Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

192: Chiến Loạn


trước sau


Đại Bảo muốn tới Bách Thảo Dược Hành nhìn một cái rồi hỏi thăm Lý chưởng quầy để vợ Nhị Bảo cũng yên tâm.

Nhưng ai ngờ Bách Thảo Dược Hành cũng không mở cửa, gõ cửa cũng không có người thưa.
Phan chưởng quầy lại than: “Cả thị trấn lớn thế này mà cũng chỉ vài nhà mở cửa, chắc chờ thêm một thời gian nữa xem sao!”
Ngày hôm sau, Phan chưởng quầy cùng Đại Bảo trở lại Đào gia thôn.
Đống rau dưa ở vườn đã lên mầm, hơn hai năm không thấy mầm xanh thế là người nhà vui mừng vây quanh vườn ngắm nhìn thật lâu.
Đào Tam gia hứng thú bừng bừng mang theo đám chắt trai ra ruộng lúa xem mạ mới mọc lên mang màu vàng nhạt giống từng cây kim đâm lên khỏi mặt đất.

Ông cười nói: “Thấy không, đây là mạ, đợi tụi nó lớn lên là sẽ kết hạt lúa, giã ra là được gạo trắng!”
“Cụ ơi, lúc nào mới được ăn cơm tẻ? Con thèm ăn quá! Cụ có muốn ăn cơm tẻ không?” Quân Quân được chân truyền của Tam Bảo nhưng phải nói khả năng làm nũng của hắn còn lợi hại hơn cha hắn nhiều!
Đào Tam gia vui vẻ nói: “Con mèo tham ăn này! Chờ một thời gian nữa! Chờ thu hoạch lúa về cụ nhất định cho mấy đứa ăn cơm tẻ!”
“A! A! Có cơm tẻ ăn rồi!” Mấy đứa nhỏ đều hoan hô.
Đào Tam gia thấy mắt ươn ướt, ông nhìn mạ ngoài ruộng và thầm cầu khấn: Mau lớn lên! Mau lớn lên! Chúng ta đều muốn ăn cơm tẻ đó!
Đào gia thôn dần dần khôi phục sức sống.
Lúc này Nhị Bảo muốn lên trấn trên tìm hiểu tình hình sư phụ và cha vợ mình.

Lũ đã lui được một tháng mà Hồ thị y quán và Bách Thảo Dược Hành đều chưa mở cửa, thậm chí chút tin tức cũng không có.

Nhị Bảo không an tâm nên Đại Bảo cũng cùng hắn lên trấn trên.
Hai nơi ấy vẫn chưa mở cửa.
Nhị Bảo lộ vẻ mặt nôn nóng thế là Đại Bảo khuyên hắn: “Hồ lang trung mang theo cả nhà tới Thục Châu, cách chỗ chúng ta thực xa.

Hơn nữa lũ lụt tàn phá khắp nơi, có khi tin tức cũng bị ngăn chặn nên không thông.”
“Nhưng sao đến cả Bách Thảo Dược Hành cũng chưa mở cửa là thế nào? Cha và anh vợ đệ đều ở huyện thành, gần nơi này hơn cơ mà!” Nhị Bảo vẫn lo lắng.

Đại bảo nghĩ nghĩ nhưng cũng không hiểu nguyên nhân.

Cuối cùng Nhị Bảo nói: “Đại ca, đệ tới huyện thành một chuyến, huynh đợi đệ ở đây nhé.

Muộn nhất là ngày mai đệ sẽ về!”
Đại Bảo lắc đầu: “Trấn trên cũng không có việc gì nên ta sẽ đi với đệ! Sau thiên tai lưu dân nhiều, trên đường có hai người cũng tiện giúp đỡ nhau!”
Nhị Bảo gật đầu thế là hai anh em vội lên huyện thành.
Tới huyện thành bọn họ phát hiện có thật nhiều lưu dân bị ngăn ở bên ngoài cửa, muốn vào trong còn phải trả tiền.

Hai người bỏ tiền vào và tìm đến Bách Thảo Dược Hành nhưng cửa đóng kín.
Nhị Bảo tiến lên gõ cửa, qua thật lâu mới có người ra mở.

Nhị Bảo phải báo tên thế là anh vợ hắn mới ra đón.
Hóa ra trong lúc lũ lụt chứng phong thấp của Lý chưởng quầy càng nghiêm trọng hơn.

Con trai ông ấy không chỉ phải chăm sóc cha, còn phải ứng phó với sai dịch của huyện nha.

Nguyên nhân là vì huyện nha muốn nắm quyền quản lý dược hành, phàm là người muốn mở cửa sẽ phải nộp một khoản tiền lớn.

Trong năm thiên tai triều đình chẳng những không cứu tế còn tìm cớ cướp đoạt của dân.

Con trai Lý chưởng quầy là Lý Chỉ Thực thấy vậy thì cắn răng đóng luôn dược hành ở huyện thành.

Vì quá bận rộn nên hắn cũng quên báo tin bình an cho em gái.

Hiện giờ hắn thấy em rể không yên tâm đến tìm thì trong lòng cực kỳ cảm kích, vội vàng dặn vợ chuẩn bị chút rượu và đồ ăn để buổi tối mọi người uống vài chén.
Nhị Bảo cũng không nghỉ ngơi mà châm cứu cho cha vợ, lại kê chút thuốc.

Tuy Bách Thảo Dược Hành đóng cửa nhưng vẫn còn không ít thuốc tồn kho.

Nhị Bảo nhanh chóng bốc thuốc, lại nấu lên cho cha vợ uống rồi mới kể cho ông nghe về chuyện hạn hán và lũ lụt.
Lý chưởng quầy vỗ vỗ tay hắn và thở dài: “Còn sống là tốt rồi! Chỉ cần còn sống là tốt!”
Buổi tối uống rượu, Lý Chỉ Thực lộ ra chút tin tức với em rể: “Ta nghe nói phương bắc có chiến sự, có phỉ tặc đánh vào thành.

Mấy năm nay nơi nào cũng có thiên tai, có mấy nơi bạo dân đã nổi dậy.

Thục Châu chúng ta địa thế hiểm trở, đi đường bộ hay đường thủy đều khó khăn vì thế đây chính là nơi tránh né chiến loạn tốt.

Thật nhiều người tin tức linh thông đã tích lương thực, thuốc men và gia sản rời đến Thục Châu, lúc này huyện nha mới ra văn bản nói dược hành các nơi xảo trá để ăn bớt tiền.

Vì việc này mà tiếng than dậy đất, dân chúng vô cùng khổ.”
Chiến loạn ư?
Đại Bảo và Nhị Bảo ngây người.

Nạn hạn hán và lũ lụt mới qua không lâu, người ta còn chưa kịp thở d0'c thì đã có chiến loạn rồi ư?
Lý Chỉ Thực bình tĩnh nói: “Mọi người không cần lo lắng, phương bắc cách chúng ta rất xa, hơn nữa Thục Châu có ưu thế nên chắc chiến sự chưa lan tới đây đã kết thúc rồi!”
Đại Bảo và Nhị Bảo còn chưa hoàn hồn từ tin tức chiến loạn nên lời an ủi của Lý Chỉ Thực cũng chẳng khiến bọn họ bĩnh tĩnh được.

Một bữa cơm này đúng là vô vị.
Sáng sớm hôm sau Nhị Bảo lấy chút thuốc thường dùng từ dược hành sau đó từ biệt cả nhà cha vợ rồi đi thẳng về Đào gia thôn, thậm chí không dừng lại trấn trên.
Tiểu Lý thị biết nhà mẹ đẻ đều bình an thì rốt cuộc cũng yên tâm nhưng Nhị Bảo lại mang về một tin tức khác giống như quả bom khiến cả nhà đều nháo nhào.
Dân loạn? Phỉ tặc đánh vào thành ư?
Đào Tam gia vội để Tam Bảo đi gọi Ân Tu Trúc tới, tình huống phương bắc chỉ có hắn là hiểu nhất.
Ân Tu Trúc cũng chấn kinh, hắn từng nghe nói tới phỉ tặc ở quan ngoại.

Đó là đám du mục sống trên lưng ngựa, hung tàn lại cường tráng, bọn họ ngồi trên lưng ngựa vung đao là đầu người ta sẽ lìa khỏi cổ.

Nếu bọn chúng đã phá vỡ biên quan và mang theo vó sắt nam hạ thì nơi chúng đi qua ắt sẽ máu chảy thành sông! Chẳng qua tin tức này không biết là thật hay giả nên hắn không dám nói bậy.

Sau thiên tai thôn dân đều yếu ớt, vì thế sau khi suy nghĩ hắn nói: “Ông nội, phương bắc có trường thành ngăn cản nên phỉ tặc nơi quan ngoại sẽ khó mà đánh vào lắm!”
Đào Tam gia gật đầu nói: “Đúng vậy, nếu dễ dàng thất thủ như thế thì chúng đã đánh từ lâu rồi!”
Ân Tu Trúc cũng cho là như thế nên nói tiếp: “Tin tức này không biết thật hay giả, hơn nữa chiến sự lại ở phương bắc xa xôi.

Chúng ta cũng không thể chỉ nghe hơi gió mà đã rối loạn được!”
Mọi người đều gật đầu, còn Ân Tu Trúc thì nghĩ nghĩ và nói: “Cho dù có chiến sự thì Thục Châu cũng là nơi hiểm yếu dễ thủ khó công, chúng ta cũng không cần quá hoảng sợ.

Hiện tại cần xây dựng lại cơ sở sau thiên tai, việc cần kíp là trồng trọt lương thực, chiến sự hẳn chưa thể lan tới chỗ chúng ta nhanh như thế đâu.” Ân Tu Trúc nói xong lại tạm ngừng rồi mới nói tiếp: “Nếu phỉ tặc tới thật thì ta vẫn nên mang theo lương thực trốn vào núi sâu.”
Đào Tam gia thở dài: “Cứ làm thế đi! Không ngờ Đào lão tam ta sống một đời, đã từng trải qua thiên tai chiến loạn và may mắn còn sống nhưng nay già rồi còn phải trải qua một lần nữa! Ông trời đối xử với ta đúng là không tệ! Muốn cái mạng già này của ta thì ta cũng sẽ không chớp mắt mà cho luôn.

Nhưng một phòng con cháu của ta vẫn đang tuổi niên hoa, sao có thể để chúng chết trong chiến loạn được chứ!” Đào Tam gia nói đến chỗ thương tâm thì khóe mắt chảy ra hai hàng nước mắt mờ đục.
Trường Phú tiến lên khuyên nhủ: “Cha, ngài đừng nghĩ nhiều, tin vỉa hè này chưa chắc đã là thật!”
Đào Tam gia xua tay: “Thôi đi xuống hết đi, để mình ta ngồi đây một lát!” Trong lúc lũ lụt Đào Tam gia bị bệnh một lần, từ đó tinh thần kém hơn trước nhiều.

Hiện tại nghe tới chiến loạn ông lại nhớ tới hồi ức bi thương hồi trẻ khiến tinh thần càng tệ hơn.
Nhị Bảo hối hận vì đã nói tin tức không biết thật giả này cho ông nội khiến ông khổ sở.


Hắn đi lên muốn bắt mạch nhưng lại bị ông đẩy ra.
Nhị Bảo khẩn cầu: “Ông nội, để cháu khám cho ông!”
Đào Tam gia cáu: “Đi ra ngoài đi! Ta tốt lắm!”
Nhị Bảo đứng đó không đi, cuối cùng Trường Phú phải tiến lên kéo hắn ra rồi thấp giọng nói: “Nhị Bảo, đi ra ngoài đi, ông cháu hiểu rõ mọi chuyện, qua một thời gian nữa là tốt rồi!”
Qua một thời gian tin tức về chiến sự phương bắc truyền tới Đào gia thôn khiến mọi người đều cảm thấy bất an.

Cả ngày bọn họ lo lắng đề phòng và hoảng sợ không chịu nổi, bọn họ lo ngày nào đó chiến sự lan tới Đào gia thôn thì chết hết mất.

Còn cái lời an ủi kiểu “Thục Châu có lợi thế phòng thủ” thì chẳng đủ để bọn họ giảm bớt sợ hãi trong lòng.
Chỉ có thời gian mới có thể chữa khỏi nan đề này.
Mọi người vừa kinh hồn táng đảm vừa ăn cơm, ngủ, nói chuyện, làm việc nhà, ra đồng, họp chợ.
Mạ ngày một lớn, mọi người lại kinh hồn táng đảm xuống ruộng trị sâu bệnh, mạ thiếu phân bón mọi người lại kinh hồn táng đảm bón thúc.

Ruộng mạ có cỏ dại bọn họ cũng kinh hồn táng đảm đi nhổ cỏ.
Ngày tháng chậm rãi trôi qua trong nỗi sợ hãi.
Tới khi ruộng lúa chín vàng, nỗi vui sướng khi được mùa đã vượt qua sợ hãi trong đáy lòng, mọi người cũng chậm rãi thả lỏng.
Uống nước không quên người đào giếng, thôn dân cảm kích Phan gia và Ân gia đã cung cấp hạt giống nên sau khi thu lương thực bọn họ sôi nổi khiêng thóc tới cảm tạ.

Năm thiên tai chẳng ai dễ dàng, lúc này cũng chỉ bỏ có chút thóc mà thôn dân đã trả cả bao thóc, tình nghĩa này khiến Ân Tu Trúc và Phan chưởng quầy đều vô cùng cảm động.

Hai người từ chối mãi, cuối cùng thôn dân lại vác thóc về.
Phương bắc xa xôi nên tin tức chậm trễ nhiều, mỗi lần đều là ‘phương bắc có chiến sự, phỉ binh muốn vượt quan ải’.

Qua một thời gian tin tức này đã không còn khiến mọi người hoảng sợ như ban đầu nữa.
Tới cuối năm, mọi người vừa nghe nhắc tới chiến sự đều sẽ cười hỏi vài câu: “Đây đã là chuyện lúc nào rồi mà còn chưa đánh xong ư?”
Tốt rồi! Ngày tháng rốt cuộc cũng đã khôi phục bình thường..


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây