Kiếm Động Trung Châu

74: Phong đô thành chủ xin triều kiến bạch cốt ma đầu phải sa cơ


trước sau



Lại nói, sau khi có giọng nói vừa the thé bén nhọn, vừa âm u lạnh lẽo, văng vẳng truyền đến như âm thanh từ địa ngục, nghe hết sức quái dị, mọi người đều thoáng giật mình. Giữa chốn hoang vắng thế này sao lại có ai đó tìm đến làm gì. Hoàng bào lão nhân trầm giọng quát hỏi :



- Túc hạ là ai.



Giọng kia lên tiếng đáp lại, nhưng thanh âm không còn âm u lạnh lùng nữa mà lại nghe đầy vẻ nghiêm cẩn :



- Tiểu thần là Phong Đô Thành chủ, chức sự ở Âm Giới, dưới quyền quản trị của Đức Diêm Quân, xin được kiến giá.



Theo Giang Hoài Ngọc bấy lâu, cũng đã hiểu kẻ kia là nhân vật thế nào rồi, Hoàng bào lão nhân liền đưa mắt nhìn chàng hỏi ý. Khi thấy chàng khẽ gật đầu, lão liền cao giọng nói :



- Chúa công ban chỉ : tuyên triệu Phong Đô Thành chủ ứng hầu.



Giọng âm u lớn tiếng đáp lại, cũng với vẻ nghiêm cẩn :



- Tạ chủ long ân.



Rồi từ dưới núi, một cỗ kiệu lớn sơn son thếp vàng, phủ sa trắng, chậm rãi tiến lên. Trước và sau kiệu có tất cả tám gã bạch y tráng hán dáng vóc to lớn khỏe mạnh, sắc diện âm u và hung dữ, đang kề vai khiêng cỗ kiệu lên núi. Đi trước dẫn đường là hai bạch y nhân áo rộng thùng thình, tóc xõa ngang vai, diện mạo hung dữ, tay cầm Câu Hồn Bài và Truy Hồn Bổng.



Đi phía sau cỗ kiệu còn có một toán người kỳ trang dị phục, sắc diện âm u lạnh lẽo như u hồn dạ quỷ nơi âm giới. Trên tay bọn này cầm đủ loại xiềng xích hình cụ, không ngừng khua vang rổn rẻng.



Cả bọn đang tiến thẳng lên núi. Hành động của bọn họ xem ra chậm rãi nhẹ nhàng, nhưng cước trình lại hết sức nhanh chóng, chẳng mấy chốc là cả đoàn đã tiến gần đến nơi rồi.



Những người trên núi đều chú ý nhìn bọn họ. Chỉ riêng có Hoàng bào lão nhân vì trách nhiệm nên vẫn không quên ngó chừng Bạch Phát lão ma. Lão ma cũng đã định nhân cơ hội này giở trò, nhưng ánh mắt sắc lạnh sáng ngời của Hoàng bào lão nhân đã khiến lão mà không làm gì được.



Khi đã đi đến bên ngoài tòa doanh trướng, cả toán âm binh lập tức dừng lại. Cỗ kiệu được nhẹ nhàng đặt xuống. Cả bọn ai nấy đều chắp tay cúi đầu, dáng điệu hết sức nghiêm trang kính cẩn.



Tiếp đó, một tên quỷ tốt tiến đến bên cỗ kiệu, nhẹ nhàng vén rèm lên. Một nhân vật cao lớn oai vệ từ trong kiệu bước ra. Người này dáng vóc cao lớn, mắt hổ mày kiếm, mặt vuông tai lớn, râu ngắn bó cằm, vận Cẩm bào theo lối vương giả, đầu đội kim quan, lưng thắt ngọc đái, chân mang long hài, trên tay cầm chiếc ngọc hốt, dáng điệu uy vũ khiếp người, nhưng sắc diện hơi có vẻ lạnh lùng.



Mọi người đều đưa mắt nhìn y.



Cẩm bào đại hán bước ra khỏi kiệu, đảo mắt nhìn quanh một lượt, rồi rảo bước đi thẳng vào trong doanh trướng, tiến đến trước Giang Hoài Ngọc, chắp tay khom lưng vái dài, kính cẩn tung hồ :



- Tiểu thần là Phong Đô Thành chủ, phục vụ dưới quyền Đức Diêm Quân quản trị Âm Giới, xin tham kiến Tinh chủ, cầu ngọc thể kim an vạn phúc.



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu, nói :



- Khanh hãy bình thân.




Cẩm bào đại hán kính cẩn nói :



- Tạ Tinh chủ.



Thông Thiên Giáo chủ vốn là người thuộc Vũ nội nên thừa biết Phong Đô Thành chủ là nhân vật thế nào, có địa vị ra sao rồi. Trước giờ lão vẫn điềm tĩnh ngồi yên, nhưng lúc này vừa nghe Phong Đô Thành chủ gọi Giang Hoài Ngọc là Tinh chủ, lại đối với chàng nhất mực tôn kính, tức thì biến sắc, vội đứng bật dậy, chắp tay hướng vào chàng vái dài, ngập ngừng hỏi :



- Công tử đây là …



Phong Đô Thành chủ đỡ lời :



- Tinh chủ chính là truyền nhân của Thánh Cung, lĩnh Ngọc Long Tinh chủ, ngươi không biết hay sao.



Nghe chưa hết câu, Thông Thiên Giáo chủ đã kinh hoàng thất sắc. Hai chữ “Thánh Cung” vọng vào tai lão tựa như sấm động giữa trời quang. Bất kỳ nhân vật nào của Thánh Cung, dù là cung nhân hay thị vệ, cũng đều có địa vị tôn cao, mà Giang Hoài Ngọc lại còn là truyền nhân của Thánh Cung nên địa vị lại càng tôn cao hơn nữa. Lão vội phục ngay xuống đất hành đại lễ, cung kính nói :



- Thần không nhận biết Tinh chủ nên trước có điều mạo phạm, cúi mong Tinh chủ lượng thứ cho.



Bạch Phát lão ma đã mấy chục năm lẩn trốn, nào có biết Thánh Cung là chi, Tinh chủ là gì. Lão đang đứng bên cạnh, thấy Thông Thiên Giáo chủ ngày thường oai phong là thế, mà nay lại phục lạy trước Giang Hoài Ngọc với dáng vẻ cung kính sợ sệt như vậy, không nhịn được, khẽ “hừ” một tiếng.



Không may cho lão ma là lão đã tỏ thái độ không đúng lúc. Phong Đô Thành chủ nghe thấy, quay nhìn lão ma khẽ cất tiếng cười lạnh, rồi hướng vào Giang Hoài Ngọc vòng tay cung kính nói :



- Kính bẩm Tinh chủ. Tiểu thần phụng ý chỉ của Đức Diêm Quân đến đây bắt khâm phạm Bạch Phát Đồng Tử về quy án. Kính xin Tinh chủ cho phép tiểu thần được thi hành chức phận.



Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :



- Diêm Quân đã ban chỉ, khanh hãy kíp thi hành.



Phong Đô Thành chủ kính cẩn nói :



- Tạ chủ long ân.



Đoạn y quay lại trừng mắt nhìn Bạch Phát Đồng Tử, cầm ngọc hốt chỉ thẳng vào lão ma, cao giọng quát :



- Chúng âm binh nghe lệnh. Hãy mau bắt giữ khâm phạm.



Chúng âm binh cất tiếng dạ ran, nhất loạt xông thẳng vào Bạch Phát lão ma, xiềng xích vung lên khua vang rổn rẻng. Chỉ trong chớp mắt, không hiểu bằng cách nào mà lão ma đã bị bọn họ xiềng chặt lại rồi. Trên cổ lão ma còn bị đeo vào một chiếc gông lớn bằng thiết luyện. Bọn họ hành động quá nhanh, thủ pháp lại quá lợi hại, lão ma chẳng còn có cơ hội nào để phản kháng.



Xong đâu đó, Phong Đô Thành chủ lại hướng vào Giang Hoài Ngọc chắp tay kính cẩn nói :



- Tiểu thần còn phải giải khâm phạm trở về phục mệnh. Kính xin Tinh chủ cho phép được cáo lui.



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu :



- Được rồi. Khanh đang mang trọng trách, cô gia không tiện giữ lại. Thôi. Khanh cứ đi đi.



Phong Đô Thành chủ cung kính vâng dạ, chắp tay vái dài, rồi bước lùi về phía sau mấy bước, sau đó mới động thân, quay lại ngồi trở vào trong cỗ kiệu. Cỗ kiệu lớn lại được tám tráng hán từ từ nâng lên, cùng chúng âm binh quay gót, nhanh chóng chạy thẳng xuống núi, thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn kỳ ảo.



Lúc này, Thông Thiên Giáo chủ vẫn hãy còn quỳ dưới đất. Giang Hoài Ngọc thấy vậy liền vội đứng lên, bước tới đỡ lão đứng dậy, khẽ hỏi :



- Khanh là môn hạ của Kỳ Liên Sơn phải không.



Thông Thiên Giáo chủ tạ ân đứng dậy, cung kính đáp :



- Kính bẩm Tinh chủ. Ân sư của thần chính là Thông Thiên lão nhân ở Ngọc Trụ Phong, Kỳ Liên Sơn.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Vậy ra khanh cũng không phải là người ngoài. Kỳ Liên Tam lão đức cao vọng trọng, cô gia rất mến mộ. Thôi được rồi. Khanh cũng không nên quá giữ lễ. Hãy ngồi xuống đi.



Thông Thiên Giáo chủ chắp tay vái tạ, nói :



- Tạ Tinh chủ. Thần không dám.



Lão đã biết Giang Hoài Ngọc là ai rồi, làm sao dám ngồi ngang hàng với chàng. Lam y văn sĩ đang đứng sau chàng liền đỡ lời :



- Chúa công. Lúc này chúa công cũng đã mệt mỏi nhiều. Vậy xin chúa công hãy vào ngự trướng nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Việc ở đây cứ giao lại cho bọn lão phu lo liệu là được rồi.



Giang Hoài Ngọc gật đầu :



- Thôi được rồi. Có lẽ cô gia cũng cần phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Các vị tiên sinh hãy thay cô gia khoản đãi Yến khanh gia. À. Mà nhân đây, các vị tiên sinh hãy thiết yến khoản đãi các vị Thần Ma luôn thể.



Cả bốn người bọn họ đồng chắp tay vâng dạ, đoạn Hoàng bào lão nhân gọi các Hoàng y thiếu nữ đến đưa Giang Hoài Ngọc vào ngự trướng nghỉ ngơi. Đích thân lão đưa chàng vào đến tận tẩm phòng.



Yến tiệc cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ vì những sự rắc rối diễn ra nãy giờ mà chưa được dọn lên. Lam y văn sĩ liền truyền thị nữ mang ra. Bàn ghế được thu xếp lại. Mười chín vị Thần Ma cũng được triệu đến dự yến tiệc để đền công bọn họ đã khó nhọc suốt mấy hôm nay.




Mười chín vị Thần Ma nghe tin được chúa công thiết yến khoãn đãi, hoan hỷ đến ngay. Khi đối mặt với Thông Thiên Giáo chủ, bọn họ vẫn chào hỏi lão như thường, không xem lão là người ngoài, bỏ qua hết những chuyện trước đây. Tất cả cùng nhau ăn uống chuyện trò vui vẻ.



Khi đã say sưa, bọn họ lại gây nên một trường náo nhiệt. Nhưng cũng may là đang ở tại ngự doanh nên cũng không đến nỗi gây ra nhiều chuyện rắc rối không thu xếp được. Những chuyện ăn nhậu rồi gây sự với nhau của mấy vị Thần Ma tưởng không cần phải tường thuật chi tiết.



Và kể từ hôm ấy, Thông Thiên Giáo quyết định thay đổi tôn chỉ để trở thành lộ thứ hai mươi. Thông Thiên Giáo chủ cũng cải hiệu thành Thông Thiên Thần Ma, để sánh vai cùng chư vị Thần Ma.



Trên dòng Trường Giang …



Một chiếc lâu thuyền to lớn, lộng lẫy đang lững lờ trôi trên quãng sông vắng. Xung quanh lâu thuyền có tám chiếc thuyền lớn dàn ra bảo vệ. Đó là đoàn thuyền ngự của Giang Hoài Ngọc.



Sau khi đã giải quyết được Bạch Phát Đồng Tử, Thông Thiên Giáo đã quy thuận, chàng cho các lộ trở về nguyên vị, rồi được thị vệ bảo giá về địa phận Trường Giang, nơi đoàn thuyền ngự đang neo đậu, và cũng là nơi xuất phát của mọi chuyến đi trong cõi Trung Nguyên của chàng.



Lúc này, Giang Hoài Ngọc đang cùng ba vị Tổng quản là Quan lão, Uông lão, và Bách Lý Hạc nghị sự trong một gian phòng được bài trí hoa lệ, quý phái. Bàn ghế bằng gỗ quý, khảm xà cừ bóng loáng, trên trần treo một ngọn đèn chùm pha lê cực kỳ sang trọng. Xung quanh còn bày vô số những vật dụng quý giá xa hoa, biểu hiện cho thân phận tôn quý tột bậc của Giang Hoài Ngọc.



Trong phòng chỉ hiện diện bốn người : Giang Hoài Ngọc cùng Quan lão, Uông lão và Bách Lý Hạc, không có cung nhân hầu hạ hay thị vệ chầu hầu. Cả Chu Kỳ Xương cũng không được tham dự, bởi y không phải là nguyên lão trọng thần, không được tham gia nghị bàn những đại sự quan trọng.



Hiện giờ, Thông Thiên Giáo đã tuân phục, nhận thấy đại cuộc võ lâm đã tạm ổn định, Giang Hoài Ngọc thấy đã đến lúc chàng một mình qua lại giang hồ, giải quyết một số việc riêng tư mà chàng vẫn canh cánh bên lòng bấy lâu nay. Chàng đem ý này bàn với ba vị Tổng quản.



Quan lão ngẫm nghĩ giây lát, mới nói :



- Chúa công muốn tuần du giang hồ, lão phu không dám phản đối. Chỉ xin chúa công hãy mang theo vài đội thị vệ hộ giá. Còn như chúa công không muốn mang theo nhiều người thì hãy để bọn lão phu đi theo bảo giá.



Giang Hoài Ngọc lắc đầu :



- Cô gia muốn được đi một mình cơ.



Quan lão kiên quyết nói :



- Không được đâu. Hiện tình võ lâm vẫn chưa được thật sự yên bình. Chúa công đi lại một mình như thế thật không an toàn chút nào.



Bách Lý Hạc cũng khuyên giải :



- Chúa công thân phận tôn quý, sự an nguy của chúa công quan hệ trọng đại đến đại cuộc võ lâm. Vậy nên chúa công cần phải bảo trọng ngọc thể, không được khinh xuất dấn thân vào chốn hiểm nguy.



Quan lão lại nói :



- Lão phu được điện hạ tin tưởng giao cho trọng trách bảo vệ chúa công. Nếu như chúa công mà có xảy ra chuyện gì, lão phu không gánh nổi trách nhiệm đâu. Xin chúa công hãy nghĩ lại.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu nhìn xuống, khẽ nói :



- Chính điện hạ cũng ủng hộ việc cô gia đi một mình cơ mà.



Quan lão nghe chàng nhắc đến điện hạ, thoáng ngẩn người, không biết nói sao. Bách Lý Hạc liền vội đỡ lời :



- Chúa công. Lão phu nghĩ rằng điện hạ có ủng hộ việc chúa công một mình tuần du giang hồ thì cũng chỉ khi nào sự an toàn của chúa công được đảm bảo kia. Còn trong lúc này thì …



Quan lão nói thêm :



- Điện hạ thương yêu chúa công như thế, chúa công nên bảo trọng ngọc thể để khỏi phụ lòng điện hạ mới phải.



Giang Hoài Ngọc khẽ nói :



- Cô gia thấy … võ lâm cũng đã tạm yên rồi cơ mà.



Quan lão nói :



- Không phải đâu chúa công. Tuy Thông Thiên Giáo đã tuân phục, nhưng võ lâm vẫn chưa phải đã hết rối loạn. Trận chiến nơi Tung Sơn Thiếu Lâm Tự khi trước mà Long nhi có tham dự cho thấy Trường Hận Môn đã chính thức lộ diện, khuấy động võ lâm, mưu đồ bá nghiệp. Có lẽ sắp tới đây trong giang hồ sẽ còn xảy ra lắm chuyện mà … khó thể lường trước được.



Bách Lý Hạc tiếp lời :



- Chúa công. Quan lão ca nói phải đó. Lão phu cũng nhận thấy giờ chưa phải là lúc thích hợp để chúa công đơn thân xuất tuần.



Quan lão nói :



- Chúa công tuần du giang hồ, có lão phu đi theo cũng có sao đâu. Xin chúa công hãy nghĩ lại.



Giang Hoài Ngọc khẽ thở dài. Thấy Uông Triều nãy giờ vẫn ngồi trầm ngâm, chàng đưa mắt nhìn lão, khẽ hỏi :



- Uông tiên sinh. Ý kiến tiên sinh thế nào.



Uông lão nghe chàng hỏi, còn ngẫm nghĩ một lúc rồi mới đáp :



- Hồi bẩm chúa công. Lão thần là phận thần tử, nếu chúa công đã quyết ý thì lão thần không dám kháng chỉ. Nhưng …




Giang Hoài Ngọc thấy lão ngập ngừng liền nói :



- Tiên sinh thấy sao xin hãy cứ nói ra. Nếu như hợp tình hợp lý thì cô gia đương nhiên sẽ phải nghe theo.



Uông lão chậm rãi nói :



- Chúa công. Xin cho phép lão thần được nói thẳng. Xét những hành động mà Trường Hận Môn đã gây ra trong thời gian qua, đã cho thấy dã tâm và sự tàn nhẫn của bọn họ có phần vượt hơn cả Thông Thiên Giáo. Nếu như lão thần nhớ không lầm thì khi ở Tung Sơn, Trường Hận Môn chủ đã từng nói rằng : “… Dù cho có giết lầm đi nữa thì cũng chẳng sao. Chúng ta mà giết ba bốn chục người thân thích của bọn họ thì trong số đó ít ra cũng phải có mấy người đáng chết”. Chỉ với câu nói đó thôi cũng đã thấy được tính cách của y như thế nào rồi.



Giang Hoài Ngọc hơi cúi mặt, sắc diện buồn rầu. Chàng khẽ buông nhẹ tiếng thở dài, ngập ngừng hỏi :



- Vậy … ý tiên sinh là …



Uông lão nói :



- Chúa công bản tính hiền đức nhân hậu, tâm tính từ hòa, nếu như mà gặp phải bọn họ thì … nguy hiểm vô cùng.



Quan lão cũng gật đầu nói :



- Chúa công. Lão Uông nói phải đó. Lúc này chúa công không nên đi ra ngoài giang hồ một mình. Nếu chúa công muốn đi ngay lúc này thì bọn lão phu xin theo bảo giá. Còn như chúa công muốn đi một mình thì xin hãy chờ thêm một thời gian nữa, đợi tình hình yên ổn hoàn toàn đã.



Giang Hoài Ngọc trong lòng rất muốn đi ngay lúc này, nhưng chàng cũng không thể bỏ qua lời khuyên can chí tình của ba vị Tổng quản. Chàng mãi ngẩn ngơ, không biết nên quyết định thế nào cho phải. Chàng khẽ thở dài.



Lúc này, bên ngoài bỗng có thanh âm thiếu nữ lên tiếng nói :



- Trình chúa công. Có Truyền Tín Sứ đến truyền thánh chỉ.



Giang Hoài Ngọc vội nói :



- Hãy mau mời vào.



Thiếu nữ kia liền ứng tiếng vâng dạ, vội vã đi ngay. Giang Hoài Ngọc cùng với Quan lão, Uông lão và Bách Lý Hạc cũng lập tức rời tịnh thất, đi ra đầu thuyền nghênh đón thánh chỉ.



Một lát sau, từ phía xa xa bỗng hiện ra một chiếc thuyền con đang chèo thẳng tới nơi bọn Giang Hoài Ngọc đang đứng. Chiếc thuyền nhỏ này chèo rất nhanh, chỉ trong chốc lát là đã đến gần bên.



Trên thuyền có một nhân vật mũ cao áo rộng, phong thái đường bệ, chính là Truyền Tín Sứ, nhân vật chuyên phụ trách việc truyền thánh chỉ đi các nơi, cùng hai cẩm y hán tử chèo thuyền.



Thuyền cặp mạn. Truyền Tín Sứ bước sang lâu thuyền, tiến đến trước Giang Hoài Ngọc trịnh trọng vòng tay nói :



- Tiểu thần là Truyền Tín Sứ, xin bái kiến Tinh chủ.



Chỉ có Giang Hoài Ngọc mới khiến y trịnh trọng giữ lễ như thế. Chàng vội vòng tay đáp lễ, nói :



- Không dám. Xin chào Tôn sứ.



Truyền Tín Sứ lại nói :



- Kính bẩm Tinh chủ. Có thánh chỉ. Thỉnh Tinh chủ ngự lãm.



Vừa nói y vừa đưa ra một đạo thánh chỉ. Giang Hoài Ngọc nói :



- Xin Tôn sứ hãy tuyên đọc.



Truyền Tín Sứ mỉm cười nói :



- Không. Điện hạ đã dặn bảo tiểu thần không cần phải tuyên đọc mà cứ giao lại cho Tinh chủ. Thỉnh Tinh chủ ngự lãm.



Quả là điện hạ đã ưu ái Giang Hoài Ngọc đến cực điểm. Ngay bọn Quan lão cũng lấy làm ngạc nhiên. Giang Hoài Ngọc kính cẩn tiếp lấy đạo thánh chỉ, giở ra xem, rồi quay sang nói với bọn Quan lão :



- Điện hạ tuyên triệu cô gia cùng ba vị tiên sinh đến triều kiến. Chúng ta cần phải đi ngay, không nên để điện hạ phải chờ đợi.



Ba người đồng chắp tay vâng dạ, rồi Quan lão triệu tập thống lĩnh các đội thị vệ, dặn dò sắp đặt mọi việc, sau đó cùng Giang Hoài Ngọc chuyển sang chiếc thuyền nhỏ của Truyền Tín Sứ đi kiến giá.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây