Thiên Hạ Truyền Kỳ

36: Hà đương khải hoàn yến tướng sĩ tam canh tuyết áp kim lăng thành


trước sau



“Bao giờ thắng trận khao tướng sĩ,



Ngay tại Kim Lăng đêm tuyết sa.”



Lại nói, được tùy tướng Vương Tôn và một đám thị vệ liều mạng ngăn cản truy quân, Yên vương Chu Lệ dẫn tàn quân chạy thoát được về phía tây. Bọn Cẩm Y Vệ giao chiến với bọn họ Vương gần nửa giờ mới giải quyết được trận chiến, rồi lại tiếp tục thúc ngựa đuổi theo. Yên vương Chu Lệ là đầu lĩnh Yên quân, bắt được ông ta là công lao rất lớn, nên chúng Cẩm Y Vệ đương nhiên không chịu bỏ qua. Cả bọn đều lần lượt truy đuổi về phía tây.



Kẻ truy người tẩu, ngày lại qua ngày, cuối cùng thì khi đến khu vực lân cận Khai Phong, bọn Cẩm Y Vệ cũng đã đuổi kịp mục tiêu, bao vây bọn Yên vương ngay trên quan đạo. Lúc này, bọn Yên vương chỉ còn lại hơn hai mươi người, đối diện hơn năm mươi tên Cẩm Y Vệ, xem ra lành ít dữ nhiều. Chúng tùy tướng và thị vệ trung thành nhất tâm tử chiến đến cùng. Yên vương Chu Lệ cũng đã chuẩn bị tự tận trong trường hợp tồi tệ nhất.



Song phương quần đảo một trận, hỗn chiến kịch liệt. Dù nhân số chênh lệch lớn, nhưng do phía Yên quân quyết tâm tử chiến, hết sức liều mạng đánh giết tưng bừng, khiến bọn Cẩm Y Vệ cảm thấy bó tay bó chân, không thể nào thi triển toàn bộ thực lực. Thành ra cuộc chiến nhất thời chưa thể ngã ngũ. Có điều, ai cũng nhìn thấy phía Yên quân chỉ là hồi quang phản chiếu, sức người rồi cũng có lúc hao kiệt, chẳng thể nào cầm cự được lâu hơn. Bởi thế mà đám Cẩm Y Vệ cũng không gấp hạ sát thủ, chỉ cố ngăn chặn không cho đối phương có đường tháo chạy mà thôi. Bọn họ còn chờ tận hưởng vinh hoa phú quý, không dại gì liều mạng tử chiến.



Thứ tử của Yên vương là Chu Cao Tuất vốn là người võ dũng, thấy đánh lâu mà vẫn không phá được vòng vây, trong lòng nóng nảy, liền vận toàn lực vào vũ khí, cười gằn một tiếng, nhảy xổ vào đám Cẩm Y Vệ. Vũ khí của gã là một cặp Thư Hùng Đoạn Hồn Câu, chiếc dài chiếc ngắn, sắc bén và cứng rắn vô song. Gã vừa cười âm trầm vừa múa tít song câu tấn công một lúc hai tên Cẩm Y Vệ. Đoạn Hồn Câu của gã là một lợi khí có thể chém đứt cả phổ thông thiết kiếm, nên sẵn sàng đối chiêu mà chẳng hề e ngại gì. Đánh giết một lúc, gã đã chém đứt vũ khí của một tên Cẩm Y Vệ, và sát tử hắn ta. Gã đầu mục Cẩm Y Vệ thấy vậy, vội phái năm tên Cẩm Y Vệ khác đến vây đánh Chu Cao Tuất. Năm gã này kẻ kiếm người đao, hô ứng lẫn nhau, công thế liền lạc như da trời, xoay tả chém hữu, tấn công rất rát, nên dù có bất lợi về vũ khí thì vẫn khống chế được cục diện. Chu Cao Tuất bị hãm ở đây, không thể nào hộ vệ phụ vương được.



Cuộc chiến càng lúc càng thảm liệt. Đấu pháp đổi mạng của phe Yên quân xem ra cũng có ít nhiều hiệu quả. Hy sinh hơn mười cao thủ, bọn họ đã buộc hơn hai mươi gã Cẩm Y Vệ phải ngã xuống nơi đây. Thế nhưng càng về sau thì áp lực đối với bọn họ càng tăng, bởi lúc này, bọn họ chỉ còn lại hơn mười người, mà phải kháng cự với hơn ba mươi địch thủ. Và vòng vây càng lúc càng xiết chặt hơn. Không thể nào phá vây đào thoát, cả bọn chỉ đành đâu lưng ứng chiến. Tình cảnh vô cùng tồi tệ.



Trời sắp hoàng hôn. Vầng thái dương đã đi về đến gần cuối chân trời. Màn đêm sắp đến, và cuộc chiến cũng sắp tàn. Bọn Yên vương sau mấy phen cố sức phá vây không thành, cũng sắp phải lực chiến thân vong. Nhưng phía bọn Cẩm Y Vệ cũng phải chịu tổn thất không nhỏ. Máu chảy nhuộm hồng cả một dải quan đạo.



Đột nhiên, nghe có tiếng quát tháo om sòm.



Rồi trên đường lớn, một đoàn người đang rầm rộ đi tới. Dẫn đầu là hai hoàng y đại hán, tay cầm đại phủ, thân cao lực tráng, uy thế khiếp người. Phía sau là mấy chục cao thủ, gồm cả tục đạo, vây quanh hai cỗ kiệu lớn. Mỗi cỗ đại kiệu do tám tên kiệu phu lực lưỡng khiêng. Mỗi cỗ kiệu đều che rèm hoàng sắc, chỉ thêu kim tuyến, nạm châu kết ngọc, quý hiển tuyệt luân, có phong thái của bậc vương hầu tôn quý.




Cả song phương đang giao chiến đều thầm thắc mắc, không hiểu những người sắp đến kia thuộc về phe nào, và có nhập cuộc hay không. Đám Cẩm Y Vệ sợ để lâu sinh biến, nên càng đánh giết gấp hơn. Chỉ trong thoáng chốc, lại có thêm hai gã thị vệ thân cận của Yên vương bị chém chết.



Đoàn người dần dần đi đến gần chiến trường. Đại phủ khai lộ hoàng y đại hán đồng quát to :



- Tặc tử hà phương ? Đánh nhau giữa đường cản trở hành nhân, há định làm loạn ? Mau mau tránh đường.



Gã đầu lĩnh Cẩm Y Vệ quan sát những người mới đến, thấy đối phương trừ hai gã hoàng y đại hán dẫn đầu, những người còn lại ánh mắt không lấp loáng hữu thần, thái dương huyệt cũng không gồ cao, cho rằng chỉ là phổ thông hộ vệ, nên rất yên tâm. Giữa lúc đó, không thấy đối phương đáp lại, một trong hai gã khai lộ đại hán lại quát :



- Cuồng đồ Cẩm Y Vệ các ngươi là một đám vô học bất tài, chỉ chuyên nịnh hót thượng quan, áp bức hạ nhân, ti tiện bỉ ổi, nay các ngươi ỷ chúng hiếp cô, quả là phường thối tha bại hoại, đáng khinh đáng ghét.



Bình thường bọn Cẩm Y Vệ hống hách đã quen, chẳng xem bình dân bách tính vào đâu, nên cảm thấy mấy lời kia rất chói tai. Gã đầu lĩnh nộ hỏa xung thiên, bỏ đối thủ nhảy ra điểm mặt gã hoàng y đại hán vừa lên tiếng, gầm lên :



- Tên cẩu tặc kia, thật là to gan lớn mật mà. Các ngươi đồng lõa cùng phản quân, cũng tức là phản tặc. Ta phải bắt các ngươi về quy án.



Hoàng y đại hán cũng không vừa, bật cười nhạt, lớn tiếng mỉa mai :



- Đúng là giống nào thì sủa thế ấy. Thiên hạ nói chẳng sai mà !



Gã bên cạnh lập tức tiếp lời :



- Đương nhiên phải thế rồi. Chứ loài sô cẩu thì sao có thể nói những lời ra dáng con người được.



Gã đầu lĩnh Cẩm Y Vệ đỏ mặt tía tai, mắt lộ hung quang, nhảy chồm chồm quát mắng :



- Ta thề phải giết sạch lũ các ngươi, rồi cắt lưỡi bỏ cho chó ăn.



Đột nhiên nghe vèo một tiếng. Từ trong kiệu bắn ra một viên ám khí trúng vào huyệt Phục Thố trên đùi gã ta, khiến gã phải quỵ phục xuống. Ám khí này rất nhỏ bé mà tốc độ cực nhanh, lực đạo cũng cực kỳ mãnh liệt. Gã đầu lĩnh Cẩm Y Vệ vừa bị trúng ám khí, chân đã mềm nhũn ra, không thể chi trì được nữa, phải quỵ phục xuống đất. Đến khi nhìn lại, gã mới nhìn thấy ám khí bắn trúng mình là một mảnh vàng vụn. Dụng vàng làm ám khí, hẳn nhiên phải là đại nhân vật. Gã ta thầm lo trong lòng.



Từ bên trong kiệu cất lên một giọng nói uy nghiêm :



- Các ngươi dám đến địa bàn của chúng ta tát dã, quả là không muốn sống rồi. Người đâu. Sát.



Đám hộ vệ lập tức cất tiếng dạ ran, rồi vung vũ khí xông vào trận chiến. Đến lúc này mới thấy được bọn họ toàn là nhất lưu cao thủ, võ công lợi hại vô cùng. Khi bọn họ vừa nhập cuộc, chỉ nghe thấy những tiếng vũ khí chạm nhau chan chát, rồi những tiếng gào rú thê thảm liên tiếp vang lên. Chỉ trong chưa đầy một khắc, bọn Cẩm Y Vệ đã bị tiêu diệt hoàn toàn, mà phía bọn hoàng y hộ vệ chỉ có vài kẻ khinh thương, hầu như không đáng kể. Yên vương Chu Lệ và đám thị vệ thân tín đều chấn kinh không sao kể xiết, đứng ngơ ngác nhìn bọn hoàng y hộ vệ tàn sát đám Cẩm Y Vệ. Dù sao thì bọn họ cũng thấy nhẹ lòng, vì tạm thời đã an toàn rồi.



Khi đám Cẩm Y Vệ đã bị giải quyết hết, Yên vương Chu Lệ liền chỉnh trang y phục, rồi tiến đến trước chỗ hai cỗ đại kiệu, vòng tay nói :



- Xin đa tạ chư vị đã viện trợ. Ân cứu mạng lần này ta không bao giờ dám quên.



Do đang trên đường chạy nạn nên y không dám xưng danh. Nào ngờ, trong cỗ kiệu yên lặng nãy giờ bỗng có tiếng cười khẽ truyền ra, rồi màn kiệu vén lên, một vị đạo nhân từ bên trong thủng thẳng bước ra. Đạo nhân tuổi khoảng lục tuần, tướng mạo hồng hào, râu dài bạc trắng, vận đạo bào trắng, đầu đội kim quan, lưng thắt dây tơ, tay cầm phất trần, dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Đạo nhân mỉm cười nói :




- Vô lượng thiên tôn. Đàn việt là Yên vương ở Bắc Bình phải không ?



Yên vương Chu Lệ giật mình, vội nói :



- Vâng ạ. Dám hỏi đạo trưởng là ... ?



Đạo nhân vuốt râu cười nói :



- Bần đạo là Thông Thiên Tử của Huyền Đô Bát Cảnh Cung.



Mấy năm gần đây, Huyền Đô Bát Cảnh Cung có oai danh rất lớn trong chốn võ lâm cũng như chốn quan trường. Rất nhiều đại quan quý hiển là tín đồ của tông phái Đạo giáo này. Còn đối với phổ thông bách tính, tín đồ há chỉ bách vạn. Địa vị của Huyền Đô Bát Cảnh Cung còn cao hơn cả hai tông phái Đạo giáo lớn khác là Thiên Sư giáo và Toàn Chân giáo. Yên vương Chu Lệ không dám thất lễ, vội chắp tay nói :



- Bản vương vẫn luôn tôn kính Linh Huyền Thượng nhân vì Ngài đã từng cứu mạng phụ hoàng. Hôm nay lại được đạo trưởng cứu mạng, bản vương vô cùng cảm kích.



Thông Thiên đạo trưởng mỉm cười nói :



- Diệt trừ đám Cẩm Y Vệ kia là người của Kim sư đệ, bần đạo không dám mạo công.



Yên vương Chu Lệ ngơ ngác :



- Kim sư đệ ... ?



Thông Thiên đạo trưởng quay vào cỗ kiệu còn lại, mỉm cười hỏi :



- Sư đệ không định ra mặt hay sao ?



Giọng uy nghiêm từ bên trong cỗ kiệu truyền ra :



- Đế vị chưa được định luận. Chúng ta không nên liên quan đến thì hơn.



Thông Thiên đạo trưởng cười nói :



- Sư đệ quá quan trọng hóa vấn đề rồi. Chúng ta chỉ là giữa đường gặp nhau, quan hệ bình thường thôi mà, có liên quan gì đến quốc sự đâu mà lo.



Trong kiệu có tiếng cười khẽ, rồi rèm kiệu được vén lên, một người từ trong kiệu thong thả bước ra. Đó là một thanh niên tuổi độ hai mươi lăm, dung mạo tuấn tú, vận y phục màu lục rất sang trọng hoa lệ, tóc búi gọn cột bằng vải lụa cùng màu với y phục, là loại gấm đoạn quý giá, có đính minh châu, toàn thân y phục sạch sẽ phẳng phiu không một nếp gấp. Bộ y phục của chàng ta xem chừng đáng giá cả một gia tài. Xem thần thái thì chàng ta hẳn nhiên phải xuất thân từ cự phú thế gia, đã quen sống trong nhung lụa, chưa từng nếm trải sương gió giang hồ.



Lục y công tử chỉ nhìn Yên vương Chu Lệ một lượt, khẽ gật đầu chào, nói :



- Mọi người hãy tạm nghỉ ngơi một lúc để lấy lại sức, rồi chúng ta sẽ vào thành.




Yên vương Chu Lệ hỏi :



- Công tử cũng là cao đồ của Huyền Đô Bát Cảnh Cung ?



Các đạo nhân thuộc hàng chữ Thông là cao đồ đời thứ hai của Huyền Đô Bát Cảnh Cung, đức cao vọng trọng, địa vị cao cả. Chàng lục y công tử này là sư đệ của Thông Thiên đạo trưởng, khi xuất hành lại có bài trường như vậy, thân phận địa vị đương nhiên không phải tầm thường, Yên vương tự nhiên có ý thân cận. Lúc này Yên vương không còn ý khí phong phát, kiêu ngạo tự phụ như hồi mới dẫn quân đến Tế Nam. Giờ đây Yên vương đã nhận ra sự thật là không thể chỉ dựa vừa đất Yên để chống lại triều đình. Bằng chứng là Yên quân chỉ có được chừng chục vạn, trong khi quân triều đình lũ chiến lũ bại, lũ bại lũ chiến, mà lúc nào quân số cũng vài chục vạn. Ban đầu lão tướng Cảnh Bỉnh Văn lĩnh quân 30 vạn bắc phạt, đại bại, chỉ còn lại tàn quân hơn 10 vạn. Lý Cảnh Long thay thế, hội họp với viện quân thành 60 vạn, bắc phạt, lại đại bại. Đến phiên Thịnh Dung làm tướng, lại hội quân 60 vạn phòng thủ Tế Nam, đại thắng. Đất Yên dân số có hạn, nên hạn chế quy mô quân đội. Sau lần đại bại này, Yên quân khó thể hồi phục trở lại như trước kia. Do đó, Yên vương mới thấy rằng cần phải giao kết thiên hạ anh hùng để làm vây cánh. Trong khi đó, chàng lục y công tử trước mặt không những thân phận phi phàm, mà còn không ưa triều đình (bằng chứng là đối diện Cẩm Y Vệ, muốn giết là giết), do đó cũng là đối tượng giao kết lý tưởng. Đương nhiên nếu thuyết phục được Huyền Đô Bát Cảnh Cung ủng hộ thì càng lý tưởng hơn.



Không biết chàng lục y công tử có nhìn ra ý đồ của Yên vương hay không, mà chỉ tủm tỉm cười nói :



- Ta là người của Kim gia ở Tây An.



Yên vương và quần thủ hạ nghe nói giật mình. Kim gia ở Tây An ? Ở Tây An còn có họ Kim nào có địa vị cao hơn Kim Tài Thần và Kim Tổng đốc. Kim Tài Thần hào xưng Vạn Lý Tài Thần, phú khả địch quốc. Ngân phiếu của Kim Ký Tiền trang còn có uy tín hơn cả ngân phiếu của triều đình. Còn Kim Tổng đốc không những nắm giữ trọng binh, mà hai vị Tổng đốc Hà Nam, Sơn Đông cũng chiếu theo hành động của Kim Tổng đốc mà hành sự. Tam trấn liên minh lấy Kim Tổng đốc làm đầu. Do đó, Kim gia quân lực tài lực đều hùng hậu, hào xưng thiên hạ đệ nhất thế gia cũng không có gì quá đáng.



Thế là Yên vương bảo chúng tùy tùng tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức, còn bản thân Yên vương đến hàn huyên nói chuyện với lục y công tử để bồi dưỡng cảm tình. Đối với Yên vương mà nói, chỉ cần được Tam trấn ủng hộ, việc vào Kim Lăng thành đăng cơ xưng đế cũng không còn xa vời nữa.



Lục y công tử tên là Kim Vân Phi, là trưởng tử của Thiểm Tây Tổng đốc Kim Thượng Quan. Thời bấy giờ, Thiểm Tây Tổng đốc kiêm quản cả Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ, vùng quản hạt nam đến Hán Trung, bắc đến Cam Túc, đông đến Đồng Quan, tây đến giáp giới Tây Tạng, là một đại trấn. Yên vương biết được điều này, nên càng tăng cường xúc tiến quan hệ giữa hai người. Bọn Yên vương không về Bắc Bình ngay mà theo đến Lạc Dương để gặp Hà Nam Tổng đốc Dương Thiên Hành, vận động họ Dương ủng hộ Yên quân.



Đến Lạc Dương, Yên vương tạm trú ở Bạch Vân Quan, phân viện của Huyền Đô Bát Cảnh Cung, sau đó liên tục đi giao thiệp với các thế gia vọng tộc ở đây, tìm sự ủng hộ. Chỉ có điều, đất Lạc Dương này là địa bàn của Dương Tổng đốc, chỉ có nhất ngôn đường. Mọi người đều nhìn sắc mặt của Dương Tổng đốc mà hành sự. Khi Dương Tổng đốc chưa chịu ra mặt ủng hộ Yên vương, những người khác làm sao dám trạm đội lúc này. Nhìn trước nhìn sau thì vẫn thấy Yên quân yếu thế hơn quân triều đình ở Kim Lăng. Chọn sai đội, hậu quả khôn lường.



Nỗ lực của Yên vương ở Lạc Dương không đem lại chút hiệu quả nào đáng kể. Cuối cùng, Yên vương đành hạ quyết tâm, thuyết phục Kim Vân Phi cùng mình kết nghĩa kim lan, đương nhiên đã phải vẽ ra viễn cảnh rất tươi sáng. Kim Vân Phi vì thấy Yên vương quá nhiệt tâm, lại không ưa triều đình Kim Lăng, và nhất là lời hứa phong vương nghe rất bùi tai, nên đã đồng ý cùng Yên vương kết nghĩa huynh đệ. Yên vương Chu Lệ lúc này 40 tuổi, làm anh. Kim Vân Phi 26 tuổi, làm em. Cả hai bày hương án bái tế thiên địa, chính thức kết nghĩa kim lan. Sau đó, Kim Vân Phi mới nhận lời đưa Yên vương đến Tây An dẫn kiến cùng Kim Tài Thần và Kim Tổng đốc, thuyết phục hai người họ ủng hộ Yên quân.



Yên vương ở lại Tây An mấy tháng, có được nhiều cuộc tiếp xúc bí mật, kiến văn mở mang nhiều, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có thế lực. Tháng hai năm sau, tức Kiến Văn đệ tam niên (1401), Yên vương mới quay trở lại Bắc Bình, chỉnh bị binh mã chuẩn bị nam chinh lần nữa.



Tháng ba, Yên quân tại Giáp Hà (thuộc địa phận Vũ Ấp, Hà Bắc) đại bại quân bắc phạt do Thịnh Dung cầm đầu. Sau đó Thứ tử Cao Tuấn dẫn quân đánh thắng nhiều trận nữa, đẩy lùi quân triều đình về bên kia sông, chiếm lại được toàn bộ vùng Hà Bắc. Quân triều đình Kim Lăng lại phải rút về Tế Nam. Chiếm giữ được toàn bộ vùng phía bắc Hoàng Hà, Yên vương lập tức đại cử khoách quân, gia tăng quân số lên 20 vạn. Hai trấn Hà Nam, Thiểm Tây vận lương sang hỗ trợ. Quân lương sung túc, Yên vương hăng hái luyện quân nam chinh.



Mùa đông năm đó, Yên vương được tin quân chủ lực của triều đình Kim Lăng tập trung chủ yếu ở Tế Nam, liền lên kế hoạch tập kích Kim Lăng, sau sứ đến Tây An nhờ hỗ trợ.



Kiến Văn đệ tứ niên, tháng ba. Quân Tam trấn hội họp 40 vạn quân tinh nhuệ, chia làm hai đường đông tây áp sát Tế Nam, phong tỏa sự liên hệ giữa quân triều đình ở Tế Nam với triều đình Kim Lăng. Quân triều đình tuy đông đến hơn 50 vạn, nhưng chủ yếu là tân binh ô hợp, không sao chống nổi 40 vạn quân Tam trấn tinh nhuệ năng chinh thiện chiến. Thịnh Dung, Thiết Huyền đành suất bộ chúng cố thủ Tế Nam.



Yên vương nhân cơ hội đó, dẫn quân Bắc Bình mượn đường Hà Nam tiến đến vùng Hoài thủy. Triều đình Kim Lăng được tin cấp báo, vội khẩn cấp tập hợp số quân đội còn lại được 15 vạn, giao cho Bình An, Từ Huy Tổ chỉ huy, đến vùng Hoài thủy lập phòng tuyến kháng cự. Dùng 15 vạn quân phòng ngự 20 vạn Yên quân, tuy chiến sự thảm liệt, nhưng tạm thời phòng tuyến vẫn đứng vững được, tranh thủ thời gian cho triều đình chinh tập thêm binh mã.



Trong khi đó, ở triều đình Kim Lăng, Tề Thái và Hoàng Tử Trừng biết rằng nếu để Yên quân tiến được vào Kim Lăng thì thân gia tính mạng bọn họ khó bảo toàn, nên đốc thúc Kiến Văn đế khẩn trương chinh binh và ban chiếu cần vương, lệnh cho các trấn mang quân đội, vận lương thảo về kinh hỗ trợ triều đình. Chỉ trong một thời gian ngắn, triều đình đã chinh tập được 10 vạn quân, khẩn trương huấn luyện để đưa đến phòng tuyến Hoài thủy ngăn chặn Yên quân nam hạ.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây