn loạn.

Phan chưởng quầy và Đại Bảo cũng không nóng nảy mà chậm rãi thu dọn, sau đó nhờ thợ mộc tới sửa sang lại cửa sổ, bàn ghế.

Mãi tới khi Duyệt Lai Phạn Quán khôi phục như mới Phan chưởng quầy mới tươi cười rồi thở dài: “Còn rất nhiều việc phải làm! Không biết khi nào mới có thể lại treo biển hiệu lên!”
“Cha muốn chờ tới lúc khai trương lai mới treo lên ư?” Đại Bảo hỏi.
Phan chưởng quầy gật đầu, hòa nhã nói: “Con à, cửa hàng này về sau sẽ giao cho con.

Ta già rồi, cũng chỉ muốn ở Đào gia thôn dưỡng lão thôi!”
Đại Bảo biết Duyệt Lai Phạn Quán quan trọng với ông thế nào nên thận trọng gật đầu nói: “Cha cứ yên tâm!”
Phan chưởng quầy cười nói vui vẻ: “Ta luôn tin tưởng con!” Nói xong ông vỗ vỗ vai Đại Bảo và nói: “Chúng ta cần thời gian để trùng kiến mọi thứ sau thiên tai, ta cũng không nóng nảy muốn khai trương.

Đi, đi dạo với ta một vòng, xem các cửa hàng khai trương, mua chút nhu yếu phẩm sau đó ngày mai chúng ta về Đào gia thôn!”
Đại Bảo gật đầu sau đó khóa cửa hàng lại và theo cha vợ ra cửa.
Cửa tiệm của Phùng thị ở cùng con phố lúc này cũng đã mở cửa.

Hai năm không gặp Phùng bà tử già hơn rất nhiều, nhưng miệng lưỡi vẫn sắc bén, “Á à, đây không phải Phan chưởng quầy sao? Ông còn sống à? Trời nắng hạn không khiến ông khát chết, lũ lụt cũng không khiến ông chết đuối ư!”
Trong ấn tượng của Đại Bảo thì Phùng bà tử là một bà lão quái dị, trước kia bà ta nhiệt tình đến đáng sợ, nhưng sau lại cực kỳ lãnh đạm.

Hiện tại nghe bà ta nói lời này với cha vợ thế là hắn không nhịn được nhíu mày.
Phan chưởng quầy lại chỉ phất tay cười nói: “Phùng đại nương, nhờ phúc của bà nên Phan Đông ta sống rất tốt!”
Phùng bà tử nhìn Đại Bảo một cái, tầm mắt quái dị tới độ hắn không hiểu gì.

Phan chưởng quầy cũng không muốn nhiều lời mà nói: “Đi thôi! Chúng ta đến Hồ thị y quán xem một chút!” Nói xong ông cười chắp tay với Phùng bà tử: “Phùng đại nương, cáo từ!”
Phùng bà tử lẩm nhẩm lầm nhầm oán giận nhưng Phan chưởng quầy cũng không để ý mà mang theo Đại Bảo tới Hồ thị y quán lại thấy nơi ấy đóng cửa.
Đại Bảo lên tiếng: “Nghe Nhị Bảo nói cả nhà Phùng lang trung tới Thục Châu trốn nạn hạn hán nên chưa về!”
Phan chưởng quầy cảm thán: “Aizzzz, đều là người quen nhiều năm, nay sống sót qua thiên tai ta cũng muốn xem bọn họ thế nào! Nếu bọn họ còn chưa về thì đợi lần sau ta lại tới vậy!”.




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây