Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

12: Ngày làm mưa làm gió


trước sau

Thời gian như nước xuôi dòng, mỗi lần ngắm mình trong gương, tôi thường cảm thán: “Phát thiểu hà lao bạch, nhan suy khẳng canh hồng?(1)” Dù tôi có sẵn lòng hay không, nếp nhăn trên mặt tôi ngày một nhiều hơn, tôi chẳng gắng gượng tỏ ra nghiêm trang nữa, lúc cần cười thì cười to, kết quả là bọn Huyền Diệp, Tô Mạt Nhi bảo dường như tôi trẻ hơn. Tôi cũng chả biết đó là lời thật lòng hay chỉ là câu an ủi, rất vui lòng.

(1): trích bài Ký Tư Mã Sơn nhân thập nhị vận – Đỗ Phủ. Dịch nghĩa: Chẳng biết từ khi nào tóc xanh lại vơi, lại bạc, dung nhan tiều tụy, khi nào mới có thể trở lại ngày đầu?

Đôi khi, tôi bất giác trùm tính cách của Lâm Tử Thanh lên người Hiếu Trang, bọn Thường Ninh hỏi tôi, sao già rồi lại có tính trẻ con vậy? Tôi nói, ở phía Nam có một nơi có phương ngôn rằng, trẻ con được gọi là tiểu ngoan, người già thì là lão ngoan(2), như một minh chứng cho việc con người già rồi sẽ trở nên giống trẻ con hơn. Bọn họ chứng kiến nhiều rồi thì chẳng lấy làm lạ nữa, cuộc sống của tôi rất êm đềm.

(2): ngoan [顽] ở đây có nghĩa là bướng bỉnh, nghịch ngợm, bla bla…

Tôi lại là người hiện đại, đắc ý đến điên lên được.

Bấy giờ tôi rất đắc ý, đắc ý vô cùng. Với vẻ ngoài như một bó cải trắng già, thế mà tôi có thể thắng vô số cô gái trẻ đẹp để độc chiếm một mĩ nam cực phẩm, sao không khiến tôi đắc ý chứ? Cớ gì tôi lại chẳng đắc ý? Tôi mà không đắc ý, xem chừng ông trời cũng chả chịu được. Chẳng phải vì chuyện này không thể công khai, thật tôi rất muốn dựng một vũ đài, xướng một thiên chín chín tám mốt khúc, khoe khoang khắp nơi một phen.

Ngày qua năm đến, tôi sớm quên đi ý muốn về nhà, giờ đây tình hình chính trị ổn định, nội loạn đã dứt, họa ngoại xâm lại chưa xảy ra, tôi bắt đầu yên tâm hưởng thụ lợi ích mà ngôi vị Thái hoàng thái hậu mang lại.

Tôi phát hiện Thái hoàng thái hậu là một nghề tốt.

Đầu tiên, có thể khiến vô số người phải khom lưng uốn gối. Trừ tượng Phật, bài vị tổ tiên, ai dám nhận cái cúi đầu của tôi nào? Trên đầu gối tôi có dát vàng đấy, cái lưng già cỗi này không chịu được căng thẳng đâu. Há! Há! Há! Tôi chống nạnh ngửa mặt lên trời cười dài ba tiếng. Dao Hoa, Nhược Hi xinh như hoa thì sao nào? Chẳng phải vẫn quỳ gối trước mặt Khang Hi, thấp thỏm rụt rè hay sao? Còn Huyền Diệp, trước mặt tôi, nó mới là đứa phải cúi thấp cái đầu cao quý của mình. Đế vương thiên cổ lại quỳ gối trước mặt tôi, đợi tôi ban một tiếng “Bình thân”, cảm giác ấy, chỉ một chữ “sảng khoái” sao có thể diễn tả hết?

Thứ hai, mọi người đều kính yêu Thái hoàng thái hậu tôi đây. Vợ lớn vợ bé của Huyền Diệp thì khỏi nói, có thứ gì ngon đẹp đều không quên tặng tôi một phần, vỗ mông ngựa đến là thuận tay. Phúc Toàn, Thường Ninh sau khi lấy vợ thì phân phủ xây nhà, cứ chốc chốc lại mang đồ tốt đến tặng tôi. Thê thiếp bọn nó cũng hay tiến cung cùng tôi chơi mạt chược, vẫn luôn tìm cách đánh bại tôi. Còn Huyền Diệp, tuy trăm công ngàn việc vẫn khăng khăng sớm vấn an chiều báo cáo. Các đại thần thì càng khỏi phải bàn. Chả phải “nổ” chứ, tôi chỉ cần ho một tiếng, thuốc ho từ Càn Thanh cung lũ lượt xếp hàng đến Từ Ninh cung ngay.

Lại nói, ai dám mích lòng tôi? Tôi dậm chân một cái, tới Tử Cấm thành cũng phải run ba lần. Người xưa luôn kiêng kỵ này nọ, tôi mít đặc mấy vụ này, ờ thì dù sao tôi cũng là Thái hoàng thái hậu, có nói gì sai cũng chả ai dám trách móc sửa lời, thế nên tôi lão ngôn vô kỵ(3). Tựa như chuyện về áo may-ô(4), tôi kể cho chúng nghe, bấy giờ Huyền Diệp đang vận áo trấn thủ(5), chẳng phải cũng chỉ đành cười bồi đấy thôi? Hớ hớ hớ, tôi lại buồn cười.

(3): chế từ cụm “đồng ngôn vô kỵ”.

(4): áo thun ba lỗ.

(5): áo ngoài cộc tay, tựa tựa may ô.

Nói ra thì, cuộc sống của một vị Hoàng đế không phải tùy tâm sở dục(6) như trước đây tôi nghĩ, trừ phi họ muốn làm hôn quân.

(6): tùy ý thích của mình.

Tỷ như đôi khi đại thần dâng tấu, tuy trái thánh ý nhưng trình bày đúng lý hợp tình thì Hoàng đế cũng đành phải chấp nhận, lại còn phải kìm nén tâm trạng mà tán thưởng vị đại thần ấy. Tuy Huyền Diệp là minh quân nhưng vẫn còn trẻ, nhiều lúc vẫn bốc đồng, sau khi về nội cung chẳng tránh khỏi việc tức giận khó xoa dịu.

Từ sau khi nghe chuyện về áo may-ô, Huyền Diệp bắt đầu thích ban thưởng hoàng mã quái(7), hồ như mỗi vị đại thần chính trực không hiểu nghệ thuật kia đều được một bộ, từng người vái lạy, cảm động trước ơn tri ngộ của Thánh thượng. Cũng bởi thế mà lòng của Huyền Diệp êm ái vô cùng.

(7): quan phục thời Thanh.

Nhìn mấy cái mai rùa vàng tươi này, tôi rất vui, rốt cục thì tinh thần AQ qua sự tuyên truyền của mình cũng đã nở rộ trên đỉnh kim tự tháp Đại Thanh.

Sau này, việc ban thưởng hoàng mã quái trở thành nét đặc sắc riêng của Đại Thanh, chuyện áo may-ô bị vùi dập giữa dòng lịch sử, thẳng đến vở tiểu phẩm của Triệu Bổn Sơn(8) được công diễn thì mới lại thấy ánh mặt trời.

(8): một ngôi sao kỳ cựu Trung Quốc.

Huyền Diệp phiền lòng nhức óc với đám quan tham ô, tôi khuyên cậu: “Đừng nóng vội, quan của chúng ta đều là thanh quan cả.” Huyền Diệp thở dài: “Sao mà thế được? Trong bọn họ, khó tránh khỏi vàng thau lẫn lộn.” Trêu người chẳng biết phiền, tôi nói: “Đại Thanh chúng ta không phải quan Thanh thì lẽ nào lại cho ra quan Đường, quan Tống?(9)” Huyền Diệp bị tôi chọc cười, ánh mắt bớt híp lại, cảm thán: “Phí hoài trẫm nhiều phi tử như thế mà chẳng gặp được ai vui tính phóng khoáng như Hoàng tổ mẫu Người.” Tôi không khỏi hơi đắc ý, vua thiên cổ cũng chẳng thoát được sức quyến rũ của tôi đó nha, tuy tôi chẳng ham chia sẻ đàn ông với người khác, song vẫn khiến tôi thỏa mãn lòng hư vinh của mình.

(9): chơi chữ, thanh quan và quan Thanh đều là [清官].

Xuân năm Khang Hi thứ chín, Huyền Diệp vui vẻ báo với tôi, công chúa Thục Tuệ – con gái năm xưa tôi gả sang Bahrain(10) vài ngày nữa sẽ đưa con mình vào kinh thăm tôi. Nghe nói trước đây tôi thương “nó” nhất.

(10): một đảo quốc tại vịnh Ba Tư.

Tôi cố gắng nặn vẻ tươi cười, trong lòng thầm nhủ, gặp bà ta rồi, tôi nên biểu hiện như nào đây? Trước mặt mẹ mình, tôi lúc nào cũng làm nũng vờ vịt, giờ tự dưng trồi ra một cô con gái cưng cỡ tuổi mẹ tôi, tôi nên diễn vai mẹ hiền như nào đây? Tưởng tượng xíu nào, một ngày nọ mẹ bạn nhào vào lòng bạn làm nũng, sau đó bạn quát bà ấy… Uầy ~ Đáng sợ thật, chắc chắn tôi sẽ cười một trận đã đời.

Tôi xào nấu lại mấy vở “Lương Chúc”, “Romeo và Juliet” cả trong và ngoài nước, cảm xúc xót xa buồn thương bắt đầu bộc phát, ngầm bôi tiêu lên mặt, chuẩn bị gặp công chúa Thục Tuệ.

Tới lúc thấy bà ấy, tôi lại hoảng sợ, bà ấy thế mà lại giống mẹ tôi đến bảy phần, bấy giờ chẳng cần tác động từ bên ngoài, hốc mắt tôi cứ thế mà đỏ. Bên kia, Thục Tuệ sớm đã nhào vào lòng tôi, gọi một tiếng “Hoàng ngạch nương” rồi bắt đầu khóc, tôi cũng nấc lên. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy hình ảnh mẹ con trùng phùng sau khi xa cách đã lâu rồi ôm nhau khóc lóc, nào biết bà ấy khóc vì cửu biệt mẹ bà, tôi khóc vì mình đã lâu không gặp mẹ mình.

Tạm ổn rồi, họ tách nhau quá lâu, nghe bà ấy kể về cuộc sống sau khi chia xa cũng tốn không ít thời gian, chả còn dư bao nhiêu để hồi tưởng lại tình cảm mẹ con sâu sắc trước kia nữa. Còn về phần đứa cháu ngoại thì càng dễ đối phó, cứ thưởng cho một đống đồ rồi đá nó tới cho Thường Ninh tiếp đãi.

Mắt sưng to, tôi đến thăm Vô Trần, anh hoảng hồn hỏi: “Đây là cớ làm sao?”

Tôi buồn bã nói: “Hôm nay em gặp công chúa Thục Tuệ, bà ấy rất giống mẹ em, chẳng biết mẹ em giờ sao rồi nhỉ? Nghĩ đến lại buồn nên khóc một trận.”

Vô Trần nhìn tôi đầy áy náy: “Xin lỗi, Thanh Thanh, nếu không vì ta, em đã chẳng phải đến chốn này.”

Tôi vội an ủi anh: “Sao trách chàng được, đấy là do ông trời. Nhưng nếu không đến đây, em đã chẳng gặp được chàng, vậy nên em không so đo với trời nữa.”

Tôi thấy Vô Trần vẫn không yên lòng cho lắm, vội lảng sang chuyện khác: “Chàng biết không? Ngoại tôn em tên là Phượng Ngô, công chúa Thục Tuệ giải thích là lúc mang thai nó nằm mơ thấy chim phượng đậu trên cây ngô đồng, em nghe mà phải đổ mồ hôi lạnh dùm nó.” Vô Trần khó hiểu, tôi chẳng nén nổi mà bật cười: “Chàng nói xem, ha ha, chàng nói xem, nếu mẹ nó, ha ha, nếu mẹ nó mơ thấy gà đùa quanh bụi chuối thì phải làm sao? Ha ha ha.” Vô Trần cũng cười, mặt đỏ lên, bộ dạng lúng túng. Tôi nhận ra mình nhỡ miệng, cười ngu lấp liếm.

Lòng lại bùi ngùi, Vô Trần đã hơn ba mươi rồi, người thường chẳng biết đã sinh được bao nhiêu đứa con, anh lại vẫn trong trẻo như thế, nói ra thì đều do tôi làm lỡ anh. Kìm không được mà hỏi: “Vô Trần à, chàng có tiếc không?”

Vô Trần không hiểu lắm: “Tiếc gì?”

Tôi ngượng ngịu một hồi: “Là, là cái chuyện nam nữ kia, chàng có muốn tìm cơ hội thử một lần không?”

Cả nửa ngày sau Vô Trần mới hiểu được ý của tôi, mặt càng nhuộm đỏ hơn: “Cái đó à, người không phải động vật, lời nói và hành động đều phát ra từ tình, dừng lại ở lễ nghĩa.” Lại gượng gạo hỏi tôi: “Vậy còn em, em từng thử chưa?”

Tôi lắc đầu: “Em cũng chưa.”

Vô Trần như thở phào nhẹ nhõm.

Tôi tiếp tục cảm khái: “Vì em mà trên đời có một cô gái mất người yêu, có một đứa bé chẳng có cơ hội chào đời.”

Vô Trần nhìn tôi, vỗ về: “Từ nhỏ, những thứ bầu bạn ta trưởng thành là kinh thư tượng Phật, nếu chẳng vì từng đáp lời ngạch nương rằng không được xem nhẹ xuất thân của mình, ta sớm đã trở thành đệ tử cửa Phật. Giờ chẳng qua là cửa Phật mất đi một đệ tử, chẳng có cô gái hay đứa bé nào cả.”

Tôi lén thở phào, tôi rất sợ Vô Trần sẽ giận mình sau khi cân nhắc kỹ càng, giờ đã biết tu hành là nguyện vọng lâu nay của anh, cảm giác tội lỗi trong tôi có thể bay biến rồi.

Vô Trần à, em ước rằng chàng vĩnh viễn là của em thôi.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây