Kiếm Động Trung Châu

73: Tiếp địch nhân chúa công thiết yến đạo bất đồng nhị ma cãi nhau


trước sau



Lại nói, sau khi bọn Thông Thiên Giáo chủ nhận lời mời, Hoàng y thiếu nữ liền đi trước dẫn đường. Hai lão ma cũng nối bước theo sau. Thân pháp ba người đều rất nhanh nhẹn nên quãng đường mười mấy dặm đi qua trong thoáng chốc.



Hai lão ma bỗng trông thấy trên một bình đài ở lưng chừng núi thấp thoáng ẩn hiện một tòa doanh trướng vĩ đại, cảnh trí huy hoàng. Hoàng y thiếu nữ hướng dẫn hai lão đi thẳng đến đó.



Khắp nơi xung quanh tòa doanh trướng được canh gác rất nghiêm mật. Sau khi vượt qua mấy lớp thị vệ tuần phòng, đến trước một tòa doanh trướng to lớn, lộng lẫy, xung quanh có nhiều mỹ nữ vận cung trang chia nhau canh gác. Hai lão ma vội đảo mắt quan sát một vòng toàn trường.



Khí thế hùng tráng, nghi vệ trang nghiêm, cùng cuộc canh phòng cẩn mật đã khiến hai lão ma chợt cảm thấy bất an. Hơn nữa, những người đứng thị tập đều là những đại cao thủ anh hoa nội liễm, chứng tỏ công phu nội lực rất thâm hậu, có lẽ không hề thua kém Thập Bát Thần Ma đang còn ở đằng kia.



Hoàng y thiếu nữ đưa hai lão ma tiến vào tòa doanh trướng. Bên trong, dưới một gốc cổ tùng kê một chiếc bàn do khối đá trắng như bạch ngọc đẽo gọt tạc thành. Một chàng thiếu niên công tử vận bạch y đang ung dung ngồi trên một chiếc ngai bạch ngọc chạm rồng. Sau lưng chàng có bốn người đứng hầu.



Bạch y công tử hãy còn rất trẻ, tuổi chỉ mới độ mười sáu, mười bảy, mày thanh mắt sáng, dung mạo thanh tú tuấn mỹ, phong thái nho nhã dễ mến. Những ngón tay chàng thon dài xinh đẹp, làn da trắng trẻo mịn màng còn hơn cả giai nhân.. Chàng vận bộ y phục toàn trắng tinh khôi, tóc cột lụa trắng, chân mang đôi giày trắng, tay cầm bạch ngọc phiến. Sắc diện chàng luôn ẩn hiện một vẻ thân thiện gần gũi, dù rằng trông chàng có vẻ hơi buồn. Toàn thân chàng tuyền một màu trắng bạch, trông chàng xinh đẹp như cây ngọc giữa mùa xuân. Chàng, chính là Giang Hoài Ngọc.



Vừa đến nơi, hai lão ma đã chăm chú quan sát chàng bạch y công tử. Hai lão đương nhiên hiểu rằng chàng chính là vị chúa công ở đây. Và hai lão lại nhận thấy chàng quá anh tuấn, quá xinh đẹp, nhưng lại thiếu hẳn vẻ trượng phu, thiếu hẳn sự uy nghiêm hùng tráng của một bậc lãnh tụ quần hùng.



Phải nói rằng trông chàng thật quá hiền lành, không hề giống hạng người có thể mưu việc lớn. Như những người mới gặp chàng lần đầu, hai lão ma cũng cảm thấy ngạc nhiên về điểm ấy, và cũng rất thắc mắc. Phong thái của chàng hoàn toàn khác với những gì hai lão đã từng nghĩ trước đây. Trong tâm tưởng của hai lão, vị chúa công không phải như thế này. Và hai lão còn nghĩ có thể mình đã nhận lầm, người này chưa phải là vị chúa công ở đây.



Thế nhưng, như để minh định suy nghĩ của hai lão, Hoàng y thiếu nữ đã tiến đến trước Giang Hoài Ngọc, cung kính vái lạy, nói :



- Trình chúa công. Thần đã mời được Thông Thiên Giáo chủ và Bạch Phát Đồng Tử nhị vị tiên sinh đến đây.



Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :



- Tốt lắm. Hãy truyền sắp bày yến tiệc.



Hoàng y thiếu nữ cung kính vâng dạ, lui ra. Thông Thiên Giáo chủ đã hiểu Giang Hoài Ngọc chính là chúa công, liền vòng tay nói :



- Bọn lão phu xin chào công tử. Được công tử cho mời, bọn lão phu rất lấy làm hân hạnh.



Giang Hoài Ngọc đưa mắt ngắm nhìn hai lão, đoạn nói :



- Cô gia nghe danh nhị vị tiên sinh đã lâu, nay mới được gặp, thật là hân hạnh. Nay cô gia miễn hết các lễ nghi. Mời nhị vị an tọa.



Chàng ngồi yên chứ không đứng dậy chào hỏi theo phép giao tiếp thông thường. Nhưng từ nơi chàng đã toát lên một vẻ tôn quý tột bậc, nên việc ấy cũng được xem như là chuyện bình thường, đương nhiên phải vậy. Thông Thiên Giáo chủ không hề cảm thấy bất mãn về việc đó.



Ở phía đối diện Giang Hoài Ngọc đã đặt sẵn hai chiếc cẩm đôn. Thông Thiên Giáo chủ vòng tay đa tạ, rồi mới ngồi xuống chiếc ghế phía tả. Lão nhận thấy Giang Hoài Ngọc quá hiền lành, nhưng không hiểu sao một cảm giác kính trọng lại phát sinh khiến lão cung kính giữ lễ.




Bạch Phát Đồng Tử thì không như vậy. Lão ma mấy mươi năm tung hoành giang hồ, ngông cuồng đã thành tính, nào coi ai vào mắt. Và với những người quá hiền lành như Giang Hoài Ngọc thì lão lại càng khinh rẻ. Vì vậy mà lão chẳng thèm nói tiếng nào, ngồi ngay xuống chiếc ghế còn lại.



Hành động của lão ma khiến cho mấy nhân vật đứng hầu phía sau Giang Hoài Ngọc thoáng cau mày, ra vẻ bất mãn. Lão ma vẫn không để ý, có biết đâu rằng hành động ấy đã đưa lão đến họa sát thân.



Sau khi đã ngồi xuống đâu vào đấy, Thông Thiên Giáo chủ lại hướng vào Giang Hoài Ngọc vòng tay hỏi :



- Công tử cho gọi bọn lão phu đến đây chẳng hay còn có điều chi chỉ giáo. Bọn lão phu xin được cung kính lắng nghe.



Bạch Phát Đồng Tử không hài lòng khi Thông Thiên Giáo chủ lại quá giữ lễ như vậy, nói xen vào :



- Đối với kẻ địch, giáo chủ còn dài dòng văn vẻ làm cái quái gì. Có gì thì cứ nói phứt ra cho rồi.



Lời nói thô mãng của lão ma đã làm mọi người, kể cả Thông Thiên Giáo chủ, bất mãn. Dù cho song phương có đối địch đi nữa thì tiên lễ hậu binh cũng là một hành động nên làm, bởi như thế là vừa tự đề cao mình, vừa khiến đối phương không xem thường. Còn như thô mãng theo kiểu võ phu chỉ tổ khiến người ta khinh rẻ. “Tính cách của Bạch Phát lão ma quả không thích hợp để làm thủ lĩnh, thật may là ta đã không giao nhiều quyền hành cho lão”, Thông Thiên giáo chủ thầm nghĩ vậy.



Giang Hoài Ngọc đưa mắt nhìn Bạch Phát lão ma, nói :



- Chuyện tranh chiến chỉ là bất đắc dĩ. Cô gia đương nhiên mong muốn đao kiếm biến thành châu ngọc. Nhưng …



Thông Thiên Giáo chủ vội hỏi :



- Nhưng thế nào.



Giang Hoài Ngọc thở dài nói :



- Đấy có lẽ chỉ là ý muốn của riêng cô gia mà thôi.



Thông Thiên Giáo chủ ngẫm nghĩ giây lát, mới nói :



- Lão phu cũng có ý ấy. Nếu công tử đồng ý bãi binh. Từ nay song phương sẽ cùng nhau chung sống hòa bình, không xâm phạm lẫn nhau.



Giang Hoài Ngọc hãy còn chưa kịp lên tiếng thì Bạch Phát Đồng Tử đã vọt miệng nói xen vào :



- Không được. Nếu vậy thì cái chết của mấy trăm giáo đồ bản giáo phải tính toán thế nào đây.



Thông Thiên Giáo chủ sa sầm nét mặt, quay sang nhìn Bạch Phát Đồng Tử, trầm giọng nói :



- Bản tòa là Giáo chủ. Việc này bản tòa có quyền quyết định. Phó giáo chủ không được có ý kiến.



Bạch Phát Đồng Tử tự mình đã có chủ trương riêng nên không thèm để ý đến câu nói mang hàm ý đe dọa của Thông Thiên Giáo chủ. Lão ngửa mặt lên trời lớn tiếng cười rộ, đoạn nói :



- Lão phu kết minh với lão cũng chỉ vì mục đích xưng bá giang hồ. Việc này chúng ta đã giao hẹn từ trước. Nay giữa chừng lão lại thoái bộ, chấp nhận bãi binh, nhưng lão phu thì không thể nào chấp nhận được.



Thông Thiên Giáo chủ bị bẽ mặt trước mặt nhiều người, bừng bừng nổi giận, trợn mắt quát :



- Ngươi định phản lại bản tòa ư.



Bạch Phát Đồng Tử cười nhạt đáp :



- Lão phu với lão cùng nhau kết minh để chia đôi giang hồ cùng thống trị. Lão phu là minh hữu chứ không phải là thuộc hạ của lão. Nay lão phu công khai hủy bỏ minh ước, đâu thể gọi là phản được.



Mọi người tại trường, trừ Giang Hoài Ngọc, đều khẽ cười. Thông Thiên Giáo chủ giờ mới chợt ngộ ra là bấy lâu nay Bạch Phát Đồng Tử luôn xem mình ngang hàng với lão. Lão vừa thẹn vừa tức, giận dữ đến cực độ, đỏ mặt tía tai, ánh mắt tóe lửa nhìn Bạch Phát Đồng Tử trừng trừng.



Nhưng lão còn chưa kịp phát tác cơn giận thì Bạch Phát Đồng Tử đã lại nói tiếp :



- Lão định động thủ chăng. Nên nhớ nơi đây không phải là Thông Thiên Giáo. Không phải chỗ để lão giương oai diệu võ.



Thật ra thì Bạch Phát lão ma cũng không muốn nảy sinh xung đột với Thông Thiên Giáo chủ trong lúc này. Thứ nhất là vì võ công của Thông Thiên Giáo chủ cũng rất cao siêu, không hề thua kém lão. Thứ nữa là nếu như hai người nảy sinh xung đột thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mà lão đã khổ công suy tính nãy giờ, thậm chí còn có thể khiến lão mạng vong. Do đó, lão mới ngầm nhắc nhở Thông Thiên Giáo chủ rằng nơi đây là chỗ của địch, không nên manh động. Hai người bọn họ mà động thủ đánh nhau thì chỉ có lợi cho đối phương mà thôi.



Thông Thiên Giáo chủ lẽ nào không hiểu ẩn ý bên trong lời nói của Bạch Phát lão ma, nhưng lão cũng lại có chủ trương riêng, nên chẳng cần để tâm đến những lời nói ấy, mà gằn giọng hỏi :



- Vậy ý ngươi thế nào.



Bạch Phát Đồng Tử đáp :



- Lão phu thà quyết chiến một trận rồi ra sao thì ra, chứ nhất định không chịu giảng hòa.



Thông Thiên Giáo chủ trầm giọng nói :



- Nhưng chúng ta sức yếu thế suy, rất ít hy vọng.




Bạch Phát lão ma nói :



- Dù thế nào thì lão phu cũng quyết không thể chưa đánh đã đầu hàng. Lão phu dù sao cũng là một nhân vật có danh vọng chứ không phải hạng vô danh tiểu tốt. Bất quá đến chết là cùng.



Đột nhiên có tiếng cười nhạt :



- Hừ. Lớn lối nhỉ.



Lão ma nghe tiếng giật mình. Lúc này lão mới chú ý đến bốn nhân vật đang đứng hầu sau lưng Giang Hoài Ngọc. Cả bốn nhân vật này đều có phong thái bất phàm, dáng diệu uy nghi.



Hai người bên tả, một người tuổi đã quá ngũ tuần, vận lam y, đầu đội nho cân, lưng thắt dây tơ, mặt ngọc râu dài, diện mạo văn nhã quý phái. Còn người kia vận hoàng bào hoa lệ, đầu đội kim quan, lưng thắt đai ngọc, râu trắng ba chòm, đã gần đến bát tuần nhưng tướng mạo hãy vẫn còn phương phi quắc thước.



Phía bên hữu cũng có hai người. Một người tuổi đã gần độ thất tuần, còn người kia là một văn sĩ trung niên.



Lão nhân mình gầy mà cao, vận bộ cẩm bào theo lối triều phục có thêu hình con rồng cuốn, ánh vàng lấp lánh, chòm râu dài chùng xuống trước ngực. Trông lão thật có phong thái uy nghi của một bậc vương công đại thần nơi triều nội. Còn văn sĩ vận áo xanh, ước độ bốn mươi tuổi, diện mạo thanh nhã, ẩn hiện một vẻ thanh khí, dáng điệu ung dung đầy vẻ tự tin.



Nhân vật vừa lên tiếng khi nãy chính là Hoàng bào lão nhân. Lão thấy Bạch Phát Đồng Tử ngạo mạn như thế, không nhịn được liền bật tiếng cười nhạt. Thấy lão ma nhìn chăm chú, lão lại nói tiếp :



- Ngươi có bao nhiêu phân lượng mà dám chống lại chúa công.



Bạch Phát lão ma nói :



- Muốn biết lão phu có bao nhiêu phân lượng thì cứ thử rồi sẽ biết.



Hoàng bào lão nhân hừ lạnh, hỏi :



- Ngươi có biết lão phu là ai không.



Bạch Phát Đồng Tử nhìn một lúc rồi hỏi :



- Lão là lão Quan phải không.



Hoàng bào lão nhân hắng giọng nói :



- Phải. Chính lão phu đây. Trước mặt lão phu mà ngươi còn dám giở giọng lớn lối như thế nữa ư.



Thông Thiên Giáo chủ lúc ấy cũng nhìn lại Hoàng bào lão nhân, và cũng đã nhận ra vị đại sát tinh ấy, nên thoáng lo âu. Lão biết mình đã đụng đến một nơi không nên đụng đến. Không phải lão sợ Hoàng bào lão nhân, tức Sinh Tử Phán Quan Thiên Hữu, vì lão vẫn luôn tự đánh giá bản thân rất cao, mà vấn đề là ở chỗ Giang Hoài Ngọc. Thân phận thật sự của chàng mới là điều đáng phải lo ngại.



Bạch Phát Đồng Tử bỗng cười rộ, nói :



- Có gì mà không dám. Lão là cái gì kia chứ. Thiên hạ sợ lão chứ lão phu không sợ lão đâu.



Nói chưa dứt câu, trảo thủ của lão ma bất thần vung lên, chộp thẳng vào … giữa ngực Giang Hoài Ngọc, định thực hiện mưu đồ cầm tướng. Ý định này lão ma đã suy tính nãy giờ, giữa lúc bất ngờ xuất thủ với cả mười hai thành công lực, chắc mẩm là sẽ thành công. Và một khi đã bắt được thủ lĩnh của đối phương vào tay rồi thì có thể coi như đại sự đã thành được nửa phần.



Lão ma còn đang hý hửng nghĩ tới kết quả toàn mỹ, thì bỗng đâu cảm thấy hoa cả mắt. Kình phong nhoáng lên. Bốn nhân vật đứng hầu phía sau Giang Hoài Ngọc đã cùng đồng thời xuất thủ.



Trảo thủ của lão ma đang đà đưa tới thì bị một bàn tay từ phía trên chém thẳng xuống theo thế Thần Long Thám Trảo, khí lực rất là hùng mạnh. Nếu như lão ma không kịp thu tay trở về thì bàn tay có thể sẽ bị chém đứt. Người xuất chiêu này chính là Hoàng bào lão nhân.



Cũng cùng lúc đó, lam y văn sĩ xuất chiêu Thiên Long Phổ Độ trong Thiên Long Hàng Ma chưởng, một trong các tuyệt kỹ trấn môn của Thiếu Lâm, rất ít người luyện được. Đấy là một chiêu thức bề ngoài trông bình thường nhưng bên trong lại hàm chứa rất nhiều biến hóa, chưởng phong cuồn cuộn tràn tới nhằm phong tỏa các đại huyệt trên đầu và hai vai lão ma.



Cẩm bào lão giả thủy chung vẫn đứng yên không nhúc nhích, nhưng lão khẽ xoay tay mặt, đưa ba ngón tay phóng lên nhằm điểm vào các huyệt Khuyết Bồn, Đường Môn và Trung Phủ trên bả vai lão ma, chỉ lực phóng ra không những hùng hậu mà còn nhanh như điện chớp.



Còn văn sĩ trung niên cũng vung tay lên, hai ngón tay trỏ và giữa vươn thẳng ra đâm vào cặp mắt của lão ma.



Bốn người xuất toàn độc chiêu, nhằm đẩy lui lão ma ra xa, không cho lão có cơ hội tiếp tục hành hung.



Tuy rằng lão ma võ công cao cường, lại nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nhưng lúc này cũng cảm thấy ứng biến không kịp. Huống chi tay mặt còn đang xuất thủ, nên càng khó bề tránh né.



Trước tình thế nguy ngập, lão ma cũng ứng biến thật mau lẹ. Lão lập tức hít vội một hơi chân khí, hạ thấp bàn tay phải xuống một chút, rồi co ngay về. Còn tay trái lão ra chiêu Bế Môn Thôi Nguyệt để phong tỏa chưởng thế của đối phương. Đồng thời, lão chí đầu ngón chân xuống đất, vọt mình tránh xa.



Tuy lão ma ứng biến mau lẹ mà cũng đã chậm mất một chút.



Huyệt Trung Phủ trên vai lão ma đã bị đầu ngón tay của Cẩm bào lão nhân bật trúng. Sau đó thì hai huyệt Tý Nhu và Tiêu Lạc đau nhói lên, cánh tay mặt mất hết kình lực, buông rũ xuống.



Ngoài ra, Hoàng bào lão nhân chém hụt bàn tay lão ma, liền khẽ xoay bàn tay, chuyển thế điểm ra một đạo chỉ phong bắn vọt tới, điểm thẳng vào huyệt Thiên Trì trên mình lão ma.



Lão ma vừa mới bị thương, tay mặt mất hết kình lực, đang lúc hoảng hốt nên không tránh được, lảo đảo người mấy cái rồi té xuống. Nhưng rồi lão cũng gắng gượng đứng trở lại được, gằn giọng nói :



- Các ngươi ỷ đông người họp nhau đánh một mình lão phu, thật chẳng anh hùng chút nào.




Hoàng bào lão nhân cười nhạt nói :



- Thật đáng tức cười. Anh hùng là cái thứ gì. Trước nay lão phu chưa bao giờ tự nhận mình là anh hùng, mà trong thiên hạ này cũng chưa thấy có kẻ nào bảo lão phu là anh hùng cả. Lão phu nghĩ sao làm vậy, chẳng cần để ý đến bình luận của người khác. Thủ đoạn của lão phu đối với địch nhân thế nào chắc ngươi cũng đã biết rồi. Vậy hãy mau chuẩn bị tinh thần đi.



Lam y văn sĩ cũng nói :



- Chính lão giở trò trước, cả gan ám toán chúa công, vậy mà cũng dám nói đến hai chữ “anh hùng” nữa ư.



Cẩm bào lão nhân lạnh lùng tiếp :



- Xem ra hôm nay ngươi đã không còn cơ hội thoát khỏi đây nữa rồi. Hãy mau xuôi tay chịu trói đi thôi.



Bạch Phát lão ma đảo tròn cặp mắt lượng định tình thế. Thị vệ canh tuần nghe động đã kéo đến bao vây toàn bộ cục trường. Chỉ vì chưa được lệnh nên còn chưa dám xông vào. Với tình hình hiện tại, lão ma muốn an toàn thoát khỏi nơi đây e cũng không phải là chuyện dễ dàng.



Không gian lắng đọng giây lát.



Từ nãy đến giờ, Thông Thiên Giáo chủ vẫn ngồi yên chờ xem diễn biến chứ không can thiệp vào. Lão khẽ liếc mắt nhìn Giang Hoài Ngọc, thấy chàng vẫn ngồi yên trên ngai với vẻ ung dung tiêu sái như lúc đầu, sắc diện vẫn bình hòa, không lộ vẻ gì. Lão thầm khen định lực của chàng.



Còn về phần Bạch Phát lão ma, sau một lúc lẳng lặng suy tính, lão mới cất giọng âm trầm :



- Việc các ngươi mời lão phu đến đây dự yến té ra là một cái bẫy. Lão phu vì sơ suất nên mới mắc mưu của các ngươi. Chuyện đã như thế này, lão phu thật không còn gì để nói nữa.



Hoàng bào lão nhân hừ lạnh :



- Lão thì còn gì mà nói.



Lam y văn sĩ cũng nói :



- Lão không cần nói khích vô ích. Nếu lão không ám toán chúa công thì đâu có chuyện gì. Tất cả là tại nơi lão cả. Lão còn gì để nói nữa chứ. Có muốn trách thì chỉ nên tự trách mình mà thôi.



Đến lúc này, Giang Hoài Ngọc khẽ giơ tay ra hiệu cho mọi người đừng tranh cãi nữa. Chàng nhẹ nhàng nói :



- Chuyện ấy thôi thì hãy bỏ qua đi. Dù sao thì Bạch Phát tiên sinh cũng là khách của cô gia. Vả chăng, cô gia cũng chưa việc gì mà.



Lam y văn sĩ vòng tay nói :



- Chúa công. Không được đâu. Lão ta dám đại nghịch phạm thượng như thế, nếu bỏ qua không nghiêm trị thì vương pháp để đâu, luật lệnh để đâu. Từ nay lấy gì để hiệu lệnh thiên hạ nữa. Xin chúa công nghĩ lại.



Cẩm bào lão nhân cũng nói :



- Bách Lý huynh đệ nói phải đó. Xin chúa công hãy nghĩ lại.



Giang Hoài Ngọc khẽ thở dài :



- Tuy là nói vậy. Nhưng … việc này … thôi thì lúc này hãy tạm thời bỏ qua. Nếu cần nghiêm trị thì hãy để đến sau này sẽ tính.



Lam y văn sĩ hỏi :



- Chúa công định để cho lão ta rời khỏi đây ư.



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Bạch Phát lão ma thoáng thở phào nhẹ nhõm. Non xanh còn đó lo gì hết củi đun. Việc cấp thiết hiện giờ đối với lão ma là phải tìm mọi cách để an toàn thoát khỏi nơi đây trước đã. Chỉ cần giữ được tính mạng thì sau này thiếu gì cơ hội trả thù.



Bạch Phát lão ma đang lúc vui mừng. Lam y văn sĩ đang nghĩ cách khuyên giải để Giang Hoài Ngọc thu hồi thượng ý. Đột nhiên, mọi người nghe thấy có thanh âm lạnh lẽo âm u từ xa vọng đến :



- Tinh chủ. Y là trọng phạm, không thể tha được.



Giọng nói vừa the thé vừa bén nhọn, vừa âm u vừa lạnh lẽo, văng vẳng truyền đến như âm thanh từ địa ngục, nghe hết sức quái dị, mà lại vọng đến một cách đột ngột khiến mọi người phải thoáng giật mình.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây